Vì sao doanh nghiệp vẫn nợ đọng bảo hiểm xã hội?

Thùy Hạnh 18/08/2011 07:17

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có 9,47 triệu người tham gia BHXH, tuy nhiên, số tiền nợ đọng của các doanh nghiệp hàng năm cũng lên đến gần 2.000 tỷ đồng. Riêng năm 2011 này con số nợ đọng đến thời điểm này đã là gần 5.000 tỷ đồng. Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH kéo dài đã lâu nhưng chưa có giải pháp nào xử lý dứt điểm.

Vì sao doanh nghiệp vẫn nợ đọng bảo hiểm xã hội? ảnh 1
Nguồn: bagarco.vn

Đến thời điểm này ở Đồng Nai có trên 600 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên, với tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng, trong đó có 61 doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn. Tương tự, ở TP Hồ Chí Minh, bảo hiểm xã hội đã phát đơn khởi kiện ra tòa 59 đơn vị với tiền nợ là hơn 15 tỷ đồng. Theo bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 250 doanh nghiệp, tổ chức còn nợ tiền bảo hiểm xã hội với tổng số hơn 54 tỷ đồng; trong đó các doanh nghiệp nợ hơn 41 tỷ đồng. Vì sao có tình trạng này? Theo giải thích của nhiều doanh nghiệp thì thà nợ bảo hiểm xã hội còn hơn vay ngân hàng. Theo Phó giám đốc một Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng ở Hà Nội - một doanh nghiệp hiện đang nợ tiền bảo hiểm xã hội - xét về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp có khó khăn về vốn, trong khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng, không ổn định, thời gian để sản xuất hay thi công các cơ sở hạ tầng các công trình rất lâu. Chính vì thế nếu theo Luật thì phải đóng bảo hiểm cho người lao động, doanh nghiệp có thể tận dụng những kẽ hởã, có thể trì hoãn việc đóng bảo hiểm xã hội để tận dụng nguồn vốn đầu tư cho các công trình.

Đây là một thực tế mà ngành bảo hiểm xã hội cũng thừa nhận, và đó cũng là bất cập trong các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội hiện nay. Chỉ cần làm một phép tính: mức phạt cao nhất cho 1 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội là 30 triệu đồng, kể cả với số tiền nợ lên đến gần 20 tỷ đồng, và lãi suất số nợ này cũng chỉ bị tính theo mức công bố của NHNN (thời điểm này là 14%) thì rõ ràng doanh nghiệp thà lựa chọn nợ tiền bảo hiểm xã hội còn hơn phải vay tiền ngân hàng với lãi suất 20% để nộp. Thực tế, có những doanh nghiệp không đủ tiền để trả lương cho người lao động, nhất là các doanh nghiệp xây dựng cơ bản, nên trong danh sách doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội lớn đã có tên những doanh nghiệp thành viên của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Nhưng bên cạnh khó khăn của doanh nghiệp, thì vẫn có không ít doanh nghiệp cố tình trây ỳ, thậm chí bỏ trốn, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đơn cử như ở Đồng Nai, hơn một nửa số các doanh nghiệp có chủ đã bỏ trốn là có vốn đầu tư nước ngoài, giám đốc là người làm thuê. Tương tự, Cục thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có khoảng 80.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có một nửa trong số đó tham gia bảo hiểm xã hội. Tính đến hết tháng 6 đã có gần 24.000 đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số nợ là 750 tỷ đồng. Theo Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội. Đó là, tình trạng mời gọi đầu tư tràn lan nên nhiều doanh nghiệp tuy là FDI nhưng thực ra chỉ mang tính chất công ty gia đình ở nước họ. Thứ hai là bản thân doanh nghiệp khó khăn. Thứ ba là nhận thức chưa đầy đủ về bảo hiểm xã hội do công tác tuyên truyền còn yếu kém, chủ doanh nghiệp đã lợi dụng điều đó để lách luật bằng nhiều cách, mà thông dụng nhất là khai báo mức lương thấp hơn mức lương thực tế để nộp bảo hiểm xã hội.

Hiện nay có 3 hình thức trốn tránh hoặc nợ tiền bảo hiểm xã hội chủ yếu là kéo dài thời hạn nộp, khai giảm số lao động thực tế, khai sai số thu nhập thực tế của người lao động để nộp bảo hiểm xã hội với mức thấp hơn. Trong đó có hai phương thức không thể thực hiện nếu không có sự tham gia của người lao động. Người lao động do thiếu am hiểu nên không hề biết rằng thỏa hiệp với chủ sử dụng lao động để nộp tiền bảo hiểm xã hội với mức thấp hơn mức lương thực tế hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội chính là xâm phạm quyền lợi của chính mình cũng như vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Rõ ràng là công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội vẫn chưa thiết thực đối với người lao động, nên dẫn đến tình trạng nhiều người lao động chấp thuận thỏa hiệp với chủ sử dụng lao động trốn trách nhiệm nộp bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, lực lượng cán bộ bảo hiểm xã hội quá mỏng, với định biên 18.000 người để phục vụ 54 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, cũng là một vướng mắc khiến công tác truy thu bảo hiểm xã hội càng trở nên khó khăn.

Thùy Hạnh