Thơ mới, một vài nửa kia

Hoài Nam 04/05/2011 07:51

Đọc lại bài tiểu luận Một thời đại trong thi ca đặt ở đầu sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, chẳng khó khăn gì lắm để nhận thấy nhà phê bình tài hoa đã vui mừng và xúc động đến thế nào khi được là người cùng thời, được là người chứng kiến những cái xưa nay chưa từng có ở Thơ Mới. Duy có một điều Hoài Thanh không đề cập (vì nó không mấy quan trọng chăng?), đó là sự tăng bội của các tác giả nữ.

Hà Giang Ảnh: Nguyễn Quang Tuấn
Hà Giang Ảnh: Nguyễn Quang Tuấn

Suốt mười thế kỷ trước đó, gạn đến hết mức, số tác giả nữ lưu danh trong thơ ca Việt Nam có lẽ không quá số ngón trên hai bàn tay. Nhưng chỉ với trên một thập kỷ Thơ Mới, căn cứ theo sách Thơ Mới 1932 - 1945, tác giả và tác phẩm (NXB Hội nhà văn, 2004), đã có tới gần mười lăm nhà thơ nữ. Xét theo tương quan giữa độ dài thời gian và lượng tác giả, thông số nêu trên không phải không có ý nghĩa.

Nó cho thấy rõ ràng là xã hội Việt Nam, dưới tác động của sự gặp gỡ với phương Tây - “cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ”, chữ của Hoài Thanh - đã thay đổi, đã mở rộng các điều kiện để nữ giới có thể được học hành, tiếp cận văn chương, tập sáng tác và công bố sáng tác văn chương của mình rộng ra trong đời sống. Chữ quốc ngữ, trường nữ học, báo chí và nhà xuất bản chính là những điều kiện rất thuận lợi như vậy. Nhưng phải nói ngay rằng những điều kiện thuận lợi đó không chỉ làm cái việc duy nhất là đưa các tác giả nữ “thêm vào” ngôi đền thiêng thơ ca - như một phép cộng số học đơn giản. Trong một vài trường hợp nhất định, các tác giả nữ của Thơ Mới còn làm được nhiều hơn thế.

Trước hết là trường hợp tác giả Nguyễn Thị Manh Manh, tức Nguyễn Thị Kiêm (sinh năm 1914, không rõ năm mất). Những năm 1930, bà làm việc tại tòa soạn báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn. Bà là một trong số những cây bút đầu tiên làm thơ theo lối mới và đã nhiều lần đăng đàn diễn thuyết để bênh vực cho thơ mới. Sách Thơ Mới 1932 - 1945, tác giả và tác phẩm có tuyển bốn bài thơ của bà: Viếng phòng vắng, Canh tàn, Bức thư gởi tất cả ai ưa hay là ghét bỏ lối thơ mới, Bà La Fugie, nhà thám hiểm và họa sỹ. Trong số đó, bài Viếng phòng vắng - bài thơ đầu tay của bà - mang đậm dấu vết của một thể loại thơ cổ, ấy là từ khúc. Bài Canh tàn là một thể nghiệm (còn xa mới nhuần nhuyễn) của thơ năm chữ. Hai bài còn lại, mượn cách nói của Hoài Thanh, phải gọi là “một cuộc xâm lăng của văn xuôi” trong địa hạt thơ. Thế nhưng, nếu không dừng lại ở việc thưởng thức, mà đẩy xa hơn, tức là tìm hiểu và cắt nghĩa, ta sẽ nhận thấy Nguyễn Thị Manh Manh là người có công với Thơ Mới. Nội việc một người đàn bà, ở cái xứ và vào cái thời mà truyền thống coi nhẹ nữ giới vẫn còn rất nặng căn, dám chường mặt ra trước công chúng để diễn thuyết, để hô hào cổ súy, đó đã là sự lạ. Mà lại là diễn thuyết cổ súy cho “thơ mới”, thứ thơ lần đầu tiên xuất hiện và đang chịu không ít sự dè bỉu, thậm chí ác cảm, từ những tác giả đại diện cho “thơ cũ” có bề dày cả nghìn năm, thì đó là sự lạ nhân đôi. Cuộc diễn thuyết của bà vào ngày 26.7.1933 tại Hội Khuyến học Sài Gòn đã khai màn cho một loạt cuộc diễn thuyết tiếp theo, trong khoảng 1934 - 1936, của Lưu Trọng Lư, Đỗ Đức Vượng, Vũ Đình Liên, Trương Tửu. Cộng với sự hưởng ứng của báo chí, các cuộc diễn thuyết này quả thực đã khơi dậy làn sóng sáng tác và thưởng thức thơ theo lối mới một cách mạnh mẽ, góp phần dẫn đến sự toàn thắng của Thơ Mới. Nhưng khá đặc biệt là khi thơ mới vẫn đang trong cuộc chiến “cù cưa” với thơ cũ, thì trên Phụ nữ tân văn số ra ngày 14.12.1933, Nguyễn Thị Manh Manh lại cho in bài Bức thư gửi tất cả ai ưa hay là ghét bỏ lối thơ mới, thể hiện một cái nhìn khá “thân ái” với thơ cũ, bênh thơ mới nhưng không theo cách quyết liệt tranh thắng cho bằng được. Tốt nhất, chúng ta hãy đọc những câu cuối của bài (thật khó có thể gọi là thơ) này: “Kết luận chuyện mới gần thành chuyện cũ/ Các bạn ơi, cãi với nhau thét đã nhàm rồi/ Làng thơ, thơ mới, thơ cũ, có đủ/ Thơ xưa là đất cũ, thơ nay tỉ đất bồi/ Đất trước để yên, đất sau lo xới / Đất mới thì ít khô khan hơn đất đã dụng rồi/ Rủ nhau khai phá, cất thêm sở mới/ Nếu thật tình mong cây thơm mọc nhánh đâm chồi/ Bây giờ tôi thử khuyên khách làm thơ/ Đổi lại, ai ưa thơ mới lo tìm chỗ dở/ Ai ghét, rán kiếm cái hay của thơ/ Vậy, chê khen có giá trị, hoa mới sẽ nở”. Nói gọn, ít nhất, với Nguyễn Thị Manh Manh, phải ghi nhận rằng trong sự thành công của Thơ Mới là có phần đóng góp không nhỏ của người cầm bút thuộc “phái khăn yếm”.

Vào thời điểm cực thịnh của Thơ Mới (ước định trong khoảng từ 1937 đến 1941), phía tác giả nữ có một cái tên đáng chú ý: Anh Thơ. Bà là người được giải khuyến khích về thơ của Tự lực văn đoàn vào năm 1939, với tập Bức tranh quê. Cần phải nhớ rằng giải Tự lực văn đoàn là một giải thưởng văn chương vào loại danh giá nhất thời bấy giờ. Và việc văn đoàn Tự lực, vốn rất quan tâm đến các vấn đề về nông thôn Việt Nam, trao giải cho tập thơ của Anh Thơ, thì hẳn là “phải có ý gì”? Câu trả lời nằm ở chính nhan đề của tập thơ - một vùng đề tài đã được “quy hoạch”: đó là làng quê Việt Nam với tất cả dáng vẻ và sự sống động của nó trong không gian, qua thời gian. Có thể nói, Bức tranh quê của Anh Thơ đúng là... bức tranh quê. Nghĩa là tất thảy những gì thuộc về cảnh sắc, con người, sinh hoạt của làng quê lọt vào tầm mắt người thiếu nữ đôi mươi thì đều được bà tả lại đầy đủ, tỉ mỉ, theo kiểu một nhà dân tộc học đang tiến hành ghi chép tư liệu điền dã. Thế nhưng, cũng có những lúc Bức tranh quê lóe sáng, như sự ghi nhận của Hoài Thanh: “Thơ không cốt tả mà cốt gợi, gợi cảnh cũng như gợi tình. Cho nên mỗi lần Anh Thơ chịu đi ra ngoài lối tù túng đó để nhìn cảnh vật một cách sâu sắc hơn, lời thơ bỗng trở nên rộng rãi không ngờ và ta thấy khoan khoái biết bao. Sau câu thơ ta mơ hồ thấy một cái gì: có lẽ là hồn thi nhân”. Hoài Thanh chỉ dẫn ra năm ví dụ, nhưng trên thực tế, nếu đọc kỹ Bức tranh quê, khó tính mấy thì cũng phải nhận rằng những câu thơ hay như “Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác / Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay” nhiều hơn thế gấp nhiều lần. Chúng rải suốt tập thơ, tạo thành những điểm nhấn ấn tượng trên nền của một thứ thơ tả chân nhàn nhạt. Dù sao đi nữa, chính thứ thơ tả chân ấy có lẽ cũng góp phần khiến thơ của Anh Thơbiệt hẳn ra một lối (Hoài Thanh). Và nhìn trong toàn bộ phong trào Thơ Mới, nếu không có một Thôn ca của Đoàn Văn Cừ làm đối trọng, thì hẳn Bức tranh quê của nữ thi sỹ Anh Thơ đã độc chiếm danh vị “một ghi chép dân tộc học bằng ngôn ngữ thi ca” về làng quê Việt Nam trước 1945!

Nếu thơ của Anh Thơ mang nồng hơi thở đồng nội, thì thơ của Ngân Giang lại... đậm hương phấn sáp! Ngân Giang (1916 - 2002) ngay từ nhỏ đã được học chữ Hán và rất yêu thích thơ Đường. Mười ba tuổi bà đã có thơ đăng trên tờ Trung Bắc tân văn. Mười sáu tuổi bà cho ra mắt tập thơ đầu tay Giọt lệ xuân, bút danh Hạnh Liên. Tình ái, nhất là những mối tình dang dở bất hạnh, đó là nguồn mạch chủ yếu trong thơ Ngân Giang. Và ở lãnh địa này, theo chủ quan của tôi, Ngân Giang xứng đáng được coi là tác giả xuất sắc nhất trong số các nữ thi sỹ của Thơ Mới. Các tác giả Nguyễn Vinh Phúc và Đặng Thị Hảo nhận định: “Thơ tình của bà có nỗi cô sầu thăm thẳm của hơi thơ cổ điển, lại có cái duyên nồng nàn lãng mạn của giọng điệu Thơ Mới nên thực sự hấp dẫn” (Dẫn theo Từ điển văn học, bộ mới, tr1050). Điều lạ là trong Thi nhân Việt Nam không có bà, dẫu chỉ là một cái tên được gọi ra chứ không có thơ được tuyển, như trường hợp của Trần Huyền Trân, cũng không có! Chúng ta nhớ lại: khi viết về Mộng Tuyết, Hoài Thanh có ý khen rằng trong thơ Mộng Tuyết có một người đàn bà thứ thiệt, chứ không phải một người đàn bà do trí tưởng của thi nhân đàn ông tạo ra, rằng nó có vẻ yêu kiều riêng mà ngòi bút đàn ông khó viết ra được. Lời khen ấy giá mà được “dán” vào thơ Ngân Giang, thiết nghĩ sẽ có phần đích đáng hơn. Tốt nhất là chúng ta hãy đọc lại bài Trưng Nữ Vương nổi tiếng của bà, viết năm 1939: “Thù hận đôi lần chau khóe hạnh/ Một trời loáng thoáng bóng sao rơi/ Dồn sương vó ngựa xa non thẳm/ Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi/ Ngang dọc non sông đường kiếm mã/ Huy hoàng cung điện nếp cân đai/ Bốn phương gió bão dồn chân ngựa/ Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai/ Máu đỏ cốt xương thù vạn cổ/ Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai/ Hồn người chín suối cười an ủi/ Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi/ Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận/ Non Hồng quét sạch bụi trần ai/ Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận/ Gót ngọc gieo hoa ngắt mấy trời/ Ải bắc quân thù kinh vó ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi/ Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá/ Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi”. Bài thơ đẹp một cách sang trọng, cổ kính, và cũng thấm đẫm tình. Cái tình của một bà hoàng - góa phụ. Cái tình của một nữ vương ý thức rất rõ quyền uy của mình, niềm kiêu hãnh của mình, trách nhiệm của mình, sự mất mát đau đớn của mình. Vừa mới làm bạt vía quân thù nơi ải Bắc, nữ vương đã thấm ngay cái lạnh của tấm khăn tang (khăn trở) trên đầu. Hai câu kết: “Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá/ Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi” quả là một lời cảm thán bất giác đầy chất... “chị em”, dường như không một đấng tu mi nào có thể viết như thế được!

Từ sau năm 1945, càng lúc các tác giả nữ xuất hiện càng nhiều hơn trên thi đàn Việt Nam. Đó là điều đáng mừng. Nhưng đôi khi “nhiều” dễ dẫn đến “nhạt”. Những khi ấy, có lẽ ta nên nhìn lại “một thời đại trong thi ca”, đọc lại tác phẩm của “nửa kia” của Thơ Mới. Và nghĩ tới câu “quý hồ tinh...”?

Hoài Nam