Chuẩn bị tuổi già khi còn trẻ

Đinh Loan 02/09/2011 07:39

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số nước ta sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số khi tỷ lệ người cao tuổi (60 tuổi trở lên) đạt ngưỡng 10% tổng số dân vào năm 2017. Già hóa dân số đặt ra những thách thức lớn đối với quốc gia và tuổi già cũng là thách thức không nhỏ đối với từng con người cụ thể. Chủ động đón nhận tuổi già ngay từ khi còn trẻ chính là giải pháp giúp cho mỗi cá nhân sống vui, khỏe và thanh thản khi về già.

Chuẩn bị tuổi già khi còn trẻ ảnh 1
Nguồn: soyte.hanoi.gov.vn

Những thách thức của tuổi già

Già hóa dân số là một thực tế mà quốc gia nào cũng phải đối mặt. Tuy nhiên, các chuyên gia LHQ cảnh báo: thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ cơ cấu dân số “đang già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn: 85 năm đối với Thụy Điển, 26 năm đối với Nhật Bản, 22 năm đối với Thái Lan, nhưng theo dự đoán ở Việt Nam chỉ là 20 năm.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với tuổi già là quy mô gia đình thay đổi: từ quy mô gia đình đa thế hệ sang kiểu gia đình hạt nhân. Thực tế cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi sống chung với con cái ở nước ta vài năm gần đây đã giảm, khiến số lượng người cao tuổi sống cô đơn hoặc sống cùng bạn đời của mình ngày càng tăng. Đồng nghĩa với đó những mối nguy hiểm cho người cao tuổi cũng gia tăng.

Theo kết quả khảo sát, trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta phải chịu 14 năm bị bệnh tật trong tổng số 72,2 năm cuộc sống của mình. Đặc biệt, những người cao tuổi phải chịu gánh nặng kép trong chăm sóc sức khỏe, trong đó đã có sự thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và các bệnh mãn tính; đồng thời các bệnh mới đang xuất hiện cùng với sự thay đổi trong cách sống đang ngày càng trở nên phổ biến như: ung thư, căng thẳng và trầm cảm về tâm thần. Những xu hướng thay đổi này đòi hỏi nhiều chi phí chăm sóc y tế hơn; trung bình cho một người cao tuổi cao gấp 7 - 8 lần chi phí điều trị cho một đứa trẻ. Trong khi đó, chế độ chăm sóc người già trong hệ thống y tế ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập so với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hiện chỉ có khoảng 30 tỉnh, thành có khoa lão khoa nằm trong bệnh viện tỉnh, cả nước có một bệnh viện lão khoa… Các trung tâm dưỡng lão cũng rất ít ỏi, và chi phí cũng khá cao so với thu nhập của đa số người dân. 

Bên cạnh đó, theo số liệu điều tra về mức sống hộ gia đình ở Việt Nam cho thấy khoảng 43% người cao tuổi hiện vẫn đang làm việc, tỷ lệ người cao tuổi ở vùng nông thôn và phụ nữ cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động cao hơn đáng kể so với người cao tuổi sinh sống tại các khu vực đô thị và nam giới cao tuổi. Tuy nhiên hầu hết người cao tuổi đang tự tạo việc làm trong nông nghiệp với thu nhập thấp và không ổn định, chỉ cần cú sốc kinh tế nhỏ cũng đẩy họ xuống mức nghèo đói. Hơn nữa, trợ cấp hưu trí và trợ cấp xã hội hàng tháng được coi là nguồn thu nhập chính cho người cao tuổi, nhưng mức độ bao phủ của các chương trình này chưa cao...

Để tuổi già vui, khỏe và thanh thản

Để giúp mọi người đón nhận tuổi già một cách dễ dàng nhất, theo Ts Giang Thanh Long thì ngay từ khi còn trẻ mọi người cần hiểu về tuổi già và có những chuẩn bị kỹ càng. Cụ thể nên đầu tư vào chất lượng con người, từ vấn đề sức khỏe cho đến chất lượng nhân lực. Khi con người cần được đào tạo một cách bài bản, hài hòa giữa lý thuyết và thực hành sẽ tạo được đội ngũ lao động lành nghề có chất lượng cao. Từ đó, sự nỗ lực và đóng góp của mỗi cá nhân sẽ giúp nền kinh tế phát triển vững chắc, tạo đà cho xã hội phát triển và mỗi cá nhân sẽ được hưởng lợi không chỉ lúc còn trẻ mà cả khi về già.

Bên cạnh đó, không chỉ “tích luỹ” để khi về già có cuộc sống tốt hơn, mà việc để người trẻ hiểu về tuổi già cũng là điều cần thiết. Hiện ở nước ta, một số địa phương đang thực hiện mô hình trại dưỡng lão do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam thí điểm. Tại đây, thế hệ trẻ là những người trực tiếp chăm sóc những người già. Mục tiêu của mô hình là nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về những khó khăn mà tuổi già phải đối mặt. Từ đó họ có thể chia sẻ những khó khăn của người già, đồng thời có những chuẩn bị về tâm lý, vật chất, hoàn thiện bản thân, từ đó có thể “già hóa chủ động”. Thiết nghĩ, cần sớm nhân rộng mô hình này.

Mặt khác, để tuổi già sống vui, sống khỏe và thanh thản, ngoài việc chăm sóc sức khỏe và đời sống vật chất, tinh thần tốt, thì cần tạo cho người cao tuổi việc làm. Giúp họ cảm thấy tự tin và vui vẻ khi thấy mình còn được đóng góp sức lực và trí tuệ cho đời và cho xã hội. Theo Tổng điều tra Dân số năm 2009, có khoảng 36% người cao tuổi đang tham gia làm việc tại các ngành khác nhau của nền kinh tế. Tỷ lệ này tăng đáng kể so với 25% của năm 1999. Gs. Ts Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho rằng: mặc dù tỷ lệ người cao tuổi tham gia vào các hoạt động xã hội tăng so với trước đây, nhưng thực tế vẫn chưa huy động được tối đa sự đóng góp của người cao tuổi, gây nên sự lãng phí nguồn lực này. “Cần có chính sách thu hút, khuyến khích hỗ trợ người cao tuổi có khả năng tham gia làm việc tạo thu nhập, giúp họ có tinh thần thoải mái và rèn luyện sức khỏe” - Gs. Ts Nguyễn Đình Cử khuyến nghị.

Đinh Loan