Nghịch cảnh

Ngọc Quang
Theo TRT
17/12/2011 07:49

Trong vòng xoáy của cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, một nghịch cảnh đang xảy ra. Đó là các nước nghèo nhất trong khu vực đang phải đóng góp tiền để cứu trợ cho các nước giàu hơn thông qua Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)...

Một trong những điều kỳ lạ nhất là việc Ba Lan, Cộng hòa Czech và một số nước Đông Âu khác, có một thời gian dài phải nhận những khoản viện trợ lớn từ phương Tây, hiện đang được yêu cầu đóng góp vào một quỹ cứu trợ khẩn cấp để hỗ trợ các quốc gia phương Tây giải quyết nợ nần. Kế hoạch này đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) cuối tuần trước. Và nó đang làm dấy lên sự phẫn nộ từ một số nước Đông Âu, những quốc gia đang cho rằng đây là sự “bất công rất lớn”, một yêu cầu bất hợp lý khi các quốc gia nghèo phải hy sinh cho các nước vẫn còn tận hưởng sự giàu có lớn hơn nhiều, ngay cả khi họ đang gánh các khoản nợ công khổng lồ.

Các nhà lãnh đạo Cộng hòa Czech và Slovakia đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ kế hoạch trên, đồng thời còn trích dẫn thêm những phản đối của người dân trong khu vực, cho rằng “đây là một cuộc chơi xấu”. Jonas Vaicys, một giáo viên toán học người Lithuania, một nước thành viên của Xô Viết cũ nói: “Trong khi Lithuania hiện đang ở trên bờ vực khó khăn, rất cần một sự giúp đỡ của quốc tế, nhưng đã không được mảy may một sự ủng hộ nào”.

Kế hoạch được thông qua là một trong nhiều biện pháp mà các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất sử dụng nhằm kéo châu Âu ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ. Kế hoạch có liên quan đến việc tăng năng lực và đóng góp cho IMF một khoản trị giá lên đến 200 tỷ euro, trong đó 150 tỷ cho 17 nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và 50 tỷ cho 10 nước khác. Hungary và Rumania tuyên bố sẽ không đóng góp bởi hai quốc gia này vẫn đang mắc nợ IMF trong các gói cứu trợ vừa qua. Bulgaria, thành viên nghèo nhất của EU, cũng cho biết họ không có nguồn lực nào để hỗ trợ cho châu Âu.

Ví dụ như Ba Lan hiện đang có một khoản nợ thấp hơn nhiều so với của Hy Lạp và Italia, lý do chỉ đơn giản là Ba Lan không cung cấp những phúc lợi xã hội lớn đối với người dân như ở phương Tây. Tiền lương, trợ cấp thất nghiệp và các loại tiền thưởng dịch vụ khác chỉ là một phần rất nhỏ so với các nước phương Tây. Giờ đây, việc yêu cầu các quốc gia này đóng góp kinh phí hỗ trợ cho các thành viên khu vực châu Âu giải quyết nợ nần có thể tạo ra một phản ứng dữ dội đối với bất kỳ chính phủ nào, nhất là khi nền kinh tế của chính họ đã và đang chịu sự tác động to lớn từ cuộc khủng hoảng châu Âu.

Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Necas cho biết, cá nhân ông phản đối yêu cầu Cộng hòa Czech đóng góp khoảng 90 tỷ Cuaron (3,5 tỷ euro hay 4,6 tỷ USD). Tuy nhiên, chính phủ của ông sẽ cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định. Ông nói: “Tình hình đang rất nghiêm trọng và vấn đề tài chính rất phức tạp, có liên quan đến một số lượng tiền bạc đáng kể”.

Khác với Cộng hòa Czech, tại Ba Lan, chính phủ của Thủ tướng Donald Tusk được sự ủng hộ khá lớn từ các chính phủ EU và ngân hàng trung ương cũng được hưởng những đặc ân. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo ở Vacsava hy vọng một ngày nào đó sẽ được tham gia vào khối Eurozone và cho rằng sự tồn tại của khu vực này, một nguồn trợ cấp khổng lồ từ EU và một đối tác thương mại quan trọng, là rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và công cuộc hiện đại hóa của Ba Lan. Chủ tịch ngân hàng trung ương Ba Lan, Marek Belka cho biết một sự sụp đổ của khu vực châu Âu sẽ là một thảm họa kinh tế cho Ba Lan.

Một số nước cộng sản cũ cũng đang đối mặt với nghĩa vụ phải làm mọi cách để tăng dự trữ cho ngân hàng trung ương của họ và luôn sẵn sàng khi IMF cần đến. Điều này đánh dấu một thay đổi quan trọng đối với một phần của châu Âu đã có nhiều năm phụ thuộc vào số lượng viện trợ lớn từ phương Tây. Sự giúp đỡ của họ hiện nay (đối với châu Âu) là thể hiện những gì họ đã đạt được sau nhiều năm được đầu tư và tăng trưởng cao. Một số quốc gia trong khu vực còn lập luận rằng việc đóng góp của mình là thể hiện lòng biết ơn đối với phương Tây. Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù kinh tế của các quốc gia ở Trung và Đông Âu đã có nhiều năm phát triển mạnh mẽ nhưng tiêu chuẩn sống ở những nơi này còn kém khá xa so với phương Tây và nhiều nước trong tình thế bất đắc dĩ phải tham gia vào kế hoạch cùng IMF.

Ngọc Quang<BR>Theo <I>TRT</I>