Dự án cải tạo cầu Long Biên có khả thi không?

Cao Sơn 23/09/2011 07:01

Ý tưởng cải tạo cầu Long Biên thành bảo tàng lịch sử cận đại dài nhất thế giới với tổng kinh phí khoảng 4.800 tỷ đồng đang thu hút sự quan tâm của dư luận và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Dự án được đánh giá hay, táo bạo nhưng chỉ nên coi đó là ý tưởng ban đầu, để thực hiện phải có sự nghiên cứu kỹ hơn cho phù hợp với không gian đô thị và quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội.

Festival nghệ thuật trên cầu Long Biên - Cây Cầu vì Hòa Bình
Festival nghệ thuật trên cầu Long Biên - Cây Cầu vì Hòa Bình

Ý tưởng hay và táo bạo

Dự án cải tạo cầu Long Biên biến nơi đây thành một bảo tàng lịch sử cận đại với các hạng mục như: phố đi bộ xanh - trục văn hóa lịch sử - đại lộ Hòa bình dài khoảng 4km. Trên trục này, tháp nước Hàng Đậu sẽ được cải tạo thành Bảo tàng cổ vật để du khách có thể dừng chân tìm hiểu về văn hóa người Việt cổ. Khu bãi giữa sông Hồng sẽ được cải tạo, đắp cao, xây kè để quy hoạch thành công viên tự nhiên với làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, vườn sinh vật tự nhiên... Công ty Cầu Rồng dự tính, toàn bộ công trình cải tạo, quy hoạch xây dựng này có thể hoàn tất vào năm 2020, với kinh phí khoảng 4.860 tỷ đồng.

Theo Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Ts Phạm Sỹ Liêm, ý tưởng tôn tạo và phát triển khu vực quanh cầu Long Biên để tạo ra một không gian văn hóa, nghệ thuật và giải trí đặc sắc của Thủ đô Hà Nội độc đáo về nhiều mặt. Đó là việc bảo tồn được một công trình có giá trị lịch sử trong nghề xây dựng cầu trên thế giới; góp phần xây dựng Hà Nội thành đô thị sinh thái và xây dựng vườn treo, cây xanh trên cầu sẽ tác động đến sự phát triển nông nghiệp đô thị. Đánh giá cao tính sáng tạo và khả thi của dự án, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Gs Hoàng Chương lấy ví dụ về thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, cách đây 20 năm, khi phố Đông chỉ là lau sậy, xóm làng thưa thớt, nay đã vượt phố Tây bởi có cây cầu vượt sông Hoàng Phố, từ phác họa của một thần đồng. “Ý tưởng và sơ đồ bảo tàng cầu Long Biên của KTS Nguyễn Nga chẳng thấm vào đâu so với cây cầu Hoàng Phố. Vấn đề là chúng ta có dám nghĩ và dám làm, tức là làm cho bộ mặt văn hóa của Thăng Long - Hà Nội cổ kính được khang trang hơn, hiện đại hơn, đời sống văn hóa của người Hà Nội thêm phong phú...”

Nhấn mạnh việc nên trưng cầu dân ý đối với những dự án cụ thể liên quan tới tương lai của cây cầu, nhà báo, đạo diễn người Pháp Daniel Roussel, từng có nhiều năm sống và làm việc tại Hà Nội, cho rằng: cầu Long Biên là một biểu tượng của lịch sử Thủ đô và cả nước; thuộc di sản văn hóa và lịch sử quốc gia nên phải biến cây cầu thành địa điểm du lịch không thể bỏ qua đối với khách du lịch khi họ tới thăm Việt Nam và Hà Nội như cách mà các quốc gia trên thế giới làm đối với những công trình mang tính biểu tượng của thủ đô và của các thành phố lớn.

Phó tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, PGs, Ts Vũ Thị Vinh thì phân tích: đề án đã khai thác tối đa cơ sở vật chất hiện có, từ khoảng không gian dưới gầm cầu cho tới tháp nước Hàng Đậu, bãi giữa sông Hồng... Nếu dự án được thực thi thì Hà Nội sẽ có thêm một thắng cảnh nổi tiếng và đó chính là thương hiệu riêng của Hà Nội, để khi nhắc tới Hà Nội, cầu Long Biên sẽ là biểu tượng cho những giá trị được gìn giữ.

Nghiên cứu kỹ hơn để phù hợp và khả thi

Với quan điểm phải bảo đảm chức năng giao thông của cầu Long biên ở mức độ nhất định, theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Tư vấn trí thức và doanh nhân là Việt kiều (COSOVIE), Ts Phạm Vũ Câu, ý tưởng và nội dung phần về giao thông và cải tạo cầu của dự án phải được Bộ Giao thông - Vận tải xem xét và chấp nhận sao cho phù hợp với quan điểm của ngành giao thông về kỹ thuật cải tạo cầu Long Biên. Ông cũng băn khoăn về việc đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng công trình khi đưa vào khai thác. Đơn vị nào có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án tổng thể và các dự án thành phần? Công ty Cầu Rồng do bà Nguyễn Nga làm Tổng giám đốc có đủ điều kiện để đảm nhận vai trò vừa làm chủ đầu tư, vừa quản lý khai thác công trình dự án này hay không?

Dưới góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Ts Vũ Mạnh Hà cho rằng, việc cải tạo, xây dựng cầu Long Biên thành bảo tàng lịch sử cận đại dài nhất trên thế giới là không phù hợp, bởi bảo tàng lịch sử cận đại phải bao gồm nhiều khía cạnh lịch sử, văn hóa, đời sống kinh tế, chính trị... về một giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc. Do đó, những ý tưởng thiết kế nêu trong dự án thì cần đặt lại tên cho phù hợp. Ý tưởng tháp sen (Bảo tàng Nghệ thuật đương đại) và tháp nước Hàng Đậu (Bảo tàng Cổ vật) rất hay nhưng cũng cần phải nghiên cứu kỹ và thay đổi nội dung cho hợp lý, tránh trùng lắp với các bảo tàng khác. Đề xuất phố đi bộ xanh mang tên Đại lộ Hòa bình nối liền các điểm văn hóa lịch sử của Thủ đô dài 4km cũng chưa hợp lý, vì có thể đặt tên cho tuyến tham quan, du lịch trong phạm vi các tuyến, điểm đã nêu chứ không thể đặt tên tuyến phố đi bộ cho những con phố đã có tên đi vào lịch sử. Vì vậy, dự án cần được nghiên cứu kỹ, đưa ra các giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Theo nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Gs, Ts Hoàng Đạo Kính, hãy coi ý tưởng của KTS Nguyễn Nga chỉ là một phác thảo, chớ nên quá đi sớm vào các vấn đề kiến trúc, kỹ thuật và phác thảo này chỉ trở thành dự án khi có sự ủng hộ của chính quyền TP Hà Nội. Ông cũng lưu ý, không nên đặt vấn đề cầu Long Biên là di tích theo Luật Di sản văn hóa, bởi hễ bị coi là di tích sẽ rất khó tìm ra phương cách ứng xử. Là một công trình di sản, ta vừa có thể duy trì, vừa cải tạo thích ứng và các mục đích mới.

Cao Sơn