Tăng viện phí - người dân sẽ ủng hộ, nếu...
Chủ trương tăng viện phí của Bộ Y tế xem ra cũng là chẳng đặng đừng. Người dân sẽ ủng hộ Bộ Y tế nếu viện phí tăng ở mức hợp lý và Bộ đưa ra được những giải đáp cụ thể và cam kết rõ ràng về việc cải thiện chất lượng khám chữa bệnh.
Chẳng đặng đừng...
Nói chủ trương tăng viện phí là chẳng đặng đừng vì từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 95 về việc thu một phần viện phí năm 1994, cho đến nay, vẫn không có thay đổi chính thức nào về mặt văn bản. Sau 17 năm, giá viện phí trên lý thuyết vẫn áp dụng khung giá từ năm 1994 đã bộc lộ quá nhiều bất hợp lý so với mặt bằng giá cả chung của xã hội.
Chính vì giá viện phí không bù đắp đủ chi phí cho các dịch vụ y tế nên để tồn tại được trong nền kinh tế thị trường, các bệnh viện và cơ sở y tế đã tự áp dụng các quy định và hình thức khác nhau nhằm tăng thêm nguồn thu, bù đắp vào khoản thiếu hụt. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực khác như giá một số dịch vụ bệnh viện gia tăng khó kiểm soát, trong đó có vấn đề lạm dụng thuốc và xét nghiệm.
Một thực tế khác cũng được nhắc đến là giá dịch vụ y tế và tiền công trực tiếp trả cho cán bộ y tế quá thấp, trong khi tính chất công việc của cán bộ y tế đòi hỏi tư duy cao, tiêu tốn sức lực và nhiều nguy hiểm, rủi ro…, vì vậy không khuyến khích được cán bộ y tế cống hiến hết mình cho sự nghiệp.
Trong khi đó, trong những năm qua, mặc dù ngân sách nhà nước chi cho y tế đã tăng nhưng tỷ trọng còn thấp. Tới đây, tỷ trọng này nếu có tăng thêm cũng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư. Hơn nữa, tỷ trọng này không thể cứ tăng thêm được mãi vì nhu cầu của các ngành khác trong xã hội cũng rất cao. Điều này cho thấy, nếu tài chính y tế chỉ trông đợi vào ngân sách nhà nước thì chắc chắn sẽ không theo kịp sự phát triển và nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó cũng cho thấy tính cấp bách cần đổi mới toàn diện cơ chế tài chính y tế nhằm huy động được nhiều nguồn lực đầu tư hơn trong tương lai.
... nhưng còn đó những hạn chế...
Tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực tài chính ngành y tế đang có nhiều tồn tại. Đây cũng là một lý do khiến người dân chưa ủng hộ chủ trương tăng viện phí.
Ngoài tình trạng rất khó kiểm soát giá dịch vụ y tế cũng như việc sử dụng dịch vụ y tế của các bệnh viện đã nhắc tới ở trên, còn có sự bất hợp lý trong phân bổ ngân sách nhà nước cho khối bệnh viện. Hình thức phân bổ ngân sách cho các bệnh viện mang tính chất bình quân đã được thực hiện từ rất lâu và vẫn tiếp tục được thực hiện cho đến ngày nay. Như vậy sẽ có tình trạng: có những bệnh viện hoạt động tốt, thu hút đông người bệnh cũng chỉ được phân bổ kinh phí tương đương với bệnh viện hoạt động yếu, ít bệnh nhân nếu cùng số giường và đồng hạng. Vì vậy mới có tình trạng có những bệnh viện chú trọng vào việc tăng số giường bệnh hơn là chuyên môn.
|
Hiện nay, bệnh viện tuyến cao nhất nhận được nhiều kinh phí nhất tính theo số giường bệnh và bệnh viện tuyến thấp hơn nhận được ít kinh phí hơn. Việc phân bổ như vậy cơ bản là hợp lý, do tuyến trên điều trị các ca bệnh phức tạp hơn, đòi hỏi trang thiết bị, con người… cao hơn tuyến dưới. Tuy nhiên, nếu xét về khả năng tiếp cận thì tỷ lệ người nghèo được sử dụng các dịch vụ y tế tuyến trên so với người giàu thấp hơn rất nhiều. Do vậy, việc phân bổ này ngầm chứa nghịch lý bao cấp ngược: ngân sách nhà nước phân bổ nhiều hơn, hỗ trợ nhiều hơn cho các đối tượng thu nhập cao hơn.
Chủ trương giao quyền tự chủ cho các bệnh viện và cơ sở y tế thời gian qua bên cạnh mặt tích cực cũng đã xuất hiện một số tác động tiêu cực không mong muốn. Theo một nghiên cứu về việc triển khai Nghị định 43/2006/NĐ-CP, tất cả các bệnh viện đều chủ động mở rộng các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh góp phần làm tăng số lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện. Điều này dẫn đến tình trạng bệnh viện tuyến trên làm cả các dịch vụ y tế tuyến dưới, làm tăng thêm quá tải bệnh viện, giảm chất lượng điều trị…
Những câu hỏi quan trọng
Từ đây có thể thấy, vẫn còn dư địa để đạt được nhiều kết quả hơn với những nguồn lực sẵn có, thay vì tăng viện phí. Ví dụ: tăng chi công cho y tế thông qua tăng chi ngân sách nhà nước cho y tế và tăng độ bao phủ BHYT; đổi mới cách phân bổ ngân sách trong lĩnh vực y tế; đối với các bệnh viện cần phải thực hiện mạnh hơn việc chuyển đổi sự hỗ trợ ngân sách từ cơ sở cung ứng dịch vụ sang hỗ trợ cho người sử dụng dịch vụ thông qua quỹ BHYT và quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh….
Người viết bài đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Hầu hết các bệnh nhân đều đặt câu hỏi ngược lại: tăng viện phí có đi liền với tăng chất lượng khám chữa bệnh hay không? tăng viện phí thì có chấm dứt được tình trạng 5, 6 người nằm một giường bệnh như họ phải trải qua hay không? Nếu Bộ Y tế giải đáp cụ thể và cam kết rõ ràng về những vấn đề này thay vì hứa hẹn chung chung, họ sẽ ủng hộ chủ trương tăng viện phí.
Trong trường hợp “phải tăng”, thì cũng chỉ nên tăng viện phí ở mức hợp lý hơn. Bởi dù rằng hiện nay 62% dân số đã có BHYT, nhưng chỉ một số rất ít được thanh toán 100%, còn đa số đều phải đồng chi trả từ 5-20% chi phí khám chữa bệnh. Và điều quan trọng là 38% dân số còn lại (trong đó phần lớn sinh sống ở nông thôn, miền núi với điều kiện kinh tế rất khó khăn) thì sẽ như thế nào? Bên cạnh đó, nên xây dựng các mức viện phí khác nhau ở từng tuyến khám chữa bệnh để tránh tình trạng bệnh nhân khám vượt tuyến, gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giao Bộ Y tế trong Quý IV.2011 trình Chính phủ về mức điều chỉnh cụ thể của 350 dịch vụ y tế, đến năm 2012 triển khai thực hiện. Sau đó, toàn văn dự thảo Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập sẽ được đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và trang web Bộ Y tế để lấy ý kiến toàn dân. Cách tính mức điều chỉnh lần này vẫn kế thừa nguyên tắc đã quy định tại Nghị định 95 là thu một phần viện phí theo các chi phí trực tiếp như: tiền thuốc, dịch truyền máu, vật tư, hóa chất, tiền điện, nước, nhiên liệu, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị trực tiếp…; không được thu những phần mà Nhà nước đã hỗ trợ ngành y tế như xây dựng cơ bản, lương, khấu hao tài sản… |