Homestay ở Tả Van Giáy
Cách thị trấn Sa Pa chừng 7 cây số, đường vào bản du lịch Tả Van chạy quanh co men theo sườn núi. Giữa đại ngàn xanh thẳm, xen lẫn màu vàng của lúa nương đương mùa chín rộ là những ngôi nhà sàn của đồng bào Giáy - một cuộc sống bình yên đầy thơ mộng trải trước mắt du khách. Nằm ở lưng chừng thung lũng Mường Hoa là Tả Van Giáy, thuộc xã Tả Van - một địa chỉ đỏ về du lịch homestay.

Đã đôi lần đến với thị trấn nhỏ Sa Pa nhưng lịch công tác luôn khép kín nên ý định đến với các bản du lịch phải đến lần thứ ba này chúng tôi mới thực hiện được. Và điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình của chúng tôi là thôn Tả Van Giáy, nơi cư trú của đồng bào dân tộc Giáy. Đồng thời cũng là một trong những địa chỉ quen thuộc của du khách mỗi khi tìm đến với Sa Pa.
Nhìn từ trên lưng chừng núi bên này, qua con suối Mường Hoa, thôn Tả Van Giáy nằm phía bên trái tính từ UBND xã Tả Van. Những nếp nhà sàn xinh xắn nằm trải dọc theo lưng chừng thung lũng. Trên nương, thấp thoáng bóng dáng người dân trong thôn hối hả vào mùa thu hoạch lúa. Lối nhỏ vào thôn dù chưa được bê tông, có đoạn khá gập ghềnh song điều đó dường như không làm nản lòng chúng tôi. Cả thôn Tả Van Giáy có khoảng 40 hộ dân, đa phần đều lấy nhà mình làm du lịch, theo mô hình homestay - khách ăn nghỉ, tham gia các sinh hoạt cùng gia chủ để khám phá về văn hóa bản địa.
Ngôi nhà số 1 tính từ đầu bản là của chị Nguyễn Thị Quyên, khi chúng tôi đến, gia chủ đang hoàn thiện nốt phần mái che khoảng sân để làm nơi đón khách. Chị Quyên cho biết, mỗi ngày trung bình nhà chị đón khoảng chục lượt khách. Không chỉ có vậy, nhà chị còn làm thêm những chòi nhỏ giữa cánh đồng, du khách có thể vừa ăn, vừa thưởng thức không gian thoáng mát, ngắm nhìn khung cảnh ruộng nương. Số tiền đầu tư dịch vụ du lịch theo chị Quyên nhẩm tính lên đến tiền tỷ - một con số không hề nhỏ đối với bà con thuần nông nơi đây. Song bù lại ngôi nhà sàn chị làm khá hiện đại và sang, toàn bộ ga đệm đều mới và trắng tinh, trong phòng thoang thoảng mùi thơm của gỗ pơmu. Chị hy vọng cung cấp dịch vụ tốt như thế sẽ thu hút được nhiều du khách hơn nữa.
Đi sâu vào bản, đến gia đình nào cũng thấy, trong nhà ngoài ngõ sạch sẽ, công trình phụ hiện đại, trước mỗi cổng đều có treo biển homestay, sẵn sàng đón khách. Bên cạnh những nhà có nhiều kinh phí đầu tư thì hầu hết đều tận dụng những gì mình có để làm du lịch. Trong các ngôi nhà truyền thống bằng gỗ, gia chủ chỉ cần mua thêm những tấm đệm, chăn màn và ga gối, sửa sang hoặc xây mới khu vệ sinh vậy là đã mời được du khách tới ăn nghỉ ngay trong nhà mình. Đảm bảo dịch vụ nghỉ tốt, họ cũng sẵn sàng phục vụ ăn khi du khách có nhu cầu. Thức ăn chủ yếu là những món ăn bình dân của bà con. Đó là rau ngoài nương, cá dưới ao, gà lợn do nhà tự nuôi. Tấ cả là những món ăn truyền thống của đồng bào; rất đơn giản nhưng lại gây ấn tượng sâu sắc với du khách. Qua những bữa cơm như thế, giữa du khách và người dân như gần gũi và hiểu nhau hơn. Đồng thời, du khách cũng có thể thấy rõ hơn cuộc sống bình dị, chân chất của đồng bào dân tộc bản địa.
Có lẽ đã khá quen thuộc với việc khách lạ có thể đến thăm nên mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Đặc biệt, dù du lịch có thể đem lại cho họ nhiều lợi nhuận song cuộc sống nơi đây vẫn giữ khá vẹn nguyên nếp sống hồn nhiên, chân chất vốn có. Người dân vẫn cần mẫn với công việc đồng áng, khi khách có nhu cầu ăn, nghỉ họ lại tạm gác công việc của mình để trở thành người “làm du lịch”. Đi từ đầu thôn đến cuối thôn không hề có ai đeo bám, chèo kéo khách. Mỗi bước chân chúng tôi đều bắt gặp những ánh mắt nụ cười thân thiện, song còn vương chút e lệ vốn có của bà con miền núi.
Chúng tôi đã ghé thăm một gia đình giữa thôn. Không lời mời chào vồn vã nhưng những bộ bàn ghế được kê sẵn ngay trước hiên như đã thay lời. Và chỉ cần hỏi gia chủ dăm ba câu, chúng tôi sẽ nhận được ngay câu trả lời với thái độ lịch sự và mến khách; dù họ biết chắc chúng tôi không có ý định nghỉ trọ hay nhờ nấu ăn gì… Đi khắp cả thôn chúng tôi cũng nhận ra, không ít gia đình, dù không chuyên làm về du lịch song vẫn kê vài ba bộ bàn ghế ra trước hiên nhà để du khách có thể ghé qua, nghỉ ngơi ngắm nhìn phong cảnh. Đây chính là một điều đặc biệt trong cách làm du lịch tại Tả Van Giáy…Phải chăng đó cũng chính là một trong những nhân tố giúp cho mô hình homestay ở Sa Pa phát triển.
Cùng chuyến thăm Tả Van Giáy hôm đó với chúng tôi là một du khách đến từ Mỹ. Chị cho biết rất thích nghỉ dưỡng ở những ngôi nhà dân dã của đồng bào, vì sự thân thiện mến khách, không gian sống gần gũi với môi trường thiên nhiên và điều thú vị là những món ăn của đồng bào rất ngon và hấp dẫn. Lần nào cũng vậy, mỗi khi có dịp đến Sa Pa thì “homestay” được chị chọn thay vì những khách sạn sang trọng… Được biết, trước đây, thông thường các đoàn khách đi theo tour, chủ yếu tham quan làng bản rồi lại lên xe về Sa Pa, nhưng bây giờ họ thích nghỉ lại ở bản hơn. Vừa được thưởng thức những món ăn dân dã, vừa được hòa mình vào không gian sống của người vùng cao, được tìm hiểu tập quán cũng như những phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thống kê của UBND huyện Sa Pa cho thấy, mô hình “homestay” ở đây bình quân mỗi tháng đón hàng nghìn khách du lịch đến lưu trú qua đêm. Ngoài món ăn thôn bản mà du khách được thưởng thức, ban đêm chủ nhà cũng tổ chức đốt lửa, và các sinh hoạt văn hóa như: múa quạt, nhảy sạp, thổi kèn… Hiện nhiều gia đình còn biết phối hợp với các văn phòng làm du lịch trên thị trấn, ở Hà Nội để đưa khách về với thôn. Tuy nhiên, nhiều người dân ở đây mong muốn, làm sao để du khách chủ động tìm đến thay vì phải qua trung gian là các văn phòng du lịch. Bởi điều đó sẽ khẳng định rõ hơn thương hiệu homestay của thôn, và cũng qua đó người dân nâng cao ý thức giữ gìn môi trường, cảnh quan, đặc biệt, giữ bản sắc người dân bản địa trong quá trình làm du lịch.
Homestay đã làm cho Tả Van Giáy thay da đổi thịt. Đồng bào dân tộc nơi đây đã biết bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, xây dựng cuộc sống cho mình... Chia tay với Tả Van Giáy trong bóng chiều buông trên dãy Hoàng Liên…lòng thầm mong rồi đây sẽ còn nhiều Tả Van Giáy như thế…