65 năm đồng bào Vân Kiều, Pa Ko chính thức mang họ Bác Hồ (26.6.1946 - 26.6.2011): Xứng danh mang họ Bác Hồ

Hoàng Đức Cường
Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Trị
09/06/2011 07:18

Được mang họ Bác Hồ là nguyện vọng thiết tha cháy bỏng trong nhiều thế hệ người Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6.1.1946), rất đông bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đã rủ nhau lấy họ Bác Hồ để khai tên mình trong thẻ cử tri.

Nữ anh hùng của người Pa Kô, Kan Lịch
Nữ anh hùng của người Pa Kô, Kan Lịch

Năm 1946, ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ cử cán bộ vào thăm hỏi đồng bào hai dân tộc Vân Kiều, Pa Kô mang theo nhiều bức hình của Bác tặng cho các bản và nhiều áo lụa thật đẹp tặng cho những người già đã sống trên 90 mùa rẫy, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô vui sướng, xúc động đến rơi nước mắt. Ngày 26.6.1946, cán bộ dân tộc cử người đầu làng đến họp dưới chân núi Cooc-la-phăng-xông, tổ chức lễ ăn thề, đâm trâu, cắt máu mình pha vào ché rượu lớn, các già làng bưng bát rượu hòa máu chuyền tay nhau uống và thề với Giàng, với rừng, núi, rằng người Vân Kiều, Pa Kô mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ, bộ tộc nào ăn ở hai lòng sẽ bị Giàng trừng phạt, không sinh được con cái để nối dõi, sẽ tàn lụi như cây gỗ mục trong rừng. Các già làng đồng thanh quyết định lấy họ Bác Hồ làm họ chung cho cả hai dân tộc Vân Kiều và Pa Kô. Cũng từ ngày 26.6.1946, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô sống ở vùng miền Tây Quảng Trị chính thức mang họ Bác Hồ, hứa trọn đời đi theo Đảng, theo Cách mạng.

Lời thề đó đã trở thành hành động cách mạng, đồng bào các dân tộc miền Tây Quảng Trị đã động viên con em mình đi theo kháng chiến, gia nhập bộ đội Cụ Hồ để đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Năm 1947, lớp con cháu đầu tiên của hai dân tộc Vân Kiều và Pa Kô tham gia kháng chiến như ông Hồ Ray, Hồ Tơ, Hồ Hăng, Hồ Thiên, Võ Tá Khỉn, Hồ Cam, Hồ Hương... đã chiến đấu dũng cảm trên mặt trận Đường 9, khi thực dân Pháp từ Lào tấn công vào Hướng Hóa, để mở rộng đường tiến về chiếm Đông Hà và vùng đồng bằng Bình Trị Thiên. Đây là chiến công của lớp người đầu tiên mang họ Bác Hồ ở Hướng Hóa.

Tháng 6.1957, Bác Hồ vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, người Vân Kiều và Pa Kô ở Vĩnh Linh cử ông Hồ Ray đại diện ra gặp Bác Hồ để xin cho người Vân Kiều, Pa Kô được mang họ của Người. Được Bác Hồ tặng họ, người Vân Kiều và Pa Kô bất kể vùng miền đã cùng nhau kéo lên núi đốt lửa, giết trâu, hướng ra miền Bắc mà thề, đã là con cháu Bác Hồ thì phải thương yêu nhau như tay với chân, phải hết lòng theo Đảng, theo Bác. Phong trào Hội thề trong cộng đồng người Vân Kiều, Pa Kô lan nhanh. Bọn Mỹ Diệm ra sức đàn áp bắt đồng bào từ bỏ họ Hồ, nhưng không hề khuất phục được người họ Hồ.

Từ những người đầu tiên tự nguyện mang họ Bác Hồ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Tây Quảng Trị, việc lấy họ Bác Hồ đã trở thành ý thức chung của đồng bào hai dân tộc anh em Vân Kiều và Pa Kô. Đến năm 1969, khi Bác mất, họ Hồ đã trở thành họ chung của đồng bào các dân tộc ở miền Tây Bình - Trị - Thiên. Biến đau thương thành sức mạnh, để xứng đáng với những người con mang họ Hồ, các dân tộc ở miền Tây Bình - Trị - Thiên đã dấy lên phong trào cách mạng đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào; Khu ủy Trị Thiên phát động phong trào Ngày nhớ ơn Bác, trồng 30 triệu gốc sắn... Bất chấp khó khăn, gian khổ, đồng bào lên đường tiếp lương, tải đạn, làm giao liên, vót chông đánh giặc, góp sức cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhiều chiến sỹ đã trở thành anh hùng như Kan Lịch, Hồ Vai, Hồ Thị Đá...

Trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam, việc thay tên, đổi họ, nhận họ xảy ra không hiếm. Đồng bào dân tộc ở miền Tây Quảng Trị và Thừa Thiên Huế mang họ Bác Hồ là nguyện vọng tự thân, thể hiện tính dân chủ của đồng bào tìm đến cách mạng, với Đảng, hướng tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng, khát vọng của đồng bào bắt gặp tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chủ tịch, của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu lịch sử Việt Nam không có những đêm dài nô lệ, không phải thường xuyên chống chọi với quân xâm lược, đồng bào các dân tộc thiểu số không phải sinh sống trên mảnh đất đầy khắc khổ và không có sự xuất hiện của Đảng Cộng sản Việt Nam và vị lãnh tụ tối cao của dân tộc thì sẽ không có sự kiện cả dân tộc tự nguyện mang họ Bác Hồ. Có thể khẳng định, việc đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tự nguyện mang họ Bác Hồ là một hiện tượng độc đáo, đặc sắc, thể hiện tình cảm của bà con đối với Hồ Chủ tịch, với Đảng.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, đồng bào Vân Kiều và Pa Kô không ngừng xây dựng đời sống văn hóa mới. Thành quả lớn lao đáng ghi nhận là việc hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS ở vùng sâu, vùng xa. Vượt qua khó khăn, đến nay hệ thống trường, lớp cơ bản đáp ứng được yêu cầu học tập của con em dân tộc thiểu số, 100% xã dân tộc miền núi có trường tiểu học, 75% xã có trường THCS và các huyện miền núi đều có trường THPT. Cùng với trường Dân tộc nội trú tỉnh, 4 trường Dân tộc nội trú huyện đã được xây dựng trở thành nơi đào tạo con em dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, cung cấp nguồn nhân lực quan trọng để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội ở miền Tây Quảng Trị.

Từ những người con đầu tiên mang họ Bác Hồ trong kháng chiến chống Pháp, đến nay đồng bào Vân Kiều và Pa Kô ở Quảng Trị không ngừng lớn mạnh, cùng với đồng bào thiểu số ở miền núi Thừa Thiên Huế trở thành lực lượng quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở miền Tây Trị - Thiên - Huế.

Hoàng Đức Cường<BR/><I>Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Trị</I>