Công nhân nhà máy điện hạt nhân Fukushima I: Hy sinh cho những hy sinh

Hằng Linh 30/04/2011 07:34

Kể từ sau trận động đất kinh hoàng ngày 11.3, mọi sự chú ý trên thế giới đều đổ dồn vào cuộc chiến “không tiếng súng” và tinh thần lao động bất khuất, quên mình của các công nhân Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) và các công ty liên quan để khắc phục sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân I ở tỉnh Fukushima, phía Đông Bắc Nhật Bản. Tuy nhiên, ít người biết một cuộc chiến khác cũng không kém phần quyết liệt nơi hậu phương của “những chú lính chì dũng cảm” này.

Những công nhân đã sẵn sàng đối mặt với cái chết Nguồn: India online news
Những công nhân đã sẵn sàng đối mặt với cái chết

 Nguồn: India online news

Vượt lên sợ hãi

Theo nhật báo Asahi, sau những nỗ lực bất thành đổ nước làm mát lò, 800 nhân viên nhà máy đã bất lực với những thanh nhiên liệu “bất kham” và lò đã phát nổ. Nhà máy để lại 50 người, số người ít nhất còn lại nhằm đảm bảo hoạt động cần thiết. 750 người khác tạm thời phải rời khỏi nhà máy do nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ đã vượt quá khả năng chịu đựng của con người. Bất chấp nồng độ phóng xạ đã tới mức nguy hiểm cho tính mạng con người. Những chiến sỹ còn lại âm thầm làm việc, âm thầm vượt qua nỗi sợ hãi.

Sáng 15.3, các nhân viên cuối cùng phải làm việc trong điều kiện nồng độ phóng xạ đo được trong nhà máy là 400 milisievert. Thời gian làm việc của mỗi người chỉ được tối đa 15 phút. Sóng thần tấn công sau dư chấn, điện mất, toàn bộ nhân viên nhà máy phải dò dẫm trong đêm tối. Dư chấn vẫn liên tục làm rung chuyển nhà máy trong khi loa phóng thanh tại nhà máy luôn vang lên rằng các nhân viên không được rời bỏ vị trí làm việc. Thiết bị đo nồng độ phóng xạ mang bên người các nhân viên liên tục duy trì ở con số 400 milisievert.

Từ chiều ngày 12.3, Nhà máy mở van giữ hơi nước trong bể chứa lò phản ứng số 1 để hạ áp suất. Một nhân viên nam, người chịu trách nhiệm mở van nhà máy để xả bớt hơi nước ra khỏi lò, đã bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức 100 milisievert và xuất hiện tình trạng nôn mửa nên được chuyển đến bệnh viện lập tức.

Do nồng độ phóng xạ lên rất cao và không phải ai cũng thực hiện được thao tác mở van nên người thực hiện nhiệm vụ hiểm nguy kể trên phải là người có kinh nghiệm và cũng là người trực tiếp phụ trách công tác này, hiểu rõ những ngóc ngách của lò phản ứng số 1.

Để bước vào công việc đầy khó khăn đó, người mở van phải trang bị áo chì phòng hộ đặc biệt bao bọc toàn bộ cơ thể kèm mặt nạ dành cho người làm việc trong môi trường độc hại. Tuy nhiên, chỉ sau 10 phút vặn van, toàn cơ thể của người này đã phơi nhiễm một lượng tia phóng xạ có cường độ gấp 100 lần lượng phóng xạ mà một người bình thường phơi nhiễm trong vòng 1 năm.

Những công nhân ở lại đã phải sống trong những điều kiện vô cùng gian khổ. Họ phải đeo khẩu trang suốt cả ngày. Khẩn phần ăn chỉ là bánh quy, nước hoa quả vào buổi sáng, cơm và đồ hộp vào buổi tối. Giường là những túi ngủ trên sàn nhà giữa các ca làm việc. Do mỗi công nhân chỉ được cung cấp 1,5 lít nước/ngày nên việc tắm rửa là không thể, thay quần áo cũng cực kỳ hãn hữu. Mặc dù TEPCO đã có kế hoạch sử dụng máy bay trực thăng để cung cấp lương thực và đồ dùng thiết yếu cho các công nhân nhưng kế hoạch này đã không thể thực hiện do nồng độ phóng xạ cao ở đây.

Hy sinh nơi hậu phương

Không giống như các công nhân đang làm việc tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I, những người vợ và những người thân yêu khác của họ đang tham gia vào một cuộc chiến “không tiếng súng khác”. Ngoài lo lắng bộn bề về những khó khăn trong giai đoạn hậu thảm họa kép như những người dân bình thường, họ còn sống trong tâm trạng phấp phỏng, lo âu khi chờ đợi những người đang ngày đêm phải đối mặt với nguy hiểm trở về nhà. Dẫu vậy, họ vẫn quyết tâm hy sinh tình cảm bản thân để ủng hộ chồng mình tham gia vào việc xử lý sự cố ở nhà máy điện hạt nhân.

Phát biểu với phóng viên của nhật báo Yomiuri, một phụ nữ ở tuổi 40 có chồng đang làm việc tại khu vực nguy hiểm này kể lại: Bảy ngày sau khi họ rời nhà nằm trong khu vực sơ tán có bán kính 20km từ nhà máy hạt nhân tới căn hộ bên ngoài tỉnh Fukushima, tối ngày 19.3, chồng chị thông báo: “Sáng mai, anh sẽ đi làm”. Vào thời điểm đó, chị thực sự muốn hỏi “Anh có buộc phải đi hay không?”. Tuy nhiên, chị đã kiềm chế và chỉ đáp lại “em biết rồi”. Buổi sáng hôm sau, chị và con gái đã tiễn anh trở về nhà máy.

Họ đã lấy nhau được 20 năm và có hai người con. Con trai của họ đang là sinh viên trong khi con gái mới học trung học. Chị kể rằng chồng mình rất tự hào về công việc của mình vì “nó sản xuất ra điện cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của người dân”. Khi tiễn anh đi, chị nói với con gái: “Cha con đã quyết định tới nhà máy đó bởi vì cha thấy có trách nhiệm với công việc của mình. Cha đang làm việc vì mọi người”. Cô con gái của họ cười đáp lại: “Cha thật vĩ đại. Ông ấy là một người anh hùng”.

Một vài ngày sau đó, người công nhân này đã trở về nhà và nói với vợ một thực tế nguy hiểm: “Anh đang làm việc tại một nơi có nồng độ phóng xạ cao”. Và chị hiểu rằng công việc của chồng mình thực sự gian khổ.

Cũng giống như người phụ nữ trên, một người phụ nữ 61 tuổi khác có chồng đang là nhà thầu phụ cho một công ty đối tác của TEPCO cũng đã phải trải qua những giây phút căng thẳng. Bà đã tâm sự với tờ Yomiuri: “Tôi ước mình có thể khuyên ông ấy đừng đi nữa”.

Sau trận động đất kinh hoàng ngày 11.3, ông bà đã tới trú tại một khu sơ tán dành cho nạn nhân động đất ở Koriyama, tỉnh Fukushima. Mười ngày sau đó, điện thoại của người đàn ông này rung lên và ông đã nói “tôi muốn làm công việc đó. Chắc chắn như vậy”.

Trong thâm tâm, người vợ không muốn chồng đi tới Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I, nhưng bà vẫn im lặng bởi bà hiểu rằng tại sao ông ấy cần đi tới đó. Chồng bà có trách nhiệm với gia đình, trong đó có khoản vay mua nhà và tiền học phí cho cô con gái, cũng như trách nhiệm đối với cuộc sống của các nhân viên trong công ty. Hai tuần sau đó, ông trở về trấn an vợ “Tôi không tới bất cứ nơi nào nguy hiểm cả” nhưng trông ông ấy thực sự kiệt sức.

Cũng giống như hai người phụ nữ trên, hôm 4.4, một người phụ nữ ở tuổi 30 đã tiễn chồng tới nơi làm việc ở nhà máy điện hạt nhân đang gặp sự cố. Tiễn anh lên đường, chị dặn “Hãy cẩn thận nhé”, rồi chờ cho đến khi, chiếc xe ô tô của anh đi khuất. Đây là lần thứ ba chồng chị phải tới nhà máy kể từ sau trận động đất.

Nhà họ ở thị trấn Futabamachi, tỉnh Fukushima, nằm trong bán kính 20km kể từ nhà máy điện hạt nhân này. Vì vậy, sau khi thảm họa xảy ra, gia đình họ đã phải di chuyển tới một khu sơ tán thuộc thị trấn Inawashiromachi trong tỉnh. Hôm 20.3, chồng chị đã lần đầu tiên quay lại nhà máy để thực hiện công việc sửa chữa. Anh làm việc ở gần lò phản ứng số 4 của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I.

Chị muốn thảo luận với chồng về việc tìm trường học mới cho con và họ sẽ sống như thế nào trong tương lai nhưng anh không có ở đó. Chị cố kìm mình không gọi cho chồng nhiều để tránh làm ảnh hưởng tới công việc của anh. Một tuần sau đó, người chồng lại trở về với tâm trạng cực kỳ mệt mỏi và đôi mắt đỏ ngầu “Bọn anh đã phải ngừng làm việc vì nồng độ phóng xạ cao. Anh bị phơi nhiễm phóng xạ cao hơn trước rồi”.

Trong bóng đêm của nhà máy, trước nỗi lo nhiễm xạ và động đất, những nhân viên Nhà máy điện hạt nhân số I ở Fukushima vẫn không rời bỏ vị trí. Có lẽ họ cũng hiểu rằng chỉ một phút yếu lòng, bỏ mặc các thanh nhiên liệu đang nóng lên từng phút trong lò ấy để bảo toàn mạng sống thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Và những người thân yêu luôn đồng cảm với những hy sinh này. Họ cũng phải hy sinh cho những hy sinh của người nơi chiến tuyến.

Hằng Linh