Nội dung cơ bản của Luật Khiếu nại

19/12/2011 07:53

Luật Khiếu nại được QH Khóa XIII, Kỳ họp thứ Hai thông qua vào ngày 11 tháng 11 năm 2011 với 8 Chương, 70 Điều. Nội dung của Luật này được xây dựng từ thực tiến tổng kết thi hành Luật khiếu nại, tố cáo và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước với nền tảng cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Luật sẽ giải quyết loại khiếu nại nào?

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng được quy định tại các điều 1, 2 và 3 của Chương I. Theo đó, Luật này quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại. Từ quy định này, có thể thấy rằng người khiếu nại ở đây là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức. Tại Điều 10 của Luật cũng đã nêu các trường hợp khiếu nại không được giải quyết như: Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên đối với cơ quan hành chính cấp dưới…; người  khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp; khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án. Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong khiếu nại, giải quyết khiếu nại như: cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe dọa, trả thù, trù dập người khiếu nại; thiếu trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại; làm sai lệch thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật…

Ai có thẩm quyền và thủ tục giải quyết khiếu nại

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại được quy định tại Chương II từ Điều 17 – 26, bao gồm: Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; chủ tịch UBND cấp huyện; Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương; chủ tịch UBND tỉnh; thủ trưởng cơ quan thuộc bộ, ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; bộ trưởng; tổng thanh tra Chính phủ…

Đối với trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu, Luật này quy định: trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do. Và, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý (Đ28). Thủ tục giải quyết khiếu nại được tiến hành theo các bước như xác minh nội dung khiếu nại; tổ chức đối thoại… Luật này cũng quy định, trong trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần hai hoặc khiếu nại không được giải quyết theo thời gian luật định thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Đối với khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức… Luật này quy định thời hiệu khiếu nại lần đầu  là 15 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quy định kỷ luật và người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức theo phân cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quy định kỷ luật do mình ban hành ra. Trường hợp công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống bị kỷ luật buộc thôi việc mà không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo trình tự tố tụng hành chính.

Liên ngành trong giải quyết khiếu nại

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc quản lý công tác giải quyết khiếu nại được quy định tương đối cụ thể, rõ ràng tại Chương VI từ Đ 63 – 66. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước trong phạm vi cả nước; Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại. Các cơ quan như VKSNDTC, TANDTC, Tổng Kiểm toán nhà nước, UBND các cấp, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các thành viên…có trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại. Luật này, cũng đặc biệt chú ý đến vai trò của Mặt trận tổ quốc các cấp trong việc giám sát pháp luật về khiếu nại; động viên nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về khiếu nại; tổ chức việc công dân đến khiếu nại; khi nhận được khiếu nại thì nghiên cứu, hướng dân người khiếu nại đến cơ quan, tổ chức có thẩm giải quyết… Những khiếu nại do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận chuyển đến phải được người giải quyết khiếu nại xem xét, giải quyết và trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đã chuyển đơn biết kết quả giải quyết.

Tài liệu từ Văn phòng Chủ tịch Nước