Cuộc so tài giữa Phan Bá Vành với Thống chế Trương Phúc Đặng
Phan Bá Vành là thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa lớn, nổ ra tại vùng đồng bằng Bắc Bộ từ 1821 - 1827. Thống chế Trương Phúc Đặng là võ quan triều Nguyễn, trông coi hoạt động quân đội của triều đình ở Nam Định. Năm 1826, Phan Bá Vành và Trương Phúc Đặng có một cuộc so tài được sách BẢN TRIỀU BẠN NGHỊCH LIỆT TRUYỆN chép lại như sau:
“Bính Tuất, năm Minh Mạng thứ bảy(1) tên đầu đảng Nam Định là Phan Bá Vành, người xã Nguyệt Lâm, huyện Vũ Tiên(2) rất tinh thông võ nghệ, cùng bọn bè đảng đi đánh phá và tự xưng là vua. Bấy giờ, nhân vì phía Đông Nam có sao chổi hiện lên, cho nên, dân chúng mới có câu ca dao rằng:
Trên trời có ông sao rua,
Ở dưới hạ giới có vua Bá Vành
Hễ tới đâu, quân của Phan Bá Vành mộ người và thu gom lương thực tới đó. Thường thì bọn khỏe mạnh luôn được cử làm tiên phong, ai chống lại là bị đánh tới tấp. Chỉ mới độ mươi ngày mà đồ đảng của Phan Bá Vành đã đông đến cả vạn người, dân các phủ huyện theo chúng như cỏ rạp theo gió. Quan quân đi đánh dẹp bị tử trận không biết bao nhiêu mà kể, vì thế mà binh sỹ của triều đình hễ đi xuất chinh, thì trước hết phải lo dặn dò các việc cho người nhà rồi mới lên đường, ra trận thì vừa trông thấy giặc Phan Bá Vành đã tháo lui. Giặc vì thế mà giặc càng trở nên dữ tợn. Hoàng đế Minh Mạng ban chỉ dụ, nói rằng: hễ ai bắt được Phan Bá Vành sẽ được thưởng 500 lạng bạc và hễ ai bắt được tên Nguyễn Hạnh(3) thì sẽ được thưởng 300 lạng bạc. Bấy giờ, Thống chế trông coi việc binh ở Nam Định là Trương Phúc Đặng được lệnh xuất chinh. Ông nặng tai, không nghe được tiếng trống trận, bèn dùng loa gọi to lên rằng:
- Bớ quân giặc, chúng bay hãy ngừng lại để ta đấu võ tay đôi với tên Phan Bá Vành!
Phan Bá Vành tức giận cầm côn xông ra. Hai người đánh nhau năm sáu chục hiệp vẫn chưa phân thắng bại. Trương Phúc Đặng đâm trúng hông Phan Bá Vành khiến Phan Bá Vành ngã quỵ, nhưng cũng ngay lúc đó, một người của Phan Bá Vành nhảy ra đâm trúng vai Thống chế, nhân thể, quân sỹ của Phan Bá Vành ào ào xông lên, quan quân của triều đình chỉ kịp cứu được Trương Phúc Đặng rồi bỏ chạy tán loạn.
Bởi thua đau trong trận này, Trương Phúc Đặng bị giáng bốn cấp. Ông bị tước cả áo mũ và bị triệu về kinh đô, giao cho đình thần nghị tội. Trương Phúc Đặng tự lấy làm hổ thẹn nên nhân đêm tối đã nhảy xuống ao mà chết. Việc này đến tai Hoàng đế. Hoàng đế bèn sai trả lại áo mũ và khôi phục chức Thống chế cho Trương Phúc Đặng”.
Lời bàn: Cũng là người Việt, cũng là lính, nhưng lính của Phan Bá Vành thì quả cảm vùng lên khuấy nước chọc trời, ngược lại, lính của triều đình thì nhút nhát, chưa ra trận đã lo bại trận, chưa hề giáp chiến với nhau đã lo chết. Mới hay, sức mạnh của ba quân trước hết là ở tinh thần. Tinh thần quân sỹ Phan Bá Vành là tinh thần quyết chí tự cứu lấy mình, đánh đổ bất công, diệt trừ lũ tham quan ô lại. Tinh thần của đông đảo quân sỹ triều đình là tinh thần… vạn bất đắc dĩ. Họ đi lính vì không thể không đi đó thôi.
Diễn biến và kết quả cuộc so tài giữa Phan Bá Vành với Thống chế Trương Phúc Đặng đã quá rõ. Trương Phúc Đặng chỉ biết đánh võ, mà lại là đánh võ tay đôi với Phan Bá Vành chớ chẳng hề biết rằng, đánh Phan Bá Vành tức là đánh vào cả một đội quân nông dân hùng mạnh. Nói Trương Phúc Đặng bị điếc cũng được mà nói người như Trương Phúc Đặng là loại người thừa hai cái tai cũng được. Một đời làm quan, chừng như ông chưa từng nghe được tiếng của dân tình. Trương Phúc Đặng nhảy xuống ao tự tử trong đêm, như thế cũng có thể nói là chết vì nước, chỉ tiếc rằng đó chỉ là nước ao bé nhỏ và đen ngòm. Thương hại thay!
________________
1. Tức là năm 1826.
2. Nay thuộc huyện Vũ Thư, Thái Bình.
3. Là quân sư và cũng là một võ tướng kiệt xuất của Phan Bá Vành.