Có việc làm đã là may

Thái Anh 22/10/2011 07:13

Một châu Âu khủng hoảng nợ không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân và còn làm chao đảo thị trường lao động. Các thanh niên Nam Âu không nằm ngoài vòng xoáy đó khi và giờ đây với tấm bằng đại học sáng ngời trong tay, họ vẫn phải chấp nhận những công việc thiếu ổn định. Bởi trong thời buổi người khôn của khó này, có được việc làm là đã may rồi.

Có việc làm đã là may ảnh 1
Nguồn: ITN

Sylvia, 24 tuổi, một thanh niên Tây Ban Nha biết rằng tình hình kinh tế hiện nay rất khó khăn, nhưng cô cũng không thể tưởng tượng nó lại khắc nghiệt đến thế. Với tấm bằng thạc sỹ về ngành quảng cáo, Sylvia hiện đang tập sự cả ngày cho một công ty được 2 năm, và không biết đến khi nào thời gian thử việc này mới kết thúc. Mặc dù khối lượng công việc của cô tương đương với một chuyên viên quan hệ công chúng chuyên nghiệp được trả lương ngồi ngay cạnh, nhưng cô chỉ được trả 300 euro một tháng. Số tiền trên không đủ để cô có thể sống độc lập mà vẫn phải ở cùng cha mẹ vì phần lớn thu nhập chỉ đủ đi xe buýt và ăn trưa.

Tuy nhiên, bất chấp việc cảm thấy bất công vì thời gian thử việc quá kéo dài nhưng Sylvia không có ý định kiến nghị lên bộ phận nhân sự vì trong thời buổi này, kiếm được việc đã là may mắn. Hơn nữa trong số các bạn bè của mình, cô vẫn còn được làm đúng nghề và ưu đãi khá nhất.

Phóng viên Fiona Ortiz Feliciano Tisera trong một bài viết cho hãng tin Reuters đã cho biết, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ của Tây Ban Nha cao hơn 40% và tổng thất nghiệp nói chung vào hàng cao nhất EU, cứ 1 trong 5 thanh niên nước này phải chấp nhập bất cứ điều kiện nào của cơ quan tuyển dụng miễn để có thể khởi nghiệp.

Câu chuyện này cũng diễn ra tương tự ở các nước láng giềng như Bồ Đào Nha và Italy, nơi mà ngày càng nhiều người phải chấp nhập những công việc ít được bảo đảm hơn: những hợp đồng tạm thời thường rất phổ biến trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, xây dựng nhưng nay bắt đầu thịnh hành ở tất cả các công ty mọi ngành nghề.

Với nền kinh tế trì trệ và cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro đang xiết chặt tín dụng, các doanh nghiệp phải hạn chế hơn bao giờ hết những bản hợp đồng lao động dài hạn với những khoản trợ cấp thôi việc đắt đỏ. Hiện nay, một phần tư lực lượng lao động của Tây Ban Nha đang phải làm việc với những hợp đồng tạm thời. Tỷ lệ này ở Bồ Đào Nha là 23% trong khi mức trung bình của EU là 14%.

Tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italy, một hệ thống kép cứng nhắc đã xuất hiện. Những lao động trung niên có việc làm ổn định với trợ cấp đảm bảo nên việc sa thải rất tốn kém vì họ được bảo vệ bởi hệ thống luật pháp chặt chẽ. Trong khi đó, người lao động trẻ lại đang mắc kẹt trong các hợp đồng tạm thời và rất dễ bị cho thôi việc.

Các nghiên cứu đã cho thấy, thị trường việc làm kiểu như vậy đang gây khó dễ và làm chậm tăng trưởng kinh tế. Những lao động tạm thời bị mắc kẹt ngày càng lâu hơn vì thậm chí công việc tại khu vực công cũng dần co lại khi các chính phủ phải ra sức cắt giảm chi tiêu để có thể kiểm soát hoạt động. Điều này ảnh hưởng đến năng suất lao động và khiến cho tính cạnh tranh của Nam Âu yếu đi.

Tại Rome, chàng thanh niên Federico đã nhảy hết công việc tạm thời này đến tạm thời khác kể từ khi tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử cách đây 3 năm. Anh rất muốn không phải phụ thuộc vào cha mẹ nhưng để làm được điều ấy Federico phải tìm được công việc lâu dài mới đủ điều kiện thuê nhà. Nhưng với hơn 1/4 thanh niên Italy trong độ tuổi từ 15 - 24 không có việc làm, Federico bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng. “Đôi khi tôi cảm thấy rất thất vọng và bắt đầu gửi một loạt hồ sơ xin việc tới các công ty, kể cả những nơi  không thích để tăng thêm cơ hội tìm kiếm một công việc ổn định nào đó”, anh nói.

Hiện tượng những người trẻ tuổi vẫn phải sống chung với cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân càng làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, từ đó sinh ra một vòng luẩn quẩn đối với công tác tạo việc làm. Nếu các thanh niên xây dựng một gia đình mới, họ sẽ giúp thúc đẩy thị trường nhà ở cũng như tăng cường tiêu dùng. Một trong những rủi ro nữa đối với những nền kinh tế có tỷ lệ người lao động tạm thời cao là các ngân hàng rất ngại cho những người không có thu nhập ổn định vay tiền, điều đó càng làm cho tiêu dùng bị hạn chế.

Về mặt lý thuyết, một hợp đồng lao động tạm thời được ví như bạn đã đặt được một chân vào cửa việc làm và nếu chứng minh năng lực tốt sẽ được ký dài hạn. Nhưng ở Nam Âu, cụ thể là Tây Ban Nha, chỉ có 20% số hợp đồng tạm thời được chuyển thành hợp đồng dài hạn vào năm 2008, một trong những tỷ lệ thấp nhất trong EU. Trong khi đó, tại Bồ Đào Nha, tỷ lệ trên đã giảm xuống dưới 20% từ mức 50% vào cuối những năm 90.

Rất nhiều các công ty Bồ Đào Nha đang lạm dụng một loại hợp đồng tự do được gọi giấy “biên nhận xanh” để thuê lao động làm cả ngày. Những người này làm việc theo lịch cố định như bất cứ nhân viên nào khác nhưng lại không có quyền có ngày nghỉ, không được hưởng an sinh xã hội, bảo hiểm y tế hay trợ cấp thôi việc.
Thậm chí đến cả các cơ quan chính phủ nhiều khi cũng lạm dụng dạng hợp đồng kiểu này. Một quản lý cấp trung ở Viện Bảo tàng Bồ Đào Nha giấu tên cho biết ông đã làm việc theo hợp đồng kiểu biên nhận xanh hơn 5 năm. 

Do khó khăn nên các công ty rất ngại ký thuê lao động dài hạn, điều này có tác động tiêu cực đối với giới trẻ khi bắt đầu khởi nghiệp.Vào năm 2010, dưới áp lực của EU về việc cải tổ lại thị trường lao động và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty trong việc tuyển dụng và sa thải người lao động, chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua các cải cách để làm giảm các hợp đồng tạm thời và tạo ra những công việc ổn định lâu dài nhưng đỡ chi phí hơn cho giới chủ. Nhưng chưa đầy một năm sau, Chính phủ đã phải đảo ngược hoàn toàn chính sách vì tỷ lệ thất nghiệp cứ tiếp tục tăng mạnh. Nhiều người sẵn sàng chấp nhận làm tạm thời còn hơn là không có việc gì. Tây Ban Nha đã phải ra quy định mới cho phép các công ty mở rộng một số hợp đồng ngắn hạn lên tới 3 năm và kéo dài độ tuổi lao động. Tuy nhiên một số lãnh đạo nghiệp đoàn cho rằng, chính sách mới đang biến Tây Ban Nha trở thành một quốc gia mà nhiều người dân “thử việc tới tận 33 tuổi và không thể nghỉ hưu cho tới tuổi 75”. Tại Bồ Đào Nha, nơi tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 12%, thấp hơn Tây Ban Nha nhưng chính phủ cũng đang bế tắc trong việc xây dựng các chính sách cải tổ nhằm giải quyết vấn đề trợ cấp thôi việc.

Thực vậy, vấn đề lao động, việc làm đang rất cấp thiết tại các nước Nam Âu và đang trở thành yếu tố quan trọng đối với vận mệnh chính trị của từng đảng phái khi đất nước bước vào mùa bầu cử.

Thái Anh