Sinh viên chọn mặt gửi vàng
Trong số hơn 62 triệu cử tri đi bỏ phiếu bầu ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, có rất nhiều sinh viên lần đầu đi bầu cử. Vinh dự, tự hào cầm lá phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, các cử tri trẻ nghiên cứu kỹ tiểu sử từng ứng cử viên, cân nhắc để lựa chọn những gương mặt xứng đáng, trong đó ưu tiên người trẻ, có trình độ học vấn và năng lực chuyên môn cao.
![]() Sinh viên trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội chuẩn bị bỏ phiếu |
Ảnh: Thủy Hòa |
6h45 ngày 22.5, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã làm lễ khai mạc bầu cử ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Sau đó, công việc kiểm tra, niêm phong hòm phiếu được nhanh chóng thực hiện để các cử tri trẻ bắt đầu bỏ phiếu vào đúng 7h.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân
Hầu hết cử tri tại các trường ĐH, CĐ đều lần đầu đi bầu cử, vì thế, công tác tuyên truyền được chú trọng và triển khai từ rất sớm, về tận từng chi đoàn, chi hội và lớp học. Khu vực bỏ phiếu số 8, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội có 1.610 cử tri, là sinh viên trường ĐH Hà Nội, tất cả đều lần đầu tiên đi bỏ phiếu. Để giúp các cử tri trẻ thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, từ cuối tháng 3, nhà trường đã dán pano, ápphích cổ động cho ngày bầu cử để bước đầu các em có thông tin về sự kiện trọng đại này. Ngày 7.4, nhà trường niêm yết danh sách cử tri, sau đó là danh sách người ứng cử. 2 ngày trước cuộc bầu cử, trường ĐH Hà Nội tổ chức hội nghị cử tri trẻ lần đầu đi bỏ phiếu. Tại đây, sinh viên được phổ biến một số quy định về bầu cử, giới thiệu tiểu sử các ứng cử viên; quyền và nghĩa vụ của công dân; yêu cầu các em thực hiện nghiêm túc quyền và trách nhiệm của mình. Theo Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Hà Nội Tôn Quang Hòa, “hội nghị cử tri trẻ lần đầu đi bỏ phiếu là cơ hội tốt để củng cố ý thức, trách nhiệm công dân của sinh viên ĐH Hà Nội trước ngày bầu cử. Vì thế, tỷ lệ sinh viên đi bầu cử khá cao và khá sớm”.
ĐH Thủy Lợi, Hà Nội cũng có tổ bầu cử riêng dành cho khoảng 1.800 sinh viên nội trú. Phó hiệu trưởng nhà trường, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 8, khu vực bỏ phiếu số 7, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, Lê Đình Thành cho biết, từ ngày niêm yết danh sách cử tri, nhà trường đã phân công người trực hàng ngày tại khu vực này để giải quyết vướng mắc của cử tri. Tổ bầu cử còn tổ chức mạn đàm về tiểu sử tóm tắt ứng cử viên ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 với toàn bộ cử tri là sinh viên… Nhờ tuyên truyền bài bản trong gần 2 tháng, sinh viên đã nắm rõ các quy định, hiểu quyền và nghĩa vụ công dân của mình, đi bầu cử đầy đủ.
Lần đầu tiên được cầm lá phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời của các cử tri trẻ. Bởi như Chủ tịch Công đoàn trường ĐH Hà Nội Nguyễn Danh Vu nói, qua lá phiếu, các em thể hiện quyền công dân, quyền lựa chọn đại biểu của mình, đồng thời gửi gắm nguyện vọng, mong muốn chọn được gương mặt xứng đáng để đại diện cho bản thân cũng như nhân dân tham gia các cơ quan quyền lực ở Trung ương và địa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho sinh viên nói riêng và cho nhân dân nói chung.
Sinh viên chọn mặt gửi vàng
Hầu hết sinh viên đều hồ hởi, phấn khởi, mặc dù có chút hồi hộp, lo lắng khi lần đầu tiên cầm lá phiếu đi bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Nguyễn Thị Hương Giang - sinh viên K55 Địa lý, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội chia sẻ: “Lần đầu tiên đi bầu cử, tôi rất hồi hộp. Tôi đến khu vực bỏ phiếu từ lúc 6h30. Tôi cảm thấy mình đã thực sự trưởng thành, được thực hiện quyền cơ bản khi sống trong nhà nước xã hội chủ nghĩa là đi bỏ phiếu, tham gia lựa chọn những người đại diện cho mình để xây dựng, lãnh đạo đất nước trong thời kỳ đổi mới”. Trước danh sách các ứng cử viên ĐBQH Khóa XIII, Giang cho biết sẽ ưu tiên đại biểu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, vì khi giỏi về kinh tế, các đại biểu có thể giúp đất nước phát triển, đem lại đời sống ấm no cho nhân dân, trong đó có sinh viên…
Hà Thị Nhàn - sinh viên K54 Xã hội học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội thì cho biết: “Tôi chọn người có trình độ cao, có những cống hiến cho đất nước. Ngoài ra, tôi cũng chú ý đến các đại biểu trẻ. Đất nước đổi mới nên rất cần lớp trẻ, những người nhiệt huyết, năng động, dám nghĩ, dám làm. Hơn nữa, việc làm của họ sẽ gần và thiết thực với cử tri trẻ hơn”.
Theo Nguyễn Mạnh Hoàng, sinh viên năm thứ 3, khoa tiếng Trung, ĐH Hà Nội, số sinh viên quan tâm đến các hoạt động chính trị của đất nước ngày càng tăng. Nhiều sinh viên theo dõi sát sao các hoạt động của Quốc hội, ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa thiêng liêng của cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIII, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. “Lần đầu tiên được đi bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, tôi đã nghiên cứu kỹ các quy định về luật bầu cử và cuộc bầu cử lần này, cũng như tiểu sử của các ứng cử viên. Là sinh viên, tất nhiên tôi chọn những người mà tôi nghĩ là biết lắng nghe tiếng nói của sinh viên, hiểu tâm tư, nguyện vọng của sinh viên và đấu tranh cho quyền lợi của sinh viên. Giá như được tiếp xúc với tất cả ứng cử viên thì sự lựa chọn của tôi có thể sẽ dễ dàng và chính xác hơn”, Nguyễn Mạnh Hoàng nói.
Trước khi quyết định gạch tên ai trong phiếu bầu, Nguyễn Thị Thu Hoài, sinh viên năm thứ 2, khoa tiếng Hàn, ĐH Hà Nội dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu tiểu sử các ứng viên. Cô cho biết: “tôi gửi gắm niềm tin vào những người có trình độ học vấn cao và kinh nghiệm làm việc tốt, hiểu biết sâu rộng, bởi những người đó nếu trúng cử, làm đúng năng lực, họ sẽ hoàn thành tốt công việc được giao, đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân, trong đó có sinh viên”.