Burkina Faso không yên tĩnh

Nguyễn Minh 24/04/2011 07:26

Làn sóng biểu tình hỗn loạn chưa từng thấy suốt hai tháng qua mới đây đã buộc ông Tertius Zongo của đảng cầm quyền phải rời chức vụ Thủ tướng. Chấp nhận mất cánh tay phải, Tổng thống Blaise Compaoré hy vọng có thể làm dịu cơn phẫn nộ của dân chúng, tránh một cuộc cách mạng có thể phải đánh đổi bằng chính chiếc ghế ông nắm giữ từ năm 1987.

Tổng thống Blaise Compaoré đối mặt với nhiều thách thức Nguồn: AP
Tổng thống Blaise Compaoré đối mặt với nhiều thách thức

 Nguồn: AP

Thủ tướng mới của Burkina Faso, ông Luc - Adolphe Tiao tối 21.4 đã công bố thành phần nội các mới gồm 29 thành viên, trong đó Tổng thống Compaoré giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Tân Thủ tướng cam kết, năng lực và ý thức đối với lợi ích chung là hai tiêu chuẩn chính khi ông lựa chọn các bộ trưởng cho Chính phủ cởi mở của mình. Nội các mới, theo ông Riao, là khá gọn nhẹ (với 29 so với 38 thành viên trong chính phủ trước), bao gồm những người nhiệt huyết và chấp nhận hy sinh để đưa đất nước tiến lên.

 Burkina Faso, xếp thứ 117 trong tổng số 182 nước theo chỉ số phát triển con người của LHQ, là một trong những nước nghèo nhất thế giới, với gần nửa dân số sống với chưa đến 1 USD/ngày. Với 80% dân số trong độ tuổi lao động, nhưng nước này sống chủ yếu bằng nông nghiệp, ngành chiếm tới 32% GDP. Ngành trồng bông, từng đưa Burkina Faso thành nước sản xuất bông lớn nhất châu Phi và là nguồn thu nhập chính, đang trong cơn khủng hoảng.

Nói thì dễ, nhưng bắt tay vào làm lại là chuyện khác. Xuất thân là một nhà ngoại giao làm báo, vị Thủ tướng 56 tuổi của Burkina Faso (từng là Tổng biên tập nhật báo Sidwaya và là người đứng đầu Hội đồng Truyền thông Tối cao) trước đây chưa từng nắm giữ một chức vụ nào trong Chính phủ. Vì thế, cái khó đầu tiên chính là sự thiếu kinh nghiệm trong điều hành Chính phủ. Là người ngoại đạo, với các thành viên Nội các đều thuộc đảng cầm quyền hay phe của Tổng thống, ông Tiao có dám đoạn tuyệt cái cũ không hay vẫn chỉ là “nồi nước dùng cũ”. Một số nhà phân tích cho rằng, tân Thủ tướng sẽ không sử dụng thứ ngôn ngữ ngoại giao cứng nhắc để điều hành trong bối cảnh tình hình đầy biến động, mà sẽ cố gắng giành lại con tim của dân chúng với lối nói gần gũi và chân tình như ông đã thể hiện trong lễ ra mắt Nội các mới.

Cái khó nữa đối với Chính phủ mới của Burkina Faso là tình hình trong nước đang rất nguy cấp. Các cuộc biểu tình ở quốc gia châu Phi này tiếp tục gia tăng, bất chấp Tổng thống Compaoré đã tiến hành một số biện pháp nhằm xua vơi nỗi bất mãn của những người biểu tình, kể cả việc thành lập một Chính phủ mới. Nhiều binh sỹ cùng cảnh sát bán quân sự đã đổ ra đường phố bắn chỉ thiên, đốt và cướp phá nhà của tư lệnh quân đội chính phủ ở thành phố Kaya ở miền Bắc. Đây là lần đầu tiên cảnh sát tham gia cuộc nổi loạn bắt nguồn từ thủ đô Ouagadougou trung tuần tháng 4 này. Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở Koudougou thuộc miền Tây nước này đã biến thành các cuộc bạo động khi những thanh niên quá khích đốt phá các cơ sở của đảng cầm quyền và nhà ở của cựu Thủ tướng Zongo.

Khủng hoảng kinh tế cũng đang gõ cửa Burkina Faso. Các cuộc biểu tình bùng phát do giá cả leo thang chóng mặt tại quốc gia sản xuất bông này. Gây hoang mang nhất có lẽ là các cuộc nổi loạn của binh lính ngày nối tiếp ngày. Giới cầm quyền ở Ouagadougou lo ngại sự bất bình trong lực lượng vũ trang sẽ còn tăng lên và lan sang giới dân sự, chứa đựng nguy cơ bùng nổ lớn do dân chúng ngày càng nghèo. Đó là hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế và nạn tham nhũng tràn lan. Thêm vào đó là tình trạng quản lý tồi trong ngành khai khoáng – khu vực kinh tế lớn thứ hai (sau ngành bông) của đất nước 16 triệu dân này; rồi vấn đề phân phối của cải của đất nước…

Trong tình thế này, Chính phủ của ông Tiao phải tiến hành cải cách ngay lập tức nếu không muốn thấy một cuộc cách mạng nổ ra tương tự như các cuộc Cách mạng hoa nhài ở Tunisia và Ai Cập. Giới cầm quyền ở Burkina Faso đang bị dồn vào chân tường, do đó cần khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách như tăng lương cho viên chức, kiểm soát và ổn định giá thực phẩm thiết yếu, lập lại kỷ cương trong quân đội và cam kết không kéo dài thời hạn nhiệm kỳ tổng thống. Vấn đề cuối cùng này đang đặc biệt gây nhiều tranh cãi. Hiện có một chiến dịch vận động chống lại sự thay đổi trong quy định hạn chế thời gian giữ cương vị tổng thống chỉ hai nhiệm kỳ, trong khi đảng cầm quyền có kế hoạch sửa đổi Hiến pháp để ông Compaoré có thể tiếp tục tái tranh cử sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm hiện nay vào năm 2015. 

Được đánh giả là thành công bước đầu trong lần ra mắt Chính phủ mới, nhưng tân Thủ tướng Tiao còn phải đương đầu với một khó khăn khác đến từ bên ngoài. Theo một nguồn tin thân cận với Phủ Tổng thống Burkina Faso từ Paris, không phải quân đội nổi loạn mà chỉ là nhóm quân nhân xuất thân cùng một khóa đào tạo trong đó đa số từ nước ngoài trở về. Thông tin này, dù chưa được kiểm chứng, vẫn như đổ thêm dầu vào chảo lửa vốn đã sôi sùng sục, trong lúc Thủ tướng mới muốn hàn gắn một đất nước Burkina Faso bị chia rẽ.

Không ít nhà phân tích nhận định, dù Ouagadougou có tìm cách làm tất cả những gì có thể để kiểm soát tình hình, cũng không còn nhiều thời gian để các biện pháp đó đủ sức nặng giải tỏa tình thế nguy kịch hiện nay. Và khi đó, chính người dân Burkina Faso sẽ quyết định vận mệnh của đất nước.

Nguyễn Minh