Vệ sinh an toàn thực phẩm - Nhận thức và hành động
Thực phẩm rất quan trọng đối với cuộc sống của tất cả mọi người trong xã hội, giúp con người duy trì cuộc sống, phát triển giống nòi, trí tuệ và thể lực. Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) chính là giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, góp phần làm giảm gánh nặng cho bệnh viện và làm tăng GDP của quốc gia. Tuy nhiên, không phải lúc nào, mọi người dân và doanh nghiệp đều hiểu đúng và thực hành đúng về VSATTP…
Những kết quả đáng ghi nhận
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và trách nhiệm thực hành của cộng đồng về VSATTP, một trong 6 dự án mà Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP giai đoạn 2006 - 2010 triển khai là Dự án thông tin giáo dục truyền thông bảo đảm chất lượng VSATTP. Dự án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 có 90% người sản xuất, 80% người kinh doanh, 80% người tiêu dùng và 100% người quản lý, lãnh đạo có hiểu biết đúng và thực hành đúng về VSATTP.
Triển khai dự án này, hằng năm, trên toàn quốc và ở mỗi địa phương vẫn duy trì hoạt động Tháng hành động vì chất lượng VSATTP với các chủ đề khác nhau, đáp ứng các tình hình bức xúc của xã hội. Trong dịp diễn ra Tháng hành động và trong dịp Tết Nguyên đán, dự án đã xây dựng kịp thời các thông điệp truyền thông cho từng loại đối tượng theo các chủ đề truyền thông khác nhau. Đơn cử như Tháng hành động năm 2008, ngoài chủ đề Phòng chống dịch bệnh đường tiêu hóa, đã đưa chủ đề Thực phẩm chức năng: hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng đã có những thông điệp, những chuyên đề truyền thông thích hợp để cộng đồng hiểu rõ hơn về thực phẩm chức năng; phân biệt thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh, nhằm tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về cách hiểu, cách dùng thực phẩm chức năng.
Trong Tháng hành động năm 2009, với chủ đề Cộng đồng trách nhiệm để bảo đảm chất lượng VSATTP: Nhà nước - Doanh nghiệp - Người tiêu dùng, trên toàn quốc đã có 10.316 cơ sở, doanh nghiệp ký cam kết với chính quyền địa phương bảo đảm VSATTP cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp đã cam kết đều thực hiện tốt đảm bảo được điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, chất lượng, vệ sinh trong sản phẩm thành phẩm. Cho đến thời điểm hiện tại, qua công tác thanh, kiểm tra, chưa phát hiện vi phạm VSATTP bởi các công ty đã ký kết trong Tháng hành động 2009. Tháng hành động vì chất lượng, VSATTP năm 2010 với chủ đề Giữ vững cam kết về trách nhiệm của Doanh nghiệp với An toàn vệ sinh thực phẩm đã diễn ra khi công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp các ngành và toàn thể xã hội. Vai trò và trách nhiệm của các cấp chính quyền được tăng cường. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường; 100% UBND cấp tỉnh, 97,1% cấp huyện và 92,0% UBND cấp xã, phường tham gia trực tiếp chỉ đạo triển khai tháng hành động vì chất lượng VSATTP, do đó việc phối hợp giữa các ban ngành tại địa phương cũng được gắn kết hơn, tránh được sự chồng chéo trong công tác thanh, kiểm tra, hạn chế phiền hà cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, dự án cũng đã huy động các kênh truyền thông và các lực lượng truyền thông tuyên truyền về VSATTP; đào tạo kiến thức VSATTP trong các bậc học, tập huấn, nói chuyện, hội thao, kênh truyền thông đại chúng; tổ chức cuộc thi viết Tìm hiểu kiến thức về VSATTP với hơn 250.000 bài dự thi từ các tỉnh thành cả nước tham dự; tổ chức Liên hoan các đội tuyên truyền măng non về ATVSTP với vòng chung kết gồm 6 đội xuất sắc từ các tỉnh thành phía Bắc tham dự; phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức cuộc thi ảnh cả nước về ATTP…
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2010 tỷ lệ hiểu đúng kiến thức về VSATTP đã được cải thiện rõ rệt, nhưng so với mục tiêu đề ra thì không đạt. Việc thay đổi thực hành (hay nói cách khác là thói quen thực hành VSATTP) là cả một quá trình giáo dục rất dài và từ từ, đòi hỏi phải đầu tư kinh phí, nhân lực, vật lực và thời gian rất lớn. Với thời gian ngắn: 3 năm (2008 - 2010) với tổng vốn đầu tư là 72.000 triệu bằng 48% so với ước tính chi cho Dự án ban đầu (150.000 triệu) thì kết quả kiến thức đúng về VSATTP như hiện nay là đáng được ghi nhận.
Cần nhiều hơn 3 năm…
Theo Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong, ngoài việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chế tài đủ mạnh để xử phạt vi phạm về VSATTP… thì công tác vận động, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu đúng và thực hành đúng về ATVSTP rất quan trọng. Qua quản lý, nếu như không có sự tích cực tham gia của chính các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm thì có đến 100 ông thanh tra đối với vài cơ sở thôi cũng khó. Vì sản xuất, chế biến thực phẩm hiện nay thường diễn ra ở cơ sở, hộ gia đình, người ta có thể sản xuất ngày, sản xuất đêm, trong giờ hành chính, ngoài giờ hành chính. Không ông thanh tra nào có thể đứng đấy để giám sát hết ngày này sang ngày khác đối với một cơ sở được. Thậm chí nếu đứng ở đó mà chủ sơ sở không tự giác cũng không quản lý được. Bên cạnh đó, chúng ta thực hiện công tác ATVSTP với một nền tảng chủ yếu là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Khoảng 500 nghìn cơ sở sản xuất thực phẩm thì 85% có quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ. Chúng ta có trên 10 triệu hộ nông dân thì cả trên 10 triệu hộ nông dân này đều tham gia vào sản xuất thực phẩm, mỗi một gia đình mấy thửa ruộng để trồng trọt, nuôi gà lợn, thả ít cá vừa để tự cung, tự cấp rồi bán ra thị trường. Đấy là tập quán canh tác hàng ngàn đời nay của người dân Việt Nam. Cùng với đó, phong tục tập quán trong sử dụng, chế biến thực phẩm cũng có những vấn đề đã thành truyền thống. Ví dụ như tập quán ăn gỏi cá, tiết canh sống rõ ràng về góc độ y tế là không bảo đảm, không an toàn, nhưng đây là một tập quán quen mà bây giờ chúng ta chỉ có thể vận động, tuyên truyền. Mà vận động, tuyên truyền phải đòi hỏi cả một quá trình lâu dài, chia sẻ thông tin chứ không phải ngày một, ngày hai mà người ta có thể thay đổi và cũng không thể xử phạt được họ.
Thực phẩm rất quan trọng đối với cuộc sống của tất cả mọi người trong xã hội, giúp con người duy trì cuộc sống, phát triển giống nòi, trí tuệ và thể lực. Việc bảo đảm VSATTP chính là giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, góp phần làm giảm gánh nặng cho bệnh viện và làm tăng GDP của quốc gia. Vì thế, để bảo đảm VSATTP, không gì khác chính là cần nâng cao nhận thức về VSATTP, trong đó vẫn là đề cao lương tâm và trách nhiệm của mỗi chủ cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm VSATTP. Tuy nhiên, mặt khác, chính người dân cũng cần được tuyên truyền để hiểu đúng và thực hành đúng về VSATTP. Có như vậy, bài toán về VSATTP mới tìm được nút gỡ trong thời gian tới.
