Từ nhận thức đúng đến thay đổi hành vi vệ sinh an toàn thực phẩm: cần những giải pháp đột phá và có tính hệ thống

Thanh Hà thực hiện 15/09/2011 08:10

Trong những năm vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã có nhiều tiến bộ, công tác thông tin truyền thông đã được đẩy mạnh giúp việc thay đổi nhận thức thực hành về VSATTP đến cộng đồng. Công tác thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường giúp ngăn chặn và xử lý nhiều vụ vi phạm về VSATTP. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật An toàn thực phẩm đã tạo một hành lang pháp lý quan trọng để phục vụ cho việc quản lý... Tuy nhiên, công tác VSATTP cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Để giải quyết những vấn đề này, theo Phó cục trưởng (PCT) Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cần những giải pháp đột phá và có tính hệ thống hướng tới hiệu quả vững chắc, lâu dài.

- Thưa PCT, Bộ Y tế vừa tiến hành tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về VSATTP giai đoạn 2006 – 2010. Xin PCT cho biết kết quả bước đầu thực hiện chương trình này?

PCT Nguyễn Thanh Phong:  Thực hiện các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia về VSATTP này theo yêu cầu của Chính phủ, trong thời gian vừa qua dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng với sự cố gắng nỗ lực của ngành y tế cũng như UBND các cấp, Bộ Công thương, Bộ NN và PTNT, về cơ bản, các chỉ tiêu theo kế hoạch chúng ta đã đạt được. Cụ thể như, các vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm so với cùng thời kỳ giai đoạn từ 2001- 2005. Nhận thức và thực hành của cộng đồng theo đánh giá hàng năm đã nâng lên rất nhiều so với trước đây khi mà chúng ta bắt đầu triển khai chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt là các vùng rau sạch, nguyên liệu sạch, nguyên liệu an toàn đã được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt nhiều hơn. Hiện, chúng ta đã hình thành được 63 chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại 63 tỉnh, thành phố và khoảng 46 chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản ở các tỉnh. Thành lập được Viện Kiểm nghiệm quốc gia và các viện kiểm nghiệm khu vực, đồng thời bước đầu nâng cấp được thiết bị phục vụ công tác kiểm nghiệm ở các Trung tâm kiểm nghiệm ở các tỉnh. Một số tỉnh thí điểm bước đầu thành lập Trung tâm ATTP ở tuyến huyện để  phục vụ cho công tác quản lý ATTP. Và nhất là công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua đã triển khai mạnh mẽ giúp ngăn chặn và xử lý nhiều các vụ vi phạm về VSATTP. Số mẫu thực phẩm mà chúng ta lấy kiểm nghiệm định kỳ hàng năm theo kế hoạch thì kết quả số mẫu không bảo đảm chất lượng, vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép năm sau thường thấp hơn năm trước.

Cùng với đó, năm 2010, nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đến gần 200 nước và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều vùng lãnh thổ và các quốc gia có yêu cầu về thực phẩm rất khắt khe như Mỹ, Nhật Bản, EU cũng đã sử dụng những thực phẩm của Việt Nam. Nhiều mặt hàng nông sản của chúng ta đã đưa vào quy hoạch và là nước xuất khẩu nhất, nhì thế giới, ví dụ: chè, gạo, cà phê, hạt điều… Có được kết quả trên, ngoài việc phát triển những nguồn nguyên liệu thì có đóng góp rất lớn của công tác VSATTP. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đối nông sản, thực phẩm xấp xỉ 20 tỷ USD. Đây là một tỷ trọng rất lớn đối với tổng thu nhập nền kinh tế quốc dân. Nhiều vùng nguyên liệu đã được quy hoạch trong nước như vùng rau nguyên liệu an toàn, vùng thủy sản an toàn, vùng trang trại chăn nuôi lợn an toàn, nuôi bò sữa an toàn… đã được hình thành đi vào hoạt động và thậm chí đã được nhận các chứng chỉ của quốc tế công nhận. Đấy là những cố găng rất lớn một mặt để cung cấp cho xuất khẩu, một mặt để cung cấp cho thị trường nội địa. Ngay cả đối với vấn đề thức ăn đường phố là một lĩnh vực rất phức tạp, rất khó quản lý, nguy cơ rất cao, thì bên cạnh những tồn tại, chúng ta cũng thấy rằng đâu đó đã xuất hiện những người bán hàng đi găng nilong theo quy định, đã có những nhân viên cửa hàng thực phẩm mặc tạp dề bán hàng, đã có nhiều cửa hàng bày các tủ kính để bày thực phẩm chín… Mặc dù nó còn chưa bảo đảm theo quy định, nhưng tôi cho rằng, đó là những tín hiệu đáng mừng và đấy cũng là những cái chúng ta cần phải quan tâm và đầu tư tiếp.

- Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, vấn đề VSATTP vẫn đang diễn biến phức tạp, thưa PCT ?

PCT Nguyễn Thanh Phong: Đúng là vấn đề VSATTP vẫn còn diễn biến phức tạp, nó không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà kể cả các nước phát triển trên thế giới vì đây là một lĩnh vực rủi ro rất lớn. Chúng ta thấy sự cố về VSATTP trong thời gian vừa qua, ví dụ melamine trong sữa, chất tạo đục DEHP trong thực phẩm, thực phẩm nông sản nhiễm khuẩn E.coli… chủ yếu xuất phát từ các nước phát triển và vùng lãnh thổ như: Đức, Trung Quốc, Đài Loan có nền công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp thực phẩm tốt hơn chúng ta rất nhiều nhưng vẫn xảy ra các sự cố. Ngay nước Mỹ với 230 triệu dân thì 1 năm vẫn xảy ra khoảng 76 triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm. Cho nên, chúng ta thấy rủi ro do sử dụng thực phẩm là rất khó tránh.

Ở nước ta có đặc thù sản xuất nhỏ lẻ là chủ yếu nên nguy cơ ô nhiễm rất lớn. Mặc dù kết quả của chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian vừa qua đã đạt những chuyển biến quan trọng nhưng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với thách thức rất lớn.

- Cụ thể những thách thức đó là gì, thưa PCT ?

PCT Nguyễn Thanh Phong: Thứ nhất, là ngộ độc thực phẩm ở các khu bếp ăn tập thể và các khu công nghiệp còn diễn biến rất phức tạp. Thứ hai  là tỷ lệ ô nhiễm về nông sản, thức ăn gia súc, gia cầm, ô nhiễm về vi sinh vật, tồn dư hóa học, hóa chất mặc dù đã giảm nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ khá cao. Thứ ba là ngộ độc thực phẩm đối với thực phẩm có sẵn độc tố trong thực phẩm ví dụ: nấm độc, cá nóc độc, rượu độc, rượu không bảo đảm an toàn, tỷ lệ tử vong rất cao so với ngộ độc vi sinh. Đấy là những cái mà chúng ta đang phải đối mặt. Thứ tư, kiến thức về VSATTP qua điều tra mặc dù có nâng lên nhưng tỷ lệ hiểu sai, thực hành sai về VSATTP vẫn còn rất cao. Thứ năm, việc thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường, ngăn chặn, xử lý nhiều vi phạm đấy nhưng mà việc sử dụng nguyên liệu không bảo đảm chất lượng vẫn còn rất khó kiểm soát, thực phẩm giả, thực phẩm chưa bảo đảm chất lượng vẫn còn lưu thông trên thị trường. Thứ sáu, ngay cả hội nhập kinh tế quốc tế khi chúng ta đang là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO, chúng ta có nhiều cơ hội để thực phẩm xuất khẩu nhưng bên cạnh đó cũng là nguy cơ rất lớn nếu chúng ta không có một hàng rào kỹ thuật, một hệ thống quản lý thực phẩm tốt thì thực phẩm nước ngoài kém chất lượng có thể vào chúng ta.

- Như vậy trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về VSATTP đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, chưa  như mong muốn. Vậy nguyên nhân do đâu, thưa PCT ?

PCT Nguyễn Thanh Phong: Có thể nói có 2 nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ quan như: chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2006- 2010 nhưng thực chất đến tháng 10.2007 mới được phê duyệt. Cho nên, mặc dù kế hoạch 5 năm nhưng trên thực tế, chúng ta chỉ triển khai có 3 năm. Cùng với đó, kinh phí dành cho chương trình mới chỉ đáp ứng được xấp xỉ trên dưới 50% dự trù theo đề xuất của chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt.

Còn về nguyên nhân khách quan, chúng ta thực hiện công tác VSATTP với một nền tảng chủ yếu là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Khoảng 500 nghìn cơ sở sản xuất thực phẩm thì 85% có quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ. Chúng ta có trên 10 triệu hộ nông dân thì cả trên 10 triệu hộ nông dân này đều tham gia vào sản xuất thực phẩm. Mỗi gia đình mấy thửa ruộng để trồng trọt; nuôi mấy con gà, thả ít cá… vừa để tự cung, tự cấp rồi bán ra thị trường. Đấy là tập quán canh tác hàng ngàn đời nay chúng ta không thể một chốc, một lát vì vấn đề VSATTP, chúng ta có thể cấm được thói quen sản xuất này.

Chúng ta vận động, tuyên truyền để dần dần thay đổi phong tục, tập quán canh tác. Vấn đề nữa là phong tục tập quán trong sử dụng, chế biến thực phẩm cũng có những vấn đề đã thành truyền thống. Ví dụ như tập quán ăn gỏi cá, tiết canh sống rõ ràng về góc độ y tế là không bảo đảm, không an toàn, nhưng đây là một tập quán quen mà bây giờ vận động, tuyên truyền loại bỏ nó. Mà vận động, tuyên truyền phải đòi hỏi cả một quá trình lâu dài, chia sẻ thông tin chứ không phải ngày một, ngày hai mà người ta có thể thay đổi và cũng không thể xử phạt được họ.

- Về mặt quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, thì rõ ràng nhân lực  hiện nay đang yếu và thiếu, thưa PCT ?

PCT Nguyễn Thanh Phong: Hiện mặc dù chúng ta đã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý về VSATTP nhưng mới chỉ hơn một năm trở lại đây. Đây là một lĩnh vực rất mới, mỗi một chi cục bình quân khoảng 13 người mà những cán bộ này thì chưa có một trường nào đào tạo một cách chính quy về VSATTP, cho nên chủ yếu là cán bộ làm công tác y tế, bảo vệ thực vật, thú y, công nghệ sinh học, luật… sang làm công tác VSATTP nên số liệu thiếu, kinh nghiệm còn non. Mặc dù chức năng nhiệm vụ không thay đổi nhưng do không được hưởng 35% phụ cấp đặc thù nên một số cán bộ có kinh nghiệm về VSATTP ở Trung tâm Y tế dự phòng không muốn chuyển sang Chi cục ATVSTP và đó cũng là một khó khăn rất lớn để thu hút nhân lực.

Trước những thách thức lớn về vấn đề quản lý VSATTP  chúng ta  cần thiết triển khai chương trình giai đoạn tiếp theo như thế nào? Và  tập trung vào vấn đề gì ?

PCT Nguyễn Thanh Phong: Tôi cho rằng, việc tiếp tục phải triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về VSATTP giai đoạn 2011- 2015 là rất quan trọng và cần thiết. Đặc biệt cần tập trung vào mấy nhóm giải pháp chính: thứ nhất là ban hành các nghị định, thông tư để nhanh chóng đưa Luật An toàn thực phẩm vào thực tiễn cuộc sống. Thứ hai là tập trung nhiều cho công tác tuyên truyền, vận động, thay đổi hành vi. Như chúng tôi đã nói ở trên, mặc dù chúng ta đã có những tiến bộ, thay đổi trong nhận thức, trong hành vi về VSATTP nhưng tỷ lệ chưa cao. Cho nên chỉ có truyền thông đi trước một bước thì mới bảo đảm được có những thực hành đúng về VSATTP. Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy rất nhiều người biết VSATTP là rất quan trọng, nhưng khi được hỏi quan trọng đến mức độ nào thì quả rằng rất ít người trả lời được.

Thứ ba là phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong đó tập trung vào đào tạo đội ngũ thanh tra viên và tập trung vào công tác đào tạo lại một cách bài bản. Thứ tư, chúng ta cũng phải tranh thủ sự hợp tác quốc tế, tiếp tục học hỏi kinh nghiệm quản lý của các nước bạn để đi tắt đón đầu. Đây là một cách làm tôi cho rằng rất sáng tạo để mà tận dụng được những kinh nghiệm, phương pháp quản lý, những quy định quản lý mới, tiên tiến của các nước trên thế giới áp dụng vào Việt Nam.

- Xin cám ơn PCT !

Thanh Hà thực hiện