Nghị định quy định chi tiết một số điều luật an toàn thực phẩm: Chặt chẽ và cứng rắn để bảo vệ lợi ích cộng đồng

16/04/2011 07:37

Bộ Y tế đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội thông qua năm 2010 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1.7 tới.

Nguồn: tapchitaichinh.vn
Nguồn: tapchitaichinh.vn

Dự thảo 14 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) có 8 chương, 27 điều, phạm vi điều chỉnh gồm: (1) công bố hợp quy và thời hạn của giấy xác nhận công bố hợp quy đối với thực phẩm; (2) quy định về bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người và môi trường của thực phẩm biến đổi gen; (3) đối tượng sản xuất, kinh doanh không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; (4) miễn kiểm tra và kiểm tra nhà nước về ATTP đối với một số thực phẩm nhâp khẩu…; (5) Ghi hạn sử dụng trên nhãn đối với thực phẩm; (6) phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP... Theo đánh giá chung, Dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa được những quy định của Luật ATTP, góp phần nhanh chóng đưa Luật ATTP vào trong cuộc sống. Dự thảo Nghị định bước đầu đã phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Việc phân định này thực sự cần thiết nhằm đưa công tác quản lý đi vào nền nếp, phù hợp với cách thức quản lý trong tình hình mới, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm quản lý như những năm vừa qua.

Hội thảo góp ý vào Dự thảo 14 do Bộ Y tế tổ chức ở TP Hồ Chí Minh hôm 8.4 có sự tham dự của hơn 300 đại biểu thuộc nhiều thành phần trong xã hội.

Thức ăn đường phố: quản lý hay để ngỏ?

Một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm tại hội thảo nói trên là những quy định về đối tượng không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Theo Khoản 2 Điều 12 của Dự thảo, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tiến hành thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo đúng quy định tại Chương V của Luật ATTP, trừ các trường hợp sau: a) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình; b) Kinh doanh thức ăn đường phố, bán hàng rong; c) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định.

Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam luật sư Phan Thông Anh đồng ý với hai trường hợp loại trừ (a) và (c) nhưng đề nghị xem lại đối với trường hợp (b) vì chất lượng thức ăn đường phố (loại chế biến) hiện nay đang là vấn đề nóng liên quan đến sức khỏe của cộng đồng, rất mất vệ sinh. Theo luật sư Phan Thông Anh, đối với kinh doanh thức ăn đường phố qua chế biến cần phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP [có thể loại bỏ hàng rong (không qua chế biến)] là không phải làm thủ tục.

Luật sư Nguyễn Văn Thi, Công ty Luật TNHH Brandco và cử nhân luật Phạm Thị Hương Lan dẫn Điều 22 Luật ATTP quy định: cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm ATTP. “Nhưng theo Dự thảo nghị định, các cơ sở này không phải chứng minh sự đáp ứng các điều kiện đó. Đề nghị Ban soạn thảo cho biết cách thức quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở này”.

Luật sư Võ Thành Vị, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc Dự thảo Nghị định trừ trường hợp (b), không có quy định về quản lý nhà nước đối với các đối tượng này, có thể được hiểu là bỏ ngỏ, ai muốn kinh doanh như thế nào cũng được. Vì vậy, ông kiến nghị giao UBND phường, xã, thị trấn kiểm tra, quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ và hộ gia đình. UBND phường, xã, thị trấn buộc các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ làm giấy cam kết về ATTP, dán tại nơi buôn bán. Nội dung giấy cam kết này tùy theo mặt hàng có nội dung theo mẫu quy định. Theo luật sư Võ Thành Vị, biện pháp này để hướng dẫn các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ phải bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng, nếu có vi phạm thì bị xử lý theo quy định, giao cho UBND phường, xã , thị trấn xử phạt vi phạm hành chính. Đối với những người kinh doanh thức ăn đường phố, bán hàng rong, không thể giao cho UBND phường, xã, thị trấn quản lý vì họ buôn bán qua nhiều địa phương khác nhau. Trước mắt chỉ có biện pháp là hạn chế họ mua bán trên một số tuyến đường, luật sư Vị nói. Quy định này, theo ông, còn nhằm mục đích để giữ gìn sạch sẽ và mỹ quan của đô thị.

 Cơ quan nào quản lý chợ cóc?

        Điều 20.2 trao thẩm quyền cho Bộ NN và PTNT theo chuỗi từ nông trại đến bàn ăn đối với phần lớn các sản phẩm thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, và kinh doanh.

        Điều 21.4 trao thẩm quyền cho Bộ Công thương đối với an toàn thực phẩm của các chợ, siêu thị, chợ đầu mối, hệ thống dự trữ và phân phối sản phẩm. Điều 21.4 không giới hạn thẩm quyền của Bộ Công thương ở các sản phẩm dưới quyền quản lý của Bộ Công thương như được quy định tại Điều 21.5. Điều này gợi ý rằng Điều 21.4 rộng hơn, bao quát tất cả các loại sản phẩm thực phẩm.

        Chúng tôi khuyến nghị rằng Điều 20 và 21 cần phải được làm sáng tỏ hơn để tránh khả năng chồng chéo thẩm quyền sau này. Chúng tôi cũng gợi ý rằng các điều khoản nên quy định cụ thể cơ quan quản lý nào có thẩm quyền quyết định đối với kiểm tra thanh tra thực phẩm tại các chợ cóc và các loại chợ địa phương tạm thời khác vì những loại này vẫn còn chiếm ưu thế trong bán lẻ thực phẩm tại Việt Nam.

        Dự án USAID/STAR+ Project

Quản lý nhà nước: giao cụ thể từng bộ

Dự thảo 14 dành 9 điều (từ điều 17 đến điều 25) quy định quản lý nhà nước về ATTP. Nội dung này nhận được nhiều góp ý từ các luật gia.

Khoản 4, Điều 17 Dự thảo quy định: các nhóm thực phẩm, sản phẩm thực phẩm có chứa nhiều thành phần mà các thành phần đó thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ khác nhau thì trách nhiệm quản lý thuộc về bộ quản lý thành phần chính hoặc thành phần quyết định đặc tính đặc trưng, tên gọi của sản phẩm. Trưởng văn phòng luật sư VNC Hoàng Văn Sơn đề nghị giao cụ thể cho từng bộ, bởi vì không có cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định thành phần chính hoặc thành phần quyết định đặc tính, đặc trưng, tên gọi của sản phẩm. Vì vậy, khi xảy ra trách nhiệm dễ bị đùn đẩy. Theo ông Sơn, việc giao cụ thể dựa trên hoạt động quản lý chủ yếu, ví dụ: đối với hàng nhập khẩu giao cho Bộ Công thương, các loại khác giao cho Bộ Y tế, các bộ này có trách nhiệm hỏi ý kiến lẫn nhau để tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc phải chờ đợi lâu.

Khoản 7 Điều 17 Dự thảo quy định các Bộ có liên quan ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn phân công quản lý nhà nước về ATTP và đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, thực hiện phân cấp cho UBND các cấp quản lý nhà nước về ATTP trong phạm vi địa phương. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 19 Dự thảo quy định: Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về ATTP.

Luật sư Võ Thành Vị cho rằng, như vậy, có rất nhiều cơ quan nhà nước có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP: UBND các cấp; thanh tra của các Bộ chuyên ngành; quản lý thị trường các cấp. Nhiều cơ quan cùng chịu trách nhiệm thì khó xác định được cơ quan nào chịu trách nhiệm, ông Vị nói và đề nghị cần thiết phải giao cho UBND các cấp để quản lý nhà nước về ATTP trong phạm vi địa phương. Khi phát hiện cơ sở vi phạm ATTP, UBND chuyển giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành xử lý, theo nguyên tắc phân công quản lý tại Điều 4 Dự thảo Nghị định. Luật sư Phan Thông Anh lưu ý, việc thực hiện phân cấp cho UBND các cấp trong quản lý nhà nước về ATTP trong phạm vi địa phương là cần thiết trong hoạt động quản lý nhà nước nhưng cần quy định rõ ràng phạm vi trách nhiệm quyền hạn của từng cấp để đảm bảo tính hiệu lực thực hiện của văn bản.

Nghị định hướng dẫn thi hành Luật ATTP có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích chung, liên quan đến tính mạng, sức khỏe của cộng đồng do đó cần phải quy định một cách chặt chẽ và cứng rắn. Và, Luật ATTP có thể đi vào đời sống xã hội hay không lệ thuộc không nhỏ đối với việc ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật.

 Ghi hạn sử dụng: doanh nghiệp muốn như cũ

        Khoản 1 Điều 16 Dự thảo Nghị định quy định: Hạn sử dụng an toàn bắt buộc phải ghi ngày hết hạn sử dụng hoặc hạn sử dụng cuối cùng đối với những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng do vi sinh vật. Hạn sử dụng an toàn đối với các thực phẩm khác có thể ghi sử dụng tốt nhất trước ngày phù hợp với loại sản phẩm thực phẩm.

        Trưởng ban Quản lý chất, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) Nguyễn Thị Thúy Hà đề nghị vẫn giữ theo Nghị định 89/2006/NĐ - CP hướng dẫn ghi nhãn thực phẩm là HSD/NSX. Lý do: nhận thức của người tiêu dùng hiện tại là sau thời hạn sử dụng ghi trên nhãn thì sản phẩm không còn giá trị sử dụng, nên không cần thiết phải thay đổi.

        Giám đốc Quy chế, Văn phòng đại diện Công ty Abbott Laboratories tại Việt Nam Nguyễn Hồng Uy cùng quan điểm với bà Thúy Hà và kiến nghị: có thể ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng theo tháng/năm hoặc ngày/tháng/năm cho các thực phẩm có hạn sử dụng dài trên 1 năm theo tiêu chuẩn Codex để hội nhập với quốc tế.