Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911-5.6.2011): Hồ Chí Minh - Những hoạt động quốc tế vì sự nghiệp giải phóng dân tộc

PGs, Ts Nguyễn Trọng Phúc
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
05/06/2011 07:26

Hồ Chí Minh bắt đầu sự nghiệp đấu tranh giải phóng cho dân tộc mình bằng việc đi ra nước ngoài với mục đích đã được xác định ngay từ đầu: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Đó cũng là sự khởi đầu hoạt động quốc tế của Hồ Chí Minh. Ngày 5.6.1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức Hồ Chí Minh) đã rời Tổ quốc sang nước Pháp từ bến cảng Sài Gòn trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin. Ban đầu, chính khẩu hiệu ghi trên lá cờ của Đại Cách mạng Pháp 1789 LIBERTÉ, ÉGALITÉ, FRATERNITÉ (Tự do - Bình đẳng - Bác ái) đã hướng Nguyễn Tất Thành đến với nước Pháp.

Năm 1912, Nguyễn Tất Thành làm việc trên tàu của hãng Vận tải Hợp Nhất (Sácgiơ Rênyni) đi vòng quanh châu Phi và đã dừng lại ở các bến cảng của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Xênêgan, Rênyniông... Chứng kiến sự cực khổ của người dân các thuộc địa, Nguyễn Tất Thành đi đến nhận xét: “Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo”. Lần đầu tiên, Nguyễn Tất Thành đã lên án chủ nghĩa thực dân như thế, với một cách nhìn hiện thực. Tháng 12.1912, Nguyễn Tất Thành đến New York (Hoa Kỳ). Tại New York , “Tôi làm việc không đến nỗi vất vả lắm và tôi dùng một số thời gian rảnh để học tập và đi thăm những khu vực trong thành phố”. Đầu thế kỷ XX, có thể Nguyễn Tất Thành là một trong số rất ít người Việt Nam đã đặt chân đến nước Mỹ. Thế kỷ XIX, Tổng thống Hoa Kỳ đã từng có liên lạc với các vua triều Nguyễn của Việt Nam mong muốn đặt quan hệ giữa hai nước. Việc đó đã không thực hiện được nhất là sau khi Pháp xâm lược Việt Nam (1858). Nhà cải cách Bùi Viện đã đến nước Mỹ năm 1873. Cuối năm 1913, Nguyễn Tất Thành rời nước Mỹ sang nước Anh. Cuối năm 1917 Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại nước Pháp.

Hoạt động trong Đảng xã hội và Đảng cộng sản Pháp 1919-1923. Hoạt động quốc tế của Nguyễn Ái Quốc thời gian ở Pháp diễn ra sôi nổi, đa chiều với những bước ngoặt lớn đưa Người lên vị trí một nhà hoạt động chính trị được nhiều người Việt Nam, bạn bè quốc tế biết đến và những người cầm quyền nước Pháp “quan tâm”. Đầu năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp, là tổ chức duy nhất bênh vực nhân dân các nước thuộc địa của Pháp trong đó có Việt Nam. Tham gia Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc có điều kiện gặp gỡ, trao đổi ý kiến với các nhà hoạt động chính trị, văn hóa của Pháp như: Marcel Cachin, Paul Vaillant - Couturier, Léon Blum, Jean Longuet, Gaston Monmoussean... Ngày 18.6.1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp đã gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị của các nước thắng trận trong chiến tranh thế giới 1914-1918, họp tại Versailles. Đó là hoạt động đòi quyền dân tộc có tiếng vang quốc tế rộng lớn. Nguyễn Ái Quốc đã đấu tranh cho quyền con người gắn liền với quyền tự quyết của các dân tộc. Tại Paris, Nguyễn Ái Quốc đã có liên hệ với đại biểu của các dân tộc khác như Trung Quốc, Triều Tiên. Có thể thấy rõ những hoạt động nổi bật của Nguyễn Ái Quốc năm 1919 đã làm cho chính quyền Pháp phải chú ý theo dõi. Albert Sarrault người đã từng giữ chức Toàn quyền Đông Dương đã không bỏ qua mọi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và phân công Pierre Arnoux trực tiếp theo dõi Nguyễn Ái Quốc. Vai trò của nhà hoạt động chính trị Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 càng trở nên nổi bật với những quan điểm chính trị rõ ràng.

Hoạt động quốc tế nổi bật của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp trong những năm 1920-1923 đã dẫn tới sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức con đường phát triển của sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đọc được tác phẩm của Lênin: Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa trên báo L’Humanité số ra ngày 16 và 17.7.1920. Đó là mốc lịch sử tìm thấy con đường giải phóng đúng đắn theo quan điểm của Lênin và Quốc tế cộng sản. Tháng 11.1920, Nguyễn Ái Quốc dự mít tinh kỷ niệm lần thứ 3 cuộc Cách mạng tháng Mười do Đảng Xã hội Pháp tổ chức. Từ ngày 25 đến ngày 30.12.1920, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội 18 của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương và đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Trong Đại hội Tours, Nguyễn Ái Quốc củng cố quan hệ với các đồng chí cách mạng, các đại biểu quốc tế khác, trong đó có đồng chí Clara Zetkin nữ chiến sỹ cách mạng người Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc tế Cộng sản. Kết thúc Đại hội, Nguyễn Ái Quốc cho rằng: “Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa... Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc làm việc trong Ban nghiên cứu thuộc địa. Tháng 6.1921 tham gia thành lập Hội liên hiệp thuộc địa gồm những nhà hoạt động cách mạng của Angiêri, Marốc, Tuynidi, Mađagátxca. Nguyễn Ái Quốc được cử vào Ban Chấp hành và là Ủy viên thường trực. Ngày 1.4.1922, báo Le Paria (Người cùng khổ) diễn đàn của các dân tộc thuộc địa với sự tham gia sáng lập của Nguyễn Ái Quốc, ra số đầu. Tờ báo đã ra 38 số tới 4.1926, là vũ khí chiến đấu của các dân tộc thuộc địa Bắc Phi và Đông Dương vì mục tiêu giải phóng con người.

Ngày 25.12.1921, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Cộng sản Pháp tại Marseille. Từ ngày 21 đến ngày 24.10.1922, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội II Đảng Cộng sản Pháp họp tại Paris. Tại Đại hội, Nguyễn Ái Quốc đã gặp Manuinxki thay mặt Quốc tế cộng sản tham dự Đại hội. Nguyễn Ái Quốc trên diễn đàn đại hội đã phê bình Đảng Cộng sản Pháp chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề thuộc địa. Theo tài liệu của tác giả nước ngoài, tại Đại hội II Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc có gặp gỡ với Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Phái viên của Quốc tế cộng sản Manuinxki đã rất quan tâm tới phát biểu của Nguyễn Ái Quốc.

Ngày 14.6.1923, Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp đi Liên Xô bắt đầu quá trình hoạt động trong Quốc tế cộng sản.

Việc rời Paris sang Đức rồi sang Liên Xô là trong kế hoạch của Nguyễn Ái Quốc tiếp tục nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản và lộ trình trở về Tổ quốc. Trong Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp trước khi rời nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nói rõ: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”.

Việc Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô còn có sự giúp đỡ của các đồng chí cộng sản Pháp, Đức và nhất là sự giúp đỡ của phái viên Quốc tế cộng sản Manuinxki. Nguyễn Ái Quốc bí mật rời nước Pháp đã làm cho những người Việt Nam có mặt ở Paris tranh luận và đều cho rằng Nguyễn Ái Quốc thực lòng yêu nước và đều trân trọng tấm lòng nhiệt huyết của anh ấy. Ngày 27.6.1923, Nguyễn Ái Quốc rời cảng North Sea của Hamburg nước Đức và ngày 30.6.1923 đến cảng Petrograd (nay là St.Petersburg). Tháng 10.1923, những người cầm quyền Pháp mới biết được Nguyễn Ái Quốc đã ở Moscow (Liên Xô).

Từ nửa cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc chính thức hoạt động trong Quốc tế cộng sản. Một mặt, Người tập trung nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản cả về lý luận và thực tiễn từ đất nước Liên Xô; mặt khác, chú trọng nghiên cứu về vấn đề dân tộc và thuộc địa, về cách mạng giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc quan tâm đến tư tưởng của Lênin và quan điểm, đường lối của Quốc tế cộng sản về cách mạng thuộc địa. Cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc vào học tại Trường Đại học Phương Đông tại Moscow. Thời điểm đó và đến năm 1925, 1926 vẫn chưa có người Việt Nam nào học ở trường này. Cuối năm 1923 Lênin ốm nặng, nên Nguyễn Ái Quốc không có cơ hội được gặp Lênin. Sau khi Lênin qua đời (21.1.1924) trong Quốc tế cộng sản có những quan điểm khác nhau cả về xây dựng chủ nghĩa xã hội và về cách mạng ở các thuộc địa. Chính sách kinh tế mới của Lênin lùi dần. Vấn đề dân tộc và thuộc địa cũng không được các Đảng thật sự quan tâm như ở Đại hội II của Quốc tế cộng sản 1920. Điều đó đòi hỏi Nguyễn Ái Quốc thể hiện bản lĩnh chính trị và có cách nhìn nhận riêng. Thật ra, từ năm 1921, khi còn ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nhìn nhận đúng về cách mạng thuộc địa và không phụ thuộc vào cách mạng ở chính quốc.

Những hoạt động quốc tế của Nguyễn Ái Quốc ở Moscow đã đưa Người trở thành chiến sỹ quốc tế của phong trào cộng sản và sự nghiệp đấu tranh giải phóng các dân tộc. Tháng 10.1923, Nguyễn Ái Quốc dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế nông dân và được bầu vào Hội đồng Quốc tế nông dân. Cũng tháng 10.1923, Nguyễn Ái Quốc được gặp Tưởng Giới Thạch và Trương Thái Lôi đang có mặt ở Moscow. Tháng 12.1923, gặp gỡ nhà thơ Xô viết Ôxíp Mandenstam và để lại trong nhà thơ ấn tượng tốt đẹp đặc biệt. Tháng 1.1924, Nguyễn Ái Quốc tham dự lễ tang Lênin và sau đó viết nhiều bài về Lênin trên báo Pravđa (Sự thật). Ngày 15.3.1924, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho người lãnh đạo Quốc tế cộng sản Linoviev với mong muốn lập ra liên hiệp cộng sản châu Á. Ngày 17.6.1924 bắt đầu tham dự Đại hội V Quốc tế cộng sản và ngày 23.6 phát biểu tham luận trước đại hội và còn phát biểu tiếp trong các phiên họp sau (1.7, 3.7). Tham dự Đại hội V là sự kiện Nguyễn Ái Quốc chính thức hoạt động trong Quốc tế cộng sản. Ngày 14 và 15.7.1924, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế cứu tế đỏ. Ngày 21.7, dự Đại hội lần thứ III Quốc tế cộng sản đỏ. Ngày 15.9.1924 Nguyễn Ái Quốc gặp họa sĩ Thụy Điển Erich Johanson và họa sĩ đã ký hoạ chân dung của Người. Ngày 25.9.1924 chấp thuận đề nghị của Nguyễn Ái Quốc về chuyến đi Quảng Châu (Trung Quốc).

Ngày 11.11.1924 Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu - trung tâm của phong trào cách mạng Trung Quốc. Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục thực hiện trách nhiệm đối với dân tộc Việt Nam, truyền bá tư tưởng cách mạng vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở trong nước, chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng, chính trị và tổ chức cán bộ để thành lập Đảng cách mạng ở Việt Nam. Nói tiếp tục là vì trước đó khi còn ở Pháp Người đã xúc tiến nhiệm vụ đó đưa những tư tưởng cách mạng qua báo Le Paria về nước và khi ở Liên Xô, Người cũng viết nhiều bài quan trọng gửi về báo Le Paria và bằng các con đường khác. Nhưng từ Quảng Châu, việc thực hiện nhiệm vụ đó thuận lợi hơn, nhất là việc xây dựng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tổ chức tiền thân của Đảng), đào tạo cán bộ và hoàn thiện đường hướng chính trị qua báo Thanh niên và tác phẩm Đường kách mệnh. Hoạt động quốc tế của Nguyễn Ái Quốc từ cuối 1924 với tên mới là Lý Thụy tiếp tục giữ vững mối liên hệ với Quốc tế cộng sản và tranh thủ sự giúp đỡ của Quốc tế cộng sản, nhất là công việc đào tạo cán bộ. Người trực tiếp mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ từ năm 1925 tại số nhà 13A và 13B phố Văn Minh (nay là số nhà 248 và 250 đường Văn Minh, Quảng Châu). Đến tháng 4.1927, Nguyễn Ái Quốc đã huấn luyện được 75 cán bộ. Từ cuối năm 1925 đầu năm 1926, Nguyễn Ái Quốc đã có ý định cử thanh niên Việt Nam sang Liên Xô học và nhờ M.M.Bôrođin đại diện của Quốc tế cộng sản ở miền Nam Trung Quốc giúp đỡ. Trần Phú là người đầu tiên đi theo đề nghị này. Tiếp đó Nguyễn Ái Quốc gửi những thiếu niên 12-15 tuổi sang Moscow đào tạo. Nguyễn Ái Quốc còn gửi thanh niên Việt Nam vào học Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc).

Ngay từ khi đến Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã chú trọng nghiên cứu phong trào cách mạng Trung Quốc và các nước phương Đông. Nguyễn Ái Quốc không có cơ hội gặp gỡ Tôn Trung Sơn - nhà cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc đã cùng với nhóm sinh viên Trung Quốc ở Đại học Phương Đông biên soạn cuốn sách Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc (xuất bản năm 1925). Trong bài viết Nông dân Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ 7 nguyên nhân khốn cùng của họ. Ngày 9.7.1925, Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức được thành lập theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí Trung Quốc. Hội hoạt động có tính chất quốc tế gồm những người yêu nước của Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Việt Nam, Indônêsia... liên hiệp đấu tranh đánh đổ sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Chủ tịch Hội là Liêu Trọng Khải thuộc cánh tả Quốc dân Đảng. Nguyễn Ái Quốc là Bí thư phụ trách tài chính. Ngày 31.7.1925, Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế nông dân phân công phụ trách công tác vận động nông dân ở Trung Quốc, Đông Dương, Xiêm, Philippines. Thực hiện nhiệm vụ đó, Nguyễn Ái Quốc đã tham khảo ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và liên hệ với Quốc dân Đảng Trung Hoa. Khi mở lớp huấn luyện cán bộ của Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc là giảng viên chính, đồng thời mời các đồng chí Trung Quốc: Chu ân Lai, Trương Thái Lôi, Bành Bái, Trần Diên Niên, Lý Phú Xuân giảng bài. Nguyễn Ái Quốc tham gia nhiệt thành phong trào cách mạng từ Quảng Châu lan ra khắp Trung Quốc trong những năm 1925-1927. Tháng 4.1927, Tưởng Giới Thạch tiến hành đảo chính phản cách mạng, phá vỡ sự hợp tác Quốc dân Đảng với Đảng Cộng sản (hợp tác Quốc - Cộng) phản bội sự nghiệp cách mạng của Tôn Trung Sơn gây tổn thất lớn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và phong trào cách mạng ở các nước châu Á. Nguyễn Ái Quốc cũng là đối tượng lùng bắt của chính quyền Quốc dân Đảng. Đầu tháng 5.1927, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu đi Hương Cảng rồi đi ngay Thượng Hải, sau đó đi Vlađivôxtốc (Liên Xô). Tháng 6.1927, Nguyễn Ái Quốc có mặt ở Moscow tiếp tục nhiệm vụ đại biểu của Việt Nam trong Quốc tế cộng sản. Tháng 11.1927, Quốc tế cộng sản cử Nguyễn Ái Quốc đi công tác tại Pháp. Sau đó Quốc tế cộng sản phân công dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên đoàn chống đế quốc từ ngày 9 đến 12.12.1927 tại Bruxelles, thủ đô nước Bỉ. Tại Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ với Môtilan Nêru (thân sinh của Thủ tướng Ấn Độ J.Nêru sau này). Từ giữa tháng 12.1927 đến cuối tháng 5.1928 Nguyễn Ái Quốc làm việc tại Berlin (Đức) và viết nhiều bài về phong trào công nhân Ấn Độ, nông dân Ấn Độ.

Quốc tế cộng sản đã đồng ý để Nguyễn Ái Quốc trở về Đông Dương. Đầu tháng 6.1928, Nguyễn Ái Quốc rời nước Đức qua Thụy Sỹ, sang Italia. Đến phía Bắc của Italia, Nguyễn Ái Quốc ghé thăm hội chợ ở Milano, sau đó từ cảng Napoli đáp tàu của Nhật Bản đi Xiêm (Thái Lan). Tháng 7.1928, Nguyễn Ái Quốc có mặt ở Xiêm (ở Phichit sau đó lên Udon) với bí danh Thầu Chín. Người tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng trong Việt kiều yêu nước tại Xiêm.

Đại hội VI Quốc tế cộng sản họp từ 12.7 đến 1.9.1928. Bukharin vẫn là Tổng bí thư Quốc tế cộng sản và tổ chức vào tháng 12.1928. Khuynh hướng tả đã bộc lộ rõ trong Đại hội và cũng không thấy rõ vai trò của cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa mặc dù Đại hội có Cương lĩnh về cách mạng thuộc địa với 8 nội dung cơ bản. Nguyễn Ái Quốc không dự Đại hội VI Quốc tế cộng sản. Có 3 người Việt Nam do Đảng Cộng sản Pháp cử đi dự Đại hội VI là: Nguyễn Thế Vĩnh, Nguyễn Văn Tạo và Ban (Thủy thủ Bắc Kỳ). Trần Phú, Ngô Đức Trì, Lê Hồng Phong đang học ở Moscow dự Đại hội với tư cách quan sát viên. Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Xiêm từ tháng 7.1928 đến tháng 11.1929 rời Xiêm đi Hương Cảng để triệu tập hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ ngày 6.1 đến 7.2.1930, tại Hương Cảng, thay mặt Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với uy tín chính trị trong phong trào cách mạng Việt Nam và với trách nhiệm quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang: sáng lập một Đảng cách mạng chân chính. Trong Báo cáo gửi Quốc tế cộng sản ngày 18.2.1930, Nguyễn Ái Quốc viết: “Tôi đã cố gắng đi lần thứ ba khi một đồng chí từ Hương Cảng tới Xiêm và tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam Thanh niên Cách mạng bị tan rã; những người cộng sản, chia thành nhiều phái... Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23.12. Sau đó, tôi triệu tập các đại biểu của hai nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày 6.1.

Với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một Đảng. Chúng tôi cùng nhau xác định Cương lĩnh và chiến lược theo đường lối của Quốc tế cộng sản. Các đại biểu phải tổ chức một Trung ương lâm thời gồm bảy uỷ viên chính thức và bảy uỷ viên dự khuyết. Các đại biểu trở về An Nam ngày 8.2”. Hoạt động quốc tế của Nguyễn Ái Quốc đã tạo nên vị thế quốc tế của Người. Cùng với những quan điểm chính trị đúng đắn, nhiệt tình cách mạng, vị thế quốc tế của Nguyễn Ái Quốc có ý nghĩa quyết định đến việc thống nhất tổ chức và Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh mà Nguyễn Ái Quốc soạn thảo không trái với đường lối 8 điểm của Đại hội VI Quốc tế cộng sản. Cương lĩnh cho thấy, sự cần thiết phải đoàn kết lực lượng toàn dân tộc tập trung chống đế quốc, vì thế có thể tranh thủ lôi kéo cả trung, tiểu địa chủ, tư sản vừa và nhỏ. Đó là điều cần thiết và đúng đắn. Sau ngày thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc rời Hương Cảng (13.2.1930) đi Thượng Hải và giữa tháng 3.1930 quay lại Hương Cảng gặp Trần Phú và Ngô Đức Trì. Nguyễn Ái Quốc phân công Ngô Đức Trì về Sài Gòn còn Trần Phú về Hà Nội. Tháng 4.1930, Nguyễn Ái Quốc đi Xiêm và cuối tháng 4 đến Malaysia thực hiện nhiệm vụ của Quốc tế cộng sản. Tháng 5.1930 hoạt động ở Singapore và cuối tháng 5 trở lại Hương Cảng. Tháng 5 đến tháng 9.1930 làm việc ở Thượng Hải, giới thiệu các đồng chí Việt Nam với một số đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 9.1930 trở lại Hương Cảng.

Ngày 6.6.1931, Nguyễn Ái Quốc (Tống Văn Sơ) bị chính quyền Anh ở Hương Cảng bắt giam với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt của vị luật sư người Anh Loseby, cuối năm 1932, Nguyễn Ái Quốc được trả tự do và ngày 6.1.1933 đến Singapore. Ngày 19.1 bị bắt lại và giải về lại Hương Cảng. Tháng 9.1933, Vaillant - Couturier đã giúp Nguyễn Ái Quốc từ Thượng Hải trở lại Moscow và đầu năm 1934 Nguyễn Ái Quốc có mặt ở Moscow.

Nguyễn Ái Quốc xuất phát từ thực tiễn của nước thuộc địa như Việt Nam kiên trì nêu cao mục tiêu giải phóng dân tộc, đoàn kết rộng rãi các giai cấp, lực lượng trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Quan điểm đó không phù hợp với đường lối tả khuynh của Quốc tế cộng sản. Vì vậy, hoạt động của Người ở Quốc tế cộng sản và trong Đảng có nhiều khó khăn và bị phê phán. Đại hội I Đảng Cộng sản Đông Dương bầu Nguyễn Ái Quốc là uỷ viên Trung ương dự bị, nhưng lại cử Người là đại diện của Đảng bên cạnh Quốc tế cộng sản. Trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít, Đại hội VII Quốc tế cộng sản đã có sự điều chỉnh chiến lược, sách lược, chủ trương các Đảng Cộng sản lập Mặt trận dân tộc, dân chủ để chống phát xít. Quan điểm của Nguyễn Ái Quốc được sự chia sẻ của một số người trong Quốc tế cộng sản trong đó có Dmitry Manuilsky và Vera Vasilieva. Tại Đại hội VII Quốc tế cộng sản (25.7 - 20.8.1935), Nguyễn Ái Quốc (Lin) là đại biểu tư vấn.

Trước Đại hội VII, Nguyễn Ái Quốc học ở Trường Quốc tế Lênin, cuối năm 1935 tiếp tục học ở đó. Mùa thu năm 1936, Nguyễn Ái Quốc nhận công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc địa và tại đây cuối năm 1936 trúng tuyển nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử. Ngày 29.9.1938, Nguyễn Ái Quốc rời Viện nghiên cứu, các vấn đề dân tộc và thuộc địa, rời Moscow trở lại Trung Quốc, vượt qua biên giới Trung Quốc - Liên Xô vào vùng Tân Cương (Trung Quốc). Từ tháng 9.1939 đến tháng 1.1941, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Quang) hoạt động ở nhiều vùng từ Tây âu, Diên An xuống Quế Lâm, Côn Minh. Nguyễn Ái Quốc làm việc cùng với các đồng chí Diệp Kiến Anh, Chu Ân Lai. Từ Trung Quốc, Người có nhiều ý kiến chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước.

Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ (1.9.1939), ở Việt Nam mâu thuẫn giữa dân tộc với chủ nghĩa đế quốc thực dân phát triển gay gắt. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11.1939 do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì tại Hóc Môn (Sài Gòn) đã nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc hoàn toàn thống nhất với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc. Nhật chiếm Đông Dương, đã nổ ra khởi nghĩa Bắc Sơn (27.9.1940) tiếp đó là khởi nghĩa Nam Kỳ (23.11.1940) và ở Đô Lương (13.1.1941). Ngày 28.1.1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt biên giới trở về Tổ quốc tại Hà Quảng (Cao Bằng) với ý thức không thể bỏ lỡ thời cơ, chậm trễ là có tội với cách mạng. Người về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.

Ba mươi năm hoạt động quốc tế sôi nổi, Nguyễn Ái Quốc thật sự là chiến sỹ quốc tế lỗi lạc trong phong trào cộng sản, công nhân thế giới và phong trào giải phóng dân tộc của các thuộc địa và đóng góp xứng đáng cả về lý luận, phương thức và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Toàn bộ hoạt động của Người đều hướng tới giải phóng dân tộc, độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

PGs, Ts Nguyễn Trọng Phúc<BR/><I>Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng</I>