Bay theo cánh diều

Phạm Thuận Thành 13/06/2011 06:56

Làng Ngo, tên chữ là Bình Ngô, trước là đơn vị cấp xã thuộc tổng Bình Ngô, nay chia làm năm thôn, hợp với thôn Nghi Khúc thành xã An Bình, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Tháng ba hoa gạo đỏ có gió nổi mạnh là bắt đầu mùa thả diều. Diều sáo bay vui xóm vui làng. Những tín hiệu bình yên.

Xã An Bình là vùng đất hiếu học với hai trạng nguyên, bốn tiến sĩ và nhiều cử nhân, tú tài. Theo quan niệm dân gian, việc chơi diều sẽ đem lại sự thành đạt và những điều tốt lành cho con cháu. Tương truyền trạng Bật thời xưa nhà nghèo, mở quán bán nước ở Cầu Khoai, làm thêm nghề đan lát lấy tiền ăn học. Lúc rỗi rãi sẵn tre sẵn giấy ông làm diều sáo thả lên làm bầu bạn. Tiếng sáo dìu dặt đêm khuya giúp ông học nhập tâm hơn. Cánh diều cũng nâng mơ ước thành đạt của ông bay cao hơn, xa hơn. Năm 1484 thời Lê Thánh Tông lắm nhân tài tuấn kiệt, Nguyễn Quang Bật mới hai mươi tuổi dự thi lần đầu, với bài luận xuất sắc về cách dùng người của nhà Triệu Tống được vua lấy đỗ Trạng nguyên. Ông cũng là ngôi sao sáng trong hội Tao Đàn, là bậc trung thần tiết nghĩa bị vua Lê Uy Mục sát hại.

Ở An Bình có gia đình ông Nguyễn Xuân Dưỡng truyền đời sành chơi diều. Cụ Tịnh cho biết, muốn diều lên cao, lên thẳng, bay ổn định cần rất nhiều yếu tố từ khâu sản xuất đến kỹ thuật đâm diều, sai một li đi một dặm. Tre làm diều là giống tre mai thật già. Pha nan đem phơi kiệt, dùng dao thật sắc chuốt nan. Nan diều vuốt dần về phía đầu cánh, yêu cầu phải cân đối. Sau đó vào khuôn, dùng dây gai cố định để bồi giấy. Diều đủ tiêu chuẩn đi thi phải có sải cánh trên 5 thước (2 mét). Loại diều này người lớn cầm dây mới trụ nổi nếu trời cả gió. Diều dành cho trẻ nhỏ có sải cánh tầm 3 thước hoặc diều cánh cốc.

Chơi diều phải có sáo. Sáo tự khoét bằng ống nứa già, thưng miệng bằng gỗ mít. Có nhiều loại sáo to nhỏ khác nhau. Thường ghép ba cỡ thành một giàn cho diều mang. Ông Dưỡng còn kể, vào năm Đinh Hợi (1947) làng bị dịch đậu mùa, người ta bảo nhau phải thả thật nhiều diều để các “quan ôn” mải chơi mà quên việc gieo rắc mầm bệnh. Cả làng có hàng trăm chiếc diều đủ các kích cỡ thả suốt ngày. “Ác” nhất là diều của cụ Thào, sải cánh dài suốt ba gian nhà, tiếng sáo cồng từ con diều này đủ làm cả làng mất ngủ. Có hôm nhà có việc gặp trời mưa, cụ Thào lấy diều che đủ chỗ cho ba bếp đun bên dưới. Tuy nhiên diều to này rất phiền phức khi đâm thả, cần đông người mới giữ được dây, lại hay bị đứt dây (thời trước dây diều nối bằng lạt tre luộc nước muối không bền bằng dây ni lông bây giờ). Cho đến tận ngày nay thôn Yên Ngô vẫn được coi là “làng diều” của xã An Bình. Xã còn lập câu lạc bộ diều sáo do cụ Nguyễn Bá Phước, thương binh chống Mỹ, làm chủ nhiệm. Thành viên câu lạc bộ do người thôn Yên Ngô làm nòng cốt. Năm 2010 tỉnh tổ chức Festival Bắc Ninh, câu lạc bộ được mời tham gia làm trọng tài và thi thả diều. Cụ Nguyễn Bá Phước đề xuất cách chấm thi dựa theo lối cổ: sải cánh diều 2 mét trở lên, sải dây dài 200 mét, nơi đo độ cao và độ đảo cách vị trí người cầm dây 4 mét, không dùng câu liêm đo độ lên đứng của diều. Ban tổ chức bộ phận thi diều đã nhất trí quy cách chấm thi này. Câu lạc bộ diều sáo xã An Bình, trong đó có ông Nguyễn Xuân Dưỡng, có 5/8 diều được ban tổ chức tặng thưởng.

Vào mùa thả diều người ta thường tổ chức thi diều lên thẳng, lên cao, bay không bị đảo. Người ta dựng hai cột câu liêm rộng chừng 80cm, nên diều nào mắc dây vào câu liêm là bị loại. Diều tốt nhưng khi đâm vô ý để lệch dây lèo dù chỉ một chút cũng khiến lúc lên bị chao, cho dù không mắc vào lưỡi câu liêm thì vẫn bị đảo cánh lúc lên cao. Thi diều thường quy định phải mang sáo, sải cánh dài 2 mét trở lên và người địa phương cũng được tham dự, không như thi chim “cậy nhà” nên hàng phủ cấm không cho đàn chim địa phương dự đấu trên sân nhà. Câu lạc bộ diều An Bình thường mang diều đi đấm làng khác và cũng thường có thành tích tốt. Thời xưa cụ Nguyễn Đắc Thạch từng làm con diều “khủng”, sải cánh là hai cây tre đực uốn lửa đục mộng ghép lại. Khi đem diều đi thi trở thành con diều kỷ lục đến nay người trong vùng còn nhớ.

Ngày nay những lúc nông nhàn những người khéo tay vẫn vót diều. Trẻ con cũng biết cách chuốt nan làm diều cho riêng mình. Người ta cho rằng làm diều để mình chơi hoặc cho con cháu chơi là để được bay cao bay xa, đồng nghĩa với sự thành đạt sau này. Những gia đình có truyền thống chơi diều, tay nghề khéo được coi như “thợ” thì tuy không lập xưởng sản xuất diều sáo nhưng có “thương hiệu”, vẫn được nhiều người đến đặt hàng, như diều sáo của ông Dưỡng vẫn được người sành chơi trong vùng tìm đến đặt hàng.

Diều sáo ở An Bình và vùng Bắc Ninh chủ yếu là diều cổ truyền hình trăng khuyết lơ lửng giữa tầng không từ bao đời nay. Tuy không có sự cải tiến rồng phượng như ở một số nơi khác nhưng người dân vẫn say mê chơi cái diều của cha ông mình để lại. Hiện đã có diều vải hình cánh chim cánh bướm bán sẵn, nhưng người ta chỉ mua cho trẻ nhỏ chơi thay cho diều giấy vuông chúng tự làm hay diều cánh cốc người lớn làm cho. Còn người lớn không ai chơi loại diều này, vì đơn giản chúng không mang được sáo. Tiếng sáo diều mới là tiếng của bình yên đặc trưng từ nhiều đời nay.

Phạm Thuận Thành