Chế định văn hóa, giáo dục trong Hiến pháp 1992 - vấn đề và định hướng sửa đổi

Gs.Ts Nguyễn Minh Thuyết
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ
09/01/2012 07:49

* Chế định văn hóa, giáo dục trong Hiến pháp 1992 * Chế định văn hóa, giáo dục trong các Hiến pháp trước 1992 * Chế định văn hóa, giáo dục trong Hiến pháp một số nước * Định hướng sửa đổi, bổ sung các chế định văn hóa, giáo dục trong Hiến pháp 1992

Chế định văn hóa, giáo dục trong Hiến pháp 1992

Hiến pháp 1992 gồm 12 chương, 147 điều, trong đó Chương III dành cho các chế định “Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ”. Tuy Chương III có tên gọi như vậy nhưng bao gồm cả chế định về các lĩnh vực y tế, thể dục thể thao và du lịch. Mặt khác, những vấn đề văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ, y tế còn được quy định ở ít nhất 9 điều thuộc Chương V – “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.

Điều 59 (quyền và nghĩa vụ học tập của công dân; trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm cho công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ này);

Điều 60 (quyền nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác của công dân; trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm cho công dân thực hiện những quyền này);

Điều 61 (quyền và nghĩa vụ của công dân trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh; trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm cho công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ này);

Điều 63 (quyền bình đẳng nam nữ; trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm cho công dân thực hiện quyền này);

Điều 64 (hôn nhân và gia đình; trách nhiệm bảo hộ của Nhà nước);

Điều 65 (quyền của trẻ em; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em);

Điều 66 (quyền của thanh niên; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội bảo đảm cho thanh niên thực hiện những quyền này);

Điều 69 (quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền được thông tin; quyền hội họp, lập hội, biểu tình của công dân);

Điều 70 (quyền tự do tín ngưỡng của công dân; trách nhiệm của Nhà nước và xã hội bảo đảm cho công dân thực hiện quyền này).

Những dẫn liệu nói trên cho thấy, cấu trúc của Hiến pháp 1992 không hợp lý. Bên cạnh đó, phần lớn quy định trong Hiến pháp 1992 về văn hóa, giáo dục ở Chương III hoặc không phải là quy phạm pháp luật hoặc quá chi tiết, vượt ra ngoài khuôn khổ của một đạo luật cơ bản hay một khế ước xã hội điều chỉnh những mối quan hệ cơ bản nhất. Ví dụ, Điều 30, “Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát huy mọi tài năng sáng tạo trong nhân dân”.

Điều 32: “Văn học, nghệ thuật góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn cao đẹp của người Việt Nam. Nhà nước đầu tư phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện để nhân dân được thưởng thức những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị; bảo trợ để phát triển các tài năng sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Nhà nước phát triển các hình thức đa dạng của hoạt động văn học, nghệ thuật, khuyến khích các hoạt động văn học, nghệ thuật quần chúng”.

Điều 33: “Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa dân tộc; chăm lo công tác bảo tồn bảo tàng, tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy tác dụng của các di tích lịch sử, cách mạng, các di sản văn hóa, các công trình nghệ thuật, các danh lam thắng cảnh”.

Điều 35: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhà nước và xã hội phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Mục tiêu của giáo dục là hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; đào tạo những người lao động có nghề, năng động và sáng tạo, có niềm tự hào dân tộc, có đạo đức, có ý chí vươn lên góp phần làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Điều 41: “Nhà nước và xã hội phát triển nền thể dục, thể thao dân tộc, khoa học và nhân dân.”

Điều 42: “Nhà nước và xã hội phát triển du lịch, mở rộng hoạt động du lịch trong nước và du lịch quốc tế”.

Chế định văn hóa, giáo dục trong các Hiến pháp trước 1992

Hiến pháp 1946 gồm 7 chương, 70 điều, có 3 điều quy định về văn hóa, giáo dục ở Chương II – “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân”. Cụ thể là Điều thứ 6: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa.” Điều thứ 10: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng...”. Điều thứ 15: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình nhà nước.”

Hiến pháp 1959 gồm 10 chương, 112 điều, có 7 điều quy định về văn hóa, giáo dục ở Chương I – “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” và ở Chương III – “Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.

Cụ thể là Điều 3: “... Các dân tộc có quyền duy trì hoặc sửa đổi phong tục tập quán, dùng tiếng nói chữ viết, phát triển văn hóa dân tộc mình... Nhà nước ra sức giúp đỡ các dân tộc thiểu số mau tiến kịp trình độ kinh tế và văn hóa chung.”

Điều 24: “Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình... Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ và của trẻ em, bảo đảm phát triển các nhà đỡ đẻ, nhà giữ trẻ và vườn trẻ.”

Điều 25: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó.”

Điều 26: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.”

Điều 33: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền học tập. Nhà nước thực hiện từng bước chế độ giáo dục cưỡng bách, phát triển dần các trường học và cơ quan văn hóa, phát triển các hình thức giáo dục bổ túc văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ, tại các cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức khác ở thành thị và nông thôn, để bảo đảm cho công dân được hưởng quyền đó.”

Điều 34: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền tự do nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật, và tiến hành các hoạt động văn hóa khác. Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ tính sáng tạo của những công dân theo đuổi sự nghiệp khoa học, văn học, nghệ thuật và các sự nghiệp văn hóa khác.”

Điều 35: “Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục, thể dục.”

Hiến pháp 1980 gồm 12 chương, 147 điều. Các quy định về văn hóa, giáo dục thể hiện ở Chương I – “Nước CHXHCN Việt Nam – Chế độ chính trị”, Chương III – “Văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật” và Chương V – “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Những quy định về văn hóa, giáo dục ở Chương I về cơ bản giống như Hiến pháp 1992, chỉ nêu những định hướng chính sách, chứ không phải là quy phạm pháp luật.

Ví dụ Điều 37: “Nước CHXHCN Việt Nam đẩy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hóa, xây dựng nền văn hóa mới có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân; xây dựng con người mới có ý thức làm chủ tập thể, yêu lao động, quý trọng của công, có văn hóa, có kiến thức khoa học, kỹ thuật, có sức khỏe, yêu nước xã hội chủ nghĩa và có tinh thần quốc tế vô sản.”

Điều 44: “Văn học, nghệ thuật Việt Nam được xây dựng trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và theo đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp đều được khuyến khích phát triển, nhằm giáo dục đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giáo dục đạo đức, tư tưởng, tình cảm cách mạng, nâng cao trình độ thẩm mỹ và thỏa mãn nhu cầu về văn hóa của nhân dân.”

Chế định văn hóa, giáo dục trong Hiến pháp một số nước

Với tư cách là một đạo luật cơ bản hay một khế ước xã hội điều chỉnh những mối quan hệ cơ bản nhất, Hiến pháp nhiều nước chỉ quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của các thể chế nhà nước và về quyền công dân.

Toàn bộ Hiến pháp của nước Cộng hòa Pháp thông qua năm 1958 và được sửa chữa, bổ sung liên tục 15 lần sau đó không có một điều khoản nào liên quan đến văn hóa, giáo dục ngoài Điều 1 khẳng định tính chất của Nhà nước và quyền bình đẳng của công dân: “Nhà nước Pháp là một nhà nước cộng hòa thống nhất, phi tôn giáo, dân chủ và xã hội. Mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật không phân biệt nguồn gốc xuất thân, sắc tộc, tôn giáo. Mọi tín ngưỡng đều được tôn trọng.”

Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua năm 1787 có 7 điều, chỉ gồm các chế định về bộ máy nhà nước, cụ thể là: vấn đề bầu cử, tổ chức và quyền lực của các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp; vấn đề tổ chức nhà nước liên bang; vấn đề sửa đổi Hiến pháp và điều khoản thi hành. Chỉ đến năm 1791, Hiến pháp Hoa Kỳ mới được bổ sung một điều liên quan đến quyền tự do của dân chúng nhưng dưới hình thức giới hạn quyền của nghị viện: “Nghị viện không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí, quyền của dân chúng được hội họp hòa bình và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình”.

Được thông qua năm 1946, Hiến pháp Nhật Bản gồm 11 chương, 103 điều. Các chế định văn hóa, giáo dục được thể hiện ở Chương III – “Quyền và nghĩa vụ công dân”, cụ thể là quy định công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do học thuật; có quyền hưởng một nền giáo dục bình đẳng hợp với khả năng và theo đúng quy định của luật pháp; Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các quyền tự do của công dân.

Cách diễn đạt trong Hiến pháp rất súc tích. Ví dụ, Điều 19: “Công dân có quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng”. Điều 23: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do học thuật của công dân.”

Hiến pháp Nga được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân năm 1993 gồm 2 phần, trong đó phần chính có 9 chương, 137 điều. Các quy định liên quan đến văn hóa, giáo dục đặt ở Chương 2 – “Các quyền tự do của con người và công dân”, bao gồm quyền tự xác định sắc tộc của mình, quyền sử dụng tiếng mẹ đẻ, các quyền tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do sáng tạo, quyền được học hành.

Hiến pháp Trung Quốc ban hành năm 1982 gồm 3 chương, 138 điều. Các quy định về văn hóa, giáo dục được thể hiện ở Chương I – “Nguyên tắc chung” và ở Chương 2 – “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”; ngoài ra, “quyền tự chủ về văn hóa địa phương” còn được quy định tại Chương 3 – “Cơ quan nhà nước”, trong phần 6 – “Cơ quan tự trị của địa phương tự trị dân tộc”.

Các điều liên quan đến văn hóa, giáo dục trong Chương I của Hiến pháp Trung Quốc là những quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với việc phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, xây dựng văn minh tinh thần, bồi dưỡng nhân tài và đội ngũ trí thức nói chung. Những quy định này nhìn chung có tính quy phạm rõ ràng, chứ không nghiêng về cách diễn đạt đậm màu sắc văn chương như Hiến pháp 1992 của ta. Ví dụ, Điều 22 - “Sự nghiệp văn hóa: Nhà nước phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, phát thanh truyền hình, xuất bản, phát hành, bảo tàng văn hóa, thư viện và các sự nghiệp văn hóa khác phục vụ quần chúng nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội, triển khai hoạt động văn hóa mang tính quần chúng. Nhà nước bảo vệ di tích lịch sử, di sản văn hóa quý giá và các di sản văn hóa lịch sử quan trọng khác.”

Trong Chương 2 của Hiến pháp Trung Quốc, các quyền liên quan đến văn hóa, giáo dục chỉ bao gồm quyền tự do tín ngưỡng, tự do thư tín và bảo mật thư tín, tự do hoạt động văn hóa, quyền và nghĩa vụ giáo dục.

Định hướng sửa đổi, bổ sung các chế định văn hóa, giáo dục trong Hiến pháp 1992

Theo nhận thức chung, Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một nước “quy định những vấn đề cơ bản, quan trọng và quyết định đời sống của xã hội, như hình thức tổ chức nhà nước, cơ cấu và thẩm quyền của bộ máy nhà nước, trình tự hình thành các cơ quan nhà nước, chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước; quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; những nguyên tắc chung nhất thể hiện mục đích, xu hướng vận động của xã hội trong một giai đoạn nhất định” (1)

Trong lần sửa đổi, bổ sung tới đây, Hiến pháp cần được viết súc tích hơn, như Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp các nước, lược bỏ những nội dung không có tính quy phạm pháp luật hoặc quá cụ thể. Theo tinh thần này, chúng tôi đề xuất phương án lược bỏ Chương III – “Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ”, ghép những quy định phù hợp ở chương này với những quy định về chính thể ở Chương I và về quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân ở Chương V.

Hiến pháp sửa đổi, bổ sung cần bảo lưu những quan điểm tiến bộ đã được thể hiện nhất quán từ Hiến pháp 1946 tới giờ, đồng thời bổ sung những quy định mới cho phù hợp với thực tế, ví dụ sự tồn tại và quyền bình đẳng của giới thứ ba trong xã hội.

Dưới đây là thiết kế cụ thể các điều mới, mỗi điều đều bao gồm hai nội dung – quyền, nghĩa vụ của công dân và trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm điều kiện để công dân thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình:

Điều 5“Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Nhà nước có nhiệm vụ giữ gìn và phát triển sự đoàn kết giữa các dân tộc. Mọi hành vi chia rẽ, khinh miệt, áp bức dân tộc đều bị nghiêm cấm.

Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.

Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số”.

Điều 59: “Mọi công dân đều có quyền bình đẳng về cơ hội học tập.

Học sinh có năng khiếu được nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng.

Nhà nước quy định chính sách học phí, học bổng

Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác được học văn hóa và học nghề phù hợp.”

Điều 60: “Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác”. Nhà nước bảo hộ quyền tự do sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ của công dân.

Điều 61: “Công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe.

Nhà nước quy định chế độ viện phí, chế độ miễn, giảm viện phí.”

Điều 63: “Mọi công dân, không phân biệt giới đều có quyền ngang nhau về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.

Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ và người thuộc giới thứ ba.

Lao động làm việc như nhau thì tiền lương ngang nhau, không phân biệt giới.

Lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản. Phụ nữ là viên chức nhà nước và người làm công ăn lương có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng lương, phụ cấp theo quy định của pháp luật.

Người thuộc giới thứ ba chịu trách nhiệm chính nuôi con là trẻ sơ sinh thì được nghỉ theo chế độ thai sản của phụ nữ.

Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ và của trẻ em, bảo đảm phát triển nhà hộ sinh, nhà giữ trẻ và vườn trẻ.

Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình.”

Điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó.”

Điều 70:Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.

Nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi của Nhà nước và nhân dân.”

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi về bất cập của các chế định văn hóa, giáo dục trong Hiến pháp 1992 và đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế định đó.

___________________________

1. Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 2. Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr.272.

Còn Từ điển Bách khoa Xô viết định nghĩa Hiến pháp là “đạo luật cơ bản của quốc gia quy định cấu trúc của xã hội và quốc gia, trình tự và nguyên tắc tổ chức của các cơ quan chính quyền, hệ thống bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân”. (Từ điển Bách khoa Xô viết, bằng tiếng Nga). Nxb Bách khoa thư Xô viết, Moxkva, 1985, tr 620).

Từ điển Larousse giải thích Hiến pháp là “tập hợp những quy tắc cơ bản thiết lập hình thái chính quyền, điều chỉnh quan hệ giữa nhà cầm quyền với người dân và quy định bộ máy công quyền”. (Le Petit Larousse. Larousse, Paris, 1993, p.263)

Gs.Ts Nguyễn Minh Thuyết<br><i>Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ</i>