Quân cờ chính ở Istanbul

Nguyễn Minh 03/11/2011 07:05

Pakistan hầu như đảm nhận vai trò then chốt tại Hội nghị quốc tế về Afghanistan diễn ra ngày 2.11 ở thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vai trò này cũng đặt ra những tranh cãi xuất phát từ việc Islamabad phản đối một đề xuất về nhóm tiếp xúc khu vực và một thỏa thuận an ninh mới trong vùng để đối phó với tình hình hỗn loạn ở Afghanistan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul (trái), Người đồng nhiệm Afghan Hamid Karzai (phải) và Thủ tướng Pakistan Asif Ali Zardari sau cuộc gặp tại Istanbul Nguồn: AP
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul (trái), Người đồng nhiệm Afghan Hamid Karzai (phải) và Thủ tướng Pakistan Asif Ali Zardari sau cuộc gặp tại Istanbul

 Nguồn: AP

Ngoại trưởng Hina Rabbani Khar, trưởng đoàn Pakistan tham dự Hội nghị về Afghanistan, hiện nay khu vực hoàn toàn có cơ chế để giải quyết hồ sơ Afghanistan, chẳng hạn như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà Pakistan có quy chế quan sát viên, Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) và Tổ chức Hợp tác Kinh tế (ECO). Theo bà Ngoại trưởng, thay vì thành lập các cơ chế mới, cần tập trung khai thác các cơ chế hiện có. Bà cho rằng bất cứ cấu trúc mới nào đều không mang lại lợi ích cho Afghanistan và mọi quá trình tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Afghanistan cần phải do người Afghanistan quyết định.

Mặt khác, viện cớ an ninh quốc gia, Pakistan tiếp tục giữ lập trường rằng Islamabad cần có một chính phủ “anh em” ở Kabul như một sự phòng thủ. Lập trường này bị nhiều nước - trước hết là Ấn Độ muốn có một quy chế an ninh mới về Afghanistan, phản đối. Ngay cả Mỹ, đồng minh chủ chốt của Pakistan, cũng thẳng thừng bác bỏ các lý lẽ của Islamabad. Thổ Nhĩ Kỳ, được coi là thân thiết với Pakistan và giàu kinh nghiệm trong quan hệ với Afghanistan, đang thúc đẩy thiết lập một cơ chế an ninh khu vực bao gồm tất cả các nước láng giềng của Afghanistan. Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho rằng Islamabad đang tìm cách tập hợp sự ủng hộ từ một số nước như Iran, Nga - vốn luôn chống lại sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan.

Sở dĩ phương Tây chấp nhận vai trò chủ chốt của Pakistan ở Hội nghị Istanbul vì nước này vẫn có ảnh hưởng lớn đối với lực lượng Taleban, mạng lưới khủng bố Haqqani có liên hệ với Al-Qaeda và nhóm đối lập lớn thứ ba Hizb-e-Islami. Coi trọng vai trò của Pakistan trong tiến trình hòa bình, hòa giải ở Afghanistan, Mỹ và Afghanistan đã thành lập các nhóm làm việc chung với Islamabad để khuyến khích Taleban ngồi vào bàn hòa đàm. Các quan chức Pakistan nhấn mạnh nước này sẽ tham gia các nỗ lực hòa bình do người Afghanistan đề xuất và thực hiện, nhưng sẽ không thương lượng trong trường hợp Taleban đối thoại với Chính phủ Afghanistan hay bất cứ đối thủ nào khác trong ván cờ Afghanistan.

Ngay cả Afghanistan cũng thừa nhận vai trò quyết định của Pakistan trong việc thuyết phục các nhóm này ngồi vào bàn hòa đàm. Tháng trước, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tuyên bố với Đài truyền hình Geo của Pakistan rằng ông đã thất bại trong việc tìm tiếng nói chung với thủ lĩnh Taleban Mulla Omar và các nhà lãnh đạo khác của lực lượng này. Hiện tại, Chính phủ Afghanistan sẽ đàm phán thông qua Pakistan, nước giữ vai trò “đại diện” cho Taleban. Tổng thống Karzai đã hủy bỏ mọi cuộc tiếp xúc với Taleban sau vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan và vụ ám sát Chủ tịch Hội đồng hòa bình tối cao Afghanistan Burhanuddin Rabbani hồi tháng 9 vừa qua.

Hội nghị ở Istanbul cũng sẽ mang đến cho Pakistan cơ hội xoa dịu sự căng thẳng trong quan hệ với người láng giềng Afghanistan sau vụ Rabbani. Kabul quy trách nhiệm vụ ám sát này cho các tay súng phiến quân có căn cứ tại thành phố Quetta của Pakistan, đồng thời cáo buộc chính quyền Islamabad dung túng Taleban.

Việc Mỹ nhanh chóng gia tăng sức ép với Pakistan về thực hiện các bước nhằm đưa các nhóm nổi dậy ở Afghanistan đến bàn đàm phán có thể buộc họ phải hành động để tránh bị áp lực hơn nữa. Trong chuyến thăm Islamabad cuối tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đặt thời hạn chót là “trong vài ngày và vài tuần” để Pakistan hoàn tất mục tiêu trên. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình của Australia ngày 1.11, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani nêu rõ Islamabad đã chấp nhận hầu như tất cả các yêu cầu của Mỹ liên quan đến việc đạt được một thỏa thuận hòa bình cho Afghanistan. Đây là một thông điệp rõ ràng của Pakistan gửi cho các bên tham gia Hội nghị ở Istanbul.

Đến Istanbul lần này, ngoại trưởng 14 nước tập trung thảo luận các giải pháp giúp Afghanistan trở thành một quốc gia ổn định và độc lập. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ tham gia hội nghị về Afghanistan do tại sự kiện tương tự năm ngoái, Pakistan đã tác động nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh thân cận của họ, gạt New Delhi ra rìa. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định đây là một tiến trình khó khăn do Pakistan đang tìm cách ngăn cản việc thành lập một nhóm nước ở khu vực với trách nhiệm giám sát kinh tế và an ninh của Afghanistan trong tương lai. Bằng việc chống lại những quyết định then chốt dự kiến sẽ được thảo luận để thông qua tại hội nghị, Pakistan đang chơi một canh bạc với nhiều rủi ro.

Nguyễn Minh