Cuộc chiến của 2 phong trào?

Huỳnh Vũ 13/11/2011 07:26

Sự nổi lên của đảng Trà và Phong trào Chiếm lấy phố Wall được coi là những nhân tố ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới tại nước Mỹ. Nhiều khả năng sân chơi bầu cử sẽ bị biến thành cuộc chiến giữa hai phe, với một bên là Dân chủ ủng hộ Phong trào Chiếm lấy phố Wall và một bên là Cộng hòa hậu thuẫn Hội Trà.

Phong trào Chiếm lấy phố Wall là phong trào tự phát của người dân nhằm chống lại sự tham lam của “1% những ông chủ giàu có của các công ty hay ngân hàng lớn,” hệ thống thuế khóa thiếu công bằng, nạn thất nghiệp tăng cao hay cách biệt thu nhập quá lớn. Họ muốn tiếng nói của mình được lắng nghe với các khẩu hiệu “Hãy chấm dứt bóc lột tầng lớp thường dân” và “Chúng tôi là 99%”. Khởi phát với một nhóm nhỏ sinh viên khoảng chục người tại công viên Zuccotti, thành phố New York trung tuần tháng 9 vừa qua, sau gần 2 tháng, phong trào đã tăng lên con số hàng nghìn người và lan rộng ra nhiều thành phố lớn ở nước Mỹ từ bờ Đông sang bờ Tây: Boston, Washington DC, Denver, San Francisco, L.A… và thậm chí còn lan sang các nước khác trên thế giới như tại Anh, Ireland và Hàn Quốc với con số lên tới 1.400 thành phố.

Trong những ngày đầu tiên xuất hiện Phong trào Chiếm lấy phố Wall, các nhà lãnh đạo Dân chủ đã thận trọng về việc bày tỏ sự đoàn kết đối với những người biểu tình. Nhưng giờ đây, những người Dân chủ nhận thấy, sự xuất hiện của phong trào vô hình trung lại là nhân tố may mắn đối với êkíp vận động tranh cử của Tổng thống Obama để làm đối trọng với Hội Trà, do phe Cộng hòa hậu thuẫn. Mâu thuẫn thâm căn cố đế tại nghị trường Mỹ hiện nay xung quanh vấn đề cắt giảm thâm hụt ngân sách là biện pháp của hai chính đảng. Một bên, Dân chủ chủ trương tăng thuế vào tầng lớp thượng lưu trong khi hạn chế tối đa cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội. Bên kia, đảng Cộng hòa ưu ái các “đại gia” ngân hàng – tài chính. Mặc dù cùng chia sẻ sự bất bình với chính giới hiện nay, song về cơ bản Phong trào Chiếm lấy phố Wall và Hội Trà hoàn toàn khác nhau, khi Hội Trà ủng hộ tư tưởng tự do, cải cách cánh hữu, còn Phong trào Chiếm lấy phố Wall được coi là cuộc cách mạng cánh tả. Các nhà quan sát dự báo “Hội Trà” sẽ đóng vai trò tích cực huy động sự ủng hộ cho Cộng hòa trong khi Phong trào Chiếm lấy phố Wall sẽ lớn mạnh thành một thế lực của đảng Dân chủ.

Cho dù mục đích của Phong trào Chiếm lấy phố Wall là gì, các nhà lãnh đạo Dân chủ dường như ủng hộ họ. Robby Mook - Giám đốc điều hành của Ủy ban vận động tranh cử Quốc hội của đảng Dân chủ - đã gửi một bức thư cho những người ủng hộ để chỉ trích việc thủ lĩnh phe đa số tại Hạ viện của đảng Cộng hòa là Eric Cantor đã gọi những người biểu tình là “những kẻ du thủ du thực”. Tổng thống Barack Obama và thủ lĩnh thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với một số khiếu nại của những người biểu tình, mặc dù vẫn giữ khoảng cách đối với họ.

Trong khi đó, Herman Cain, người đang nổi lên là ứng cử viên mới nhất của đảng Cộng hòa được Hội Trà ủng hộ, đã lên án những người biểu tình Phong trào Chiếm lấy phố Wall là “chống lại nước Mỹ”. Ông Cain nói: “Việc phản đối phố Wall và các chủ ngân hàng chứng tỏ rằng những người biểu tình đang chống lại chủ nghĩa tư bản. Một phần nguyên nhân của phong trào phản đối này là sự ghen tỵ”.

Mới chỉ ra đời chưa đầy hai năm, nhưng Hội Trà đã thu hút được nhiều sự chú ý, cũng như nắm giữ quyền lực và ảnh hưởng nhất định tại Washington, khi một số ứng cử viên chủ chốt của đảng Cộng hòa, được phong trào cánh hữu này hậu thuẫn, đã giành được ghế tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ. “Làn sóng thủy triều Hội trà” là câu mà Rand Paul, ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã giành được ghế nghị sỹ tại Kentucky, đã miêu tả ảnh hưởng của phong trào này đối với bức tranh chính trị Mỹ. Trong số 60 nghị sĩ đảng Cộng hòa mới tại Hạ viện Mỹ, khoảng một nửa có liên quan trực tiếp đến Hội trà. Một nửa còn lại cũng dễ lĩnh hội một số yêu cầu của hội này.

Vậy nên cũng có ý kiến hoài nghi về tương lai của Phong trào Chiếm lấy phố Wall. Zephyr Teachout, giáo sư luật tại Đại học Fordham, cho rằng xuất phát điểm của hai phong trào này là sự mất niềm tin đối với chính quyền. Tuy nhiên, theo ông, khi Hội Trà đã khẳng định được vị thế qua cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ hồi năm ngoái tại Mỹ, thì Phong trào Chiếm lấy phố Wall vẫn còn khá non trẻ và khó có thể nói rằng phong trào này đủ mạnh để góp vào dòng chủ lưu trên chính trường nước này. Nhưng rõ ràng, ít nhiều, cũng như Hội Trà, Phong trào Chiếm lấy phố Wall đã trở thành một hiện tượng ảnh hưởng tới đời sống chính trị nước Mỹ, đặc biệt trong giai đoạn chạy đà cho các cuộc bầu cử năm sau.

Huỳnh Vũ