Đăng ký bản quyền cho diều sáo Việt Nam

Thảo Nguyên ghi 14/04/2011 07:45

Đó là mong mỏi của Chủ nhiệm Câu lạc bộ diều Việt Nam, nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm, để khi nhắc tới sáo diều, mọi người sẽ nhớ ngay tới đất nước Việt Nam. Ông cho biết thêm:

Đúng như tên gọi của mình, diều sáo gồm 2 phần chính: diều và sáo, được làm nên bởi những nguyên liệu thân thuộc, sẵn có ở hầu hết làng quê. Diều sáo có cái nôi là vùng đồng bằng Bắc bộ. Tạm chia làm 3 vùng, vùng Hà Nội và Hà Tây cũ có diều sáo làm theo hình cánh lá muỗm hay lá chanh. Vùng Hải Dương, diều có thêm đuôi làm đối trọng. Riêng vùng Thái Bình thì phần đối trọng của diều khác của Hải Dương. Cách khoét sáo mỗi vùng khác nhau, theo phương pháp thủ công, đơn chiếc và không theo quy chuẩn nào. Bởi vậy người nước ngoài vẫn thường nghĩ người Việt dùng máy móc để làm ra sáo diều, đã rất ngạc nhiên khi được chứng kiến quy trình làm loại diều này.

Qua tham dự, giao lưu tại các Festival diều trong nước và quốc tế, có thể thấy rằng, một số diều ở các quốc gia cũng phát ra tiếng kêu, nhưng chỉ là những âm thanh đơn giản, như tiếng “vù vù” của cánh diều Campuchia, được phát ra từ một văng tre cong, trên có một chiếc lá thốt lốt. Không quốc gia nào có diều sáo giống Việt Nam, với một dàn sáo có chức năng như một bộ nhạc cụ với âm thanh tinh tế. Khi diều sáo Việt Nam trình diễn tại các Festival diều quốc tế, đã có rất nhiều du khách ngỡ ngàng trước tiếng kêu độc đáo của nó. Như Festival ở Thái Lan, diễn ra tháng 2.2010, có 25 quốc gia tham dự, mỗi nước biểu diễn diều của nước mình trong 20 phút cho quan khách xem. Khi đoàn Việt Nam biểu diễn xong, có hai cụ già nói rằng, họ đã xem rất nhiều con diều khác nhau, nhưng bây giờ mới có dịp xem sáo diều của Việt Nam, và rất thỏa nguyện. Thậm chí, nhiều nghệ nhân diều của các quốc gia cũng đến xem xét tỉ mỉ về con diều sáo của Việt Nam và rất thích thú.

Tuy vậy, hiện nay, vấn đề bản quyền của diều sáo Việt Nam rất đáng lo ngại. Tại Festival diều quốc tế ở Pháp năm 2008, Ban tổ chức có những tài liệu quảng bá diều sáo Việt Nam, nhưng Câu lạc bộ diều Huế (đại diện Việt Nam tham dự), lại không mang theo sáo diều và không có diều sáo để giới thiệu. Trong khi đó, một du khách Đức đã thả diều sáo Việt Nam theo thành phần thả tự do, cũng là sáo mộc, dán giấy xi măng, khung tre... Ông còn tặng tài liệu do chính ông viết, dạy cách làm sáo diều Việt Nam và các loại diều phát ra tiếng kêu trên thế giới. Người nước ngoài có công thức làm sáo diều, trong khi nước ta chưa làm được điều này... Nên chăng Cục Di sản văn hóa cần nghiên cứu để đăng ký bản quyền cho diều sáo Việt Nam.

Thảo Nguyên ghi