Chiếm lấy Phố Wall - cuộc nổi dậy của tầng lớp bình dân

Hoàng Minh 11/10/2011 07:05

Với việc nhiều tổ chức công đoàn và sinh viên ở những khu vực khác nhau của Mỹ xuống đường tham gia biểu tình, phong trào Chiếm lấy phố Wall ở New York đã có thêm động lực và mở rộng quy mô ra khắp cả nước. Phong trào rộng khắp này đã bộc lộ những vấn đề cơ bản tồn tại trong xã hội Mỹ và nhiều khả năng sẽ gây được ảnh hưởng đối với các chính sách sắp tới của Washington.

Một người biểu tình giương khẩu hiệu chúng tôi chiêmë 99% dân số Mỹ Tiếng nói của chúng tôi cần được nghe
 Một người biểu tình giương khẩu hiệu chúng tôi
chiêmë 99% dân số Mỹ Tiếng nói của chúng tôi cần được nghe

Được khởi xướng bởi một tạp chí mạng có tên là “Adbusters”, phong trào mang tên “Chiếm lấy phố Wall” đang được hàng chục nghìn người trẻ tuổi hưởng ứng. Lúc đầu một nhóm khoảng vài chục người cắm trại bên ngoài trụ sở của Sở giao dịch chứng khoán New York. Tuy nhiên, ngay sau đó, phong trào này đã giành thêm được nhiều ủng hộ và biến thành một loạt các cuộc biểu tình trên khắp cả nước. Cuộc biểu tình ngày 5.10 vừa qua với sự tham gia của hàng nghìn người tại New York là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất. “Chiếm lấy phố Wall” cũng lan sang các thành phố khác với những phiên bản khác như “Chiếm lấy Boston”, Washington, Los Angeles và San Francisco.

Khi các cuộc biểu tình bùng phát, các thành viên công đoàn và nhiều sinh viên cũng đã xuống đường. Tính tới thời điểm hiện nay, khoảng 70 sinh viên của các trường đại học đã tham gia phong trào này. Giới phân tích dự đoán, các cuộc biểu tình sẽ nhanh chóng lớn mạnh và mở rộng chỉ trong thời gian ngắn nữa. Lu Xiaobo, Giáo sư khoa học chính trị của trường Đại học Columbia cho rằng, những người dân ở 150 thành phố của nước Mỹ, vốn đang bất mãn với tình hình kinh tế khó khăn, sẽ tổ chức biểu tình vào tuần tới khiến phong trào này lan rộng khắp cả nước. Còn Michele Wucker, Giám đốc điều hành của Viện Chính sách thế giới ở New York nhận định, cuộc biểu tình sẽ còn phát triển và lớn mạnh với sự tham gia của nhiều người trẻ tuổi.

Sự bất mãn trên đường phố nhằm vào các ngân hàng và tập đoàn lớn, mà theo những người biểu tình, họ phải chịu trách nhiệm về những khó khăn mà họ gây ra cho người dân Mỹ. Những người biểu tình cho rằng, những người giàu và tầng lớp thượng lưu, vốn chỉ chiếm 1% dân số Mỹ nhưng sở hữu tới 40% của cải của nước Mỹ, đang không chịu chung vai gánh vác những trách nhiệm mà lẽ ra họ phải làm. Những người đòi “chiếm lại Phố Wall” chỉ trích rằng, kế hoạch cứu trợ của Chính phủ đã cứu giúp những nhà tư bản tài chính giàu có, những kẻ gây ra khủng hoảng, và buộc những gia đình có thu nhập trung bình phải gánh vác các chi phí của kế hoạch cứu trợ đó.

Joseph Stiglitz, nhà kinh tế từng đoạt giải thưởng Nobel là người ủng hộ phong trào này. Ông cho rằng Phố Wall đã không thể hoàn thành vai trò của nó với tư cách là đơn vị phân phố vốn và quản lý rủi ro. Ông cũng cho rằng toàn bộ xã hội Mỹ đang phải gánh chịu những thua lỗ do những việc làm sai lầm của Phố Wall gây ra, trong khi lợi nhuận lại rơi vào túi của một vài cá nhân. Stiglitz cảnh báo rằng, nếu thực tế này còn tiếp diễn, Mỹ sẽ không thể thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng và xây dựng một xã hội công bằng. Ông khẳng định Mỹ sẽ không thể phục hồi mạnh mẽ nếu ngành tài chính của nước này vẫn tiếp tục các hoạt động đầu cơ và cho vay thiếu thận trọng.

Nhà phân tích Wucker thì chỉ ra rằng, cuộc biểu tình nảy sinh do những những vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội tích tụ và không được giải quyết. Những người thuộc tầng lớp bình dân của xã hội Mỹ có xu hướng ít tham gia chính trị, nên tiếng nói của họ, quyền và lợi ích của họ ít được quan tâm trong quá trình hoạch định chính sách của Chính phủ. Do đó, phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” là một nỗ lực đẩy ý nghĩa của tầng lớp dân thường nhằm gây ảnh hưởng tới quá trình hoạch định chính sách. Lu Xiaobo nói rằng, các cuộc biểu tình này còn là sự phản ứng đối với tình trạng phục hồi chậm và yếu ớt của nền kinh tế Mỹ. Với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 9,1% trong tháng 8.2011, người dân Mỹ đang rất thất vọng về các chính sách kinh tế thiếu hiệu quả của Chính phủ. Bên cạnh đó, phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” cũng là một cách để bày tỏ sự thất vọng của dân chúng về cuộc đấu tranh tại Quốc hội, khi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa không thể thỏa hiệp với nhau, dẫn đến tình trạng trì hoãn và không có lối thoát cho những vấn đề tồn tại.

Mặc dù một vài người cho rằng, phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” là phong trào lỏng lẻo và không có mục đích chung, song các nhà phân tích đều nhìn ra ở họ một sức mạnh. Như Jean Cohen, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Columbia nói, những người biểu tình không phải một đảng phái chính trị đang tìm kiếm quyền lực. Họ là một phong trào xã hội đang tìm cách gây ảnh hưởng. Do đó, việc họ không có lãnh đạo, không có yêu cầu chính trị và không có mục đích rõ ràng không làm suy giảm sức mạnh của họ. Theo bà, các cuộc biểu tình cuối cùng sẽ buộc Washington phải điều chỉnh một số chính sách đó là tăng cường đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng cũng như tạo thêm nhiều việc làm và tiến hành đổi mới. Tuy nhiên, chưa thể dự đoán cuộc biểu tình sẽ kéo dài bao lâu vì mùa đông đang đến gần. Do đó vẫn phải chờ xem, cuộc nổi dậy của tầng lớp bình dân có thực sự tạo đủ áp lực để làm thay đổi những quyết định tại Washington.

Hoàng Minh