Xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang

Đình Giáp 19/12/2011 07:52

Là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, chính quyền và nhân dân Hà Giang đang chung sức, chung lòng quyết tâm xây dựng nông thôn ngày một phát triển, tạo đà thúc đẩy phát triển KT- XH, nâng cao đời sống cho người nông dân, nông thôn.

Ngay sau khi được thành lập, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Hà Giang đã bắt tay, tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2011. Trước mắt tập trung chỉ đạo 3 xã Phương Độ-TP Hà Giang, xã Trung Thành-Vị Xuyên, xã Vĩnh Phúc- Bắc Quang để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đồng thời chỉ đạo 11/11 huyện, thành phố lựa chọn các xã xây dựng nông thôn mới để làm điểm nhân diện. Đến nay các huyện, thành phố đã lựa chọn và chỉ đạo điểm 40 xã triển khai điểm xây dựng nông thôn mới, hằng tháng đều họp rút kinh nghiệm. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp cũng thường xuyên bám sát cơ sở để chỉ đạo, giúp cơ sở tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tại 3 xã điểm chỉ đạo của tỉnh đã hỗ trợ mỗi xã 100 triệu đồng; xã Trung Thành thực hiện 2 mô hình trồng chè; xã Vĩnh Phúc nhân rộng giống bưởi Diễn và cam Vinh; xã Phương Độ thực hiện mô hình trồng hoa hồng và nuôi vịt, các mô hình dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 12.2011.

Để nâng cao nhận thức cho đông đảo tầng lớp nhân dân trong tỉnh chung sức, chung lòng tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo đã chủ động phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình, Báo Hà Giang xây dựng chuyên mục Nông thôn mới nhằm tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động nhằm chuyển tải các nội dung đến với đông đảo quần chúng nhân dân; dịch và lồng tiếng đĩa VCD Semaul Hàn Quốc (phong trào Semaul Hàn Quốc) ra tiếng Việt, Mông, Nùng, Dao để tạo thuận lợi cho người dân học tập; dựng 4 Panô lớn tuyên truyền trực quan, tạo ấn tượng và dễ cảm thụ về ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới cho người dân. Ban chỉ đạo còn tham mưu cho tỉnh tổ chức “lễ phát động chung sức xây dựng nông thôn mới” và tổ chức ký kết giao ước thi đua. Kết quả, tại các buổi lễ phát động, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tham gia ủng hộ hơn 7,4 tỷ đồng và 40 tấn xi măng cho các xã, huyện để xây dựng nông thôn mới.

Ban chỉ đạo cũng thường xuyên làm việc trực tiếp với cấp ủy, chính quyền 3 xã điểm của tỉnh để nắm bắt những thuận lợi, khó khăn và bàn biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời rút kinh nghiệm đề xuất các ý kiến với tỉnh. Chính vì vậy 3 xã điểm đã thành lập được hệ thống quản lý chương trình và tổ chức tuyên truyền rộng rãi về các nội dung chương trình XDNTM đến với đông đảo quần chúng nhân dân, từ đó tiến độ thực hiện các nguồn vốn được đẩy nhanh. Đến nay, toàn tỉnh đã làm mới và nâng cấp 45km đường liên thôn; 10,5 km đường liên gia; làm mới 30,7 km kênh mương; 19 km đường điện hạ thế; 04 nhà lớp học mẫu giáo; cấp nước sinh hoạt cho 250 hộ gia đình; làm mới 9 nhà văn hoá thôn; chỉnh trang 1.500 khuôn viên hộ gia đình; cải tạo 750 vườn hộ; hỗ trợ 1.200 hộ gia đình làm nhà vệ sinh; hỗ trợ di chuyển 107 chuồng trại gia súc ra xa nhà…

Theo các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang, mặc dù mới chỉ là bước đầu trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhưng hầu hết các huyện đều lựa chọn và có giải pháp cụ thể thực hiện các tiêu chí; tập trung vào các tiêu chí dễ làm, tiêu chí nào không phải đầu tư kinh phí và tiêu chí huy động sự đóng góp của cộng đồng, của người dân  tham gia thì làm trước. Đặc biệt một số xã, huyện đã có cách làm hay như huyện Yên Minh, Bắc Mê. Huyện Yên Minh đã trưng tập một số cán bộ có chuyên môn cùng xã làm công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đến nay Yên Minh cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch nông thôn mới cho các xã. Huyện Bắc Mê cũng xây dựng và phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp (huyện, xã, thôn) và mỗi người dân nêu cao trách nhiệm trong việc thực hiện.

Với việc lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự tham mưu có hiệu quả của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp, sự vào cuộc và đồng tình cao của cộng đồng xã hội, của mỗi người dân, tin rằng Chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Giang sẽ thu được những thắng lợi, góp phần không nhỏ trong việc tạo ra một diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang, kinh tế ngày càng phát triển; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân vì thế cũng được cải thiện hơn.

Đình Giáp