Tư duy lại vai trò của Ngân hàng Trung ương
Trước đến nay, nhiệm vụ cơ bản nhất của các Ngân hàng Trung ương là điều tiết tiền tệ nhằm bình ổn giá cả. Nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy chính sách tiền tệ nhằm bình ổn giá ảnh hưởng lớn đến sự ổn định tài chính thông qua tác động của nó đến giá của các tài sản, hàng hóa, tín dụng, dòng chảy vốn và tỷ giá hối đoái. Đặc biệt, những ảnh hưởng này không chỉ giới hạn trong một quốc gia.
Chính sách tiền tệ của một quốc gia có thể tác động đến các quốc gia khác thông qua các dòng vốn xuyên biên giới và có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng đến sự ổn định tài chính của các quốc gia đó. Vì thế, cần phải tư duy lại về sứ mệnh và hoạt động của các Ngân hàng Trung ương, trong đó ổn định tài chính phải là một mục tiêu quan trọng cùng với nhiệm vụ ổn định giá cả. Đặc biệt cần lưu tâm đến chính sách tiền tệ như một trong những nhân tố cần phải giám sát.
Điều này có nghĩa là khi tín dụng tăng trưởng nhanh chóng hay các chỉ số tài chính khác cùng với giá cả tăng lên, những người có trách nhiệm cần phải tiến hành các cuộc kiểm tra để đánh giá tác động của những thay đổi giá cả này về mặt kinh tế và ổn định tài chính. Thay vì tìm kiếm các bong bóng, họ nên quan tâm liệu một thay đổi trong các điều kiện tài chính hiện tại có thể gây hại cho nền kinh tế hay không. Nếu câu trả lời là có, các Ngân hàng Trung ương nên sử dụng các biện pháp cần thiết, bao gồm cả chính sách tiền tệ nếu cần, thậm chí phải hy sinh mục tiêu lạm phát để ổn định tài chính. Nhiệm vụ mới của Ngân hàng Trung ương không chỉ là ổn định giá cả mà còn phải ổn định tài chính.
Một sứ mạng mới như vậy đòi hỏi các Ngân hàng Trung ương thay đổi cách ứng xử với công chúng và các nhà chính trị. Sẽ không ai hài lòng nếu Ngân hàng Trung ương cắt giảm tăng trưởng tín dụng để ưu tiên ổn định tài chính. Vì thế, họ cần công bố rõ ràng những đánh giá rủi ro và những lý do cho hành động chính sách của mình.
Từ xưa đến nay các Ngân hàng Trung ương không mấy để tâm đến việc các chính sách của họ tác động đến những quốc gia khác như thế nào. Họ cũng không chú ý đến sự ổn định tài chính ở cấp độ toàn cầu. Trong các nền kinh tế lớn, giới chính trị trong nước nên quan tâm đến những tác động từ bên ngoài có thể đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng lên chính sách tiền tệ trong nước. Ngân hàng Trung ương ở các nước này nên chú ý hơn đến chính sách tập thể và các tác động toàn cầu của nó.
Để tạo điều kiện cho nhiệm vụ này, đại diện của các Ngân hàng Trung ương nên thường xuyên gặp gỡ và trao đổi. Nhóm đại diện này cần phải đánh giá được tác động của chính sách lên thanh khoản, đòn bẩy và sự ổn định tài chính toàn cầu. Nhóm này cũng nên thảo luận về sự thích hợp có một chính sách tiền tệ và tín dụng chung để duy trì giá hàng hóa, sản lượng toàn cầu cũng như sự ổn định tài chính vĩ mô. Họ cần đưa ra một báo cáo thường kỳ đánh giá và công bố chính sách nhìn từ góc độ toàn cầu đồng thời chỉ ra những bất cập hay thiếu nhất quán trong chính sách. Báo cáo này sau đó nên được gửi đến nhóm G20 và được công bố rộng rãi. Chỉ có như thế, các Ngân hàng Trung ương mới xác định và nhìn nhận được những bất cập trong chính sách của mình.
Những nước lớn có thể chưa sẵn sàng để các Ngân hàng Trung ương của mình chấp nhận thêm trách nhiệm toàn cầu, đặc biệt khi họ phải lo đối phó với tăng trưởng chậm chạp trong nước. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho tương lai. Thế giới đã tư duy lại các quy định trong ngân hàng thương mại để giúp các nền kinh tế ổn định hơn. Nhưng nếu chỉ dừng ở vậy mà không tư duy lại vai trò của các Ngân hàng Trung ương, mới chỉ có một nửa công việc được hoàn thành.