Tái cấu trúc nguồn vốn FDI - Hướng vào chất lượng và chọn lọc

Nhất Đơn thực hiện 25/10/2011 07:03

Trong giai đoạn phát triển vừa qua, dòng vốn FDI có vai trò rất quan trọng tạo ra những động lực và sự lan tỏa lớn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thì cần phải có thay đổi trong cách thức tiếp cận cũng như những cách thức thu hút FDI, nếu không nền kinh tế Việt Nam sẽ không phát huy được hết tiềm năng, thậm chí chịu những tác động ngược lại của những dòng vốn FDI không chất lượng. Theo CHUYÊN GIA KINH TẾ PHẠM CHI LAN, trong tái cấu trúc nguồn vốn FDI, lợi ích quốc gia phải được đặt lên hàng đầu bên cạnh những đóng góp lớn của các doanh nghiệp FDI.

- Thưa bà, câu chuyện tái cấu trúc các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của nước ta trong thời gian sắp tới cần phải được nhìn nhận như thế nào?

- Tái cấu trúc nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng là một trong những trọng tâm rất quan trọng trong bài toán tái cấu trúc nền kinh tế của nước ta. Có thể nói từ khi bắt đầu đổi mới, đầu tư nước ngoài đã trở thành một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp lớn của FDI, thì cũng có không ít căn bệnh trong đầu tư cần khắc phục. Ở khía cạnh vốn đầu tư đã có tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhưng lại huy động vốn từ ngân hàng của Việt Nam để đầu tư. Trên thực chất nhà đầu tư nước ngoài không mang vốn vào hoặc mang vào không đáng bao nhiêu mà lại sử dụng chính nguồn lực về vốn của nước ta phục vụ các dự án đầu tư cho họ. Những đóng góp của các doanh nghiệp FDI qua thuế nhiều khi không tương xứng với nguồn vốn mang vào đầu tư. Rất nhiều doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ trong thời gian vừa qua. Chưa kể là trong thực tế, nhiều điều tra nghiên cứu thì những dự án ngay cả những dự án gọi là công nghệ cao thì công nghệ mang vào Việt Nam thấp hơn đáng kể so với công nghệ đã cam kết, không mang lại được giá trị gia tăng bao nhiêu và có nghĩa là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn thường có thể nói vống lên số vốn đầu tư họ mang vào nhưng trên thực tế không nhiều đến thế.

Nguồn: vccinews.vn
Nguồn: vccinews.vn

- Trong khi chúng ta giành rất nhiều ưu đãi, rất nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút FDI, nhưng trong nhiều dự án, lợi ích mang lại không nhiều, thậm chí là gây ra rất nhiều tác động tiêu cực. Lãng phí nguồn lực quốc gia đang là điều khiến chúng ta lo lắng?

- Câu chuyện lãng phí nguồn lực quốc gia không chỉ được nhìn thấy ở tình trạng một số doanh nghiệp FDI huy động vốn từ ngân hàng Việt Nam đầu tư rồi bỏ trốn, khiến các ngân hàng không đòi được như ở một số địa phương mà còn có tình trạng doanh nghiệp nước ngoài trên danh nghĩa đầu tư vào và với những ưu đãi họ có, họ có quyền đứng ra huy động vốn trong dân. Ví dụ như các dự án xây các chung cư, các trung tâm thương mại, những khu nghỉ dưỡng cao cấp... doanh nghiệp FDI bán ngay từ lúc có dự án trong tay và tính toán ra là gần như họ đã bán được hết số dự án ngay từ lúc có giấy phép. Điều đó có nghĩa là họ không cần lo tiền từ ngoài vào, họ dùng ngay tiền của dân mình xây dựng dự án và kiếm lời. Ngoài ra, đối với đầu tư nước ngoài phải xem lại khía cạnh này, một đằng là vốn cam kết với một đằng là nguồn lực của doanh nghiệp FDI được dành để thực hiện. Ngay cả số vốn họ mang vào, trong nhiều trường hợp cũng không tương xứng. Họ có thể hứa hẹn nguồn rất lớn nhưng trên thực tế nguồn vốn mang vào không lớn như vậy mà họ đã được sử dụng rất nhiều đất đai, rất nhiều tài nguyên thiên nhiên của chúng ta để thực hiện dự án của họ. Hay nói một cách khác, vốn chúng ta cung cấp cho họ bằng tài nguyên lớn hơn rất nhiều so với vốn bằng tiền họ hứa mang vào. Lẽ ra, chúng ta có thể yêu cầu họ mang vào nhiều vốn hơn hoặc là có thể để cho các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng với điều kiện tương tự để doanh nghiệp trong nước phát triển lên chứ không phải những cái tốt nhất đều dành cho nước ngoài. Đấy cũng là một bất cập.

Trong tái cơ cấu FDI chúng ta phải có những cách thức kiểm soát làm sao số vốn họ cam kết đưa vào Việt Nam phải là số vốn thực, sát với giá trị những gì họ mang vào Việt Nam. Đồng thời phải kiểm soát chất lượng những đầu vào họ mang vào Việt Nam tránh tình trạng họ kê khai rất cao về công nghệ về thiết bị... nhưng trên thực tế giá trị của chúng thấp hơn nhiều so với số vốn họ nêu. Cần phải tránh họ thổi phồng lên số vốn hưởng nhiều ưu thế về khai thác tài nguyên trong khi đó họ đóng góp phần vốn đầu tư hoàn toàn không tương xứng.

- Nhìn từ thực tế thu hút FDI của nươc ta thời gian qua, có thể thấy nếu không cân đối được những luồng vốn FDI, không lựa chọn được những dự án, những doanh nghiệp FDI thực sự lớn mạnh phù hợp với điều kiện phát triển của kinh tế Việt Nam thì chính các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ chịu những tác động tiêu cực khi không được phân bổ nguồn lực một cách hợp lý?

- Đúng vậy. Ở một vài quốc gia khác cũng đã xảy ra tình trạng này. Ấn Độ đã có tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài dành lấy nguồn vốn ngân hàng, đáng lẽ là phải dành cho các doanh nghiệp trong nước thì các nhà đầu tư nước ngoài lại dành được. Tuy nhiên các quốc gia này đã đưa ra những công cụ cần thiết để chống lại tình trạng đó. Còn ở nước ta thì vẫn buông lỏng tình trạng này, khiến nó lan rộng ra nhiều địa phương và trở thành vấn đề nhức nhối. Lâu nay doanh nghiệp Việt Nam đang bị hiện tượng cả doanh nghiệp nhà nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài chèn ép. Nếu nói về đầu tư thì đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, đầu tư của FDI đang chèn ép đầu tư của khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chỉ có được những cái gì tự họ có và phần vay mượn ở ngân hàng cũng khó khăn, các điều kiện tín dụng cũng khó khăn, cũng khắt khe với họ, bởi vì họ không có được tài sản vật chất như nguồn lực về đất đai... Cần phải biết rằng, khi doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài sử dụng một lượng vốn và nguồn lực xã hội lớn, nghĩa là chiếc bánh về vốn và nguồn lực trên thị trường nhỏ lại và doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam sẽ mất đi cơ hội được sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

- Với những doanh nghiệp FDI làm ăn thua lỗ, vay tiền của ngân hàng Việt Nam mà không trả, nhìn nhận lại các dự án của họ thì thấy công nghệ đều lạc hậu, các dự án đều kém chất lượng. Rõ ràng ở đây là cái lỗi của những người ra quyết định chấp nhận cho họ đầu tư và cả các ngân hàng khi quá dễ dãi cho họ tiếp cận vốn?

- Rõ ràng trước hết là trách nhiệm của những người thẩm định và cấp phép cho họ hoạt động. Phải xem cụ thể trong từng dự án ai là người thẩm định, ai là người cấp phép, quy trình nó như thế nào thì mới kết luận được trách nhiệm chủ yếu thuộc về nơi nào. Những năm vừa qua nhất là từ khi chúng ta phân cấp mạnh về đầu tư thì xuất hiện tình trạng các địa phương trong cái khao khát về đầu tư để có thành tích về tăng trưởng, để có những cái hào nhoáng thêm cho địa phương mình nhiều khi đã bỏ lơi xem nhẹ yêu cầu thẩm định các dự án đầu tư FDI. Những khiếm khuyết, những sơ hở trong thu hút FDI đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài có thể mang vào những máy móc thiết bị cũ kỹ lạc hậu, giá trị không đáng bao nhiêu lại vay số tiền rất lớn, lại bỏ trốn giờ không biết đâu mà đòi. Đây là sai sót nghiêm trọng và phải làm rõ có xử lý nghiêm khắc, nếu không tất cả các mất mát đó ai sẽ là người gánh chịu.

- Trước những bất cập trong thu hút FDI thời gian vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng cần phải cân nhắc so sánh giữa cái được và cái mất mà các dòng vốn FDI đổ vào sau khi Việt Nam hội nhập, và gia nhập WTO, để từ đó rút ra những bài học và kinh nghiệm để chúng ta thực hiện tái cơ cấu FDI trong thời gian tới. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng cái được là lớn hơn. Sau khi vào WTO, chúng ta có khả năng thu hút FDI lớn hơn và cũng đã có những tập đoàn lớn trên thế giới vào Việt Nam. Có những dự án rất nghiêm chỉnh đúng hướng chúng ta mong đợi như dự án đầu tư công nghệ cao của tập đoàn Intel hay các dự án của tập đoàn Samsung hay Nokia... Đấy là tín hiệu rất tốt và nếu không tham gia WTO, không mở cửa hội nhập thì chúng ta không thể có được những luồng đầu tư đó. Chúng ta cần phải thấy rằng, ở những lĩnh vực càng phức tạp, có công nghệ cao thì các nhà đầu tư nước ngoài càng đòi hỏi tính nghiêm túc cao hơn của hệ thống pháp luật và tính tuân thủ đối với những luật chơi chung phổ biến trên thế giới. Nếu chúng ta không tham gia WTO thì các cam kết của Việt Nam sẽ không đủ làm cho các nhà đầu yên tâm đầu tư vào Việt Nam được. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì cũng có những khiếm khuyết. Nhưng không phải lỗi mở cửa, không phải lỗi vào WTO mà là do sự quản lý yếu kém của chúng ta. Phân cấp mạnh nhưng lại rất thiếu sự quản lý giám sát của nhà nước, trung ương và của địa phương với những dự án đầu tư FDI. Do trình độ thấp của những người tham gia thẩm định, phê chuẩn các dự án đó. Thậm chí bên cạnh trình độ thấp còn có vấn đề về đạo đức nữa. Có thể những yếu tố tham nhũng, chạy cửa sau đã giúp các dự án kém chất lượng chạy lọt qua các hàng rào mà chúng ta dựng lên để hạn chế những dự án xấu. Những khiếm khuyết, những sai sót, những mất mát trong đầu tư nước ngoài chủ yếu là do lỗi hệ thống của chúng ta.

- Vâng. xin cám ơn Bà!

Nhất Đơn thực hiện