Quy định làm thêm giờ bao nhiêu là hợp lý?
Để bảo đảm được tính pháp lý và tính thực tiễn, dự thảo Bộ luật Lao động ( sửa đổi) vẫn đang được tiếp tục lấy ý kiến tham vấn từ các chuyên gia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh về việc quy định làm thêm giờ. Quy định làm thêm giờ bao nhiêu là hợp lý vẫn còn là vấn đề băn khoăn của các chuyên gia khi bàn thảo về vấn đề này.
Tại điều 114 của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định: làm thêm giờ là khoảng thời gian được quy định trong pháp luật, thoả ước lao động tập thể ngành hoặc theo nội quy của doanh nghiệp. Người sử dụng lao động có quyền huy động người lao động làm thêm giờ nhưng phải được sự đồng ý của người lao động. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận làm thêm giờ nhưng không được quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không được quá 300 giờ trong một năm do Chính phủ quy định, sau khi tham khảo ý kiến của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động. Đây là quy định được giữ nguyên như quy định hiện hành. Lý giải cho quy định này, các chuyên gia cho rằng với điều kiện thể chất của người lao động Việt Nam như hiện nay thì việc quy định như hiện hành là phù hợp để bảo vệ sức khỏe của người lao động về mặt lâu dài, tạo việc làm cho nhiều người lao động đang thiếu việc làm nhằm giảm bớt vấn đề xã hội nảy sinh khi không có việc làm. Quy định này cũng tránh được việc lợi dụng của người sử dụng lao động liên tục huy động làm thêm giờ để không tuyển thêm lao động và giảm bớt chi phí cho người sử dụng lao động do theo quy định tiền làm thêm giờ không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đóng bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế…
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần tăng thời giờ làm thêm tối đa của người lao động. Lý giải cho quan điểm này, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay của nước ta, việc tăng thời giờ làm thêm tối đa của người lao động sẽ tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm để hoàn thành các công việc mang tính thời vụ, đột xuất hay thực hiện các công việc gấp theo chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, việc tăng thời giờ làm thêm tối đa cho người lao động góp phần làm tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện cho người lao động có thêm thu nhập để tích luỹ cho cuộc sống của họ.
Cũng theo đánh giá của một số chuyên gia thì trong mối tương quan so sánh với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước trong cộng đồng ASEAN thì số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp. Cụ thể, Lào quy định thời giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 45 giờ/tháng hoặc 3 giờ/ngày; Philippnes không khống chế số giờ làm thêm tối đa của người lao động; Indonesia là không quá 56 giờ/tháng; Singpore là không quá 72giờ/tháng; Trung Quốc không được quá 36 giờ/tháng… So với tình hình chung với một số nước trong khu vực thì một số ý kiến cho rằng, người sử dụng lao động phải bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 36 giờ trong một tháng, nhưng sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong một tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ. Tuy nhiên, việc quy định như trên rất có thể xảy ra tình trạng phía sử dụng lao động cố tình tăng thêm giờ làm cho người lao động mà không phải trả lương tương xứng vì trên thực tế, tiền làm thêm giờ không phải đóng bảo hiểm bắt buộc do đó quy định này làm lợi rất nhiều cho người sử dụng lao động. Mặt khác, người sử dụng lao động sẽ lợi dụng quy định này để ép người lao động làm thêm giờ để bảo đảm mục tiêu ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà không cần phải tuyển thêm lao động mặc dù công việc đòi hỏi phải tuyển thêm nguồn lao động. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, có thể người lao động muốn được làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập, đây cũng là nguyện vọng rất chính đáng. Và việc quy định tăng thêm giờ làm thêm cho người lao động có thể đáp ứng được phần nào nhu cầu cải thiện cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, để vừa bảo đảm được quyền lợi của lao động cũng như lợi ích của người sử dụng nhà làm luật cần phải hết sức cân nhắc trong việc tăng hay không tăng thêm giờ làm thêm của người lao động.
Giữ nguyên ở mức tối đa 200 giờ trong một năm như hiện hành hay tăng lên là không quá 36 giờ trong một tháng như trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đồi) ? Quy định thời giờ làm thêm bao nhiêu là hợp lý? Đây là một câu hỏi còn nhiều băn khoăn từ phía các chuyên gia để vừa bảo đảm quyền lợi của người lao động cũng như lợi ích của doanh nghiệp.