Mùa xuân Ảrập hay những vụ đảo chính trá hình?

Quốc Đạt
Theo Les infos
19/06/2011 07:36

Một số nhà quan sát nhìn nhận một cách tích cực cái mà họ gọi là Mùa xuân Ảrập. Nhưng một số khác lại mỉa mai sự lạc quan này. Trong một bài trả lời phỏng vấn tờ La Tribune, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo (CF2R) của Pháp Eric Dénécé cho rằng, khi Mùa xuân Ảrập tràn tới Tunisia và Ai Cập, nhân tố thay đổi chỉ là cá nhân lãnh đạo. Ông cũng chỉ ra rằng các cuộc nổi dậy của dân chúng chỉ là những cuộc đảo chính do phái quân sự dàn dựng.

Mùa xuân Ảrập hay những vụ đảo chính trá hình? ảnh 1
Nguồn: Nawaat.org

La Tribune: Ông thấy gì từ cuộc cách mạng mang tên Mùa xuân Ảrập?

Ở những nước này, điều dân chúng thực sự mong muốn là được tự do hơn, chứ không hẳn là dân chủ hơn nhưng một số thế lực đã lợi dụng nó để gắn lên cái mác vì dân chủ. Tôi không cho rằng cái được gọi là “các cuộc cách mạng” này nổ ra một cách ngẫu nhiên, tự phát. Chúng hẳn phải được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Trong những năm 2007-2008, nhiều hội nghị do các tổ chức phi chính phủ của Mỹ như Freedom House, Viện Cộng hòa quốc tế hay Canvas, chủ trì đã diễn ra với sự góp mặt của đông đảo các blogger và thủ lĩnh các phong trào đối lập. Những hội nghị này đã gieo mầm mống phản kháng và tạo ra một bối cảnh thuận lợi cho cách mạng sau này. Tiến trình này giống hệt tiến trình đã dẫn đến cuộc nổi dậy ở Serbia, Cuộc cách mạng Cam ở Ukraine, cuộc cách mạng Nhung ở Gruzia và nhiều cuộc cách mạng màu sắc khác ở không gian hậu Xô Viết.

La Tribune: Nhưng tại sao phải đợi tới tận năm 2011 các cuộc cách mạng mới nổ ra trong thế giới Ảrập?

Các cuộc phản kháng của dân chúng hay sinh viên ở các nước Ảrập vẫn thường xuyên xảy ra, song lần nào cũng bị quân đội và cảnh sát đàn áp. Nhưng đây là lần đầu tiên, quân đội không đứng về phía cảnh sát khi từ chối đàn áp các vụ nổi dậy. Đặc biệt, trong tuần lễ trước khi nổ ra “cách mạng”, đại diện cấp cao nhất của quân đội Tunisia và Ai Cập đã đến Washington. Mỹ đã bảo đảm chu cấp gần như toàn bộ chi phí cho quân đội các nước này và bật đèn xanh cho họ lật đổ êkíp cầm quyền.

La Tribune: Nói như ông nghĩa là các cuộc cách mạng này thực chất là những cuộc đảo chính trá hình mang mặt nạ của các phong trào dân chủ? Nhưng có vẻ như các cuộc biểu tình ở quảng trường Tahrir không phải do dàn dựng?

Điều gì khiến ông quả quyết như vậy? Đáng lẽ người ta phải đặt nghi vấn khi chứng kiến các cuộc biểu tình này. Thật đáng ngạc nhiên khi ở những nước tồn tại chủ nghĩa quân phiệt Hồi giáo và tâm lý bài Do Thái như ở Ai Cập, trong các cuộc biểu tình tại quảng trường Tahrir không có bất kỳ một băng rôn, khẩu hiệu nào chống Israel. Rõ ràng đã có người vạch ra một giới hạn cho các cuộc biểu tình. Nhìn vào êkíp mới tại Cairo, người ta thấy có cả Tham mưu trưởng quân đội và cựu Giám đốc cơ quan tình báo. Và không lâu sau khi lên nắm quyền, êkíp này cam kết tôn trọng các thỏa thuận quốc tế đã ký, trong đó có thỏa thuận Trại David, vốn bị một bộ phận dân chúng Ai Cập phản đối.

La Tribune: Vậy còn ở Tunisia thì sao?

Ở Tunisia, dân chúng, vốn phải đối mặt với những khó khăn kinh tế cho đến các doanh nghiệp, vốn phải bỏ tiền ra để mua sự yên ổn làm ăn, đều hết kiên nhẫn trước tình trạng tham nhũng và thao túng của gia tộc Trabelsi, họ hàng đằng vợ của Tổng thống Ben Ali. Vì thế, các cuộc biểu tình nổ ra ở khắp các thành phố. Cuộc nổi dậy ở đây rộng khắp và mạnh mẽ hơn so với ở Ai Cập, nơi các cuộc biểu tình chủ yếu diễn ra ở quảng trường Tahrir. Nhưng cũng giống như ở Ai Cập, chính quyền mới ở Tunis đều là chiến hữu của cựu Tổng thống Ben Ali. Ở cả hai quốc gia này, mọi thứ diễn ra như thể sự “tức nước vỡ bờ” của giới trẻ và dân chúng dẫn đến sự phản kháng. Nhưng khác với những cuộc cách mạng thực sự làm thay đổi hệ thống chính trị hoặc chế độ, các sự kiện này chỉ làm thay đổi tầng lớp lãnh đạo. Do vậy không thể gọi là các cuộc cách mạng.

Với sự đồng ý của Mỹ, các cuộc đảo chính “êm dịu” đã được thực hiện ở các nước Ảrập thông qua việc lợi dụng và khai thác một cách thông minh làn sóng phản kháng của dân chúng. Đối với Washington, đó chỉ là sự “thay đổi mang tính liên tục” nhằm điều chỉnh đôi chút sự cân bằng trong khu vực. Washington khuyến khích và ủng hộ quân đội các nước Bắc Phi và Trung Đông vươn lên, đóng vai trò “kiểu Thổ Nhĩ Kỳ”, nghĩa là không nắm quyền - trừ trường hợp bất khả kháng - mà chỉ là người bảo đảm cho sự ổn định của đất nước chống Hồi giáo cực đoan và góp phần duy trì ổn định trong vùng, đồng thời không tỏ thái độ thù địch thực sự với Israel.

La Tribune: Ông nhìn nhận như thế nào về tình hình hiện nay?

Rất nhiều vấn đề đang đặt ra. Ở cả hai quốc gia này, bắt đầu xuất hiện rạn nứt không thể tránh khỏi giữa lực lượng quân đội, vốn trở nên lớn mạnh sau các sự kiện vừa qua, và lực lượng cảnh sát, vốn từ lâu giữ vai trò trấn áp người biểu tình. Đặc biệt ở Tunisia, tình trạng mất trật tự trị an với việc gia tăng tội phạm đang đe dọa sự ổn định trong nước. Dân chúng sẽ nhanh chóng thất vọng với tình hình, với chính quyền mới và không loại trừ khả năng sẽ có những cuộc nổi dậy khác nổ ra. Và một vấn đề khác, đó là cho tới lúc này, phe Hồi giáo vẫn im lặng. Vấn đề là họ sẽ im lặng đến lúc nào?

Quốc Đạt<BR/>Theo Les infos