Sức sống mãnh liệt của đờn ca tài tử
Nghệ thuật đờn ca tài tử đang được trình UNESCO để ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là loại hình nghệ thuật có sức sống rất mãnh liệt; là những mạch máu trong cơ thể người dân Nam bộ, không trở lực nào có thể dập tắt được… Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan đã nói như vậy khi trao đổi với PV Báo ĐBND về loại hình nghệ thuật này.
![]() |
- Vào cuối tháng 3.2011, hồ sơ Đờn ca tài tử đã được gửi tới UNESCO và trong thời gian chờ đợi kết quả, có lẽ chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm thưa ông?
- Đúng vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc điều tra điền dã và sưu tầm bài bản từ các tài tử nổi tiếng ở Nam bộ. Vì đờn ca tài tử dù gốc của nó nằm ở đồng bằng sông Cửu Long, song theo thời gian nó đã lan tỏa khắp cả nước. Từ những năm 1930, Đờn ca tài tử đã ra đến Hà Nội và một sốë tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Thời gian qua, những cuộc điền dã, nghiên cứu của chúng tôi mới chỉ dừng lại ở một số tỉnh, một số huyện, nên chỉ coi đó là nghiên cứu ban đầu, chưa thể đi sâu đi sát hết mọi ngõ ngách hiện diện loại hình nghệ thuật này. Tôi nghĩ các tài liệu liên quan đến đờn ca tài tử vẫn còn trong đời sống người dân. Đặc biệt chúng ta cần khảo sát thư tịch, di chỉ vì chắc chắn có những nghiên cứu của các nhà âm nhạc cổ truyền xưa còn bị thất lạc... Đồng thời, theo tôi, hiện công tác tuyên truyền nghệ thuật vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nếu chúng ta chỉ làm phim ca hát thì chưa đủ bởi nó cần những phim ngắn về văn hóa, giá trị lịch sử... Qua đó giúp người xem hiểu cặn kẽ về đờn ca tài tử, đặc biệt đối với giới trẻ, muốn họ yêu thì phải để họ hiểu.
|
- Với tư cách nhà nghiên cứu, ông nhận định như thế nào về loại hình nghệ thuật này qua những kết quả khảo sát, nghiên cứu?
- Thực tế, Đờn ca tài tử được giới nghiên cứu âm nhạc quan tâm từ lâu, như GS Trần Văn Khê và nhiều nhà nghiên cứu khác. Bên cạnh đó, mảng tự luận do các tài tử tự nghiên cứu, tự viết, tự in thành sách để dạy cộng đồng cũng là mảng nghiên cứu vô cùng quan trọng. Từ xưa đến nay đã có nhiều cuốn sách như thế được xuất bản vào khoảng những năm 1930, 1950, 1970... và đến tận bây giờ các tài tử vẫn tiếp tục sự nghiệp của mình.
Lần này, công trình nghiên cứu Đờn ca tài tử sẽ là dịp tổng kết lại tất cả các công trình nghiên cứu của quá khứ, hiện tại, với một cái nhìn tương đối thống nhất và toàn diện. Dự kiến sẽ có một cuốn sách được Viện âm nhạc quốc gia Việt Nam hoàn thiện và ra mắt trong thời gian tới. Đây là công trình mang dấu ấn đầu tiên về việc nghiên cứu khoa học, tổ chức sưu tầm tài liệu qua các thư tịch, công trình của các tài tử, tài liệu ở các bảo tàng các tỉnh, TP Hồ Chí Minh…
Qua nghiên cứu, chúng tôi đều nhận thấy, Đờn ca tài tử có sức sống rất mãnh liệt. Nó là những mạch máu trong cơ thể người dân Nam bộ, không trở lực nào có thể dập tắt được mạch máu đó. Mặc dù đã có những thăng trầm do chiến tranh loạn lạc; sự hiểu lầm vì bị coi là bi lụy, và hiện nay, tuy áp lực của đời sống hiện đại rất mạnh nhưng vẫn không thể dập tắt được lòng yêu mến đờn ca tài tử của người dân nơi đây.
- Thưa ông, nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền đang rơi vào tình trạng nghệ nhân đang ngày một ít đi, thế hệ trẻ không mặn mà. Đờn ca tài tử có rơi vào tình trạng tương tự không?
- Đờn ca tài tử gắn bó với đời sống sinh hoạt hàng ngày nên nó sinh ra nhiều tài danh. Tài tử, nhạc sư là những người vô cùng tài giỏi, được mọi người ngưỡng mộ. Số lượng tài tử hiện nay còn rất nhiều, họ tự hào về đờn ca tài tử và say sưa khổ luyện vì nó. Nhiều tài tử đã ngoài 80 tuổi vẫn viết sách chỉ để dạy mà không tính đến lợi nhuận.
Mặc dù vậy, lớp trẻ bây giờ do tác động của các loại hình nghệ thuật hiện đại nên họ không thích đờn ca tài tử như lớp người xưa. Mặt khác, đờn ca tài tử còn có cuộc cạnh tranh khốc liệt với cải lương. Vì đờn ca tài tử là chơi, còn cải lương là kiếm sống. Lớp trẻ thích theo cải lương và bị đào tạo theo kiểu cải lương, nặng về diễn xuất sân khấu, coi nhẹ việc nâng cao trình độ âm nhạc.
Bên cạnh đó, việc dùng các phương tiện hiện đại để khuếch đại âm thanh cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Bởi nó làm mất đi giá trị nghệ thuật mang tính tri âm (âm nhạc của một nhóm người có tính chất chia sẻ), dẫn đến chất lượng, bản chất nghệ thuật sẽ bị mất. Thực tế, việc tạo không khí chơi đờn ca tài tử như ngày xưa là điều khó khăn và không hề đơn giản.
- Vậy theo ông, có thể khắc phục thực trạng trên theo hướng nào?
- Ở nhiều địa phương ở Nam bộ hiện nay vẫn có những CLB đờn ca tài tử do chính các tài tử tổ chức dạy miễn phí. Các CLB này vẫn thu hút được đông đảo người dân tham gia. Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Bình Liêu đã đưa nghệ thuật này vào giảng dạy, có giáo trình riêng và mời các tài tử, nhạc sư về truyền dạy rất nguyên bản. Nhạc viện TP Hồ Chí Minh cũng giảng dạy bộ môn này. Đây là những cách làm tốt cần được nhân rộng.
Nếu đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi tin rằng các địa phương ở Nam bộ sẽ kêu gọi được cộng đồng chung tay bảo tồn và phát huy nó trong cuộc sống. Người dân Nam bộ vốn rất yêu quý và tự hào về nghệ thuật đờn ca tài tử; họ sẽ nhanh chóng thổi cho nó một sức sống mới.
- Xin cảm ơn ông!
Đờn ca tài tử là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam, hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ XIX, bắt nguồn từ Nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian do những người bình dân ở vùng nông thôn Nam bộ đờn và ca sau những giờ lao động. Tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau; họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục. Đờn ca tài tử là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 loại: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và độc huyền cầm (gọi là tứ tuyệt). Sau này, cách tân thay thế độc huyền cầm là đàn guitar phím lõm. Theo Wikipedia tiếng Việt |