Cầu vồng không sắc
Truyện ngắn của Nhật Chiêu
|
- Mình ăn sáng đi em.
- ...
- Có gì không vui hở em?
- ...
- Chưa ăn gì mà đã uống cà phê à? Mà cà phê không đường nữa chứ! Em bắt chước anh từ hồi nào nhỉ, thói quen uống cà phê đắng? Lần đầu nhớ không, em nhíu cả đôi mày, bây giờ thì không. Còn đắng chứ?
- Đắng.
- Lời đầu tiên sáng nay của em đấy. Đắng! Ừ, đắng thật. Nhưng đấy mới là cà phê thật.
- Cũng không thật gì đâu. Bao giờ cũng có một chút giả.
- Một chút giả ư?
- Cái gì cũng thế.
- Giả cũng không phải giả, em à.
- Vậy sao?
- Bao giờ cũng có một chút thật. Anh tin điều đó hơn.
- Hay đó là một niềm tin giả?
- Anh không tin gì cả ngoài chuyện anh đang thở.
- Phải, anh đang thở. Không gì khác?
- Anh biết mình đang thở. Chắc chắn là vậy. Còn chuyện khác, dường như không có gì rõ ràng. Hơi thở là cái duy nhất anh không nhìn thấy nhưng biết nó có đó, thế đấy.
- Triết lý của anh?
- Không. Anh ghét triết lý. Vì vậy chỉ tin vào hơi thở.
- Chẳng để làm gì.
- Phải.
- Vô nghĩa.
- Phải.
- Vậy, hãy tin vào một điều khác.
- Như điều gì?
- Hãy thử ngưng thở để tìm.
- Rồi có lúc hơi thở tự ngừng. Tại sao phải thử điều đó?
- Anh không muốn tìm một cái gì mới sao? Một ngày mới? Một người mới?
- Nắng bao giờ cũng mới. Mưa bao giờ cũng mới. Và mọi thứ khác cũng thế.
- Còn chúng ta thì sao?
- Cũng thế. Sáng nay em rất mới. Và anh cũng vậy.
- Ô!
- Mọi thứ thay đổi mà. Liên tục.
- Cho xem.
- Em thử bước xuống biển đi.
- Bây giờ ư? Không đâu.
Hãy nghe họ nói. Họ nói gì vậy?
Hai cốc cà phê đắng trong bữa điểm tâm dưới lọng che bên bờ biển.
Người đàn ông khoảng tứ tuần.
Cô gái chỉ chừng nửa tuổi ấy.
Họ ngồi quanh chiếc bàn gỗ nhỏ, đối diện nhau.
Trong cuộc đối thoại, giọng người đàn ông trầm, giọng cô gái trong veo.
Cuộc phối âm dễ nghe. Không ai lớn tiếng. Ăn mặc cũng vậy, rất thanh nhã. Người màu xám tro, người hồng nhạt.
Chúng ta không biết nhiều về họ. Dường như họ đến khách sạn này từ chiều hôm qua. Cũng không rõ mối quan hệ của họ...
Khoan, tôi là người đọc thì không biết dĩ nhiên rồi. Nhưng ông là người viết kia mà?
Thì sao chứ? Cứ nghe họ nói. Họ lên tiếng đến đâu thì ta biết đến đấy, phải vậy không?
- Mưa. Đêm qua có mưa không em?
- Có. Anh ngủ say đến nỗi không nghe mưa. Say như...
- Đừng nói chết. Hình như em có hát trong khi anh ngủ. Mưa hát hay em hát?
- Mình ở bungalow với mái giả tranh nên nghe mưa cũng thích. Nhưng cũng không giống tiếng mưa trên mái tranh ở quê em.
- Có thể mưa ở đây cũng giả nốt.
- Nếu vậy thì tiếng hát của em cũng giả thôi. Mà giả hay thật thì sao chứ? Anh đâu có nghe gì.
- Anh mệt. Em biết là anh mệt mà. Em không hề say xe, chỉ có anh là váng vất.
- Anh có ngậm một lát khoai sống chống say mà.
- Nhờ vậy mà chỉ có một chút váng vất. Còn em thì tuyệt vời, một cơ thể tuyệt vời. Xe, tàu, thuyền, máy bay em đi sao mà nhẹ tênh. Em ngồi lưng trâu, bò, ngựa quá vững. Anh tin rồi lạc đà, cá heo sẽ có cơ hội quy phục em. Em có cơ thể tuyệt vời!
- Thế kia à? Không kể anh trong đó chứ?
- Đêm qua. Em không thấy anh sao?
- Gì?
- Đêm qua anh có cảm giác mình đang sống trong thế giới Biến hình của Ovid. Và trước mắt anh, em đã biến hóa...
- Thôi!
- Anh có thể kể...
- Đủ rồi! Sau đó anh ngủ vùi. Và anh mớ. Đấy, huyền thoại của anh đấy!
- Và em quan sát anh à?
- Làm gì?
- Có lần anh cũng nhìn em ngủ. Giấc ngủ giống như một bức tường.
- Bức tường, đúng thế. Và bên kia bức tường, anh mơ.
Trời đang mưa mà họ vẫn không rời bờ biển.
Mưa nhẹ thôi. Cái lọng xanh đủ che cho họ khỏi ướt mà.
Họ có vẻ là tình nhân.
Hay vợ chồng trẻ trong tuần trăng mật.
Cũng có thể là những kẻ ngoại tình.
Cô gái đầy sức sống nhưng làm ra vẻ thờ ơ với cái thanh xuân của mình, tự tạo một dáng nhu nhược mỏi mê.
Người đàn ông không cao lớn nhưng rắn chắc dù có vẻ mệt mỏi sau đêm ái ân.
Anh ta làm tình thế nào?
Không biết.
Lại không biết. Ông là người viết mà.
Thì sao chứ? Và bạn không phải là người đọc à?
- Em nói anh mớ. Em nghe tiếng anh mớ đêm qua?
- Nghe chứ. Mọi bức tường đều có kẽ nứt, phải không?
- Nếu chính mình nghe tiếng mình mớ thì thú vị lắm nhỉ? Anh không biết là mình ngủ có hay mớ không nữa?
- Giấc mơ đêm qua đẹp chứ anh?
- Mơ à? Anh không biết mình có mơ không nữa. Thường anh không nhớ gì khi thức giấc.
- Anh dễ quên thế kia à?
- Cũng tốt. Nếu nhớ được mình mơ gì, chỉ tổ băn khoăn. Thế nên anh không bao giờ phải tra cứu từ điển giấc mơ. Anh biết có người còn ghi lại giấc mơ của mình vào nhật ký.
- Một nhật ký như vậy mà rơi vào tay người khác thì cũng phiền. Chắc là chỉ nên ghi những giấc mơ trong sáng.
- Có giấc mơ trong sáng nữa ư? Lại tiếp tục truyền thống “tư vô tà” phải không?
- Em thì đoan chắc đêm qua anh có một giấc mơ đẹp.
- Ôi, nếu mà anh nhớ được!
- Anh nhớ mà! Anh biết mà!
- Anh không biết gì, cả mưa bên ngoài và mơ bên trong. Anh chỉ biết bây giờ trời đang mưa và em đang ngồi trước mặt anh?
- Chẳng lẽ em đang mưa và trời đang ngồi trước mặt anh?
- Có thể đấy! Em có đang ngồi trước mặt anh không?
- Sao thế?
- Vì em không phải là em như anh biết, là toàn thể em như anh biết. Chỉ một chút em đang ngồi trước mặt anh mà thôi.
- Đêm qua, trong khi anh ngủ, toàn thể anh như em biết đã biến mất.
- Biến mất vào đâu? Chiếc giường vẫn còn đó chứ? Và tấm chăn nữa, còn đó chứ?
- Còn nguyên những thứ đó, tất nhiên rồi. Còn anh, em tự hỏi, đêm qua anh ở đâu?
- Chẳng lẽ anh mộng du?
- Thì đúng vậy! Có điều không phải thân thể anh đi trong giấc ngủ. Mà toàn thể tâm hồn anh bỏ đi… khỏi em!
- Em ghen. Cả khi anh ngủ sao?
- Anh không ngủ.
- Thế à?
- Anh mơ. Một giấc mơ đã gạt em ra khỏi chiếc giường, căn phòng, bờ biển và cả thế giới này.
Chỉ là cuộc cãi lẫy tình nhân, phải không nào? Nhưng mà lần này cô gái đóng vai Othello trong khi người đàn ông lại ra dáng oan tình kiểu Desdemona.
Dù vậy tôi không biết anh ta đã mơ gì và đã mớ gì.
Còn cô gái? Thì nàng cũng ở bên ngoài anh ta, bên ngoài bức tường hữu hình cũng như vô hình, có khác nào người viết hay người đọc đâu.
Cô ta cũng chỉ đọc cơ thể anh ta, giọng điệu anh ta, chẳng khác nào chúng ta đang cùng đọc một văn bản.
Đúng vậy, làm sao cô biết có gì trong giấc mơ của người khác, dẫu có là tình nhân?
Hãy nghe tiếp câu chuyện của họ.
Nàng Scheherazade không kể về giấc mơ của nàng mà về giấc mơ của chính nhà vua.
- Em nói anh đã gạt em ra khỏi thế giới của anh à.
- Thế giới ấy như mặt kính và em là mưa.
- Em là cầu vồng thì đúng hơn và anh không thể gạt cầu vồng đi đâu hết.
- Anh ngước nhìn lên đi. Cầu vồng mới mọc đấy.
- A, cầu vồng! Nhưng mà sao lạ thế?
- Cầu vồng chứ gì nữa?
- Thì đúng rồi. Nhưng nó tái nhợt và xam xám, hoàn toàn không phải là bảy màu như xưa nay.
- Thì nó không màu không sắc chứ sao?
- Một cầu vồng không sắc!
- Tại sao không?
- Nó không phải là nó. Như thể nó đeo mặt nạ. Hay ngược lại. Bảy sắc mới là mặt nạ và bây giờ nó hiện nguyên hình?
- Theo em thì cầu vồng có hai mặt. Không sắc là mặt bên kia của cầu vồng.
- Vậy là em và anh đã nhảy qua mặt bên kia của cầu vồng rồi đấy!
- Biết đâu đấy.
- Cầu vồng tội nghiệp! Đó là cây cầu bắc ngang trời và đất. Nữ thần Iris qua cầu đó mà đưa tin thần linh đến với con người. Và cây cầu đó chắc đã đổ. Cái gì đang thay thế nó vậy?
- Chính nó.
- Không. Đó là một phản-cầu vồng.
- Chỉ vì nó không màu sắc?
- Nó như một vết nhọ trên trời.
- Chẳng lẽ màu sắc quan trọng cho một chiếc cầu đến thế sao? Một chiếc cầu chỉ là một chiếc cầu, một chiếc cầu...
- Nhưng chiếc cầu vồng tái nhợt này thực sự vô nghĩa. Không có thông điệp. Không thể tương giao. Một dải yếm xưa làm cầu còn tốt hơn.
- Em thì thấy nó giống như cầu Ô Thước với màu xám tối. Vậy thì có thể biểu tượng cho tình yêu rồi.
- Một biểu tượng đáng sợ.
- Nó nguy hiểm mà.
- Chính thế.
- Nó lại giống như một cổng vào. Sau đó là gì thì rất khó lường.
- Nó bí ẩn mà.
Họ thực sự nhìn thấy một cầu vồng không sắc à? Cả đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó. Nói cầu vồng không sắc thì cũng như nói một sa mạc xanh.
Họ nhìn thấy thực sự đấy.
Làm cách nào?
Không có cách nào đâu. Cái nhìn nào cũng lầm sai, tâm hồn nào cũng lầm sai, ôi mây.
Nhại Rimbaud.
Ừ, Rimbaud.
- Nhưng giấc mộng của anh đêm qua vẫn có bảy màu chứ?
- Rỗng không. Không có ảo ảnh. Cũng không có tên gọi.
- Có thể không ảo ảnh. Nhưng có tên đấy. Và anh gọi suốt.
- Tên ai?
- Tên nàng.
- Nàng nào?
- Cái đó thì anh tự biết.
- Có thể là cái tên anh đang tìm, đang cố nghĩ ra. Một cái tên hư cấu. Cho một nhân vật, tất nhiên.
- Nhân vật tên gì chẳng được. Kể cả không tên.
- Em không hiểu rồi.
- Phải. Công việc của anh. Những quan hệ của anh, trò chơi của anh.
- Một cầu vồng có bảy màu phải không? Đời sống thì vô sắc sao?
- Màu sắc để làm gì? Em chỉ cần sự thật.
- Có cây cầu nào bắc qua sự thật của em không?
Qua cuộc trò chuyện của họ, có thể đoán ra người đàn ông là nhà văn. Có thể ông đang viết một tác phẩm tiểu thuyết. Có vẻ như anh ta đang triền miên sống trong thế giới hư cấu của mình, giấc mộng của mình. Cho dù ông có nói chẳng bao giờ nhớ nổi một giấc chiêm bao.
Còn cô gái? Nhà văn đang quan hệ với ai? Cô không phải là một sự thật trừu tượng chứ?
A ha, ông là người viết mà đến giờ cũng không biết nàng là ai ư?
Thì sao chứ?
- Có đấy, nếu anh muốn biết. Đấy chính là chiếc cầu vồng vô sắc kia.
- Em đừng tin vào cái gì vô sắc.
*
* *
Giận dữ, nàng đứng dậy và bỏ đi.
Anh ngồi yên.
Chốc nữa, khi anh trở vào khách sạn, vào căn phòng tình yêu đó, có thể còn nàng mà cũng có thể không.
Nàng là thế.
Anh ngồi yên. Ngước nhìn trời.
Từ từ, cầu vồng vô sắc bắt đầu ửng màu.