Khơi nguồn sáng tạo từ nghệ thuật Đông Sơn

Hữu Vi 29/09/2011 07:11

Tại Trung tâm Nghệ thuật Việt, 42 Yết Kiêu, Hà Nội đang diễn ra triển lãm Nghệ thuật Đông Sơn, giới thiệu các bản rập hoa văn, cùng nhiều hiện vật thời kỳ văn hóa này như vải, sơn then, bộ dụng cụ và khuôn đúc trống đồng, bộ gốm lễ nghi bình tuyến Hoabinhian và Phùng Nguyên…

Bản rập mặt trống đồng Đông Sơn đang lưu giữ tại California, Mỹ
Bản rập mặt trống đồng Đông Sơn đang lưu giữ tại California, Mỹ

Ngoài những bản rập hoa văn các loại (20 - 25 mặt trống đồng, 20 phần tang và thân trống, 10 thạp, 5 tấm che ngực, 10 qua, dao găm, rìu...), triển lãm còn giới thiệu bản rập tượng phục chế cảnh sinh hoạt của người dân thời Đông Sơn. Hình ảnh các công cụ sản xuất bằng đá, dao găm đồng, quầy trưng bày công cụ đá, gốm từ bộ sưu tập của Ts Nguyễn Việt và từ Bảo tàng Phạm Huy Thông (thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á), khiến người xem có cảm tưởng nền văn hóa Đông Sơn đã tàn lụi trên 2000 năm trở nên sống động, gần gũi hơn. Trong khi đó bản rập đồ tùy táng mộ thuyền là những hé mở về đời sống tâm linh của người dân thời văn hóa vốn còn nhiều bí ẩn này...

Mỹ thuật Đông Sơn là thời kỳ huy hoàng nhất của giai đoạn mỹ thuật Tiền sơ sử Việt Nam và Đông Nam Á. Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các học giả người Pháp đã đặc biệt quan tâm đến sáng tạo mỹ thuật của chủ nhân văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên, phải đến khi thành lập Viện Khảo cổ học Việt Nam năm 1968 thì nghiên cứu mỹ thuật Đông Sơn mới được chú trọng một cách khoa học và có hệ thống. Năm 2003, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á dưới sự chủ trì của Ts Nguyễn Việt đã tiến hành thực hiện một đề tài nghiên cứu chuyên sâu về mỹ thuật tiền sử Việt Nam và kết quả đã được công bố trên tạp chí Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Những nghiên cứu về hoa văn trống đồng, trong đó có cảnh hổ săn hươu và người săn hổ cho thấy người Việt cổ tôn thờ sức mạnh vô song của loài vật này. Đối với cư dân nông nghiệp, hổ không còn là đối tượng săn bắt lấy thịt nữa mà thành con vật huyền thoại đáng tôn thờ. Tượng đôi thể hiện hai nữ quý tộc công kênh nhau trang trí trên cán dao găm Đông Sơn được cho là hình ảnh về hai nhân vật lịch sử thời Đông Sơn, chị em sinh đôi Trưng Trắc và Trưng Nhị. Các nghệ nhân thời Đông Sơn đã có những ràng buộc mang tính quy chuẩn trong việc chế tác đồng thể hiện trên hình hoa văn mặt trống và tang trống hay cán dao găm...

Một số hiện vật thời văn hóa Đông Sơn
Một số hiện vật thời văn hóa Đông Sơn

Khi nói về “đặc sản” trống đồng Đông Sơn, giáo sư sử học Lê Văn Lan trên quan điểm của một người tham quan triển lãm cho biết, thực ra trống đồng là mô hình vũ trụ theo quan niệm của người xưa với trung tâm là mặt trời, xung quanh là thiên nhiên sông nước và cuộc sống sinh hoạt của con người thời tiền sử. Truyền thống nghệ thuật Đông Sơn là một điều rất đáng tự hào. Nó nên là nguồn cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật, nhất là lĩnh vực mỹ thuật. Cùng quan niệm này, Ts Nguyễn Việt cho biết, sắp tới ông sẽ tổ chức thi sáng tạo nghệ thuật lấy cảm hứng từ nghệ thuật thời Đông Sơn để khích lệ những người làm nghệ thuật trẻ tuổi hướng về truyền thống mỹ thuật của dân tộc. Triển lãm mang ý nghĩa “tiếp lửa” cho lòng tự hào và niềm mến yêu nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật Đông Sơn. Cuộc phát động giải thưởng Tình yêu dành cho Mỹ thuật Đông Sơn dành cho sinh viên trường Đại học Mỹ thuật VN do Quỹ Phạm Huy Thông (Pham Huy Thong Foundation) khởi xướng diễn ra chiều 28.9.

Hữu Vi