Tạo nên thế giới riêng

Đăng Bẩy
Theo bài của nữ tiến sĩ văn học - nhà thơ NINA KOROLIOVA
02/06/2011 07:25

Hai đêm thơ mừng thọ V. Sosnora năm 1996 và năm 2006 đã diễn ra không có sự hiện diện của người được tôn vinh: cuộc sống của V. Sosnora ngày một khép kín, vì ông bị điếc nặng, trò chuyện với ông hết sức khó khăn, họa hoằn có bạn đến thăm phải viết lên bảng. Nhà thơ dường như bị tách khỏi mọi cuộc giao lưu và đời sống văn học hàng ngày. Chìm đắm trong thinh lặng, ông giao lưu với vũ trụ, với những cái bóng vĩ đại của quá khứ, coi đó là cư dân ngang bằng với mình.

Mùa thu vàng của Levitan Nguồn: wikimedia.org
Mùa thu vàng của Levitan Nguồn: wikimedia.org

Những bài viết về ông có nhan đề Người cùng thời chẳng với ai ai, Ngược dòng, Một nhà thơ nghịch nghĩa văn học… xuất hiện cả sự phản bác không thương tiếc đối với ông trong tư cách nhà thơ: thời kỳ sau của V. Sosnora “rơi vào lắm lời rậm chữ”. Nhiều người, rất nhiều người hân hoan tiếp nhận chặng đầu sáng tác của V. Sosnora thì đã không còn đánh giá cao ông nữa, kể từ năm 1970 trở đi. 

Mà sự khởi đầu thật tưng bừng: thơ V. Sosnora cuối những năm 1950 đầu những năm 1960 về đề tài nước Nga thời cổ (thời Khúc ca về cuộc hành binh Igor) khiến người ta kinh ngạc vì nó huy hoàng. Đó là bức tranh được làm bằng màu sắc và âm thanh. Âm thanh trong những dòng thơ ông nổi lên có hình có khối, đến nỗi ta hoàn toàn tin rằng bức tranh đó hiện lên trong con mắt của không phải người thời nay, mà của nhà thơ - nhân chứng: Mạn Izumsky/ cỏ úa đâm tua tủa/ ráng chiều không dát vàng/ mà rực màu máu lửa/ đất sét vàng muôn thuở/ nóng đến độ đen thui…

Với những câu thơ như thế, V. Sosnora đi vào giới trẻ trong các văn đoàn Leningrad và đến với những Nikolai Zabolotsky, Nikolai Asiev, sau đó - với Lilya Brick và bà này trịnh trọng tuyên bố “V. Sosnora là người kế thừa Maiakovsky trẻ và giỏi nhất”. Chính những câu thơ ấy, ông đã đọc năm 1965 trong đêm thơ Nga tại Paris, và anh chàng người Leningrad ít ai biết đến đã vượt qua thành công của những bậc đại thụ lừng danh, trong đó có Alexei Surkov, Boris Slutsky, Semion Kirsanov, Alexandr Tvardovsky, Leonid Martynov, Andrei Voznesensky và Bella Akhmadulina.

V. Sosnora đến Paris chuyến đó theo lời mời của Elsa Triolet và Luis Aragon sau khi hai người này được Lilya Brick giới thiệu.

… Năm tháng trôi đi, thơ V. Sosnora đậm chất bi kịch hơn - bi kịch cá nhân hòa vào bi kịch chung của đất nước. Đối với ông, sự chính xác về phương diện lịch sử đã không còn quan trọng như trước, ông tạo nên một thế giới của riêng mình - một nhà hát hiện đại của mình, đặc biệt là hình tượng nhà thơ Boyan trong cái xã hội luôn luôn thờ ơ với thi nhân, ấn tượng nhất là màn hành hình. Chính tên đao phủ sau khi chém lìa đầu nhà thơ đã thốt lên lời sám hối Trên đất Nga, thi ca đã bị hạ thủ và hắn đã phải bỏ trốn sau khi lừa được gã coi ngục cuỗm đi cây bút lông ngỗng của nhà thơ tử tù… 

Trong cái thời mà những người cùng trang lứa với V. Sosnora loay hoay tìm phương tiện diễn đạt trong khuôn khổ câu thơ Nga kinh điển mà vẫn nhằm tới giọng điệu riêng và sự chuyển động trong các ẩn dụ, đồng thời hình thành những tuyên ngôn mang tính công dân, gắng nói lên sự thật sâu xa của cuộc sống nhân dân đương đại mà mình là một cấu thành trong đấy, thì V. Sosnora đi theo con đường của những Maiakovsky, Khlevnikov, Asiev, Kruchenych, Kirsanov. Đằng sau những câu thơ của ông thấy rõ một hành trang đồ sộ của dòng văn hóa tiền phong, của người kể chuyện dân dã, chuyện chiến chinh máu lửa và cả những ngụ ngôn thâm thúy... Trong bài thơ Plskov, V. Sosnora từng nói về mình như một đứa con mang huyết thống trộn, của những cá nhân và lực lượng vốn thù địch lẫn nhau, thờ cúng cả bốn cụ tổ, mà cụ tổ nào cũng phóng ngựa trên các ngả đường chinh chiến và lẩm bẩm những lời nguyền độc chĩa vào nhau để rồi về sau cùng hội ngộ trong dòng máu của mình - một kẻ hậu thế lỡ dở…

Cho nên số phận nhân vật trữ tình của V. Sosnora mới bất ổn như thế - ông bốc như lửa và ông tự nhủ mình: “Ta chàng kỵ sĩ. Ta một chiến binh. Giữa chiến trường ta chỉ một mình”. Đó là nỗi cô đơn của người đang chiến đấu vì chân lý, nỗi cô đơn của một Thi nhân đang không ngừng viết - đó là tặng vật mà cũng là kết quả, là cho đi mà cũng là nhận về - nỗi nghèo túng, vật chất chứ không phải tinh thần, bởi vì về tinh thần thì Thi nhân vẫn chính trực và vẹn nguyên giàu có. Sự giàu có của Thi nhân là ở trong máu thịt có một tổ quốc quê hương đa dân tộc, lan rộng ra toàn trái đất với lịch sử của nó, bao trùm cả vũ trụ thiên hà. “Trong tay tôi nào có gì đâu-/ không ảo ảnh và không vương miện,/ không gậy chống và không ngựa chiến,/ chỉ một quê hương tổ quốc - máu đào”.

Có một điều thật là kinh ngạc và cảm động - giữa các giá trị kỳ vĩ nhất trong cuộc sống chốn trần ai lại có tuổi ấu thơ, đứa trẻ con và trang thiếu niên. Thi nhân kể về một trang thiếu niên mơ mộng và hết sức bình thường, ngày ngày cóp tiền mong mua được một đôi giày người nhái để đi bơi đi lặn, không thích đá bóng nhưng lại “yêu mẹ, yêu biển, yêu đá, yêu sao”. Từ những vụn sắt, trang thiếu niên muốn làm thành một chiếc tàu thủy hoặc tàu vũ trụ để bơi ra biển hoặc vươn tới những vì sao - hiện thời điều đó chưa thành hiện thực, nhưng bỗng chạm đến cái khoảnh khắc của sự kiểm tra cao cả nhất - để chữa bệnh cho người mẹ, phải có tiền. “Mẹ mọc bướu từ hồi còn vây hãm,/ đi vay mượn - không hay, và bất tiện”. Thế là trang thiếu niên đưa hết cho mẹ số tiền cậu đã dành dụm gần một năm. Một trường hợp vặt vãnh, một chi tiết nhỏ mọn trong thế giới quan vũ trụ quan bao la của V. Sosnora, nhưng nếu thiếu nó, thiếu cái màn kịch mủi lòng này thì hình dung của chúng ta về Thi nhân sẽ không được toàn vẹn.

Những tác phẩm trong thập niên gần đây của V. Sosnora, có một nét đặc trưng: sự rút lui mang tính nguyên tắc, khỏi những câu thơ như “rõ tựa ban ngày”, khỏi cái logic cấu tứ hợp lý và duy cảm. Tứ thơ để tác giả phát triển với những hình tượng xuất hiện có vẻ hỗn loạn trong các dòng thơ dễ khiến người đọc thiếu tập trung thấy khó hiểu, nhưng nếu đã làm quen với toàn bộ sáng tạo, tất cả các cuốn sách và tính xuyên suốt của tác giả thì hoàn toàn có thể nắm bắt được.

V. Sosnora có cần sự hiểu biết của người đọc không? Có thể là có, mà cũng có thể là không. Người ta nhớ đến lý tưởng của những nhà thơ Nga vị lai thời kỳ đầu - có thể nói là tuyên ngôn - do A. Kruchenych soạn: “Để biểu đạt cái mới và tương lai, cần phải có những từ ngữ và cú pháp hoàn toàn mới. Cái dứt khoát là mới như thế sẽ là ở cấu trúc các từ ngữ theo một quy luật nội tại mở ra cho người sáng tác, chứ không phải theo những quy tắc logic và ngữ pháp như đã có từ trước chúng ta”…

Có cảm giác rằng những sáng tạo thời kỳ sau này của V. Sosnora đã đưa những tuyên ngôn xa xưa vào cuộc sống bây giờ…

Đăng Bẩy<br><i>Theo bài của nữ tiến sĩ văn học - nhà thơ </i>NINA KOROLIOVA