EVN lỗ không có nguyên nhân do quản lý?

Vũ Dũng 22/11/2011 07:09

Bộ Công thương vừa họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Việc thực hiện kiểm tra giá điện lần này là theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối tháng 8 vừa rồi, để minh bạch giá thành điện trước khi EVN tiến hành điều chỉnh giá điện theo thông số đầu vào cơ bản như nhiên liệu, tỷ giá… Như vậy, những điều kiện cần để tăng giá điện đã đủ, vấn đề còn lại là sự chấp thuận của liên Bộ Tài chính – Công thương với đề nghị của EVN.

Việc kiểm tra này do tổ công tác liên Bộ Tài chính – Công thương tiến hành. Về chi phí, báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, giá bán điện bình quân năm 2010 là 1.061,4 đ/kWh, thấp hơn giá thành ở mức 1.180 đ/kWh điện thương phẩm. Do đó, lấy phần doanh thu trừ chi phí, thì năm 2010, EVN lỗ 10.162 tỷ đồng, chưa tính lỗ/lãi của các công ty cổ phần điện có EVN góp vốn. Khoản lỗ này cũng chưa bao gồm khoản chi phí treo khá lớn là 15.463 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá và chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn còn 365 tỷ đồng.

Nguồn: baodatviet.vn
Nguồn: baodatviet.vn

Cả Bộ Công thương và EVN đều cho rằng, việc lỗ là khó tránh khỏi nếu nhìn vào giá điện bình quân bán cho nền kinh tế là 1.061,4 đ/kWh, thấp hơn giá thành bình quân ở mức 1.180 đ/kWh. Bên cạnh đó, sản lượng thủy điện năm 2010 thấp bởi hạn hán, nên phải huy động điện từ các nhà máy chạy dầu và mua điện từ bên ngoài với giá cao gấp 3 đến 4 lần giá điện bình quân, đẩy chi phí tăng cao so với kế hoạch được duyệt. Ngoài ra, chậm tiến độ của các nhà máy điện, biến động tỷ giá, giá nhiên liệu cũng khiến EVN bị lỗ. Tính theo tỷ giá hiện nay, toàn bộ chênh lệch tỷ giá thì mỗi kWh hiện nay EVN lỗ 300 đồng.

Trong các nguyên nhân EVN lỗ, có việc các dự án chậm tiến độ. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do nhà thầu, do năng lực của các ban quản lý dự án. Bộ đang nghiên cứu để xử lý tình trạng này. Tuy nhiên, nếu nhà thầu có bị phạt cũng không thể bù đắp được thiệt hại do chậm tiến độ.

Phần xử lý trách nhiệm của trưởng các Ban quản lý dự án điện để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, rồi trách nhiệm của những đơn vị tổ chức đấu thầu nhưng không lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực cũng chưa được Bộ Công thương nhắc tới. Trong nhiều nguyên nhân được Bộ Công thương nêu ra khiến EVN lỗ, cũng chưa thấy có nguyên nhân nào từ quản lý của EVN hay cơ quan giám sát.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam mới đây khi nhận định về việc triển khai các dự án điện trong Quy hoạch Điện VI cho rằng, hầu hết các dự án bị chậm tiến độ từ 1-3 năm, hoặc thậm chí dài hơn. Trong đó, nhiều dự án điện do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận đều bị chậm tiến độ kéo dài, thậm chí không triển khai được là do các nhà thầu năng lực yếu, không thu xếp được tài chính, không thực hiện được các cam kết với chủ đầu tư. Hiệp hội Năng lượng dẫn ra một số dự án chậm tiến độ như Dự án nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1…

Sự yếu kém của các nhà thầu không chỉ tạo ra những bất cập trong giai đoạn triển khai dự án mà trong cả giai đoạn vận hành sau này, do công nghệ bị lỗi kỹ thuật, sự cố trong quá trình vận hành. Với nhiều yếu tố dẫn đến nợ như vậy, dù chưa điều chỉnh tăng giá điện, nhưng mong muốn tăng giá điện là thường trực với EVN. Việc lỗ cũng đã khiến tập đoàn này không trả được nợ cả chục nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. 

Cũng có một số quan điểm băn khoăn là liệu sau khi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện, thì giá điện có được điều chỉnh hay không? Bộ Công thương cho biết chưa thể nói gì về chủ trương này. Song rõ ràng, việc công khai các số liệu chi phí, giá thành điện của Bộ Công thương, cũng có nghĩa là việc tăng giá điện chỉ còn là vấn đề thời gian. Vấn đề là các Bộ Tài chính, Công thương sẽ báo cáo Chính phủ để điều chỉnh vào thời điểm thích hợp, sao cho tác động xấu ở mức thấp nhất với nền kinh tế.

Vũ Dũng