Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa chính sách dân tộc của đảng và Nhà nước ta

Thạc sĩ Mã Điền Cư
Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc
15/04/2011 07:30

Việt Nam là quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 53 dân tộc thiểu số. Các dân tộc của nước ta sống xen kẽ với nhau trên địa bàn rộng lớn, chiếm 14% dân số cả nước. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc có một vị trí chiến lược quan trọng. Từ khi Đảng ta ra đời, đặc biệt là sau ngày thực hiện công cuộc đổi mới (1986) đến nay, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; củng cố an ninh quốc phòng ở miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Mở đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Bộ chính trị khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế xã hội miền núi, tinh thần của Nghị quyết đã nhấn mạnh quan điểm của Đảng là: Phát triển kinh tế - xã hội miền núi là một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế quốc dân, là sự nghiệp chung của nhân dân cả nước, đồng thời phát triển miền núi toàn diện cả về kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện chính sách dân tộc của Đảng.

Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng đã xác định: “Đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của mỗi dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Có chính sách phát triển kinh tế hàng hóa ở các vùng dân tộc thiểu số phải phù hợp với điều kiện và đặc điểm từng vùng, từng dân tộc; bảo đảm cho đồng bào các dân tộc khai thác được thế mạnh của địa phương để làm giàu cho mình và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tôn trọng tiếng nói và chữ viết của các dân tộc”.

Các Nghị quyết đại hội VIII, IX và X tiếp tục khẳng định các quan điểm của Nghị quyết Đại hội lần thứ VII và có phát triển, bổ sung một số quan điểm cho phù hợp với từng thời kỳ. Thực hiện các Nghị quyết đại hội Đảng các khóa nói trên, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, Thông tri, chỉ thị để chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc mang lại hiệu quả tích cực, trong đó Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 24- NQ ngày 12.03.2003 về công tác dân tộc. Những chính sách dân tộc của Đảng đã được quy địnnh trong Hiến pháp năm 1992 và  các văn bản pháp luật trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, các vấn đề xã hội, vấn đề đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số, như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Quốc tịch, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật ngân sách nhà nước, Luật công nghệ thông tin, Luật Xuất bản, Luật giáo dục, Luật thanh niên, Luật phổ cập giáo dục tiểu học, Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Luật bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Luật dạy nghề, Luật bình đẳng giớái, Luật tương trợ Tư pháp, Luật hôn nhân và gia đình…

Những quy định của pháp luật về chính sách dân tộc trên đây là cơ sở pháp lý quan trọng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa bằng nhiều Nghị định, Nghị quyết, các chương trình, các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng có đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách đặc thù đối với một số dân tộc và gần đây Chính phủ đã có Nghị quyết số 30a về chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo.

Qua tổng kết các chính sách dân tộc nói trên, chúng ta có thể khẳng định rằng sau hơn hai mươi năm việc thể chế hóa và cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đảng và Pháp luật của Nhà nước ta liên quan đến công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã được thực hiện có hiệu quả, tình hình ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước chuyển biến quan trọng. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản đã được Hiến pháp xác định và được thể hiện trên mọi lĩnh vực xã hội. Đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Nền kinh tế nhiều hành phần ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được hình thành và phát triển, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiển rõ rệt. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả to lớn. Mặt bằng dân trí đã được nâng lên. Sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển mạnh. Bản sắc văn hóa các dân tộc được gìn giữ và phát huy. Việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa được quan tâm hơn. Hệ thống chính trị ở các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tăng cường, củng cố. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản đã được ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững.

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, tình hình mọi mặt ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn: kinh tế còn chậm phát triển, tình trạng di dân tự do vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số vùng không có đất sản xuất để giải quyết cho những hộ nghèo không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Kết cấu hạ tầng ở một số vùng còn yếu kém. Chính sách đối với lâm nghiệp chuyển biến chậm, chưa thật sự đảm bảo cho đồng bào sống và gắn bó với rừng. Nhiều nơi, môi trường sinh thái đang tiếp tục bị suy thoái. Tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp, việc đào tạo nghề chưa được quan tâm đúng mức. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Một số tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chưa được đẩy lùi. Mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào còn thấp. Hệ thống chính trị cơ sở ở nhiều vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn yếu, trình độ của đội ngũ cán bộ còn hạn chế.

Những yếu kém trên đây có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước  về công tác dân tộc và chính sách dân tộc  tuy đã được ban hành nhưng chưa phản ánh đầy đủ những yêu cầu, bức xúc trong quá trình chuyển đổi kinh tế từ mô hình kinh tế tập trung – quan liêu – bao cấp sang cơ chế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, việc thể chế hóa, cụ thể hóa chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về dân tộc còn phân tán, thiếu đồng bộ, còn hình thức, thiếu tính bền vững. Một số quy định của pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống của đồng bào miền núi và vùng dân tộc thiểu số.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước quản lý xã hội chủ yếu bằng pháp luật trên mọi lĩnh vực. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các chính sách dân tộc của Đảng và pháp luật của nhà nước.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng, Dự án Luật Dân tộc đã được đưa vào chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh của Quốc hội từ khóa IX đến khóa XI. Dự án  Luật Dân tộc khóa XI đã qua 5 lần dự thảo, tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan, dự án Luật Dân tộc chưa được trình xem xét thông qua tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XII; tuy nhiên Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ- CP ngày 14.01.2011 về công tác dân tộc nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, nhằm bảo đảm và thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc cùng chung sống trên cùng một lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trước mắt, Luật dân tộc chưa được ban hành, đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm cụ thể hóa Nghị định của Chính phủ về công tác dân tộc bằng những chính sách, chương trình, dự án cụ thể như: Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực; chính sách đầu tư phát triển bền vững; chính sách giáp dục và đào tạo; chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số; chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số; chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa; chính sách phát triển thể dục thể thao vùng dân tộc thiểu số; chính sách phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số; chính sách y tế dân số; chính sách thông tin truyền thông; chính sách phổ biến giáo dục, pháp luật và hỗ trợ tư pháp; chính sách quốc phòng an ninh. Với những cơ chế, chính sách đặc thù tạo sự đột phá nhanh, mạnh mẽ nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện các chính sách dân tộc nói trên, chúng ta sẽ sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Nghị định của Chính phủ và trên cơ sở đó có thể đề xuất xây dựng Dự án luật Dân tộc cho thời gian tới.

<I>Thạc sĩ</I> Mã Điền Cư<BR><I>Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc </I>