VIỆT SỬ GIAI THOẠI: Cái chết của Lê Kính Tông
Lê Kính Tông tên thật là Lê Duy Tân, con thứ của Lê Thế Tông (1753 - 1599). Lê Kính Tông sinh năm Mậu Tý (1588), lên ngôi tháng 8 năm Kỷ Hợi (1599), trị vì 20 năm (1599 - 1619), bị chúa Trịnh Tùng giết hại vào ngày 12.5.1619, hưởng dương 31 tuổi. Năm 1619, sau hai chục năm ở ngôi, Lê Kính Tông mới chợt nhận ra rằng mình là Hoàng Đế nhưng không hề có chút quyền lực nào. Và, Lê Kính Tông tìm cách giành lại quyền lực cho mình. Sách Trịnh Nguyễn diễn chí (quyển 1) chép:
“Mùa hạ, tháng tư năm Kỷ Mùi (1619), Hoàng Đế bỗng thấy được rằng, mọi việc trong nước, từ giềng mối kỷ cương đến chính sự cũng như thưởng phạt đều do phủ chúa quyết định chứ không thèm tâu lên để mình còn xem xét. Đó chính là thói của Vương Mãng(1) và Tào Phi(2). Hoàng Đế lấy làm buồn lo, bèn bí mật sai một viên nội giám thân cận, vượt rừng lên tận Cao Bằng, báo tin cho họ Mạc, khuyên họ cùng phối hợp để làm kế ngoại công nội ứng (ngoài đánh vào, trong đánh ra). Viên nội giám đi rồi, Hoàng Đế lại lo lắng vì việc chỉ huy quân nội ứng không biết nên giao cho ai.
Trước đó, Hoàng Đế vốn quen biết với con thứ của Bình An Vương Trịnh Tùng là Thái Bảo Vạn Quận Công Trịnh Xuân. Vạn Quận Công bản tính hung ác, đã có lần Bình An Vương Trịnh Tùng tính giết đi. Hoàng Đế bèn cho người mời Vạn Quận Công Trịnh Xuân vào cung, vừa khóc vừa nói rằng:
- Trẫm biết, trong các con của Bình An Vương, khanh là bậc anh hùng xuất chúng, tài trí hơn người, có thể đảm đương việc lớn của quốc gia. Nhưng, phụ vương của khanh thương con không đều, cho nên, khanh không được thỏa chí. Nay trẫm muốn bày tỏ hết tấm lòng, không rõ ý khanh ra sao.
Vạn Quận Công nghe thế thì sụp lạy mà tâu rằng:
- Tổ tiên thần đều dốc lòng phò tá hoàng triều, tiếng thơm còn lưu trong sử sách. Thần vốn hèn kém, may được bệ hạ coi như tay chân, dám đâu không hết lòng vâng theo. Bệ hạ có điều gì cần ủy thác, thần nguyện đem hết sức trâu ngựa bình sinh để đền đáp đặc ân của bệ hạ và cũng là để làm vẻ vang cho dòng họ của thần.
Bấy giờ, Hoàng Đế mới ghé tai Vạn Quận Công mà nói:
- Cha khanh là Bình An Vương, càng ngày càng lộng quyền và ngấm ngầm lừa dối, lại khinh mạn và có ý hại trẫm. Trẫm sợ là khó có thể giữ mình được lâu, vì thế, nhờ khanh liệu kế cứu trẫm thoát cảnh dầu sôi lửa bỏng, được vậy thì quả là muôn phần may mắn.
Vạn Quận Công tâu:
- Ăn lộc Hoàng Đế thì phải lo báo đáp ơn Hoàng Đế. Nay nếu thần làm điều bất trung bất nghĩa thì trời đất sẽ không dung tha cho thần. Từng nghe thánh nhân dạy: Tiền trung hậu hiếu (trung trước hiếu sau). Cha thần bất trung như thế thì thần đâu dám bận tâm với chữ hiếu nữa. Điều này thần nghĩ đến từ lâu rồi. Xin bệ hạ cứ giao trọng trách, thần xin tùy cơ mà hành động, việc nhất định sẽ thành, bệ hạ chớ lo.
Hoàng Đế cả mừng, vỗ vai Vạn Quận Công và dặn:
- Tính mạng trẫm ở trong tay khanh, khanh chớ thất tín.
Vạn Quận Công vái tạ rồi ra về, sốt sắng tìm kế. Bỗng hắn vui mừng vì cho là đã lập được mưu. Vạn Quận Công sai thợ lấy tre, đan thành hình hai con voi, xong lấy giấy bồi lên sao cho giống hệt con voi Bình An Vương vẫn cưỡi. Vạn Quận Công còn sai làm địa lôi giấu sẵn trong cấm thành, sai lính tập bắn sao cho trăm phát phải trúng cả trăm. Đêm đến, Vạn Quận Công sai người lẻn vào nấp ở ngự đạo, ngay phía sau cửa khuyết, chờ chừng nào Bình An Vương đi coi xưởng thợ về thì bắt giết. Việc thành, Hoàng Đế sẽ hả dạ còn mình sẽ được ở ngôi cao.
Hôm ấy, Bình An Vương đi coi xưởng trở về, nhưng vì voi đi thong thả nên có chậm lại ở phía sau. Địa lôi nổ sớm, chỉ đúng vào người hầu đi trước cầm lọng và hất tung lọng của Bình An Vương. Bình An Vương hoảng hốt, lập tức họp bá quan văn võ để tìm cho ra thủ phạm. Đến đó Bình An Vương mới hay Hoàng Đế và Vạn Quận Công ngày đêm ngầm tính việc này. Bình An Vương sai võ tướng là Thái Bảo Thái Tử Trấn Quận Công Trịnh Bôi và Nội Giám là Nhạc Quận Công(3) lập tức vào cung điện bắt Hoàng Đế phải thắt cổ chết, đem xác vất ở sân chầu, không cho quàn ở nhà Thái Miếu. Xong, Bình An Vương sai người đi bắt Vạn Quận Công là Trịnh Xuân giải về. Bình An Vương tức giận muốn giết ngay, nhưng lại nghĩ đạo cha con mà không nỡ, bèn truyền lệnh giam vào nhà kho, vài tháng mới thả, bắt làm dân thường, xóa tên trong tộc họ”.
Lời bàn: Trịnh Tùng chuyên quyền, đẩy Hoàng Đế nhà Lê vào chỗ hữu danh vô thực, đó là sự thật quá rõ ràng, khỏi cần bàn cũng biết. Song, giá như Lê Kính Tông trở thành người điều khiển vận mệnh quốc gia, thì sự thể sẽ như thế nào?
Dựa vào Trịnh Xuân là dựa vào kẻ vô lại, không một người bình thường nào được phép làm, vậy mà Hoàng Đế…! Kẻ ác nhân ác đức dám nghĩ chuyện giết cha, thoáng nghe tên đã đủ kinh tởm, huống chi là kết bè kết cánh với chúng. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã là câu để chỉ những trường hợp đại loại như thế này, chỉ tiếc là oan cho cả trâu lẫn ngựa, bởi vì những loài này có bao giờ hung dữ mà giết cả cha mẹ nó đâu.
Trịnh Xuân đắc ý với kế hay của mình, nhưng đọc đi đọc lại thì chẳng thấy có chút gì đáng gọi là kế, là mưu cả. Chê Trịnh Xuân sao mà kém cỏi quá chăng? Hình như hắn chưa đáng để được chê như vậy.
Bình An Vương Trịnh Tùng giết Lê Kính Tông, nhưng chỉ giam Trịnh Xuân hai tháng rồi thả và bắt làm thường dân. Thế ra, phép nước bất quá cũng chỉ như những tấm màn che rách rưới của một gánh hề nghèo nàn.
Như Trịnh Xuân mà chúa Trịnh Tùng bắt làm thường dân thì quả là chúa khinh mạn thường dân lắm, làm thường dân cho ra thường dân có phải là dễ đâu. Hạng đó, đúng nhất là phải về với địa ngục của quỷ dữ.
_______________________________________
1. Vương Mãng là kẻ đã cướp ngôi của nhà Tiền Hán mà lập ra một triều đại mới là nhà Tân (08 - 25).
2. Tào Phi là con của Tào Tháo, xưng là Ngụy Văn Đế khi mà trên danh nghĩa, nhà Hậu Hán vẫn còn.
3. Tức Bùi Sĩ Lâm