Thất bại là mẹ thành công?
Nhà thơ kiêm ca sĩ, nhạc sĩ Mỹ Bob Dylan từng tuyên bố rằng không có thành công nào đáng giá bằng thất bại. Thoạt tiên, mệnh đề này nghe có vẻ hơi khiên cưỡng, vì rõ ràng thành công chính là mặt đối lập rõ rệt nhất của sự thất bại. Hay tất cả chúng ta đã hiểu sai về hai khái niệm này?

Lời nhạc trong các tác phẩm của Bob Dylan tổng kết gọn ghẽ một nguyên tắc cơ bản của giáo dục, tức chỉ khi nào thất bại ít nhất một lần, học sinh, sinh viên mới có thể thành công. Song vấn đề là không phải thất bại nào cũng có cách thức tạo ra giống nhau. Có người mang trong mình khả năng chuyển hóa thất bại thành bàn đạp cho thành công, trong khi người khác thì lại vấp ngã hết lần này đến lần khác.
Vậy câu hỏi là: tại sao có một số người nhất định lại có khả năng rút ra những bài học vô cùng đáng giá từ những sai lầm của họ?
Trong nhiều năm gần đây, giới khoa học đã khám phá ra rằng mỗi một sai lầm đều tạo ra hai phản ứng riêng biệt tác động trực tiếp đến bộ não con người. Phản ứng thứ nhất gọi là cảm xúc tiêu cực gây ra bởi hành vi sai lầm (ERN), phản ứng thuộc loại vô điều kiện này xuất hiện khoảng 0,05 giây sau khi chúng ta phạm phải một sai lầm nào đó.
Loại phản ứng thứ hai, được gọi là cảm xúc tích cực (Pe), xuất hiện từ khoảng 0,1 đến 0,5 giây sau khi chúng ta “vấp ngã”. Loại cảm xúc tích cực này chỉ xảy ra khi chúng ta quá chú ý đến lỗi lầm mình vừa phạm phải, đến nỗi cứ để tư duy mắc kẹt ở kết quả không như mong muốn.
Vậy hóa ra là chúng ta rút kinh nghiệm từ sai lầm khả quan hơn khi não bộ thể hiện hai trạng thái: 1 - Một tín hiệu ERN thật lớn, cho thấy một phản hồi lúc đầu lạc quan hơn đối với sai lầm đó, và 2 - Một tín hiệu Pe nhất quán hơn, tác động lên não bộ để tập trung hơn vào sai lầm, từ đó rút kinh nghiệm có hiệu quả hơn.
Một công trình nghiên cứu khác, dưới sự hướng dẫn của nhà tâm lý Jason Moser tại Đại học bang Michigan, đã mở rộng phạm vi của những kết luận trên, thông qua việc nhìn vào cách mà các quan niệm phổ thông về giáo dục đã tạo ra hai loại tín hiệu ERN và Pe như thế nào. Ông đã sử dụng đến phép lưỡng phân của đồng nghiệp Carol Dweck tại Đại học Stanford. Theo đó, tiến sĩ Dweck chia người ta ra làm hai loại, thứ nhất là những người mang não trạng “bị đóng đinh” – tức loại người đầu hàng trước những tuyên bố kiểu “Trí khôn của bạn là có giới hạn, vì thế đừng cố thay đổi điều đó làm gì”, và loại thứ hai là những người có não trạng trưởng thành, vốn là các cá nhân tin rằng họ luôn có thể tiến bộ ở mọi thứ (dĩ nhiên là với điều kiện đầu tư đủ năng lượng và thời gian).
Nếu những cá thể mang trong mình não trạng đóng đinh có xu hướng xem thất bại theo chiều hướng tiêu cực thuần túy – tức luôn tự xem bản thân là “bất tài vô dụng”, không đủ năng lực để hoàn thành công việc, thì những người có não trạng trưởng thành lại xem các lỗi lầm như một cơ hội đáng giá cho những lần sau.
Trong bài thí nghiệm của mình, tiến sĩ Moser đưa cho các đối tượng tham gia một bài kiểm tra vô cùng buồn tẻ, yêu cầu nhận dạng sự tiếp nối các mẫu tự. Sự buồn tẻ chính là chìa khóa của vấn đề: tiến sĩ Moser cố tình khiến cho những người tham gia phải chán chường đến mức phạm phải các sai lầm ngớ ngẩn, không đáng có. Và như vậy, những người mang não trạng trưởng thành tạo ra nhiều tín hiệu tích cực Pe hơn mỗi khi làm sai, rồi nhờ đó mà càng làm càng chính xác hơn.
Câu hỏi thứ hai của toàn bộ bài viết: vậy chúng ta làm thế nào để truyền thụ loại não trạng tích cực vào bên trong sinh viên, học sinh? Tiến sĩ Dweck cho rằng ngay cả những sự gợi ý nhỏ bé nhất cũng có khả năng tạo ra ảnh hưởng lớn lao. Nói là làm, bà liền khen ngợi hai nhóm học sinh lớp năm theo hai cách khác nhau.
Nhóm thứ nhất thường xuyên được khen là “thông minh”, và lũ trẻ lập tức ngã ngay vào thứ não trạng “đóng đinh”, cho rằng mọi loại lỗi lầm đều là biểu hiện của sự ngu dốt, và rằng một khi đã mắc sai lầm thì không có cách nào cứu vãn được.
Ngược lại, những học sinh được khen ngợi cho nỗ lực theo đuổi một cách học sáng tạo nào đó lại không mấy e ngại việc phạm phải sai lầm, và nếu có thì cũng nhanh chóng “chuyển bại thành thắng”.
Sau đó, hai nhóm học sinh được giao cho làm một bài trắc nghiệm kiến thức phổ thông. Nhóm thứ hai đạt được điểm số cao hơn 30% chỉ sau ít tháng, trong khi nhóm một (thường xuyên được khen “thông minh”) lại chứng kiến điểm số sụt giảm 20%. Một não trạng sai lầm là thứ đã khiến lũ trẻ của nhóm một đi thụt lùi.
Thất bại dĩ nhiên không vui vẻ gì, song “kẻ thù số một” của nó – sự thành công – lại đòi hỏi một yếu tố tiên quyết là chúng ta phải tìm được cách vượt qua nỗi thất vọng và chán chường sau mỗi lần thất bại, từ đó mới có thể rút ra cho bản thân các bài học quý giá, để dẫn đến thành công trong tương lai.