Hỗ trợ để nông dân gắn bó với cây lúa
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mỗi năm sản xuất khoảng 50% tổng sản lượng lúa và chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, nhưng đời sống nông dân tại vựa lúa này vẫn khó khăn. Thu nhập từ nông nghiệp của một bộ phận nông dân đang giảm và chênh lệch thu nhập giữa các vùng càng lớn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng vẫn ở mức 11,02%, trong đó chủ yếu là hộ làm nông.
|
Trong nhiều năm qua, xuất khẩu gạo luôn thuộc nhóm hàng có kim ngạch cao nhất, đóng góp tích cực vào quá trình giảm nhập siêu. Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khu vực đóng góp chủ yếu gạo cho xuất khẩu. Vậy thì, nghịch lý lúa gạo xuất khẩu nhiều nhưng nông dân còn khó khăn có nguyên nhân từ đâu? Các chuyên gia cho rằng, thu nhập của nông dân chưa cao do phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lương thực. Ruộng đất manh mún đã hạn chế đầu tư thâm canh và cơ giới hóa nông nghiệp. Việc đầu tư cơ giới hóa chủ yếu diễn ra ở khâu làm đất, tưới tiêu, tuốt đập và vận chuyển, trong khi, các khâu gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch hầu như vẫn làm thủ công. Do vậy, thất thoát trong thu hoạch lúa tại khu vực này hàng năm còn lớn. Ước tính, hao phí mất mát của khâu thu hoạch và bảo quản lúa sau thu hoạch ở mức 5 đến 15% (tương đương gần 200 triệu USD/năm).
Đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp khu vực này cũng còn hạn chế, nhất là chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh lương thực. Theo Bộ NN và PTNT, dù mỗi năm ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP cả nước, nhưng ngân sách dành cho đầu tư nông nghiệp chỉ chiếm gần 2% GDP. Vốn đầu tư ít, lại phân bổ chưa tương xứng cho các hoạt động khoa học nghiên cứu chuyên sâu. Hiện, cả nước có hàng trăm viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu hoạt động khoa học nông nghiệp, nhưng tính trung bình hàm lượng khoa học trên một đơn vị sản phẩm nông nghiệp ở mức thấp. đây cũng là một trong những nguyên nhân làm hệ thống sản xuất giống lúa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ cung ứng hơn 30% yêu cầu của nông dân.
Một nguyên nhân khác khiến thu nhập của nông dân không cao là do hệ thống thu mua, cơ chế phân phối lúa gạo còn hạn chế. Nông hộ còn khó khăn nên không có khả năng trang bị hệ thống phơi sấy, cất trữ hạn chế nên chủ yếu mua đứt bán đoạn. Vào mùa thu hoạch nông dân sẽ phải chịu sức ép lớn khi thương lái có nhiều đầu mối thu mua, mình ít có lựa chọn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lương thực không đủ kho dự trữ lương thực, chưa đủ lực lượng, phương tiện, kinh nghiệm và cả vốn để tự tổ chức thu mua trực tiếp hết lúa gạo trong dân. Vì vậy, có tình trạng ngay cả khi triển khai thu mua tạm trữ thì giá thu mua lúa gạo không được cải thiện nhiều. Giá bán chỉ thay đổi khi có thông tin thuận lợi từ xuất khẩu gạo. Hạt lúa từ ruộng qua nhiều khâu trung gian rồi mới đến điểm thu mua của doanh nghiệp nhà nước, khấu trừ từ 5 - 10% giá thành thu mua lúa.
Tại nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với sự hỗ trợ của chính quyền và chủ động của nông dân, nhiều cánh đồng lớn đã được mở. Mô hình sản xuất này đã giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả, nông dân có lãi. Nhưng để người trồng lúa có thể sống tốt bằng nghề nông, thì cần hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp. Mối liên kết này cũng sẽ góp phần hình thành chuỗi dịch vụ bao tiêu, tồn trữ, phơi sấy, chế biến lúa gạo bớt khâu trung gian... phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Do đó, các chuyên gia đề nghị, trước mắt, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) với trách nhiệm được giao cần cùng các công ty kinh doanh lương thực, doanh nghiệp xuất khẩu tổ chức tốt việc thu mua hết lúa gạo trong dân với giá hợp lý, giữ và chi phối giá gạo xuất khẩu.
Về lâu dài, cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các cơ chế ưu đãi. Và có cơ chế để nhân rộng các cánh đồng mẫu lớn, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và sự đồng đều của lúa gạo. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho việc bảo quản, chế biến sau thu hoạch như kho hàng, kho dự trữ lúa nhằm tăng công suất dự trữ và bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Các cơ quan chức năng cần đánh giá đầy đủ, chính xác những tác động của biến đổi khí hậu tới nông nghiệp, nông thôn từng vùng để có cơ sở đề xuất các giải pháp hữu hiệu về phát triển và bảo vệ sản xuất lương thực. Từng bước xây dựng các công trình giảm tác hại của nước biển dâng, lũ lụt và khô hạn, bảo vệ các vựa lúa trước đe dọa của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa gạo, góp phần tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân.