Nên ban hành Luật về an sinh xã hội

Nguyệt Hằng thực hiện 15/08/2011 07:08

Đồng thuận với quan điểm, an sinh xã hội là một trong ba trụ cột bảo đảm sự phát triển bền vững của quốc gia, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI BÙI SĨ LỢI bày tỏ: có lẽ không riêng Ủy ban Về các vấn đề xã hội mà tất cả các ĐBQH đều mong muốn, hệ thống an sinh xã hội được hoàn thiện và thực thi tới từng người dân, đáp ứng những yêu cầu tối thiểu của cuộc sống, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước. Để hiện thực mong muốn này, Chính phủ cần nghiên cứu trình QH ban hành một đạo luật về an sinh xã hội.

Nên ban hành Luật về an sinh xã hội ảnh 1- Thưa Phó chủ nhiệm, cùng với nhiệm vụ cấp bách là duy trì tăng trưởng ở mức độ hợp lý và bảo đảm ổn định vĩ mô thì an sinh xã hội thường xuyên được đặt lên bàn nghị sự của QH. Phó chủ nhiệm nhìn nhận như thế nào về mảng công việc này?

Các nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ tập trung cho các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội và hướng trọng tâm vào an sinh xã hội. An sinh xã hội là vấn đề cốt tử của đời sống nhân dân, là biện pháp hết sức quan trọng bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của quốc gia. An sinh xã hội ổn định và bền vững thể hiện sự ổn định chính trị, làm động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

- Gần đây nhất, trong nhiệm kỳ Khóa XII vừa qua, Phó chủ nhiệm thấy công tác an sinh xã hội được đặt lên bàn nghị sự của QH như thế nào? 

Trong nhiệm kỳ QH Khóa XII, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tiến hành nhiều cuộc giám sát liên quan đến mảng an sinh xã hội. Ủy ban đã đóng góp, tham mưu với Chính phủ điều chỉnh kịp thời những cơ chế, chính sách an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Ví dụ kiến nghị điều chỉnh chuẩn nghèo, điều chỉnh các mức phụ cấp đối với người có công, đối tượng xã hội.

Qua giám sát, khảo sát tại địa phương, cơ sở, Ủy ban nhận thấy, hầu hết các dự án, chương trình, cơ chế, chính sách về an sinh xã hội đều có mục tiêu thống nhất là bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, chăm lo giảm bớt khó khăn cho người nghèo, người có thu nhập thấp, cải thiện đời sống nhân dân; nhưng thường được triển khai tản mạn ở nhiều chương trình, dự án khác nhau và do các bộ, ngành khác nhau triển khai thực hiện. Ủy ban chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục kiên trì kiến nghị với Chính phủ: nên tập trung, đưa các dự án, chương trình liên quan đến an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội về một đầu mối, giao cho một bộ, ngành cụ thể chịu trách nhiệm quản lý và điều hành để có thể phát hiện, tổng hợp kịp thời, báo cáo nhanh và xử lý đúng lúc, đúng mức những vấn đề phát sinh.

- Đấy là về phía Chính phủ, còn từ phía cơ quan hoạch định chính sách, pháp luật, có điểm gì cần lưu ý để các chính sách, pháp luật về an sinh xã hội phát huy hiệu quả như mong muốn và mục tiêu đã đề ra hay không?

Qua giám sát, Ủy ban chúng tôi thấy rằng, đối với mảng an sinh xã hội thì cần bảo đảm sự công bằng, chứ không phải cào bằng như hiện nay. Nhà nước ban hành chính sách mang tính chất tác động, tạo động lực để từng người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế trong xã hội vươn lên khắc phục khó khăn, ổn định đời sống và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.  

Lâu nay, việc xây dựng hệ thống pháp luật của nước ta đều hướng đến mục tiêu chung là bảo đảm đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, khâu tổ chức triển khai chưa đồng bộ, dẫn đến mục tiêu không đạt được như mong muốn. Hệ thống pháp luật của chúng ta chưa bao phủ một cách đầy đủ các chính sách an sinh xã hội của đất nước.

Cho nên, một trong những quan điểm tôi theo đuổi từ khi tham gia QH đến nay là Chính phủ cần nghiên cứu trình QH ban hành hệ thống pháp luật về an sinh xã hội. Nói ngắn gọn là xây dựng Luật về an sinh xã hội. Trong đạo luật này quy định các cơ chế, chính sách an sinh xã hội cụ thể điều chỉnh từng thời kỳ phát triển của đất nước. Đạo luật về an sinh xã hội có nhiệm vụ tổng kết, đúc rút và hệ thống hóa tất cả các cơ chế, chính sách đang triển khai thực hiện; có nguyên tắc, chế tài và phạm vi, đối tượng điều chỉnh, bảo đảm các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội có tính thực thi cao hơn.

Và trong đạo luật đó, hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta cần hướng đến một xã hội mà mọi người bình đẳng, được bảo đảm cuộc sống bằng mức sống tối thiểu, chứ không phải bằng tiền lương tối thiểu như hiện nay. Mức sống tối thiểu sẽ bảo đảm bất kỳ người dân bình thường trong xã hội đều được bảo đảm thu nhập để sống có mức sống tối thiểu.

- Ban hành một đạo luật về an sinh xã hội là nhu cầu chính đáng trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, nếu nhìn vào dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ này, dường như chúng ta chưa có điều kiện để hiện thực hóa mong muốn này?   

Nếu chưa có Luật thì chúng ta phải có Chiến lược về an sinh xã hội để bảo đảm tính ổn định và có nguồn lực cụ thể để xử lý vấn đề an sinh xã hội. An sinh xã hội bao hàm những vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

Hiện nay, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đang cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xem xét; đồng thời trực tiếp tham gia đóng góp vào dự thảo Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011 – 2020 để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Ủy ban chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đến khi dự thảo Chiến lược được phê duyệt; sau đó là giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược.

- Qua quá trình đồng hành với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó chủ nhiệm thấy có điểm gì cần lưu ý trong quá trình soạn thảo Chiến lược an sinh xã hội này không?

Đầu tiên, chúng tôi cho rằng, trong Chiến lược, Chính phủ cần quy định được mức sống trung bình của xã hội cho các thời kỳ. Đây là một trong những căn cứ để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, người nghèo hay các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.

Thứ hai, Chính phủ cần khảo sát, tổng hợp và nắm chắc các đối tượng cần thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Ví dụ, khi xác định lại chuẩn nghèo, tôi cho rằng, cần tách đối tượng yếu thế ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đối tượng yếu thế là ai? Đó là những người già cả, cô đơn, không nơi nương tựa hay người bị nhiễm chất độc da cam... – họ là những người thuộc diện Nhà nước phải có chính sách bảo trợ, trợ cấp, chứ không chỉ là chính sách hỗ trợ. Nếu không nắm chắc được đối tượng thì thật khó để xử lý đúng, thật khó để chính sách đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả như mong muốn.

Thứ ba, đối với hệ thống chính sách an sinh xã hội phải tập trung nhiều nguồn lực, trong đó cần xác định rõ: nguồn lực của Nhà nước đóng vai trò quyết định; còn nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm mang tính chất hỗ trợ. Với sự dồi dào về nguồn lực như vậy thì khi có vấn đề bất trắc xảy ra đối với người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội, chúng ta mới có thể xử lý kịp thời và có hiệu quả.

Tuy nhiên, Chiến lược là giải pháp trước mắt và cần thiết. Thông qua việc thực hiện Chiến lược về an sinh xã hội, chúng ta tập hợp, nghiên cứu, đánh giá và chọn những vấn đề đã sáng rõ, tương đối ổn định để luật hóa, còn những vấn đề chưa cụ thể thì tiếp tục thực thi, khi đủ điều kiện sẽ bổ sung, sẽ luật hóa. Mặt khác, trong điều kiện xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì có lẽ chưa thể có ngay một đạo luật. Nhưng về lâu dài cần luật hóa các nội dung của Chiến lược.

- Trong nhiệm kỳ QH Khóa XIII, tiếp tục trong vai trò Phó chủ nhiệm Ủy ban, xin Phó chủ nhiệm cho biết những dự định và mong mỏi của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đối với mảng an sinh xã hội?

Có lẽ không riêng Ủy ban Về các vấn đề xã hội mà tất cả các ĐBQH đều mong muốn, hệ thống an sinh xã hội được hoàn thiện và thực thi tới từng người dân, đáp ứng những yêu cầu tối thiểu của cuộc sống, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.

Những năm vừa qua, chúng ta đã có những cố gắng tích cực. Đặc biệt là các chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình dành cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đất nước như: chương trình 135, 134, 167... Đây là những thành tựu rất quan trọng. Quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ so với kế hoạch đề ra (sớm hơn một năm). Nhưng nhìn thực tiễn cuộc sống thì khoảng cách giàu – nghèo ở nước ta vẫn còn khá lớn. Đời sống của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn không ít khó khăn.

Chúng tôi mong muốn, Đảng và Nhà nước tiếp tục có chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách để khoảng cách giàu – nghèo ngày càng giảm bớt, đời sống của nhân dân cả nước tương đối đồng đều. Đây chắc chắn là mong mỏi của QH, của Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các ĐBQH.

Đảng, Nhà nước tập trung cao độ như tinh thần nêu trong phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ Khóa XIII của Thủ tướng Chính phủ về ba trụ cột, ba khâu đột phá để phát triển, trong đó có trụ cột an sinh xã hội. Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng của các đô thị lớn thì Chính phủ cũng hết sức quan tâm tới vấn đề giao thông, thủy lợi của vùng nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!

Nguyệt Hằng thực hiện