Tạo mối quan hệ lao động tốt trong doanh nghiệp

Phạm Hạnh 11/05/2011 07:31

Cải thiện mối quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động trong thời kỳ giá cả tăng cao luôn là bài toán khó. Các doanh nghiệp phải luôn có ý thức xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa để tạo được cơ sở vững chắc thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Ngược lại, chưa giải quyết được vấn đề này, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tạo mối quan hệ lao động tốt trong doanh nghiệp ảnh 1
Nguồn:: congdoanhhanoii..orrg..vn

Với câu hỏi: mong muốn lớn nhất của người lao động trong thời kỳ giá cả tăng cao hiện nay là gì? Không cần phải suy nghĩ, bất kỳ người lao động nào cũng cùng chung câu trả lời, đó là mức thu nhập. Theo họ, nếu tiền lương, tiền thưởng của công nhân dư dả thì người lao động sẽ bớt nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền mà toàn tâm, toàn trí với công việc, gắn bó lâu dài với công ty, coi công ty như là ngôi nhà của mình. Nếu người sử dụng lao động thực hiện được điều này chắc chắn mang lại lợi ích lớn. Nhiều công nhân đều cho rằng, với mức thu nhập như hiện nay bình quân từ 2 - 3 triệu đồng một người mỗi tháng thì cuộc sống là vô cùng khó khăn. Đối với những công nhân chưa xây dựng gia đình đã khó, những gia đình công nhân trẻ, con còn nhỏ phải đi thuê nhà ở thì khó khăn chồng chất khó khăn.

Vấn đề đặt ra ở đây là, làm thế nào để doanh nghiệp giữ được chân người lao động, cải thiện mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp? Đây là vấn đề lớn cần được giải quyết sớm và thấu tình đạt lý vì mối quan hệ giữa người lao động và ngườâi sử dụng lao động được ví như huyết mạch, quyết định sự sinh tồn và phát triển của doanh nghiệp. Trong trường hợp nghiêm trọng, mối quan hệ lao động giữa người lao động với ngườâi sử dụng lao động có xu hướng xấu đi, rất có thể dẫn đến những mâu thuẫn gây hậu quả khó lường trong doanh nghiệp như: kiện cáo, đình công, thậm chí còn làm cho doanh nghiệp đứng bên bờ vực thẳm của phá sản. Hiện nay, không chỉ đối với những doanh nghiệp trong nước mà quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực, người sử dụng lao động đã từng bước tự nguyện tuân thủ và thực hiện tốt các quy định có liên quan đến người lao động. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động của các cơ quan chức năng và tổ chức Công đoàn diễn ra thường xuyên hơn, hiệu quả là ngày càng có nhiều doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản trên luật có lợi cho người lao động.

Với quan niệm: vì công nhân cũng là vì doanh nghiệp nên ngày càng có không ít doanh nghiệp chủ động chăm lo đời sống cho công nhân lao động. Điển hình như công ty Việt Nam Samho, ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng công ty vẫn bảo đảm  quyền lợi cho người lao động, bảo đảm lương và thực hiện đầy đủ các khoản phụ cấp khác. Công ty còn hỗ trợ để công đoàn mở cửa hàng bán các mặt hàng nhu yếu phẩm cho công nhân theo giá gốc và nếu công nhân chưa đủ tiền thì có thể trừ lương vào tháng sau. Còn Chủ tịch công đoàn Công ty May Minh Thắng, Hà Nam Phan Minh Thắng thì, doanh nghiệp phải hiểu người lao động cần gì và tổ chức công đoàn phải hoạt động thiết thực để người lao động yên tâm tham gia tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn phải làm cho doanh nghiệp hiểu, hoạt động công đoàn góp phần giúp cho doanh nghiệp phát triển ổn định, hướng đến mục tiêu cuối cùng là sự ổn định của công ty.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Ngoài khoản phụ cấp, nhiều doanh nghiệp luôn quan tâm động viên người lao động thi đua sản xuất, bằng việc phát động phong trào thi đua bàn tay vàng với nhiều giải thưởng có giá trị, công nhân đạt danh hiệu lao động xuất sắc, lao động tiên tiến còn được tuyên dương khen thưởng động viên kịp thời. Theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quang Trung, những hoạt động này thật sự là những điển hình mà những người sử dụng lao động cần áp dụng, nhân rộng để tạo mối quan hệ lao động giữa chủ doanh nghiệp với người lao động.

Thực tế, sự đồng thuận, chia sẻ khó khăn với người lao động chính là sợi dây thắt chặt hơn niềm tin của người lao động đối với người sử dụng lao động cũng như tổ chức công đoàn. Một khi người lao động tin tưởng và ngày càng gắn bó hơn với doanh nghiệp, thi đua sản xuất, sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, nâng cao đời sống chính họ.

Phạm Hạnh