Về nơi khởi nguồn quan họ

Phạm Thuận Thành 27/04/2011 07:22

Sau tết Nguyên Đán, các làng quê Bắc Ninh rộn rã sắc màu hội xuân. Hòa vào dòng người trẩy hội, ta hãy rẽ vào nơi sơn thủy hữu tình cùng dự hội đền Vua Bà thủy tổ Quan họ Bắc Ninh để nghe, để thấy vẻ đặc sắc hội xuân nơi đây.

Múa cờ trong lễ hội Vua Bà 
Múa cờ trong lễ hội Vua Bà

Làng Diềm (tên tự là Viêm Xá) thuộc xã Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) là làng Việt cổ nằm dọc theo núi Kim Sơn một bên, sông Cầu một bên. Dân số ngày nay trên 3.000 người. Làng to, dân đông, sống thuần nông nên luôn bảo tồn được không gian làng quê Việt thuần nhất. Những ngõ nhỏ chỉ lọt gánh rơm chạy dài hun hút nay dù được trải bê tông sạch sẽ nhưng vẫn cho thấy làng quê này đất lành chim đậu, xóm làng trù mật, phồn thịnh. Tuy đất quý như vàng nhưng làng vẫn dành một không gian rộng rãi, thoáng đãng ở ngay đầu làng làm nơi sinh hoạt tâm linh, gồm cụm di tích đình, chùa, đền Vua Bà và đền Cùng - giếng Ngọc. Truyền thuyết Vua Bà lại một lần nữa nói rằng đây là nơi đất lành chim đậu từ xa xưa.

Thời Hùng Vương, công chúa Nhữ Nam đi du ngoạn núi sông. Bỗng bà gặp cơn phong vũ cuốn lên trời rồi đưa đến trang Viêm Xá. Thấy phong cảnh hữu tình, bà cho là điềm trời xui khiến nên đã ở lại dạy dân trồng dâu nuôi tằm dệt vải. Những khi nông nhàn bà lại dạy dân làng ca vũ và lề lối hát tập thể. Từ một làng, điệu hát, lề lối hát được truyền sang nhiều làng trong vùng. Trải qua thời gian, cách hát của Vua Bà dạy dân làng đã trở thành nghệ thuật hát Quan họ. Những làng có chung nghệ thuật hát này gọi là làng Quan họ gốc. Qua khảo sát, có bốn mươi chín làng quan họ gốc, chủ yếu thuộc tỉnh Bắc Ninh và một số thuộc tỉnh Bắc Giang. Mọi người đều tôn công chúa Nhữ Nam là Vua Bà thủy tổ Quan họ. Làng Diềm có đền thờ và tôn Vua Bà là thành hoàng. Nghệ thuật hát Quan họ do Vua Bà khởi xướng nay đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Người làng Diềm tự hào và nguyện giữ bền tập tục ngàn xưa truyền lại.

Hội đền Vua Bà vào ngày mồng sáu tháng hai âm lịch hằng năm. Trong lễ hội có những tập tục độc đáo kỷ niệm Vua Bà. Đó là tục “cướp cầu” mong mưa thuận gió hòa. Trước khi diễn trò cướp cầu có lễ cầu đảo do các già làng thực hiện. Lời khấn có câu: “Trước đền có một cây đa/ Vương Mẫu hạ giới thực là Chúa Tiên/ Vạn thế hương hỏa lưu truyền/ Dân vì hạn hán mở đền cầu mưa”. Trò cướp cầu diễn ở ngay sân đền. Người ta vạch đôi sân thành bên đông và bên tây, đào hai hố sâu nửa mét. Mỗi bên có năm trai tân khỏe mạnh vào đội cướp cầu. Ông chủ hội tung cầu khai hội, hai bên xông vào cướp cầu rồi truyền cho nhau ném vào hố của bên mình. Bên nào ném trúng trước là thắng. Tương truyền năm nào bên đông thắng thì năm ấy mưa thuận gió hòa, dễ làm ăn. Hiện trong hậu cung đền Vua Bà luôn có ba quả cầu sơn đỏ đặt trước tượng thờ để dùng trong nghi thức cướp cầu.

Sau hội cướp cầu là màn múa cờ. Trong tiếng trống chiêng rộn rã, nam thanh nữ tú rước cờ từ cửa đền đi ra sân rồi chạy theo ngược chiều kim đồng hồ khắp vòng sân, sau đó cuộn dần vào giữa. Quan niệm dân gian đây là tượng trưng cho mầm cây mọc lên mạnh mẽ báo hiệu vạn vật sinh sôi phồn thịnh trong năm mới.

Sau màn múa cờ là nghi thức rước kiệu Vua Bà ra bến sông lấy nước. Nước ấy gọi là nước thiêng, dùng để tắm tượng, tưới cây, tưới ruộng làm phép cho cây cối phát triển tránh mọi sâu bệnh, người thì tránh ôn dịch.

Sau các nghi thức cầu đảo là sinh hoạt ca hát Quan họ.

Làng Diềm có khoảng mười “bọn Quan họ”. Mỗi bọn kết nghĩa với một bọn ở làng khác trong vùng. Vào ngày hội đền Vua Bà, các bọn Quan họ kết nghĩa khăn gói đến làng tụ tập ca hát thâu đêm suốt sáng để tưởng nhớ đức Vua Bà thủy tổ Quan họ. Nhà đăng cai cho hai bọn kết nghĩa hát gọi là “nhà chứa”. Ngoài các anh hai, chị hai, anh ba, chị ba... còn có cả các lứa Quan họ măng non của mỗi bọn đi theo học nghề và giữ nhịp kết nghĩa lâu bền. Khi ăn cơm thết đãi bọn kết nghĩa tất cả đều ngồi chung một mâm. Tục lệ Quan họ không lấy nhau trong bọn kết nghĩa được gìn giữ để canh hát thâu đêm luôn ý vị và trong sáng truyền đời.

Để canh hát thâu đêm thêm phần hấp dẫn, thường có các cuộc thi đối đáp theo lề lối xưa: ban đầu là 36 làn điệu, 72 câu gốc, sau đó là hát vặt tha hồ vận dụng các làn điệu. Thường trong số mỗi bọn đều có người giỏi ứng đối, đặt câu, bẻ giọng. Vì thế mà các làn điệu Quan họ ngày càng phong phú hơn. Các nhà nghiên cứu Quan họ kết luận có đến mấy trăm làn điệu cổ.

Về dự hội đền Vua Bà thủy tổ Quan họ, ta còn được chiêm ngưỡng một kiến trúc độc đáo, đó là ngôi đình làng ngay cạnh đền Vua Bà. Đình không to lớn như một số đình khác, nhưng cột lim đúng là “to như cột đình” mấy người ôm mới xuể. Đặc sắc nhất là bộ cửa võng bốn tầng sơn son thếp vàng, chạm khắc tinh diệu chạy suốt từ nền lên nóc. Hệ thống kết cấu cổ nặng nề vậy mà những người thợ mộc tài ba đã liên kết lực khéo léo khiến độ bền ngôi đình chịu được nắng mưa thời gian đã trên bốn trăm năm. Đình được dựng từ năm Chính Hòa thứ 13 (1692) và xứng với câu ca truyền tụng trong vùng: “Thứ nhất là đình Đông Khang/ Thứ nhì đình Báng, vẻ vang đình Diềm”.

Phạm Thuận Thành