Tĩnh vật
Truyện ngắn của Hạo Nguyên

11/01/2012 14:25

1.

Anh đã bị nó chộp lấy. Phải, chính xác là nó chộp lấy anh, chứ không phải ngược lại. Một cách thức bí mật và lạ kỳ nào đó, nó đã bắt anh phải nhìn thấy nó trong mớ hỗn độn của gánh hàng bà ve chai khi bà đi ngang qua quán cà phê vỉa hè mà mỗi sáng anh hay ngồi.

Lúc đó là tám giờ sáng. Anh đang nhâm nhi cà phê và ngẫm cách phối màu của Van Gogh ở bức Mười lăm bông hướng dương trong chiếc lọ. Giật mình. Một cái gì đó bỏng rát trên má. Và anh nhìn thấy nó, trong cái gánh đầy bao bì, giấy vụn, đồng nát của bà ve chai. Nó nằm cuối cái thúng, tỏa sáng lạnh lùng nhưng quyến rũ. Nó kêu gọi anh. Bằng thứ ánh sáng bí ẩn và tiếng thì thầm xa xăm, nó kêu gọi anh. Hãy ngừng suy nghĩ về Van Gogh. Hãy nhìn tôi, tôi cần cho anh bạn và anh bạn cần tôi hơn là Van Gogh đấy.

Anh đứng dậy, không đắn đo, mua ngay, cái giá bình thường mà người bán ve chai nào cũng bán như thế.

Từ đây, chúng ta thuộc về nhau. Anh nghe nó thầm thì như thế.

Minh họa của Kim Duẩn
Minh họa của Kim Duẩn

2.

Đương nhiên, nó không phải là một chiếc bình cổ, lại càng không phải là thứ mà các nhà Christie’s hay Sotheby’s hét giá hàng trăm ngàn đô la mà vẫn có người mua. Đó chỉ là một chiếc lọ bằng sứ bình thường, tương đối cũ, nhưng nhất quyết không phải là đồ sứ Chu Đậu, Bát Tràng hay bất cứ thứ gì đại loại như thế.

- Tất nhiên là không phải.

Ông bạn vong niên, một nhà khảo cổ ngắm nghía nó rồi khẳng định dứt khoát.

- Không phải là sứ Bát Tràng, Chu Đậu, Thanh Trì, Hải Dương, Đông Triều, Đồng Nai. Cũng không phải đồ sứ Trung Quốc hay Nhật Bản. Nói chung là không có gì đặc biệt, người thợ làm gốm sứ nào cũng có thể làm ra nó.

- Nhưng chắc chắn là phải có một xuất xứ nào đó chứ?

- Cái này thì tôi không rõ. Cậu có thể biết Picasso hay Gauguin sinh ra ở đâu, chứ làm sao biết nơi sinh của một họa sĩ vẽ tranh quảng cáo trên đường Lê Lợi?

- Nghĩa là nó hoàn toàn bình thường?

Ông bạn gật đầu, nhìn anh, ánh mắt lạ lùng:

- Cậu không định đem nó đến bảo tàng văn hóa, hay là đem đi đấu giá đấy chứ?

- Không, đương nhiên là không.

Anh lắc đầu. Anh không thể giải thích cho ông bạn về sự đặc biệt của chiếc bình. Làm sao nó có thể thu hút sự chú ý của anh? Làm sao nó có thể thì thầm với anh? Chắc hẳn nó phải có một gốc gác đặc biệt, nếu không là phải từ thời cổ xưa nào đó thì cũng phải đến từ sao Hỏa hoặc chí ít là mặt trăng. Hay là nó bị ma ám, hoặc bị mụ phù thủy nào đó yểm bùa chú?

- Thôi, tôi về đây.

Ông bạn vỗ vai anh, cười tếu:

- Cậu có thể dùng nó để đi tiểu mỗi khi không muốn ra khỏi giường. Thế thôi. Và tuyệt đối đừng nghĩ đến việc đưa nó đi triển lãm nhé.

Ông bạn cười hềnh hệch, rồi như chợt nhớ ra điều gì:

- À, có thể đưa nó lên lớp cho đám sinh viên vẽ tĩnh vật được đấy.

3.

Tất nhiên là anh sẽ vẽ nó, chứ không đưa ra làm mẫu cho sinh viên. Nó là một vật mẫu thật tuyệt. Đáng để vẽ.

Một bức tĩnh vật. Chính xác là thế. Sẽ không có cái gì đáng gọi là tranh tĩnh vật khi không có nó hiện diện trong bức tranh đó. Bản thân cái bình chứa đựng sự yên lặng lạ kỳ, một sự yên lặng đầy xao động.

- Tôi cần hoa.

Ồ, tất nhiên rồi. Làm sao anh lại không nghĩ đến điều đó cơ chứ? Bên cạnh sự trầm mặc cổ xưa của nó, tính sống động của những bông hoa sẽ nổi bật hẳn lên.

Anh cắm vào trong bình mấy cành hoa chuông. Màu trắng tinh khiết, đường nét mong manh của hoa chuông chắc chắn thích hợp với nước men nâu trầm và hình khối mạnh mẽ của chiếc bình.

Không ngờ là anh mất cả tháng trời để hoàn thành. Một thời gian quá lâu cho một bức màu nước thông thường. Anh đã phải thay những đóa hoa chuông cả thảy năm lần.

Suốt thời gian đó, chiếc bình hầu như yên lặng tuyệt đối. Có lẽ nó cũng đang ý thức rằng mình là một mẫu vật. Nhưng thi thoảng anh nghe nó thở dài, ra vẻ bực dọc.

Có sao đâu chứ? Dẫu thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể bắt một họa sĩ phải dỗ dành một chiếc lọ để nó vui lòng làm mẫu cho mình. Điều đó hết sức vô lý.
Bức tranh không thực sự hoàn hảo như anh muốn. Chính những tiếng thở dài của cái bình đã khiến anh bị phân tán đôi chút. Nhưng không sao, anh vẫn có thể đem lên lớp làm mẫu trong tiết học đến.

4.

- Đây là tác phẩm tôi vừa hoàn thành. Bảy đóa hoa chuông trong bình sứ, tên khác là Trắng và thở dài.

Anh trải bức tranh ra, treo lên bảng, rồi đi về bàn giáo viên. Khi nhìn xuống lớp, anh cảm nhận một không khí im lặng và căng thẳng không bình thường. Dĩ nhiên, anh nghĩ, mặc dù chưa hoàn hảo theo ý anh, nhưng bức tranh chắc chắn gây ấn tượng mạnh.

- Tôi nghĩ nó sẽ không làm các bạn thỏa mãn như là một điển hình của tranh tĩnh vật. Vì tôi không thể phải là Cezanne hay Van Gogh. Nhưng các bạn có thể tham khảo tác phẩm này như một tìm tòi trong cách xử lý xung đột màu sắc và hình khối.

Vẫn là sự im lặng khó hiểu của đám sinh viên. Những đôi mắt bối rối nhìn nhau hoặc nhìn anh, những cái trán nhíu lại, thậm chí có một cậu sinh viên mím miệng giấu tiếng cười. Anh ngạc nhiên nhìn cả lớp, rồi lên tiếng:

- Các bạn có ý kiến gì đi chứ?

Một vài cô cậu sinh viên huých nhau, nhưng vẫn yên lặng. Cuối cùng, chính cậu sinh viên đang nén tiếng cười kia đứng lên:

- Thưa thầy, em nghĩ khó có thể gọi đây là một bức tĩnh vật.

Anh đỏ mặt. Cậu ta định nói gì?

- Bạn giải thích rõ đi nào.

Cậu sinh viên có vẻ lúng túng. Hừm, các cô cậu luôn muốn làm nhà phê bình hội họa trước khi trở thành họa sĩ.

- Dạ, đơn giản là chúng em chẳng thấy gì trên đó.

Chẳng thấy gì trên đó? Ý cậu ta là sao? Anh hoàn toàn không hiểu. Cậu ta đâu có bị mù màu hay loạn thị.

- Đúng thế ạ.

Một vài tiếng phụ họa. Một vài cô cậu bắt đầu cười thành tiếng. Anh bối rối nhìn cả lớp rồi quay sang nhìn bức tranh trên bảng.

Đúng là bức tranh mà anh vừa hoàn thành. Còn nguyên thủ bút đề tên tác phẩm và chữ ký của anh trên đó.

Chỉ có điều, trên cái khung vải ấy, chẳng có một chiếc bình nào, và cũng chẳng có đóa hoa chuông nào. Chỉ có vài nhát màu lem luốc, nếu cố gắng tưởng tượng thì tạm hình dung ra một mặt phẳng, như mặt bàn. Ngoài ra, không có gì để gọi là một bức tĩnh vật.

Như thể có một tên trộm đã thò tay vào khung vải, cuỗm mất lọ hoa. Chỉ còn lại trong bức tranh sự trống hoác như cái mồm giễu cợt của hắn.

5.

Rõ ràng là có gì đó hoàn toàn bất thường. Không thể nào có chuyện một bức tranh đã hoàn chỉnh, đề tên và chữ ký tác giả, khi mở ra cho mọi người xem lại không có gì trong đó. Chắc chắn phải có ai đó phá bĩnh, đã nhân anh sơ hở và xóa hết những gì anh đã vẽ. Dĩ nhiên, điều đó thật khó xảy ra. Xóa những gì đã vẽ của một bức màu nước hoàn toàn không đơn giản như lấy cục tẩy xóa những nét bút chì. Và vì lý do gì kia chứ?

Anh nhìn bức tranh, rồi nhìn cái bình. Rõ ràng là vấn đề ở chỗ cái bình. Chắc chắn là thế. Nhưng vấn đề là gì thì anh vẫn không nghĩ ra. Chẳng lẽ nó tự biến mất khỏi bức tranh và lôi theo cả những đóa hoa chuông? Chỉ nghĩ đến điều đó đã thấy phi lý và điên rồ hết sức.

- Có thể là do thứ màu mà anh dùng chăng?

Ông bạn sau khi xem kỹ bức tranh, đặt nghi vấn.

- Nhiều khi anh mua nhầm bột màu rởm, vài ba hôm đã phai hết, chỉ còn lại một lớp bột mỏng. Và một cái hắt hơi cũng biến tác phẩm rực rỡ thành mảnh vải trắng tinh.

Anh im lặng. Điều này cũng vô lý. Nhưng có thể là một giả thiết chấp nhận được.

Đến lúc đó, nó vẫn yên lặng, không có một biểu hiện gì bất thường.

Anh chăm chú nhìn nó. Anh sẽ vẽ lại một bức khác.

6.

Lời kể của nhánh tử đinh hương:

Mình hoàn toàn không thích cái lọ này. Nói cho cùng thì vì lý do gì mà mình phải cắm trong nó chứ? Đương nhiên, một nhánh hoa tử đinh hương, hay bất cứ nhánh hoa nào khác, không có quyền chọn cái lọ cho mình. Nhưng nói thế nào thì nói, mình không phải loại hoa vớ vẩn để có thể đem cắm ở bất kỳ cái lọ nào. Thêm nữa, tại sao màu tím của mình lại có thể đặt bên cạnh nước men xám xỉn của cái lọ này? Không có lấy một gram thẩm mỹ nào. Cái nước men ấy nên thuộc về những chiếc lư hương thì tốt hơn.

Vì lý do gì cơ chứ? Mình không thích cái lọ này ngay từ đầu. Ngay trong cái nhìn đầu tiên, mình đã cảm thấy khó chịu. Rõ ràng là thế. Như thể phải mặc áo choàng lông trong mùa hạ. Nó phản ứng với mình ngay khi mình vừa được cắm vào. Nó bảo mình không xứng đáng. Nó bảo mình kênh kiệu. A, gì nhỉ, nó bảo mình là con mụ nhặng xị ngu ngốc. Giá như còn nguyên cả gốc, mình sẽ nện cho nó một trận ra trò. Nhưng mình chỉ còn lại mấy cành nhỏ, và mươi cái hoa yếu ớt vô hại. Mình đành làm thinh.

Và rõ ràng là mình cảm nhận đúng. Cái lọ không thuộc về thế giới này. Ý mình nói là cái thế giới trong đó mình và ông họa sĩ đang hiện diện. Cái lọ đến từ một thế giới khác. Mình cảm nhận rõ điều đó qua từng mạch máu của mình. Nó có vẻ bí hiểm, thâm trầm, đôi lúc lịch lãm, nhưng thường là thô bạo. Nó chứa trong lòng cái gì mênh mông như thể bóng tối, nhưng đồng thời lại lấp lánh trên từng centimet nước men, như có cả một thiên hà đang vận hành ở đó.

Dù nói gì thì nói, mình và cái lọ hoàn toàn không hợp nhau. Ở đây không chỉ đơn thuần là khía cạnh nghệ thuật, sự dung hòa màu sắc hay hình thể hay bố cục. Làm sao hai cá thể của hai thế giới khác biệt lại có thể dung hợp nhau? Tất nhiên là không.

Kết quả là sau hai ngày cắm trong lọ, mình đã bị rút kiệt hoàn toàn năng lượng. Ông họa sĩ thay mình bằng những anh em khác của mình. Nhưng sẽ chẳng giải quyết được gì đâu. Mình biết chắc. Mà ông họa sĩ cũng có vẻ hiểu điều đó. Mình thấy ông ta thở dài khi lấy mình ra khỏi lọ và đưa những anh em khác vào.

Cái lọ chắc chắc là hiểu. Nhưng tại sao nó không phản ứng? Nó hoàn toàn có thể nói cho ông họa sĩ điều đó. Nhưng nó đã không nói. Chỉ thi thoảng nó lắc đầu, tỏ vẻ không vừa ý. Mình đoán là nó đang chờ đợi, nhưng chờ đợi cái gì và vì sao phải chờ đợi thì mình không suy ra được.

Dù gì thì gì, nó hoàn toàn không thể hiểu được. Mình đã bảo rồi. Nó không thuộc thế giới này. Nhưng mình không biết làm sao nói với ông họa sĩ điều ấy.

7.

- Chiều nay qua chỗ tôi nhé. Có chai vang Pháp rất ngon. Nhân tiện nhờ anh xem bức tranh vừa mới hoàn thành. Sao? Đúng, vẫn cái bình ấy. Lần này với hoa tử đinh hương. Không, chắc chắc là không rồi. Tôi đổi bột màu. Đúng thế. Vậy nhé.

Anh khoan khoái xoa tay. Bức tranh khiến anh mãn nguyện. Màu sắc miễn chê. Đặc biệt là cái cách anh làm cho nước men của chiếc bình sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời rớt xuống từ những cánh tử đinh hương. Cả một khám phá về nghệ thuật pha màu, phối màu và tương phản ánh sáng.

Đúng năm giờ ba mươi thì ông bạn đến. Bàn nhậu nho nhỏ đã chuẩn bị sẵn.

- Cho tớ xem tác phẩm mới đi nào.

Sau dăm chén rượu, ông bạn giục. Anh cười hỉ hả.

- Có ngay.

Anh kéo tấm khăn che bức tranh.

- Để tôi bật đèn, hơi tối.

Đèn sáng lên. Ông bạn bước tới gần bức tranh. Anh lui qua một bên.

- Gì thế này?

- Sao cơ?

- Có cái bình nào đâu?

Anh nhìn. Trên nền vải chỉ có những bông tử đinh hương, đứng chơ vơ trên mặt bàn, cứ như mọc lên từ đó. Hoàn toàn không có một chiếc bình nào cả.

8.

- Hãy tạm quên chiếc bình đi. À, có người bạn vừa nhờ tôi đọc giúp một phần bản thảo vở kịch của anh ta, Những đối thoại vĩ đại và phù phiếm.

- Ai?

Anh nhấp ngụm rượu, hỏi một cách lơ đễnh.

- Một nhà viết kịch. Mới vào nghề. Tôi có đem đây, để đọc cậu nghe.

Henry Matisse và chiếc ghế bành

(viết gọn là Mat và Ghế)

Ghế:  Tôi chỉ việc ngồi im, đúng không?

Mat: Không, không thể là ngồi im.

Ghế: Vậy di chuyển? Liên tục?

Mat: Không, không thể là di chuyển.

Đó là bức họa người đàn bà khỏa thân ngồi trong một chiếc ghế bành, giữa gian phòng màu sắc huy hoàng một cách rối loạn.

Ghế: Điều này rất khó. Có đường ray thứ ba chứ? Đường ray cho tôi không ngồi im cũng không di chuyển, hoặc vừa ngồi im vừa di chuyển.

Mat: Chắc có đấy.

Ghế: (huýt gió chờ đợi)

Mat: Đấy, đấy.

Ghế: Sao cơ?

Mat: Tôi nói đường ray thứ ba đấy.

Ghế: Đâu nào?

Trước hết là mình sẽ làm nổi bật một chiếc ghế. Chiếc ghế bành ngồi im. Đúng, nhưng không phải ngồi im. Mà là chuyển động. Đúng, một chiếc ghế bành luôn chuyển động trong sự bất động của nó. Một chiếc ghế bành ngồi im, huýt gió và chờ đợi.

Ghế: Có thể ông đúng. Nhưng nghĩ xem nào, một chiếc ghế bành chờ đợi một giai nhân khỏa thân đến ngồi lên ư?

Mat: Còn gì tuyệt hơn chứ?

Ghế: (lại huýt gió, nhưng chế giễu)

Mat: Thực ra thì cậu còn chờ đợi vài thứ khác.

Ở góc phòng, có một cái trống. Qua một khung cửa sổ người ta thấy một mảng trời. Người đàn bà khỏa thân trong một gian phòng.

Ghế: Tôi sẽ chờ gì đó ở cái trống?

Mat: Chính thế.

Ghế: Chờ nó tự dưng kêu tung tung?

Mat: Cái đó thì còn tùy. Nhưng phận sự một cái trống đâu phải là yên lặng suốt đời, đúng không?

Ghế: Đồng ý.

Mat: Và khung trời ngoài cửa sổ.

Ghế: Ồ, nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.

Mat: Cái gì thế?

Ghế: Thơ Nguyễn Du.

Có vẻ chiếc ghế hơi điên thật đấy. Nhưng không sao. Cho là mình thì cũng phải phát điên lên trước kiệt tác ấy của tạo hóa.

Ghế: Nào, vẽ đi. Cô ta làm tôi ê ẩm rồi.

Mat: Bình tĩnh. Tôi phải chờ một lát.

Ghế: Chờ gì? Ông không định lấy cớ để ngắm nghía cô ta chứ?

Phải chờ. Phải để cô gái và cái ghế và cái trống và khoảng trời ngoài cửa sổ lắng lại một tí. Lắng lại một tí, bạn nghe rõ chứ? Tốt. Tôi muốn diễn tả một không gian với những đồ vật sao cho giống như bầu trời và mặt bể, nghĩa là hết sức giản dị và yên tĩnh. Tôi cần chúng lắng lại.

Ghế: Tôi phải ngủ đây.

Mat: Cứ thư giãn. Hãy mơ về cánh rừng nơi anh bạn ra đi từ đó.

Ghế: (ngáp dài). Cô ta cũng ngủ rồi.

Mat: Tốt. Chúng ta cùng ngủ.

Cần hướng tới sự êm dịu, điều hòa. Tuyệt đối không cần những thứ cầu kỳ, làm mệt óc nhau. Một thứ gì, tựa như một chiếc ghế bành, giúp cho những tâm hồn và trí não được nghỉ ngơi, thư giãn và đi vào một đường ray dịu dàng nhất.

9.

Tự sự của tấm vải:

Anh ta đã ngồi suốt cả một tuần chỉ để ngắm nghía cái bình. Từ khi mở mắt ra đến khi đi ngủ. Thi thoảng anh ta có đến lớp vài tiếng hoặc ra quán cà phê, thời giờ còn lại anh ngồi trước nó, ngắm nghía, vuốt ve, đôi khi trò chuyện. Và đem nó lên giường, ngủ.

Rồi anh ta căng tôi lên khung vẽ vào một buổi sáng chủ nhật, sau đúng một tuần nghiên cứu cái bình. Đúng là nghiên cứu. Vì thú thực là tôi cảm giác cái bình như một nan đề, tựa như định lý cuối cùng của Fermat hay bổ đề cơ bản vậy (mở ngoặc một tí là tôi rất ngưỡng mộ Andrew Wiles và Ngô Bảo Châu). Nói tiếp về cái bình. Lúc nào hắn ta cũng trầm ngâm đầy bí ẩn, thi thoảng hắn nói với những đồ vật xung quanh: ta mang trong mình rất nhiều huyền thoại, bản thân ta là một ẩn dụ. Nói thế để làm gì? Đơn giản và hòa nhã không dễ chịu hơn sao?

Nhưng thôi, đó là chuyện của hắn ta. Tôi đang nói về họa sĩ. Rốt cuộc là sau cả một chủ nhật bắt tôi căng từng phân da thịt trên khung vải, vào lúc tám giờ tối, anh ta đã tô lên tôi những mảng màu đầu tiên.

Lần này cắm trong bình là một bó hoa sao nhái đủ màu sắc. Vô cùng rực rỡ.

Ơ? Tôi đã định thốt lên khi thấy sau những đường nét anh ta phác ra, lại hình thành một con mắt. Chính xác là thế, một con mắt ngay trung tâm bức tranh, chiếm gần hết khuôn mặt của tôi. Thế thì còn chỗ nào cho cái bình, những đóa sao nhái điệu đàng, và cả vô khối yếu tố kèm theo: mặt bàn, bức tường sau lưng, ngọn đèn và ánh sáng hắt ra từ nó, một con bướm đa tình gà gật trên tường…? Rõ ràng là anh ta đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc về bố cục và điều tiết không gian. Nhưng tôi không kêu lên được. Vả lại, có gì hay ho khi một tấm vải lại lên lớp cho họa sĩ về lý thuyết hội họa kia chứ?

Nhưng cho đến nửa đêm, dần rồi tôi nhận ra được ý đồ của anh ta: vẽ ra hình dáng phản chiếu của một chiếc lọ sứ với những đóa hoa sao nhái trong đôi mắt mở to tượng trưng cho sự nhận thức toàn diện.

Tôi không có thời gian để kể lại chi tiết quá trình hoàn thành bức tranh. Các bạn biết không, anh ta vẽ suốt đêm. Một đêm trắng. Và thật thú vị, khi bức tranh hoàn thành, tôi nghĩ rằng mình đã hiểu được thông điệp của anh ta: một chiếc lọ sứ cắm đầy hoa sao nhái, được nhìn qua một con mắt, có tỷ lệ rất nhỏ so với thực tế, nhưng nó lớn lao hơn nhiều lần vì nó đã nhân đôi chính mình. Và, trong sự quan sát của con mắt, lọ sứ và những đóa hoa sao nhái chỉ có vài màu sắc, nhưng sự khiêm tốn màu sắc ấy lại gợi lên cả một thế giới, thậm chí là vô lượng thế giới.

Và, có biết bao ý nghĩa sâu xa khác mà bức tranh ấy có thể gợi lên. Tôi nghĩ chắc chắc là có. Nhưng với trình độ của một tấm vải, tôi chỉ hiểu được đến đó. Còn mong chờ gì hơn ở một tấm vải?

Đúng tám giờ sáng hôm sau, một buổi sáng thứ hai với bình minh rạng rỡ, anh ta bỏ cây cọ xuống và đi qua đi lại ngắm bức tranh. Đôi lần anh chau mày, đôi lần anh mỉm cười, đôi lần anh trầm ngâm nhìn ra buổi sáng ngoài cửa sổ.

Cuối cùng, anh lấy một tấm voan mỏng trùm lên bức tranh (tức trùm lên tôi), như người ta che mặt cô dâu trước khi chú rể đến. Và anh dọn dẹp đồ đạc, đóng cửa sổ, tắt đèn, bước ra ngoài. Anh ra quán cà phê. Vừa đi, anh vừa huýt gió một giai điệu đẹp của Paul De Senneville.

10.

Anh ngủ dậy lúc bốn giờ chiều. Giấc ngủ ngày sau một đêm thức trắng thường khiến mệt mỏi. Nhưng anh hoàn toàn sảng khoái. Anh đã giữ được sự hưng phấn suốt từ hồi tối đến giờ, kể cả trong khi ngủ. A, trong giấc mơ trưa nay, anh thấy mình đang tập thể dục trong một căn phòng nhỏ. Hai người bên cạnh trong hàng của anh là Renoir và Manet.

Anh đánh răng rửa mặt, vào bếp pha một ly cà phê, mở cửa sổ, bật đĩa nhạc Paul De Senneville. Châm một điếu thuốc. Và kéo tấm khăn che bức tranh, như chú rể nâng khăn che mặt cô dâu, lòng xao động vì sắp sửa chiêm ngưỡng một đóa địa đàng.

Nhưng trên khung vải chỉ có một mảng màu xám hình elip.

Anh nhìn kỹ: một mắt kính râm che kín con ngươi.

Ngoài ra chẳng có gì.

11.

Bố cục

(Trích đoạn cuối Những đối thoại vĩ đại và phù phiếm)

- Hãy bước vào tôi.

- Bước vào?

- Đúng thế.

- Nghĩa là…?

- Chỉ việc bước vào, thế thôi. Nhấc những cái chân lên, đến đây, và bước vào.

- Tôi chưa hề tưởng tượng đến điều đó.

- Mọi thứ đều có thể tưởng tượng. Vấn đề là dám. Nói cách khác, có đủ sức để trèo qua bức tường và nhảy ra cánh đồng mênh mông ngoài kia hay không.

Hãy nói với Van Gogh: xin lỗi, nhưng tôi chán ông lắm rồi. Với Matisse: thật ái ngại, nhưng quả là tôi không thích chiếc ghế bành của ông. Với Renoir hay Cezanne: thôi đủ rồi đấy, chúc sức khỏe.

- Nhưng vấn đề là bước vào cơ mà?

- Đúng.

- Chỉ cần đến và bước vào? Đơn giản thế thôi ư?

- Mọi thứ đều đơn giản. Nói cho nghe một bí mật nhé: ngay cả một cấu tạo vô cùng rắc rối như trái đất hay mặt trời thì cũng chỉ đơn giản là một dấu chấm.

- Dấu chấm? Ô, đúng là vậy thật.

Mỗi buổi sớm, con bướm sẽ bay đến bên hoa chuông, hoa tử đinh hương hay hoa sao nhái. Mỗi lúc tám giờ sáng, quán cà phê vỉa hè sẽ mở băng cassette có những giai điệu của Paul De Senneville. Mỗi tối, ngọn đèn đường sẽ bật lên lúc mười giờ khuya.

- Vậy là đi tới và bước vào?

- Đúng. Đơn giản là thế. Vừa đi vừa lắng nghe.

- Sau đó?

- Sau đó thì im lặng.

Hãy lắng nghe. Những tiếng nói huyền diệu nhất đều không có âm thanh. Đó là điều cốt yếu. Im lặng để nghe sự im lặng.  Sau đó, không cần nghĩ gì nữa. Chạm vào nhau. Và bố cục hình thành.

- Có lẽ tôi hiểu. Nhưng vì sao không phải hoa chuông, hoa tử đinh hương hay hoa sao nhái, mà phải là tôi?

- Vì anh đã chọn tôi, và tôi cũng đã chọn anh. Nói cách khác, chúng ta cùng được chọn cho một bố cục.

- Nhưng…

- Trong khi anh hoàn toàn không hiểu gì về tôi, không cảm nhận được gì trong tôi, không lắng nghe được những điều tôi thì thầm, và cả những tiếng thở dài của tôi thì anh mong đợi gì ở những loại hoa kia?

Bây giờ thì nhắm mắt và thở thật nhẹ, như đang tập yoga. Đúng, chân phải, chân trái, hít vào, thở ra. Không nghĩ gì. Tâm trí như khoảnh khắc im lặng giữa hai nốt nhạc. Đúng, cứ như thiền hành. Mà thiền hành đấy.

- Tôi đang đến.

- Ồ, rất gần rồi. Tôi đã cảm nhận được bức xạ nhiệt của cơ thể anh.

- Đúng là tôi đã lầm, không phải là một chiếc bình sứ thông thường.

- Quên luôn điều đó đi.

- Đúng vậy. Quên.

- Thế, gần qua bức tường rồi.

- Cứ thế này thì tốt chứ?

- Đúng vậy. Thật hay là anh đã hiểu.

- Tôi nghĩ đã đến rồi.

- Đúng vậy. Anh đã đến. Xem nào, mất cả một năm trời để anh đi từ cái giá vẽ đến chỗ tôi đấy.

- Lãng phí quá nhiều thời gian.

- Nhưng nó là cần thiết.

- Tôi cũng nghĩ thế.

- Anh thấy thế nào?

- Rất hài hòa. Đầy sức sống. Vô cùng hoàn hảo.

*

*     *

Cuối cùng, trong một đêm yên tĩnh, anh đã đến bên bình sứ và bước vào trong nó.

Thật lạ lẫm, nhưng cũng thật tuyệt diệu. Sự im lặng đầy sức mạnh bao trùm cả căn phòng, cả anh, cả chiếc bình.

Một bố cục thần thánh.

Đây chính là bức tĩnh vật anh cần vẽ. Và giờ thì đã hoàn thành.