Thị trường vàng - một năm đầy xáo trộn
Thị trường vàng trong nước đã chứáng kiến một năm đầy xáo trộn. Đã có lúc giao dịch ngừng trệ trong hơn 2 tháng, nhưng lại có lúc giá vàng lên tới 49.200.000 đồng/lượng, và người mua đội mưa, xếp hàng để mua kim loại quý này. Nguyên nhân của những xáo trộn này là gì? Bài học kinh nghiệm nào cần rút ra từ công tác điều hành thị trường vàng trong năm qua?...

Đánh giá những xáo trộn của thị trường vàng năm 2011, hầu hết chuyên gia và nhà đầu tư đều gặp nhau ở một điểm: công tác quản lý, điều hành còn lúng túng, thiếu chủ động, dẫn tới thị trường nhiều lần bị dẫn dắt bởi những thông tin không chính thống, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và cả nền kinh tế.
Nhưng có thể thấy, Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu ổn định kinh tế vĩ mô đã nhấn mạnh, cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; trong quý II năm 2011 trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới. Đây được coi là một trong những biện pháp quan trọng để ổn định thị trường tài chính trong bối cảnh lạm phát gia tăng và thị trường có xu hướng vàng hóa, đô la hóa, nguồn vốn tồn đọng trong dân rất lớn. theo phân tích của các chuyên gia, việc huy động nguồn vốn vàng rất lớn trong dân, tuy khó, nhưng không phải là không thể. Ngoài ra, Tổng giám đốc Tập đoàn DOJI, phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam Đỗ Minh Phú cho rằng, có nhiều cách để huy động vàng miếng trong dân cư, đặc biệt là qua gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng chậm được ban hành. Trong khi đó, các cơ quan quản lý đã để cho những thông tin không chính thống ảnh hưởng đến tâm lý người dân, khiến cho hoạt động mua bán vàng trên thị trường gần như ngừng trệ, giá vàng trong nước lần đầu tiên diễn biến trái chiều với giá thế giới theo xu hướng giá trong nước thấp hơn giá thế giới gần 1 triệu đồng/lượng. Mua bán ngưng trệ, chênh lệch giá mua vào - bán ra quá thấp dẫn tới một hệ quả khác: các doanh nghiệp và tổ chức tài chính đua nhau mua gom vàng xuất khẩu, đẩy kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm lên mức 1,2 tỷ USD. Việc xuất khẩu vàng bằng mọi giá khiến nguồn ngoại tệ thu về thấp, tỷ suất lợi nhuận không cao trong khi nguồn cung vàng trong nước bị làm cạn kiệt. Tiến sĩ Vũ Đình Ánh đề nghị, để khắc phục bất cập này cần phân định rõ vàng là một loại hàng hóa thông thường hay là một loại tiền tệ. Nếu coi là hàng hóa thông thường thì Ngân hàng Nhà nước không cần can thiệp. Còn coi là tiền tệ đặc biệt thì phải có chính sách phù hợp…
Sự lúng túng trong quản lý điều hành thị trường vàng đã dẫn đến một thực tế khác: tình trạng đầu cơ, làm giá trên thị trường liên tục xuất hiện sau khi quyền tích trữ và mua vàng miếng của người dân được khẳng định. Giá vàng trong suốt nhiều tháng liên tục bị đẩy lên và thường xuyên duy trì ở mức giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 700.000 - 1.000.000đồng/lượng. Trong nhiều thời điểm, đặc biệt là những ngày cuối năm 2011, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới quy đổi từ 2 - 3 triệu đồng/lượng. Tình trạng này xảy ra không chỉ do đầu cơ, mà còn một nguyên nhân mới là do Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với điều kiện cao hơn cho sản xuất vàng miếng. Với những điều kiện cao hơn thì số lượng doanh nghiệp sản xuất vàng miếng sẽ thu hẹp lại, giúp cơ quan chức năng có thể tập trung quản lý. Đây là giải pháp phù hợp với tình hình thị trường vàng hiện nay. Nhưng cách làm rõ ràng là chưa phù hợp, khiến người dân hoang mang vì loại vàng miếng họ đang nắm giữ bị mất giá tới hàng triệu đồng/lượng, thậm chí còn khó bán lại.
Những hoang mang, xáo trộn trên thị trường vàng do tin đồn, do tâm lý nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận. Thực tế này dẫn tới một hệ quả khác là một lượng vốn khá lớn trong xã hội nhảy múa theo biến động của giá vàng, thay vì được đầu tư vào hoạt động sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Và với việc xuất khẩu vàng tăng đột biến trong nửa đầu năm, một lượng vốn không nhỏ khác cũng chảy ra nước ngoài do chúng ta xuất khẩu vàng thành phẩm giá rẻ để rồi lại mua vàng nguyên liệu với giá đắt khi nhu cầu trong nước tăng. Đây chính là một bài học đắt giá cho công tác quản lý, điều hành thị trường vàng năm 2011. Và rõ ràng chúng ta chưa đạt được mục tiêu huy động nguồn vốn tồn đọng trong dân như đã đề ra.
Tiếp tục theo đuổi mục tiêu nắm giữ độc quyền sản xuất vàng miếng, thu hẹp đầu mối kinh doanh vàng miếng là mục tiêu hướng tới trong công tác quản lý thị trường vàng thời gian tới. Nhưng bài học cần rút ra cho công tác quản lý thị trường vàng trong năm 2012 và những năm kế tiếp chính là cần minh bạch các thông tin liên quan đến thị trường hàng hóa nhạy cảm này để tránh tình trạng những thông tin chưa chính thống gây xáo trộn thị trường. Lợi ích quốc gia, lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của các doanh nghiệp cần được cân nhắc thận trọng trước khi cơ quan quản lý ban hành chính sách. Chính sách cần được ban hành một cách phù hợp và kịp thời, vì càng chậm trễ càng tạo cơ hội cho tin đồn nảy sinh. Về phía người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo trong việc lựa chọn kênh đầu tư phù hợp, tránh tình trạng mất tiền mua bực vào thân như nhiều nhà đầu tư đã phải chịu khi mua vàng với giá 49,2 triệu đồng/lượng để rồi mấy ngày sau bán ra chỉ được 44,2 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 9.2011 vừa qua.