Học sinh Hàn Quốc
Học, học, và học

Linh Đạm
Theo Time
10/12/2011 07:20

Không thể phủ nhận Hàn Quốc đã có bước tiến thần kỳ là nhờ vào chất xám và ý chí ham học của từng công dân. Nhưng tinh thần “học, học, và học” theo kiểu vắt kiệt sức của học sinh đất nước Kim Chi hiện nay lại làm cho chính phủ nước này hết sức lo lắng.

Để làm giảm thói nghiện các hagwon (trung tâm học thêm sau giờ học tại trường), các nhà chức trách Hàn Quốc đang bắt đầu thực thi lệnh “giới nghiêm”. Bộ Giáo dục lập ra một bộ phận chuyên đi giám sát để tìm những học sinh nào vẫn còn đi học thêm sau 10 giờ tối. Thậm chí nhà nước còn trao giải thưởng cho ai tố cáo những nơi vi phạm.

Học sinh Hàn Quốc đang ôn luyện ở các hagwon
Học sinh Hàn Quốc đang ôn luyện ở các hagwon

Cuộc “trấn áp” các hagwon là một phần trong nỗ lực “giải nhiệt” văn hóa học theo kiểu vắt chanh của đất nước Hàn Quốc. Ở cả cấp quốc gia lẫn địa phương, các nhà chính trị đang vắt óc nghĩ ra các chính sách thay đổi hệ thống thi cử, đổi mới cách thức thi đầu vào của các trường đại học để giảm stress cho học sinh, từ đó thúc đẩy bản năng sáng tạo của các em. Bản thân Tổng thống Lee Myung-bak hồi mới nhậm chức vào năm 2008 đã từng phát biểu: “Các chương trình giảng dạy cứng nhắc, ít được cập nhật và hệ thống giáo dục chỉ chăm chăm tập trung vào các cuộc thi đầu vào đại học là điều không thể chấp nhận được”

Tuy nhiên, những lò luyện thi luôn đầy ắp học sinh là một hiện tượng phổ biến ở châu Á bởi ai cũng mong được đặt chân vào những trường đại học danh tiếng. Họ tin rằng đây là những chiếc vé bảo đảm cho tương lai nghề nghiệp sáng sủa. Nhưng để làm được điều đó, học sinh phải vượt qua rất nhiều kỳ thi đầy cam go. Các gia đình Trung Quốc đã từng thuê thầy dạy ôn luyện cho con mình trước các kỳ thi từ thế kỷ thứ VII. Người Hàn Quốc hiện nay tham gia cuộc chạy đua này bằng các biện pháp khá cực đoan. Trong năm 2010, 70% số học sinh Hàn Quốc tham gia vào các khóa học ôn luyện ngoài giờ học, vốn được biết đến bằng cái tên  “giáo dục bóng tối”, với chi phí mỗi học sinh trung bình vào khoảng 2.600 USD mỗi năm.

Thậm chí, số gia sư tại các trung tâm luyện thi tư nhân còn nhiều hơn số giáo viên tại các trường và họ kiếm được hàng triệu USD mỗi năm cho các lớp học thêm và khóa học trực tuyến. Năm ngoái, khi Bộ trưởng Giáo dục Singapore được hỏi về sự phụ thuộc quá nhiều của đảo quốc vào các trung tâm gia sư tư nhân, ông đã tìm được một lý do để hy vọng “Chúng tôi vẫn chưa bằng người Hàn Quốc”.

Ở Seoul, số học sinh trượt các trường đại học có tiếng thường dành toàn bộ thời gian một năm sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở để ôn luyện trong các hagwon nhằm cải thiện điểm số của mình trong các kỳ thi vào đại học. Và họ cạnh tranh rất lớn để thi đỗ. Tại Học viện Deasung uy tín, đầu vào dựa trên số điểm mà học sinh dự thi đạt được. Chỉ có 14% số người dự thi là đỗ. Sau 1 năm học 14 tiếng mỗi ngày, 70% số người dự thi đã đỗ vào một trong ba trường đại học cao giá nhất của Hàn Quốc.

Kết quả đó của Hàn Quốc nhìn có vẻ rất đáng ghen tị. Học sinh Hàn Quốc tỏ ra vượt trội hơn hẳn các nước khác ở môn đọc và toán. Ở Mỹ, Tổng thống Obama và Bộ trưởng Giáo dục của mình ca ngợi không ngớt tinh thần học tập của học sinh xứ kim chi trong khi lại than vãn về việc học sinh Mỹ đang bị bỏ một khoảng cách xa. Quả thực, nếu không có ám ảnh giáo dục, đất nước kim chi không thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 13 của thế giới như ngày nay. Nhưng các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đang lo lắng rằng trừ khi hệ thống theo tôn ti cấp bậc cứng nhắc của họ được cách tân, nếu không tăng trưởng kinh tế sẽ bị trì trệ và tỷ lệ sinh sẽ tiếp tục giảm vì các gia đình cảm thấy áp lực nuôi con ăn học nên người quá tốn kém. Chính Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho đã nhận xét, người Mỹ thấy mặt sáng của hệ thống giáo dục Hàn Quốc nhưng bản thân người Hàn Quốc lại không cảm thấy hạnh phúc với nó.

Người Hàn Quốc không đơn độc. Khắp châu Á, các nhà cải cách đang tìm cách thay đổi chương trình giáo dục của mình theo mô hình của Mỹ, trong khi một số các nhà giáo dục Mỹ lại muốn học tập châu Á. Ở Trung Quốc, các trường đại học đã bắt đầu thực hiện các bài kiểm tra đầu vào mới để tìm kiếm các sinh viên tài năng hơn là những người chỉ học gạo. Các quan chức Đài Loan gần đây cũng tuyên bố, học sinh sẽ không còn phải tham dự những kỳ thi quá căng thẳng để vào trung học. Nếu Hàn Quốc thực hiện tốt việc giảm tải học tập cho học sinh, đây sẽ là mô hình cho các xã hội khác.

Nhưng vấn đề không phải là học sinh Hàn Quốc đang không học đủ mà là các em không được học một cách khoa học. Ở Hàn Quốc, tình trạng một phần ba số học sinh trong lớp ngủ gật khi thầy cô giáo đang giảng bài là chuyện thường thấy. Điều này gây lãng phí thời gian và phản logic vì học sinh lại ngủ gật trong giờ chính khóa trong khi thức rất muộn để ôn luyện tại các trung tâm gia sư.

Vì thế, người Hàn Quốc đang cố gắng nhân đạo hóa hệ thống giáo dục như đơn giản hóa các cuộc thi đầu vào, nâng học phí học thêm lên cao và thậm chí đi xa hơn là cấm các hagwon trong những năm 80. Nhưng sau mỗi nỗ lực đó, các hagwons vẫn trở lại và còn mạnh mẽ hơn xưa. Điều này là bởi nguyên nhân gây nên tình trạng đó không hề thay đổi. Học sinh Hàn Quốc vẫn phải gắng sức học tập vì một lý do duy nhất: có thể bước chân vào những trường đại học hàng đầu của đất nước để sự nghiệp rộng mở sau này. Chính vì vậy, trở thành sinh viên đại học là ám ảnh của mọi học sinh.

Nhưng hiện nay, các nhà lãnh đạo lập luận rằng những cải cách đang tấn công không chỉ vào triệu chứng của căn bệnh mà còn vào gốc bệnh... Họ đang cố gắng cải thiện các trường công bình thường bằng cách kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo viên và năng lực hiệu trưởng bằng những biện pháp nghiêm ngặt, trong đó có tham khảo đến ý kiến của học sinh, phụ huynh và các giáo viên đồng nghiệp. Đối với những giáo viên bị điểm thấp, họ sẽ phải tham gia khóa đào tạo lại phương pháp sư phạm. Đồng thời, chính phủ cũng hy vọng sẽ giảm căng thẳng cho học sinh. Những hình thức phạt về thân thể học sinh vốn còn tồn tại trong các trường hiện nay đã bị cấm. Những bài thi đầu vào trong các trường trung học có thanh thế và trường chuyên bị loại bỏ. Giờ đây, học sinh sẽ được đánh giá bằng phỏng vấn và kết quả học tập trong các năm học. Và 500 công chức chuyên xét tuyển đầu vào đã được bổ nhiệm tại các trường đại học trên khắp cả nước để đánh giá người dự tuyển không chỉ bằng điểm thi, học lực mà còn cả những năng lực khác nữa.

Tuy vậy, các bậc phụ huynh vẫn là những tay đua thực sự của cuộc đua giáo dục nói trên và họ rất khó thay đổi quan điểm. Dường như nếu con em  không đi học thêm buổi tối, các bậc phụ huynh trở nên vô cùng bất an bởi họ tin rằng con cái các gia đình khác đang đi tham gia luyện thi ở các trung tâm gia sư. Bản thân giữa các bậc làm cha làm mẹ cũng có sự ganh đua về đường học vấn của con. Thậm chí, nhiều lúc chẳng biết học sinh hay cha mẹ cạnh tranh với nhau.

Tuy vậy, Bộ Giáo dục Hàn Quốc vẫn có thể vui mừng vì chi tiêu cho học thêm đã giảm 3,5% trong năm 2010, mức giảm lần đầu tiên kể từ khi chính phủ ra tay quyết liệt vào năm 2007. Liệu tỷ lệ này là dấu hiệu về một xu hướng mới? Thật khó nói vì dù có giảm được chút ít, số tiền mà người Hàn Quốc bỏ ra cho học thêm vẫn chiếm tới 2% GDP của cả nước. Andrew Kim, một trong những gia sư rất thành công tại trung tâm Megastudy, một trong những lò học thêm lớn nhất Hàn Quốc, cho biết năm ngoái ông đã kiếm được 4 triệu USD từ các bài giảng trên lớp và trực tuyến. Ông đồng tình với ý kiến rằng hệ thống giáo dục Hàn Quốc hiện nay vẫn chưa lý tưởng, nhưng cho tới nay ông chưa thấy có sự tác động nào từ cải cách làm giảm thu nhập của mình.

Theo Kim, càng dùng biện pháp mạnh, tính đàn hồi của các hagwon càng lớn. Để đối phó với lệnh giới nghiêm của chính phủ, nhiều hagwon đã cung cấp thêm nhiều khóa học online để học sinh có thể học tại nhà sau giờ học ở trường. Một số hagwon khác thì bất chấp luật lệ tiếp tục hoạt động chui trong giờ giới nghiêm. Tất cả những cái đó khiến cho học sinh Hàn Quốc sẽ còn “học, học, và học”.

Linh Đạm<br><i>Theo Time</i>