Mùa xuân Arab dẫn tới đâu?

Chu Sam 15/07/2011 07:08

Những tháng đầu năm 2011, phong trào nổi dậy ở Trung Đông và Bắc Phi (TĐ - BP) là một biến động lớn, không chỉ rung chuyển bên trong mà còn ảnh hưởng ra bên ngoài khu vực.

Mùa xuân Arab dẫn tới đâu? ảnh 1
Nguồn: Caglle carrttoonss

“Mùa xuân Arab” bắt đầu bằng một sự kiện tưởng như không liên quan đến chính trị ở Tunisia: ngày 17.12.2010, một người bán hàng rong tên là Mohammed Bouazizi bị tịch thu mất chiếc xe hàng là nguồn sống của gia đình. Sau khi trình bày khiếu nại với chính quyền địa phương mà không được, trong cơn tuyệt vọng, người bán hàng rong trẻ đã tưới xăng lên người tự thiêu. Thế là hàng nghìn người dân đổ xuống đường biểu tình, trong vòng 28 ngày làm sụp đổ chế độ thân Mỹ đã tại vị suốt 23 năm qua. Cơn cuồng phong lan sang nước láng giềng Ai Cập và chính phủ thân Mỹ cũng bị phế truất, sau khi quân đội từ chối đàn áp nhân dân. Tiếp theo là sự lung lay của một loạt chính quyền trong khu vực: ở Libya, Yemen và Syria. Rồi sự chấn động đáng kể ở Bahrain, Saudi Arabia, Kuwait...

Có một mẫu số chung cho các nước bị rung chuyển trong “mùa xuân Arab”. Các chế độ độc tài đều cầm quyền quá lâu, không có cải cách, không quan tâm đến quyền lợi và nguyện vọng của người dân. Hầu như các chính quyền này đều mang tính gia đình trị và tham nhũng, bóp nghẹt tự do và dân chủ đến mức ngay cả người bảo trợ của họ là Mỹ và phương Tây cũng không muốn công khai bênh vực nữa. Những người đỡ đầu bên ngoài đã tác động để cho phe quân sự bên trong không đàn áp người dân, như việc đã xảy ra ở Tunisia và Ai Cập.

Bất ổn ở TĐ - BP tác động đến kinh tế khu vực và cả thế giới bên ngoài: lạm phát, giá cả gia tăng, khan hiếm lương thực, thị trường lao động xáo trộn… Ngày 8.6.2011 Ngân hàng thế giới WB dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay là 3,2%, thấp hơn mức dự báo đầu năm, một phần do bất ổn ở khu vực TĐ-BP.

Điều chỉnh vội vàng vì lợi ích

Mỹ và phương Tây ngay lập tức điều chỉnh chính sách để bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực mà họ có ảnh hưởng truyền thống. Họ vừa liên minh vừa mâu thuẫn về vai trò cầm đầu trong giải quyết xung đột. Mỹ và phương Tây đều cố gắng lái tình hình theo hướng có lợi: kiềm chế sự lây lan của phong trào ở các nước đồng minh của họ, đồng thời tạo ra tiền lệ sử dụng vũ lực, một khi thấy cần thiết, như trường hợp họ tấn công Libya. Mỹ và phương Tây tận dụng cơ hội để khích lệ sự thay đổi, như lời tổng thống Mỹ Obama ngày 19.5.2011: “Thay đổi là không thể chối bỏ được”, đồng thời cho biết một khi các nước chấp nhận cải cách thì sẽ được Mỹ ủng hộ, Mỹ luôn đứng về phía đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, cải cách. Chuyến thăm một số nước châu Phi của ngoại trưởng Mỹ từ ngày 10.6.2011 kèm theo hứa hẹn cho phép hàng xuất khẩu châu Phi miễn thuế ở Mỹ, khuyến khích châu Phi dỡ bỏ rào cản thương mại… là nhằm mục đích làm yên lòng và giữ ổn định ở khu vực cung cấp dầu lửa cho Mỹ. Đồng thời Mỹ cũng tỏ ra lo ngại về “chủ nghĩa thực dân mới” Trung Quốc, về sự hợp tác không sòng phẳng và không an toàn của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế với châu Phi.

Với các nước đã thay đổi chế độ như Tunisia, Ai Cập: Mỹ và phương Tây đã xóa một phần nợ cũ, cho vay mới, đồng thời vận động Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và Ngân hàng thế giới cho vay trên 10 tỉ USD để phục hồi kinh tế sau cơn biến động thay đổi chế độ. Với Libya: Mỹ và NATO tiến hành tấn công vũ trang để dạy bài học, hướng đến lật đổ chế độ Gaddafi, nhằm duy trì ảnh hưởng trong vùng và tìm cách khống chế nguồn dầu lửa một khi chiến tranh kết thúc. Với Yemen, Bahrain và Saudi Arabia: chính sách của Mỹ là bảo vệ đồng minh thân cận, đồng thời nói xa nói gần để các chính quyền đó thay đổi từng bước theo hướng dân chủ hơn. Không gì thì Yemen lâu nay vẫn là chiến trường để Mỹ chống khủng bố Al-Qaeda, Bahrain là trụ sở Hạm đội 5 của Mỹ, còn Saudi Arabia là đồng minh cung cấp dầu lửa quan trọng. Riêng với Syria, Iran, Mỹ tăng cường mức độ trừng phạt, đồng thời tìm cách phá hoại sự liên minh giữa hai nước này, ngăn chặn con đường trợ giúp từ Iran qua Syria đến với lực lượng kháng chiến Hezbolla ở Lebanon và phong trào vũ trang Hamas ở Palestine.

Nhìn chung đây mới chỉ là sự thay đổi chính quyền ở một số nước, không mang tính cách mạng, chủ yếu do Mỹ bật đèn xanh cho giới quân sự ở các nước đó, tận dụng phong trào nổi dậy đòi tự do của nhân dân. Thực chất đây là những cuộc đảo chính êm dịu giúp Mỹ điều chỉnh sự cân bằng lực lượng trong khu vực, ấn thêm vào tay người nổi dậy lá cờ dân chủ kiểu Mỹ và phương Tây.

Trung Quốc và Nga là những nước có quyền lợi trong khu vực nhưng ngay từ đầu đã chống can thiệp vũ trang vào Libya. Theo diễn biến của cuộc chiến, họ dần dần có thái độ mềm dẻo hơn. Nga bắt đầu tiếp xúc với phe nổi dậy ở Libya, một cách để duy trì quyền lợi, kẻo sẽ bị mất trắng nếu Kaddafi sụp đổ và quân nổi dậy lập chính quyền mới. Cùng lúc Nga nhân nhượng với Mỹ và Pháp, đổi lấy việc được Mỹ ủng hộ gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO và Nga có thể mua tàu chở trực thăng Mistral của Pháp. Với Iran, cửa ngõ để Nga đi vào vùng Vịnh, Nga vẫn chủ trương khuyến khích giải quyết bằng đàm phán vấn đề hạt nhân của Iran. Trung Quốc cũng phản đối tấn công vũ trang Libya nhưng rồi đã chuyển dần sang tiếp xúc với phe nổi dậy, một cách giữ chỗ ở khu vực nhập dầu lửa và nhiều tiềm năng quan hệ thương mại. Trước sức ép của Mỹ, Trung Quốc cũng có thể giảm nhập dầu của Iran sau khi được Mỹ gợi ý Saudi Arabia tăng cường xuất dầu cho Trung Quốc.

Iran thuộc số những nước chịu ảnh hưởng nhiều do biến động trong khu vực. Iran ủng hộ phong trào nổi dậy ở các nước thân Mỹ như Bahrain, Saudi Arabia, Yemen, nhằm giảm ảnh hưởng của Mỹ và phá thế bao vây. Đồng thời Iran tìm cách ủng hộ trực tiếp và gián tiếp cho phong trào ở Syria, Bahrain... và thêm bạn bớt thù bằng cách cải thiện quan hệ với với Iraq và chính quyền mới ở Ai Cập.

Sau mùa xuân Arab là mùa gì?

Người ta dự đoán một mùa hè nóng bỏng khi một số chính quyền như Libya có thể sụp đổ, và Yemen, Bahrain, Syria… lâm nguy. Cũng có thể một “mùa đông hạt nhân” băng giá đang ở phía trước với việc tăng cường trừng phạt Iran về vấn đề hạt nhân. Mỹ và phương Tây sẽ dùng công cụ tài chính, nếu cần cả biện pháp quân sự, để ủng hộ phong trào nổi dậy ở những nước trong khu vực. Cuộc chiến đang diễn ra làm suy yếu Libya và Syria đã và đang tạo thêm lợi thế cho Mỹ, Israel và đồng minh.

Phong trào nổi dậy sẽ càng lan rộng trong khu vực và lan ra bên ngoài. Nhiều nước tự thấy phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh chính sách đối nội của chính mình như Trung Quốc và một số nước châu Âu… Mâu thuẫn phát sinh từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và do bất công về kinh tế - xã hội ở bên trong từng nước đã đặt ra những vấn đề về dân chủ, nhân quyền… Không phải cứ ở xa lò lửa TĐ - BP mà đã có thể yên tâm.

Tiến trình hòa bình Trung Đông trở nên khó khăn hơn. Sau khi Fatah và Hamas hợp nhất, Israel viện cớ để có những biện pháp cứng rắn hơn đối với vấn đề Palestine. Với việc này, Mỹ và phương Tây chủ trương chọn cách giải quyết nhiều bên, không riêng rẽ.

Phong trào nổi dậy ở TĐ - BP cũng là thời cơ tốt cho chủ nghĩa khủng bố mượn gió bẻ măng. Dư luận lo ngại trước những hoạt động mới và dấu hiệu xuất hiện Al- Qaeda ở Libya, Yemen. Trong khi đương đầu với lực lượng đối kháng, thậm chí chính quyền Yemen còn bỏ ngỏ một số vùng cho Al-Qaeda hoạt động trở lại, để phân tán sự chú ý của dư luận. Mâu thuẫn tôn giáo được khơi lên và khoét sâu hơn. Việc chia rẽ người Hồi giáo Shiia và các giáo phái khác ở những nước trên bán đảo Arab và khu vực Trung Đông cũng là một một vấn đề phải đối phó trong thời gian tới.

Khu vực TĐ - BP đang chứng kiến sự thay đổi tương quan lực lượng theo hướng một số bên được lợi do tận dụng cục diện tình hình (Mỹ và phương Tây một bên, và bên kia là Iran). Cùng lúc một số khác lại trở nên suy yếu (Libya, Yemen, Syria). Không có ưu thế tuyệt đối trong tương quan lực lượng – đó là nét chủ đạo ở khu vực vẫn đang trong cơn cuồng phong này.

Bất ổn ở TĐ - BP gây ra khan hiếm lương thực, nhu cầu lương thực tăng đột ngột, giá cả gia tăng. Bất ổn cũng gây xáo trộn trong thị trường lao động, ảnh hưởng đến những nước xuất khẩu lao động. Tình hình này dẫn đến việc vùng Đông Á có thể tăng xuất khẩu lương thực, trong khi phải giải quyết vấn đề người lao động trở về từ Trung Đông. Từ thế mạnh của mình, các nước Đông Á có thể hỗ trợ TĐ - BP giải quyết vấn đề lương thực và sản xuất nông nghiệp.

Chu Sam