Từ nghề sơn cổ truyền đến mỹ thuật đỉnh cao
Hơn 2000 năm trước, với cây sơn đặc sản, người Việt đã tạo nên nghề sơn. Và hơn 2000 năm sau, với nghề sơn cổ truyền cùng phẩm chất đặc biệt của sơn ta, các tài hoa Việt Nam sáng tạo nên một thể loại mới cho nghệ thuật hội họa, tranh sơn mài.
![]() | |
Thiếu nữ bên cây phù dung | Sơn mài của Nguyễn Gia Trí |
Nghề truyền thống từ thời Hùng Vương
Nói đến nghề sơn ta, không thể không nói tới làng Bằng, tên chữ là Bình Vọng, một làng cổ kính, thuộc tổng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam Thượng xưa, nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Từ lâu đời, Bình Vọng đã nổi tiếng thiên hạ về nghề sơn. Thực ra, xứ Bắc còn có nhiều phường sơn danh tiếng nữa, song có thể nói, mọi thứ trang trí bằng sơn trong các đền, chùa, đình, đài, dinh thự... tại Thăng Long cũng như hầu hết các vùng thuộc Bắc bộ, thường là do thợ sơn phường Bình Vọng cáng đáng. Ngoài việc thợ sơn Bình Vọng có bàn tay tài hoa, có kinh nghiệm nghề sơn truyền từ rất nhiều đời, Bình Vọng còn được coi là đất tổ của nghề sơn. Bởi từ lâu, thợ sơn trong thiên hạ đều coi Trần Lư, mà họ hay gọi là Trần tướng công, người làng Bình Vọng, là Tổ nghề của mình.
Trong chính sử có chép những việc cho biết nghề sơn ở nước ta đã khá phát triển từ thời Trần, thời Lê. Sách Việt sử thông giám cương mục (VSTGCM), phần Chính biên, chép việc tháng Năm năm Giáp Dần 1254 định quy chế dùng kiệu, dùng ngựa và quân hầu cho tôn thất và các quan: “Tôn thất thì đi kiệu hình đầu chim phượng sơn son, quan Tướng quốc thì đi kiệu hình đầu chim anh vũ sơn then…”. Có thể hiểu, ông Trần Lư chỉ là một cận tổ của nghề sơn ta.
![]() | |
Đám cưới nhà quê | Sơn mài của Nguyễn Gia Trí |
![]() | |
Chùa Thầy | Sơn mài của Nguyễn Gia Trí |
Đầu năm 1964, trong một ngôi mộ cổ ở xã Việt Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng, các nhà khảo cổ phát hiện một số đồ tùy táng bằng đồng, gốm và một số đồ bằng gỗ và da có phủ sơn. Đó là chiếc mái chèo được hơ lửa cho cháy xém rồi phủ hai lớp sơn, lớp trong màu đen, lớp ngoài màu vàng; 9 chiếc cán giáo đều có hơ lửa rồi sơn đen; 1 tráp hình khối chữ nhật, phía ngoài sơn hai lớp sơn đen và trang trí những hoa văn bằng sơn màu cánh gián; 1 mảnh da thú, mặt trong sơn màu đen khá dày, mặt ngoài sơn mỏng hơn, màu đen bóng. Niên đại ngôi mộ này được các nhà khoa học đoán định là thế kỷ thứ IV trước CN. Một thời gian sau, cũng trên đất Hải Phòng, các nhà khảo cổ phát hiện ngôi mộ cổ tại Đường Dù, Thủy Nguyên, chừng 2.000 năm tuổi. Trong mộ cổ có một bộ dụng cụ làm nghề sơn, gồm bát đựng sơn, chổi quét sơn, chày giã... Tuy nhiên, đất Hà Tây (cũ) mới là nơi có những dấu tích về đồ sơn và nghề sơn thời cổ xưa nhiều nhất trong các tỉnh xứ Bắc. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều ngôi mộ cổ ở Châu Can, Xuân La (thuộc huyện Phú Xuyên), Kim Đường, Đống Long, Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa) có cùng niên đại với mộ cổ Việt Khê; và cả một khu 8 ngôi mộ ở thôn Bùng, xã Minh Đức (huyện Ứng Hòa) có tuổi ngang với mộ cổ ở Đường Dù. Trong các mộ cổ này có khá nhiều đồ sơn như đĩa, chén, bát, khay... được chế tác với kỹ thuật cao.
Như vậy có thể nói, nghề sơn ở nước Việt ta đã có từ cuối thời Hùng Vương. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ), nay thuộc Hà Nội, đã có các mặt hàng sơn thường dùng, nghĩa là thời ấy, nghề sơn đã là một nghề sản xuất hàng hóa thông dụng.
Chất liệu hội họa mới
Từ bao đời trước, người thợ đã dùng sơn ta để trang trí các đồ dùng bằng gỗ, trang trí nhiều công trình kiến trúc lớn, từ dinh thự, cung điện, cho đến đền, chùa, đình, miếu. Theo thời gian, những chế phẩm sơn ta được các nghệ nhân nghề sơn tạo thêm cho phẩm chất mới, trong đó thành công đỉnh cao là góp phần tạo nên một thể loại mới cho hội họa Việt Nam, tranh sơn mài.
![]() | |
Sự kết hợp | Sơn mài của Hồ Hữu Thủ |
Năm 1925 thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, những sinh viên khóa đầu tiên của trường được các nghệ nhân hướng dẫn cách sử dụng sơn ta để vẽ. Lúc đó, các nghệ nhân mới biết dùng 3 màu cơ bản của sơn ta là màu đen gọi là sơn then, màu nâu sơn cánh gián, màu đỏ sơn son. Các họa sỹ vẽ sơn mài tiên phong hết sức tâm huyết với chất liệu hội họa mới mẻ này. Mặc dù các họa sỹ người Pháp dạy trong trường chỉ coi sản phẩm sơn ta là hàng mỹ nghệ chứ không phải nghệ thuật tạo hình, nhưng một số họa sỹ của trường như Lê Phổ, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Quang Trân, đặc biệt là tài năng lớn Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) - người đời coi là “đứa con ngỗ ngược của hội họa Việt Nam hiện đại” - đã chuyên chú tìm tòi sáng tác tranh sơn mài. Một thời gian sau, các họa sỹ tìm được thêm những màu mới cho tranh sơn mài. Màu trắng do rắc vỏ trứng lên sơn; rắc bột vàng, bột bạc lên màu cánh gián vừa tạo thêm màu mới, vừa tạo nên độ đậm nhạt... Vậy là sơn mài đủ sức diễn tả 3 chiều không gian cùng những sắc thái khác nhau trong tự nhiên cũng như trong đời sống con người.
Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, dù các bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí đã được công chúng yêu nghệ thuật ở Việt Nam nói riêng và cả Đông Dương tán thưởng, nhưng các nhà mỹ thuật Pháp chưa muốn công nhận. Năm 1938, tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí được trưng bày tại một triển lãm lớn ở Hà Nội. Họa sỹ Tô Ngọc Vân đã khẳng định hiện tượng Nguyễn Gia Trí trong một bài báo: “Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người ấy, nó đã được nâng lên thành mỹ thuật thượng đẳng...”.
Tiếp bước Nguyễn Gia Trí, hơn nửa thế kỷ qua, nhiều họa sỹ đã tạo thêm sức sống cho nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam. Vỏ trai, xà cừ cũng được dùng để khảm lên tranh. Rồi vàng quỳ, bạc quỳ được dát lên tranh sơn mài... Tranh sơn mài Việt Nam đã có mặt trong nhiều bảo tàng lớn, trong những bộ sưu tập tại các dinh thự lớn hay ở những ngôi nhà đơn sơ của biết bao người yêu mỹ thuật. Đó là mỹ thuật thượng đẳng lộng lẫy vàng son của người Việt Nam, đã trở thành một giá trị văn hóa nhân loại.