Thủ lĩnh trẻ của điện ảnh mới

Nguyên Đăng 02/09/2011 07:38

Trong nền điện ảnh Argentina (đã trên trăm tuổi, tính từ phim kể về những người bình dân Ngọn cờ Argentina xuất hiện năm 1897 của đạo diễn Eugene Py), một làn sóng mới đang nổi lên và được khán giả nhiệt thành hưởng ứng. Bên cạnh Pablo Trapero và Maria Victoria Menis, Daniel Burman là đạo diễn trẻ sáng giá nhất hiện nay, được coi là thủ lĩnh điện ảnh mới…

Sinh năm 1973 tại Buenos Aires trong một gia đình Do Thái Ba Lan (ông bà nội đã trốn khỏi lò thiêu người sang đây), D. Burman theo học ngành luật, nhưng lại hành nghề sản xuất các chương trình nghe nhìn. Thu được thành công bất ngờ từ một bộ phim tài liệu ngắn (1993), hai năm sau D. Burman cùng với Diego Dubkovsky lập hãng BD CINE và tổ chức sản xuất phim, mặc dù vốn là người hiếm khi mua vé vào rạp và rất thích kể chuyện. Thấy mọi người chăm chú nghe mình kể chuyện, D. Burman bèn chọn điện ảnh làm phương tiện để kể. Anh giải thích: “Điện ảnh là con tàu để tôi gửi thông điệp đến từng người”.

Điện ảnh Argentina có nét riêng, cơ bản là chọn được một phong cách nhất định để tạo nên những tác phẩm không quá câu nệ vào thị trường. Khác với phim Mỹ - nhân vật thường sống trong những tòa nhà một vài triệu đô và bao giờ cũng sẵn tủ lạnh - các nhà điện ảnh nước này biết kể những câu chuyện rất riêng tư và rất trung thực, trong đó quan trọng hơn cả là vấn đề minh định bản thân. Các bộ phim của D. Burman cũng đi theo hướng ấy, nhưng thành công hơn chính vì tính độc đáo.

Cảnh phim Nữ tiếp viên hàng không đều thăng thiên hết
Cảnh phim Nữ tiếp viên hàng không đều thăng thiên hết

Nữ tiếp viên hàng không đều thăng thiên hết (2002) kể chuyện cô tiếp viên hàng không Teresa quen sống trong tiện nghi miễn chê với những khay thức ăn ướp lạnh, đâm ra cô sợ cõi trần – nơi có đàn ông, có tình yêu, hôn nhân, phải đẻ con và làm mẹ. Dưới đó có Julián, một bác sĩ trẻ mới mất vợ (cũng làm nghề tiếp viên hàng không), phải bay đến Ushuaia để thực hiện di chúc rải di cốt của vợ xuống nơi mà hai người gặp nhau lần đầu. Đương nhiên hai nhân vật này gặp nhau trên máy bay, kéo theo những tình huống, những nội tâm khiến người xem phim không dứt ra được…

Nhật ký trên xe máy (2004) tái hiện chuyến đi năm 1952 qua các nước Mỹ Latinh của Che Guevara huyền thoại, người anh hùng sống với phương châm “Hãy để thế giới thay đổi bạn, rồi bạn sẽ có thể thay đổi thế giới” đã trở thành kim chỉ nam của nhiều thế hệ thanh niên... Trong phim, Che mới 23 tuổi, chưa tốt nghiệp bác sĩ, rủ bạn thân là Alberto Granado, một chuyên viên sinh hóa đi mô tô Norton 500cc đời 1939 khám phá châu Mỹ Latinh. Xuất phát từ thủ đô Buenos Aires, họ đã đi một quãng đường dài 10.000km trong tám tháng, vượt qua cao nguyên Patagonia hùng vĩ để vào xứ Chile, từ đó thẳng hướng tới các cao nguyên của Colombia trước khi kết thúc hành trình ở điểm mút của đất nước Venezuela. Làm bộ phim này, D. Burman muốn lý giải: thực tế cuộc sống những vùng đất đã đến tạo những ảnh hưởng gì tới hình thành lý tưởng của nhà cách mạng nổi tiếng? Nhật ký trên xe máy được tiếp đón nồng nhiệt với tám đề cử của Hiệp hội các nhà phê bình điện ảnh Argentina (2005).

Cảnh trong phim Nhật ký trên xe máy
Cảnh trong phim Nhật ký trên xe máy

Nhiều thanh niên gốc Do Thái ở Argentina thường tìm đến lãnh sự quán Ba Lan để xin chứng thực nguồn gốc và được mang quốc tịch hai nước. D. Burman cũng làm như thế, nhưng trong lòng chỉ thấy cay đắng: nếu ông bà mình không bị chết vì kỳ thị chủng tộc, họ sẽ nghĩ thế nào khi người cháu lại trở thành công dân của một đất nước đã từng ruồng bỏ mình? Vì thế anh làm phim Vòng ôm dở chừng (2004). Chàng trai Ariel Makarov người Do Thái giúp mẹ cai quản một tiệm bán nội y ở Buenos Aires, trong một khu thương mại đang hồi suy thoái, nơi những thương nhân Italy suốt ngày la hét, những thầy bói Hàn Quốc bán lá số tử vi, còn ông lão Osvaldo thì chẳng bán mua cái gì… Trong khi đó người anh trai mải lo xuất nhập khẩu Ariel lo sang thăm Ba Lan quê gốc mong tìm giải đáp cho câu tự vấn “mình là ai?” và muốn truy nguyên vì sao khi anh mới lọt lòng mẹ, người cha lại bỏ gia đình để sang cầm súng ở Israel, cho đến bây giờ vẫn biệt tăm? Bỗng một ngày người cha quay về với gia đình mang theo một sự thật, một câu chuyện mới và một vòng tay ôm mà Ariel hằng chờ đợi… Trong câu chuyện đau đớn về cuộc gặp gỡ đầu tiên của người cha với đứa con trai đã lớn, D. Burman đã rất hài hước và tinh tế tái hiện cái thế giới nho nhỏ của những nhân vật đáng yêu đang gắng biến những mơ ước khiêm tốn của mình thành hiện thực. Trong cùng một năm 2004, bộ phim đã nhiều lần được tôn vinh: giải thưởng Lớn của ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Berlin, giải Gấu Bạc - cho diễn viên xuất sắc Daniel Hendler - vai Ariel, giải thưởng Lớn tại Liên hoan phim quốc tế Bangkok (Thái Lan), Thần ưng Bạc - cho nữ diễn viên vai phụ xuất sắc Adriana Aizemberg - vai Sonia và giải phim hay nhất, đạo diễn và biên kịch xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Mỹ Latinh Lleida (Tây Ban Nha). Tại Liên hoan phim quốc tế Venice 2008, D. Burman là nhà điện ảnh thứ ba trong lịch sử, sau Giuseppe Tornatore (Italy) và Wilhelm Ernst Wenders (Đức) nhận giải thưởng của Tòa thánh Vatican về toàn bộ hoạt động xuất sắc. 

Bộ phim thứ sáu Tổ rỗng (2008) - câu chuyện một cặp vợ chồng và những vấn đề nảy sinh sau khi con cái tách ra ở riêng - được khán giả trong nước tán thưởng và được hãng Bavaria Film International phát hành ra ngoài nước. Mới đây, D. Burman đã cho ra đời bộ phim Hai anh em (2010). Sau cái chết của người mẹ, sự mất mát quá to lớn khiến anh trai Marcos và em gái Susana không nguôi ngoai được, họ đều cô đơn và cần đến nhau. Nhưng Susana vẫn quyết định không cho anh trai đụng vào căn hộ của người mẹ để lại, mặc dù cô hiểu đó chính là nơi anh trai đã tận tình chăm sóc mẹ mình suốt đời. Kết quả là căn hộ phải bán cho chủ khác, Marcos phải rời Buenos Aires để sang Uruguay làm lại cuộc đời...

Thủ lĩnh trẻ của điện ảnh mới ảnh 3
D. Burman: phải sống cuộc sống tự nhiên

Cội rễ con người và kinh nghiệm của một cộng đồng xã hội là đề tài trọng tâm của nhiều phim mang thương hiệu D. Burman. Chỉ có hiểu cội rễ của mình, con người mới có được cuộc sống hạnh phúc, có sự thừa kế. Ngay cả trong một thế giới đang toàn cầu hóa, con người vẫn cần phải hiểu mình xuất phát từ đâu và đích đến của mình là đâu… Anh quan tâm khoảnh khắc xuất hiện dây chuyền của bi kịch trong cuộc sống thường ngày, trong đó nhân vật thể hiện nhiệt huyết của chính mình, ngày lại ngày, năm lại năm mà vẫn chưa tới trận đánh cuối cùng…

Vị thủ lĩnh trẻ của điện ảnh mới Argentina tâm sự: “Không thể chỉ làm một đạo diễn vĩ đại hết ngày dài đến đêm thâu, mà phải sống cuộc sống tự nhiên như nó vốn có”. Trong hãng hay ở chỗ bạn bè, D. Burman không thích đưa ra bàn luận nội dung những bộ phim sẽ làm. Đạo diễn này quan niệm: đôi khi cũng phải tách khỏi chính mình, sống cuộc sống đời thường, như thế, đối với nhân vật, ta mới đạt được sự thông hiểu và gần gũi.

Nguyên Đăng