Đào nguyên (Phần 2)
Truyện của Trần Chiến

30/08/2011 07:57

>> Đào nguyên (Phần 3) 

>> Đào nguyên (Phần 1)

>> Đào nguyên (Phần cuối)

Không trầm trọng như Mật, ông Thọ cảm thấy sau những cắc cớ vặn vẹo nêu ra, mấy vị tỉnh thành có cái nỗi niềm gì na ná mình. Họ đi nhiều hơn, thấy nhiều hơn, hẳn thế, nên nói ra phải ít hơn, ít nhưng có chiều gần gụi. Đêm đến, nửa tỉnh nửa mơ, ông sống lại ngày ra quân ấy, cái rằm tháng giêng cách nay hơn ba chục năm.

Minh họa của Thúy Hằng
Minh họa của Thúy Hằng

Sáng sớm, các vãi ra đình ngạc nhiên thấy trung đội dân quân tập hợp đằng đằng dưới gốc đa râu ria lòng thòng, bên cạnh ba bốn con trâu lực lưỡng. Xã đội trưởng Cù Đại súng khoác vai oai vệ bảo “Đã quán triệt mấy tuần nay mà các bà còn làm lễ là thế nào?”

- Ơ, tôi tưởng chỉ nói chứ làm thật?

Nghe bà Câu lơ ngơ, Đại làm nghiêm “Từ nay triệt để. Dứt khoát với tàn tích phong kiến”, rồi vào gian giữa nhổ nắm hương mới thắp ở chính điện ném ra mắt rồng. “Chúng tôi làm nhiệm vụ, các bà cản trở đừng trách. Chính quyền là ở trên đầu ngọn súng! Các đồng chí...”

“Chát! Huỵch!...” Dưới sức lực điền, tấm bia sau tam quan bay ngay diềm mái. Sau đợt nghỉ, phần thân có chữ ngoằn ngoèo vỡ vụn, rồi đến lượt ông rùa cõng bia. Tất cả rồi sẽ vào lò vôi xây trụ sở.

Dây thừng buộc vào cột đình, trâu kéo người du, mãi mới đổ. Câu đầu cửa võng khuỵu trước, ban thờ bài vị nhào sau. Trong đám bụi mù, Đại phát hiện ra ông chú lén ôm mấy ống quyển đựng sắc các triều phong cho ngôi đình, bèn hạ lệnh trói gô lại. Tội nghiệp lão khóa sinh thi trượt kỳ Nho học cuối nằm dưới bụi chuối râu tóc tả tơi, mặt ướt tràn trụa, khóc không ra tiếng. Từ đấy ra người câm.

Những giấy gỗ vải lụa cho vào lửa, xiêm áo Bà Chúa cháy vèo. Đức Ông, La Hán đắp đất nhào xuống mắt rồng mắt trâu. Còn pho Quan Âm bằng đá bên chùa, xã đội Đại lệnh Thọ buộc vào đít trâu kéo đi. “Cho lên bờ mương”, chả bảo kéo đến đoạn nào thì cho thỏm.

Pho Nghìn mắt nghìn tay ấy rất đẹp, thấy bảo một bà buôn dâu con làng Bùm cung tiến thời còn vua. Giật đùng đùng, nẩy tưng tưng, cái đầu Phật ngần ngật sau hai con trâu đực. Chốc chốc một cánh tay đá vướng gốc duối long ra, con mắt trên bàn tay như chớp chớp. Ra giữa đồng, gần tha ma gốc gạo, Phật lăn tòm xuống mương, trâu đánh mấy không lôi lên được. Mệt rồi, thôi nhà người nằm đấy vậy.

Sáng sau Cù Đại phê bình Thọ không “triệt để phong kiến”, để cái tàn tích ấy nằm lại trên đất thôn là không được, phải ra vớt lên vứt ra xa. Nhưng “nhà người” đã không còn ở đấy.

Thọ đi bộ đội đánh nhau rất lâu, không xanh cỏ cũng chả đỏ ngực nhưng về được, mà lành lặn. Ngày hấp hối, bà cụ gọi anh đến bảo tao giấu Phật dưới búi tre ông Đà, biết thế để sau này thỉnh về thờ lại, không thế thì sao mày về được con ơi. Nghe thế, vâng dạ thế nhưng cứ để nguyên thế không động đậy gì đến. Cù Đại đã hóa rồ suốt ngày cởi truồng đi rong mấy lần cóc chết cho vào mồm. Mả điên phát từ đấy, con cái Đại cứ tàng tàng chả kinh gì hôi tanh. Ông Phụng bí thư không chỉ huy cụ thể chiến dịch nhưng là người ra chủ trương, vợ bị chó dại cắn chết thảm.

Rồi ra những người có liên quan nữa… Rồi ra xã ấy thôn nọ ở ngay bên cạnh với cả những chỗ rất xa xôi, thấy bảo không thiếu chuyện tương tự. Mình không duy tâm đến mê lú nhưng không tin không sợ tý nào là không được, là dễ ra ác độc, cứ con đấu cha trò vả mặt thầy như hồi bé mình đã xem, sau này mới biết là cải cách ruộng đất.

Bao năm không ngờ lại ra thế này. Ông Thọ tỉnh giấc mơ rất kinh, bảo Thông cho lên bàn thờ thắp hương. Rì rầm khấn, ông nhủ Thần Phật với các cụ rằng bàn thờ nhà Thông không có các cụ nên con chỉ vái vọng thôi, rằng con sợ lắm, hối hận lắm rồi vì đã làm những việc không nên làm, may là mẹ còn để phúc lại, nay con phải để phúc lại cho con con và cho con chúng nó. Lòng con đang rất không ổn. Những điều hôm qua còn sáng rõ nay tù mù đáng ngờ, những bất di bất dịch long lở lả tả. Lại những thứ đã đem chôn lù lù hiện về ám quẻ, xua thế nào cũng không đi.

Thật lắm thứ nữa không thể nói ra. Những nỗi niềm tràn ứ không thể hở ra với bác Mật bên cạnh đâu, bác ấy nhiều lý luận, phê bình cho mà tóe khói ra...

- Tưởng bác duy vật hẳn rồi… Thế bác tin hẳn vào “các cụ” à?

Câu hồn nhiên của Thông hóa ra lại rất ác, ác chả kém câu ông Nhiệm cật vấn ông Mật. Phải một tý ông Thọ mới ậm ờ, chả ra trả lời: “Chưa biết tin đâu thì bấu vào các cụ”, và lảng sang chuyện khác. Tôi thấy nhà chú sinh hoạt lạ, sáng vợ đi đằng vợ chồng đi đằng chồng, thằng con suốt ngày trong buồng, được cái đến bữa xuống nấu rồi mời hai bác ra ăn rồi cháu đi học ạ. Tối cũng thế, chồng thể thao vợ nhảy nhót về rất muộn, toàn ăn vào cái lúc người ta đã ngậm tăm. Chú để thằng khác ôm vợ mình quay quay ngoài sàn không sợ à… Thông cười hơ hơ làm ông thấy mình đang lo bò trắng răng.

***

- Ai đấy?

- Em ạ. Em ở làng Bùm.

- Làng Bùm nào?

- Làng Bùm trong Thanh Hạ.

- Thanh Hạ nào?

- Tận miền Trung cơ ạ. Làng em đang xây lại đình chùa, xin các bác phát tâm công đức cho Thành hoàng làng em và chư Phật có chỗ ngồi. Cái chỗ ngày xưa bị phá đi mất rồi.

- Sao lại phá chỗ các Ngài?

- Dạ, là những ông ngày xưa phá, không phải chúng em. Giờ các Ngài vất vưởng đâu đâu không được, làng quyết tâm xây lại, mời về để thờ, nhưng thiếu mất một chút.

- Thế đây, tôi xin ủng hộ. Không cần phiếu công đức đâu.

- Em xin bác. Cảm ơn bác ạ.

*

- Hôm nay có thi môn gì đâu mà mua hương.

- Đâu. Có hai bà nâu sồng đến bán hương xây đình chùa ở quê.

- Lại có cả giấy công đức. Xem nào… Làng này ở đâu chứ có phải làng mình mà góp!

- Nói giọng miền Trung, đi ra cũng xa xôi nên mua cho họ.

- Chín thẻ à?

- Ừ, họ bảo đàn bà thì chín.

- Thế đưa bao nhiêu?

- Ít thôi.

- Ít là bao nhiêu?

- Đã chả muốn nói lại cứ hỏi. Chín mươi nghìn.

- Ôi giời! Cậu có căn tu đấy.

- Mất tiền thì không tiếc, nhưng tức như là mình bị lừa.

- Đã công đức còn so đo, đúng cái đồ…

- Thôi không nói nữa!

- Lần sau ai vào họ xin cả người, cho luôn!

*

- Ai bấm chuông đấy?

- Tôi ạ, xin các bác phát tâm…

- Thôi đi đi! Sáng ra đã nhiễu.

- Làng trong quê xa, tận miền Trung bão lụt, muốn làm lại ngôi đình, chúng tôi có giấy giới thiệu của ủy ban với sổ chứng nhận công đức mà.

- Tôi biết các vị rồi. Kiểm tra bể phốt với bình ga ông bà nào chả có giấy tờ. Nhiễu!

*

- Ôi giời làng Bùm à? Tôi chả biết Bũm Bùm nào, nhưng quê tôi cũng thế, đuổi các vị đi rồi giờ rước về, phải tội lắm nhưng còn hơn không. Đây tôi cúng một ít…

*

- A di đà Phật!

- A di đà Phật! Hôm nay khuyến thiện thế nào?

- Bạch thầy cũng được. Có bà mời vào nhà hỏi han, cho uống nước. Nhà có bàn thờ Chúa, biết con đi quyên tiền làm chùa, ở nhờ nhà chùa mà vẫn đưa tiền, con thấy lạ.

- A di đà Phật, thì cũng người Nam ta cả…

*

Tấp tểnh, thất thểu, các vãi làng Bùm đi xin lộc khắp nơi. Lạ cho giống đàn bà. Đàn ông chỉ độc chủ trương, chứ sang xã bên, lên tỉnh huyện, ra tận thủ đô, vào miền Nam, chỉ có họ đi được...

Có người về ngay, thất vọng trước sự bàng quan của người đời. Những đứa phũ hắt cả chậu nước vào mặt không ác bằng kiểu từ chối lịch sự nhưng nhìn người ta như không nhìn, hàng tháng trời không quên được kiểu tử tế ấy. Có người hớn hở dốc bị tiền cho ban kiến thiết để Ngài có chỗ ngồi cho con dân được lạy tạ, bao nhiêu mệt nhọc nhịn nhục lạy lục quên hết. Dân phố lỵ, tỉnh thành cũng lạ, sống trên tiền, trong bụi bặm lâu năm, góp của đấy nhưng chả mấy người mời vào nhà cho được cốc nước. Tội nhất là bà Năm xóm Tám đi cả tháng nhịn đói khát không dám phạm vào lộc Ngài lúc về rộc như con mắm, chỉ đôi mắt sáng trưng.

Ông Thọ là trưởng ban kiến thiết, ngồi thu tiền luôn. Thỉnh thoảng bị tiếng nhiếc “báng bổ thần thánh, đem đập các Ngài đi giờ phải rước các Ngài về có nhục không”, ông chả lấy làm điều. Lo nhất là các Ngài có về, về rồi có phạt không. Dù sao công sức các vãi có kết quả, tiền bòn mót được cứ mỗi rằm mỗi một dầy thêm một ít, tuy đa phần bạc vụn. Ông bàn với các cụ thôi có ít làm ít, cái đình đơn sơ thôi, Thành hoàng ở giữa bên Đức Ông bên Chư Phật còn điện Mẫu lui sang hẳn bên, chỉ thấy ậm ờ. Bốn chục năm vô thánh vô thần chỉ họp hành kiểm điểm đấu tố giờ quay lại thờ cúng ngọng nghịu quá. Nhưng ngọng còn hơn không chứ, các Ngài xá tội cho. Làng mình nghèo có vậy làm vậy có khi lại may, chả biết những chỗ tiền đè chết người người ta tính tiêu pha ra sao nhỉ. Đã chả có anh tiêu không minh bạch phải đem nhau ra xử đấy à… Những nỗi lo, niềm vui nhỏ nhoi làm giấc ngủ của ông khấp khởi bồng bềnh, như được gần một cõi huyền bí ít ô trọc hơn.

Ông Mật thì không được vậy. Hồ sơ xin di tích lập lại ba lần các “cố vấn” ở thủ đô vẫn kêu “không cụ thể, bên văn hóa về kiểm tra thế nào nó cũng hạch”. Cụ thể thế nào được, vì nhân chứng thời chiến không còn, còn thì không ngọng cũng lẫn. Khó nhất là “vật chứng”, tức cái địa điểm phải bầu lên làm anh hùng, huyện nhất trí ở ngã ba thị trấn rồi, nhưng tại sao ở đấy, dịch lên dịch xuống sang ngang vài trăm mét có được không, thì trả lời rất khó. Người thủ đô họ giúp đấy nhưng phải trên cơ sở phù hợp với luật di sản với những quy định dưới luật gì đấy cơ, chứ có nói không rằng đây là trên cơ sở nguyện vọng của huyện ủy, ủy ban và toàn thể nhân dân trong huyện được thể hiện qua nghị quyết huyện ủy mà thuyết phục được à. Đến lúc tàm tạm rồi, hồ sơ họ nhận rồi thì lại phải chờ, chờ và xin địa chỉ đến thăm chị và các cháu tận nhà, người cành lộc hươu người miếng mật gấu kèm theo.

Lâu lâu lại thăm một người có liên quan ở cấp cao hơn. Hơn hai năm trời ném đá xuống ao bèo, xin có cái “chính trị” mà trời không thấu.

Tức nhất là cái thằng trên bờ không thủng cho thằng dưới nước. “Tôi tưởng chuyện ấy đơn giản”, bí thư huyện nói vẻ bâng quơ làm ông uất khí. Cái thằng trẻ ranh từ công tác đoàn mà lên chỉ toàn tay không bắt giặc, cứ thử cho đi như ông xem. May là còn có nhà Thông. Hết sức thông cảm, phòng riêng ở bao lâu cũng được, thân tình rồi thì có gì ăn nấy, nó giúp được gì thì giúp còn việc mình mình cứ đi. Tiện nhất là vợ nó bận bịu đi cả ngày, thằng con chào bác xong cun cút lên phòng bật máy tính, mình đỡ dơ cái mặt ra. Nhưng cũng có cái phiền, mình thích rượu nó chỉ uống bia, ban đêm thèm thuốc đến chết phải chịu, đang thu cả hai chân lên ghế thấy vợ nó về thời hạ xuống, ngậm cái tăm vứt vội đi. Chả phải là ai bảo, tự ông thấy thế thì ngượng.

Gần hai năm giời đi lại chỉ nhúc nhích được tý. Hồ sơ xin di tích xếp hàng bên cơ quan di sản cao bằng núi.

Rồi cô vợ đi suốt ngày của Thông, ngang qua bàn nước ông nào ông nấy đăm chiêu ngỗng ỉa, đánh rơi câu:

- Sao anh không đến cái Lan con chồng dì Bỉnh, anh con cô con cậu với em dâu nó là thư ký ông Tĩnh…

***

Pha được cốc nước cam nóng, bà Hợp đem vào buồng ngủ, thấy chồng đã duỗi dài, mắt khép lại, bèn đặt nó xuống đầu giường. Ông Tĩnh vẫn khỏe nhưng hay bị tiệc tùng tiếp khách, có tý bia vào là thế, khiến cái bản năng thầy thuốc của bà phải cảnh giác. Năm ngoái bộ trưởng Đ. mới nhậm chức đã chả xuất huyết não sau phen quá vui là gì. Chồng bà sắp nghỉ, cũng là đoạn lắm tâm sự cần chú ý. Bà Hợp tắt đèn, sang phòng riêng của mình, nơi có một núi sách và những cây bút, giờ thay bằng máy tính.

Nhưng ông Tĩnh chưa ngủ, chỉ lơ mơ thôi. Chất men, một chút thôi, đem lại cảm giác thật dễ chịu, để mà khỏi phải nghĩ đến đại sự ở tầm quốc gia. Còn một năm nữa là hết nhiệm kỳ, biết mình sẽ không tại vị nữa vì quá tuổi và vì vài lý do nhạy cảm nữa, ông hay cho phép mình lơ mơ. Để mà sống lại với quá khứ có thật và nhớ những điều chưa từng xảy ra, thật kỳ lạ là nó cứ trộn lẫn, và cũng hình dung đôi chút về tương lai lui về. Nghỉ nhưng không phải hưu hắt, còn khối chân danh dự, những hội nghị thắp sáng quá khứ soi rọi tương lai cần ông có mặt, kể chuyện xưa hay đơn giản chỉ đứng lên đáp lễ. Hạ cánh từ từ, không sốc, thế là quá hợp lý với độ tuổi của ông rồi.

Chiến tranh, những ngày này, hay hiện lại không quá ùng oàng máu me, trung đoàn rút về hậu cứ còn được phần ba là may. Nó lại nhỏ nhẻ những chi tiết vụn vặt, như giấc ngủ ngon lành không bị trợ lý tác chiến đánh thức, củ khoai bếp trung đoàn để dành. “Đi cho đọa hè”, mạ Quảng Trị nói sao mà khó bắt chước. Rất hay gặp là một khoảng rừng quang đãng, không quá chói nắng, có con suối vắt qua, ông cùng ban tham mưu làm liều thuốc lào say ngã ngửa. Rừng sáng và mát mẻ, ráo mồ hôi lại tỉnh táo đi tiếp được. Cuộc chiến có thằng về thằng không, ông là kẻ may mắn, ngưng súng đạn lại lên một lèo đến cái ghế quyết định nhiều việc trọng của đất nước bây giờ.