Quản lý chặt thu đổi và sử dụng ngoại tệ

Phạm Hạnh thực hiện 09/08/2011 07:29

Tình trạng thu đổi ngoại tệ, mà cụ thể là đồng Nhân dân tệ tràn lan tại một số tỉnh vùng biên được chuyên gia tài chính cảnh báo có tác động không tốt tới việc điều hành nền kinh tế, cũng như ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ. Trong khi đó, việc thu đổi ngoại tệ như vậy đã được pháp luật nghiêm cấm. Nguyên THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CAO SỸ KIÊM cho rằng, cần siết chặt quản lý hoạt động thu đổi và sử dụng ngoại tệ để trao đổi, mua bán hàng hóa tại các tỉnh vùng biên.

- Ông nghĩ như thế nào khi tình trạng thu đổi ngoại tệ, nhất là Nhân dân tệ đang diễn ra khá phổ biến tại các tỉnh vùng biên?

Tại khu vực biên giới, hoạt động trao đổi hàng hóa diễn ra với khối lượng lớn, giá trị nhiều nên cần có sự thông thoáng trong trao đổi ngoại tệ. Dù trao đổi hàng hóa và ngoại tệ được thông thoáng nhưng cần thực hiện trong một phạm vi nhất định, với sự quản lý chặt chẽ. Thực tế, hiện nay, tình trạng mua bán tràn lan Nhân dân tệ đã xảy ra tại nhiều khu vực biên giới nước ta. Tại những địa bàn này, người được cấp phép hoạt động mua bán không nhiều, trong khi số lượng hoạt động thu đổi nhân dân tệ khá  nhiều. Theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối thì Nhà nước chỉ cho phép thu mua ngoại tệ tại ngân hàng, các điểm kinh doanh được cấp phép.

Nguồn: images.dvt.vn
Nguồn: images.dvt.vn

- Theo Ông, tình trạng trên sẽ tác động như thế nào đến các hoạt động kinh tế?

Việc ngoại tệ được tư nhân sử dụng để thu gom nông sản, thủy sản có hai tác dụng tốt và xấu. Bởi lượng tiền này sẽ giúp các hàng hóa nông nghiệp có giá bán cao hơn khi nhiều người cùng thu gom. Nhưng khi ngoại tệ chiếm lĩnh thị trường sẽ gây ra những rối loạn trong thị trường tiền tệ. Nếu không kiểm soát hay quản lý được việc sử dụng ngoại tệ thì dễ gây tổn hại cho nền kinh tế, thu ngân sách của Trung ương, địa phương, cũng như thu nhập của doanh nghiệp. Ngoài ra, nền kinh tế nước ta có độ mở cao, xuất khẩu phụ thuộc vào ngoại tệ. Các đồng tiền này hoặc Việt Nam đồng có biến động đều gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước, cũng như nền kinh tế nói chung.

- Không thể phủ nhận nhu cầu sử dụng ngoại tệ trong trao đổi hàng hóa. Theo Ông, để khai thác hiệu quả hoạt động thu đổi ngoại tệ tại khu vực biên giới cần chú ý những yếu tố nào?

Vì an toàn của nền kinh tế phải có cách giải quyết một cách rất mạnh mẽ, kiên quyết và triệt để trong quản lý lưu thông ngoại tệ tại nước ta. Trong đó, cần chú ý quản lý chặt chẽ nguồn tiền vào và có cơ chế xử phạt để hướng hoạt động thu đổi ngoại tệ theo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, cần nâng cao năng lực quản lý của cơ quan chức năng và trình độ quản trị doanh nghiệp để hạn chế những tác động xấu, trong khi, khai thác hiệu quả những yếu tố thuận lợi từ thay đổi giá trị đồng tiền. Có thể thấy, nếu mua bán ngoại tệ có nhiều thủ tục hành chính rườm rà, không tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu thì có thể đẩy họ ra thị trường bên ngoài. Ngoài ra, nếu thương nhân nước ngoài vào nước ta cung cấp ngoại tệ với dịch vụ nhanh chóng sẽ khiến đến lúc nào đó chúng ta sẽ mất thị trường. 

- Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần có những giải pháp cụ thể nào để kiểm soát tốt hoạt động thu gom ngoại tệ tại khu vực biên giới? 

Các điểm thu gom và bán ngoại tệ tại khu vực biên giới đều chỉ được hoạt động khi cơ quan quản lý cấp phép. Nhưng đây chưa phải là giải pháp tối ưu nhất, mà cần kiểm soát, khống chế tầm hoạt động và đối tượng phục vụ của địa điểm này. Cần kiên quyết thu đổíi và sắp xếp lại khi địa điểm trao đổi không thực hiện theo quy định hoặc là không cấp phép. Để tiến tới một pháp lệnh quản lý ngoại hối mới có thể quản lý triệt để trước mắt và lâu dài phải luôn bám sát nguyên tắc: người Việt Nam ở Việt Nam thì phải tiêu VNĐ. Người nước ngoài bất luận ở đâu vào biên giới nước ta phải đổi ngoại tệ ra tiền VNĐ. Và khi khách ra biên giới vẫn chưa tiêu hết tiền đồng, nhưng đã chứng minh được nguồn tiền thì có thể đổi lại ra ngoại tệ để thu tiền đồng về.

- Xin cám ơn Ông!

Phạm Hạnh thực hiện