Đầu óc người Hoa tại IMF

Bình Minh 22/07/2011 07:11

Như một sự thừa nhận sức mạnh to lớn của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây trao ngôi phó tướng cho nhà kinh tế Trung Quốc Chu Mẫn (Zhu Min), nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC). Sự bổ nhiệm này được đánh giá là sáng suốt bởi nhà kinh tế họ Chu vốn được xem là người Trung Quốc có đầu óc phương Tây nhất, thích hợp để trở thành cánh tay phải của tân Tổng giám đốc Christine Lagarde.

Ông Chu Mẫn vừa được bổ nhiệm làm Phó giám đốc IMF
Ông Chu Mẫn vừa được bổ nhiệm làm Phó giám đốc IMF

Không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Chu Mẫn, từng là cố vấn đặc biệt của cựu Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kan, được chọn vào chiếc ghế số hai trong ban lãnh đạo quỹ này. Đó là kết quả của một thỏa thuận bên lề khi bà Lagarde đến Bắc Kinh vận động tranh cử vào chiếc ghế quyền lực nhất IMF. Có thể nói, việc bổ nhiệm bất ngờ nhưng không ngoài dự kiến này là bước ngoặt trong lịch sử IMF. Với vị trí này, ông Chu Mẫn sẽ chủ trì các cuộc họp của Hội đồng quản trị (Ban Giám đốc) trong trường hợp bà Lagarde vắng mặt. Về phần Bắc Kinh, đây là bước tiến trọng đại không chỉ với Trung Quốc mà cho cả các nền kinh tế mới trỗi dậy.

Theo quyết định bổ nhiệm nhân sự của bà Lagarde, ông Chu Mẫn sẽ chính thức nhận nhiệm vụ mới vào ngày 26.7, làm việc cùng 3 phó giám đốc điều hành khác, gồm ông David Lipton (người Mỹ) - vốn là quan chức kinh tế cấp cao của Nhà Trắng vừa được bổ nhiệm làm Phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, cựu Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Naoyuki Shinohara và cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Nemat Shafik, người Ai Cập. Các chuyên gia nhận định, việc bổ nhiệm quan chức cấp cao mới của bà Lagarde cho thấy quan điểm bất thành văn lâu nay không thay đổi, đó là châu Âu giữ vị trí cao nhất và Mỹ nắm vị trí thứ hai trong IMF. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm ông Chu Mẫn cho thấy, bà Lagarde đã thực hiện cam kết cho thị trường mới nổi có tiếng nói lớn hơn trong quỹ. Nhóm các thị trường mới nổi từ lâu đã phản đối thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và châu Âu về quyền lãnh đạo IMF. Lâu nay, Trung Quốc vốn rất muốn giữ một vị trí cao trong tổ chức tiền tệ đa phương lớn nhất thế giới nhưng tham vọng này bị cản trở vì Nhật Bản luôn giữ vị trí cao nhất của khu vực châu Á (trong IMF).

Việc ông Chu Mẫn được bổ nhiệm sẽ tăng thêm tiếng nói của khu vục châu Á tại IMF. Như vậy, châu Á hiện giữ 2 vị trí then chốt trong quỹ vì trước đó, vị trí Chủ tịch ủy ban cố vấn hàng đầu của IMF đã thuộc về ông Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng tài chính Singapore.

Sinh năm 1953 tại Thượng Hải, ông Chu Mẫn thuộc nhóm sinh viên đầu tiên được quay lại giảng đường đại học năm 1978, sau Cách mạng Văn hóa. Tốt nghiệp đại học năm 1982, ông ở lại giảng dạy tại Đại học Fudan (Thượng Hải) và đồng thời làm cố vấn cho chính quyền sở tại. Là một trong những thành phần ưu tú, ông được gửi đi học ở Mỹ và lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành kinh tế vĩ mô và tài chính quốc tế tại Đại học Johns-Hopskin, ở Baltimore, nơi ông ở lại giảng dạy sau đó. Thời gian này, ông cũng tham gia nhiều công trình nghiên cứu của WB với tư cách chuyên gia kinh tế. Năm 1996, ông được Chính phủ Trung Quốc mời về làm việc và trở thành cố vấn của Thống đốc PBoC. Nhờ biết áp dụng các kiến thức hiện đại trong quản lý rủi ro, ông Chu Mẫn đã chỉ đạo thành công hai vụ gia nhập sàn giao dịch chứng khoán tại Hồng Kông năm 2002 và tại Thượng Hải năm 2006. Cũng từ đó, tên tuổi của ông nổi như cồn. Từ tháng 5.2010, ông là cố vấn đặc biệt của Tổng giám đốc IMF. Trong quá trình làm việc tại IMF, ông Chu Mẫn được lãnh đạo IMF đánh giá là người khéo léo, tài năng, có kinh nghiệm trong quản lý, thành thạo lĩnh vực thị trường tài chính, am hiểu về IMF có đầu óc phương Tây nhất trong số những người Trung Quốc. Sự hiểu biết về kinh tế phương Tây và Trung Quốc biến ông thành một người đối thoại được tôn trọng.

Giới chuyên gia nhận định với tầm hiểu biết sâu rộng về kinh tế phương Tây lẫn các thị trường mới nổi mà Trung Quốc là đại diện hàng đầu, ông Chu Mẫn sẽ là một trong những nhân vật có khả năng làm nhịp cầu nối giữa phương Tây và Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nghi ngờ ông Chu, trong cương vị mới, có thể có những hành xử khác biệt do ông (phải) đại diện cho quan điểm của Trung Quốc trong lòng một định chế tài chính quốc tế. Nhưng dù gì chăng nữa, ông còn đại diện cho các nền kinh tế đang trỗi dậy, điều đó buộc ông phải có một tầm nhìn mang tính toàn cầu hơn. Để biết câu trả lời, cần chờ đến ngày 26.7 này - ngày nhân vật mới trỗi dậy trong hàng ngũ lãnh đạo IMF chính thức nhậm chức.

Bình Minh